Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ vào ‘danh sách đen’
Bên cạnh phạt hành chính, những trường hợp cá nhân vi phạm, bao gồm các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ bị xem xét kiến nghị đưa vào blacklist (danh sách đen) của Bộ TT-TT.
Chiều 5/10, trong cuộc họp thường kỳ tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, câu hỏi của báo chí đặt ra với cơ quan quản lý liên quan sự việc diễn viên Cát Tường quảng cáo sai sự thật gây ồn ào thời gian qua.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đơn vị có bộ phận chuyên rà soát mạng xã hội, kiểm tra các tài khoản đưa tin sai sự thật, trong đó bao gồm nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng.
Với các cá nhân, đơn vị được xác định là vi phạm, Sở sẽ xem xét đưa các cá nhân này vào blacklist (danh sách đen) của Bộ TT-TT. Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, doanh nghiệp được khuyến cáo không hợp tác với các kênh nằm trong danh sách này.
Các nghệ sĩ quảng cáo lố, sai sự thật sẽ vào ‘danh sách đen’ của Bộ TT-TT.
“Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng danh sách trắng và danh sách đen. Danh sách trắng khuyến khích các nhà quảng cáo xây dựng tài khoản, hỗ trợ họ. Ngược lại, danh sách đen là những người vi phạm trong quảng cáo có xử phạt, tái phạm. Đây cũng là cách để chúng tôi góp phần xây dựng môi trường mạng trong sạch hơn trong thời gian tới”, ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo đại diện Sở TT-TT, quy chế xử lý các tài khoản vi phạm thông tin trên mạng xã hội dự kiến hoàn thiện cuối năm nay. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chặn các tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
NSND Hồng Vân từng “cúi đầu nhận lỗi với khán giả” vì quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.
Video đang HOT
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết việc quản lý nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo đã được quy định tại điều 9, khoản 4 về Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ngày 13/12/2021).
Trong đó, nội dung nêu rõ: “Nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”.
Cát Tường bị phản ứng vì quảng cáo lố sản phẩm sữa và nhiều mặt hàng khác.
Thời gian qua câu chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, lố, gây bức xúc với khán giả lẫn truyền thông. Gần đây nhất, những đoạn clip diễn viên Cát Tường quảng cáo sản phẩm sữa khẳng định có “tác dụng trị tiểu đường” sai sự thật, khiến dư luận bức xúc.
Cuối tháng 9, Cát Tường tổ chức gặp mặt báo chí lên tiếng nhận trách nhiệm, xin lỗi về vụ việc, mong được khán giả tha thứ.
Nữ diễn viên thừa nhận bản thân đã sai vì phát ngôn “lố”, không sử dụng đúng từ ngữ chuyên môn khi quảng cáo. Bên cạnh đó, cô cho rằng do các clip quảng cáo của mình xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, từ đó gây ra phản cảm, khiến khán giả khó chịu.
Tuy nhiên, ngay khi video xin lỗi của Cát Tường được đăng tải, công chúng tiếp tục chỉ trích.
Trên VietNamNet, nhiều độc giả gửi ý kiến bày tỏ bức xúc vì cho rằng Cát Tường đã vô trách nhiệm ở vai trò nghệ sĩ, khiến nhiều khán giả tin tưởng cô và mua sản phẩm dùng không hiệu quả. Ngoài Cát Tường, những trường hợp nghệ sĩ khác như Q.L, L.D.B.L, H.V… cũng từng bị phê bình vì “thần thánh hóa” các thực phẩm chức năng khi quảng bá, giới thiệu trên trang cá nhân và các kênh mạng xã hội.
Tình trạng nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, thậm chí bán hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn nhức nhối trong showbiz Việt. Dư luận bày tỏ mong cơ quan quản lý cần biện pháp quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng này, góp phần làm sạch nền văn hóa – giải trí cũng như không gian mạng.
Chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Một tay vỗ không kêu
Phải chăng chỉ có MC Cát Tường đáng bị lên án? Và chuyện nghệ sĩ quảng cáo dừng lại ở mức 'câu chuyện' hay đã đến hồi báo động như một vấn nạn?
Mới đây, MC Cát Tường gặp gỡ báo chí, đưa ra lời xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Tất nhiên, nghệ sĩ này phải chịu trách nhiệm trước công chúng. Nhưng, phải chăng chỉ có MC Cát Tường đáng bị lên án? Và việc nghệ sĩ quảng cáo chỉ dừng lại ở mức "câu chuyện" hay đã đến hồi báo động như một vấn nạn trong giới showbiz?
Về tình, chúng ta có thể cảm thông cho MC Cát Tường và các nghệ sĩ đóng quảng cáo bởi họ cũng cần phải có thu nhập để lo cho cuộc sống. Hơn nữa, nghệ sĩ không có đủ chuyên môn để thẩm định tiêu chuẩn sản phẩm. Có lẽ, điều mà họ quan tâm là thù lao và một chút cả tin với sản phẩm mình cầm trên tay.
Nhưng về tổng thể, chúng ta không thể bênh cho việc quảng cáo bất chấp bởi đó là vấn đề về đạo đức. Nếu không kiểm tra được sản phẩm có thực sự tốt (qua trải nghiệm bản thân hay kiểm tra chuyên môn), đừng vì lợi ích cá nhân (thù lao) mà bất chấp thổi phồng công dụng sản phẩm.
Đó có thể quy về tội lừa gạt khi đưa ra thông tin sai sự thật. Đây là vấn đề đạo đức bởi không ai biết việc dùng các sản phẩm về lâu dài sẽ có hậu quả ra sao. Nếu người dùng phải chịu cảnh "tiền mất tật mang", trách nhiệm của MC Cát Tường và những nghệ sĩ quảng cáo khác không chỉ dừng ở mức "lời xin lỗi là xong".
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc mua bán hàng online thịnh hành, chuyện vàng thau lẫn lộn khó tránh khỏi nên người mua phải cân nhắc chi tiền cho sản phẩm nào đó. Chẳng phải tự nhiên mà cụm từ "người tiêu dùng thông minh" ra đời. Không thiếu những trường hợp người tiêu dùng mua thuốc, thực phẩm chức năng... vì nghệ sĩ yêu thích quảng cáo, còn sản phẩm đáng tin cậy hay không thì... mù tịt.
Trong hoàn cảnh này, việc "tin" vào nghệ sĩ còn cao hơn là tin vào chất lượng hàng hóa. Đó là lý do nhiều nhãn hàng chọn các nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để quảng bá. Hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ bản thân, nhất là khi quyết định dùng những sản phẩm liên quan tới sức khỏe.
Các đơn vị quản lý trên không gian mạng cũng cần có trách nhiệm trong vấn đề này. Những video quảng cáo liệu đã được kiểm duyệt đầy đủ?
Khi MC Cát Tường bị lên án cẩu thả khi chọn quảng cáo, việc các video quảng cáo sai sự thật bị phát tán cũng cần phải có người chịu trách nhiệm.
Những nhà sản xuất tất nhiên phải chịu trách nhiệm cao nhất. Với những sản phẩm về sức khỏe, sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Trong kinh doanh, lợi nhuận là cần thiết nhưng còn tùy vào mặt hàng và mức độ ảnh hưởng.
Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm là cần thiết nhưng những thông tin truyền tải cần ở mức cho phép và đúng đắn, không thể vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức.
Việc các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm chỉ là bề nổi của hệ thống quản lý còn khá lỏng lẻo, khi chưa có nhiều quy chuẩn và biện pháp xử lý đủ sức nặng. Nhiều vi phạm thiếu cơ sở pháp lý để xử lý nên "vấn nạn" này ngày càng gây bức xúc. Nhiều nghệ sĩ đã xin lỗi nhưng mọi chuyện lại đâu vào đó.
Để làm "trong sạch" việc nghệ sĩ quảng bá các sản phẩm về sức khỏe, cần sự chung tay của mọi tầng lớp. Khi tất cả cùng đặt "chữ tâm" lên cao hơn "chữ tiền", gốc rễ của vấn đề sẽ phần nào được giải quyết.
Nghệ sĩ Việt lợi dụng tình cảm của khán giả để quảng cáo sai sự thật Tiến sĩ Cao Ngọc cho rằng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông. Ngày 27/2, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng...