Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền: Còn sức khỏe, còn khán giả là còn hát
Tham gia chương trình Quán thanh xuân lần thứ 2, Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền khiêm tốn cho rằng, bà cảm thấy vinh dự và tự hào khi đã được ekip tạo điều kiện cho những thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi như mình được tham gia chương trình ý nghĩa và nhân văn này
Xuất hiện trong chương trình Quán thanh xuân đặc biệt với chủ đề “Những mùa xuân đẹp nhất” phát sóng vào tối mùng 5 Tết Tân Sửu, Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền đã đem đến những câu chuyện thú vị về cuộc đời mình và đặc biệt là khán giả sẽ được thưởng thức hai ca khúc “đóng đinh” với tên tuổi của bà là “Tình cây và đất” và “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.
Tham gia chương trình Quán thanh xuân lần thứ 2, Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền khiêm tốn cho rằng, bà cảm thấy vinh dự và tự hào khi đã được ekip tạo điều kiện cho những thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi như mình được tham gia chương trình ý nghĩa và nhân văn này. Đây cũng là chương trình mà bà thường xuyên theo dõi từ khi xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền chia sẻ tại chương trình Quán thanh xuân. (Ảnh: VTV)
Ở độ tuổi U70 nhưng Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền vẫn giữ được chất giọng cao vút, đầy nội lực. Vẻ trẻ trung của bà cũng khiến khiến cho nhiều người phải ngưỡng mộ. Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền sinh năm 1952 và là một nữ ca sĩ nổi tiếng với những ca khúc nhạc cách mạng, trữ tình, dân ca.
Sự nổi tiếng với những ca khúc về miền Trung, về Bác khiến nhiều người nghĩ bà là người con xứ Nghệ nhưng sự thật lại không phải vậy. Quê cha Phú Thọ, sinh ở Thái Bình, lớn lên ở Hà Nội nhưng sống chủ yếu ở miền Trung trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói “khoai lúa của miền Trung nuôi mình, cho nên cứ hay nặng lòng với miền Trung”.
Nghệ sĩ Thu Hiền theo con đường nghệ thuật từ năm 10 tuổi và vào chiến trường đi hát khi mới 15, 16 tuổi. Ban đầu bà là diễn viên sân khấu, cũng từng nhận một huy chương vàng nhưng nhận thấy việc ca hát nổi trội hơn nên theo nghiệp hát.
Bà chia sẻ, âm nhạc dân gian là nguồn mạch âm ỉ trong mỗi con người, ngày xưa mà bây giờ cũng thế. Dân ca thường đi vào lòng người, bởi văn hóa mỗi vùng miền chính là câu ca, tiếng hát.
Vì sao câu ca xứ Nghệ hát lên nghe đau lòng, dân ca quan họ lanh lảnh, vui tươi, còn những khúc dân ca miền núi lại cao vút. Hát dân ca phải nắm được hơi thở, cuộc sống, cách phát âm của vùng miền đó.
Âm nhạc – mà chỉ có thể là những giai điệu dân ca, trữ tình, cách mạng – là cuộc sống của Thu Hiền. Bà gần như giãy nảy khi được hỏi liệu có thể hát những dòng nhạc khác. “Có chọn lại tôi vẫn chọn như thế thôi. Không thể liều mình, mỗi bông hoa màu sắc có thể giống nhau nhưng mùi hương phải riêng biệt”- nữ nghệ sĩ trải lòng.
Video đang HOT
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền trình bày bài hát Tình cây và đất. (Ảnh: VTV)
Nhiều người nghĩ nghệ sĩ Thu Hiền chỉ hát bằng giọng thật nhưng tại chương trình, bà “bật mí” rằng mình có hát giả thanh, nhưng tất cả kết hợp thế nào, giả thanh và giọng thật phải quan trọng truyền tải được tình cảm, hồn bài hát đến công chúng.
Cũng tại đây, nhiều người mới biết sự thực bà tên là Nguyễn Thị Thanh Huyền sau vào chiến trường ca hát đổi là Thu Hiền. Một trong những điểm nhấn của chương trình là tiết mục “Câu hò bên bờ Hiền Lương” mà nghệ sĩ gửi tặng một người lính Thành cổ Quảng Trị năm xưa tại chính trường quay.
Người ta thường bảo, những học trò của Thu Hiền đều là người tài giỏi thành công, vì thế không phải ai cũng được bà giảng dạy. Thế nhưng khi được hỏi đến tiêu chí lựa chọn học sinh được học lớp của cô Thu Hiền, bà cười xòa nói: “Tôi không có lựa chọn ai cả đâu vì tôi coi các em như hậu bối của mình mà thôi. Tôi luôn cố gắng để giúp các em được trở nên xuất sắc nhất. Rất vui là nhiều em được tôi giảng dạy đã trở thành ngôi sao và gặt hái nhiều thành tựu như Thành Lê, Bích Hồng, Thu Hằng, Huyền Trang…
Tôi không dạy chính thức ở Nhạc viện nhưng nhà trường lại gửi học sinh ra học. Ở trường thì học, qua Thu Hiền thì được “hành”. Theo tôi “hành” cũng rất quan trọng. Qua nhà trường được học đầy đủ lý thuyết, các môn của âm nhạc rồi lại ra trường đời. Mỗi một người nghệ sĩ có một trường đời cho mình mà nhất là mình lại theo dòng nhạc dân gian. Có nhiều kinh nghiệm cuộc đời truyền cho các em ngọn lửa đam mê và thổi hồn cho câu hát sao cho hát dân ca tròn vành rõ chữ và đúng dân ca của các vùng miền”- nữ nghệ sĩ tâm sự.
Có lẽ vì sinh ra trong thời chiến, nên ý niệm của bà khi bắt đầu đi hát và mãi về sau này là muốn đem tiếng hát để phục vụ cho đất nước. Còn sau này thế hệ trẻ trong thời bình khi đi hát lại hướng đến những mục đích riêng.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền chia sẻ: “Nghệ thuật là một món ăn tinh thần hiệu quả, mỗi người một sở thích riêng nên bất kể hướng đi âm nhạc của các bạn trẻ ra sao, tôi luôn khuyến khích. Tôi thấy âm nhạc của thế hệ trẻ bây giờ rất độc đáo, hiện đại và mới mẻ, kể cả có hát nhạc dân tộc thì vẫn sáng tạo một phong cách rất mới”.
Thời gian đi diễn với Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền giờ đây không còn nhiều như trước. Bà chỉ chọn lọc những chương trình hợp với tính cách bản thân và không khiến bà cảm thấy quá căng thẳng. Nhưng có một thói quen không thể bỏ của bà đó là dành các buổi chiều ngồi nghe đĩa nhạc của chính mình và các ca sĩ trẻ. “Nghe các ca sĩ trẻ để mình không bị cũ, xem giới trẻ bây giờ hát dòng nhạc của mình thế nào, xem mình có cần sửa gì không, bởi đôi khi mình sẽ đi theo lối mòn cổ nếu không biết lắng nghe cả cách hát lẫn cách phối khí của các bạn ấy”.
Từng đi qua chiến tranh, nằm ở chiến trường ác liệt, từng dùng tiếng hát thay cho thuốc gây mê để mổ cho bộ đội bị thương, từng cõng đồng đội chết trên lưng, nghệ sĩ Thu Hiền thấu tận nhiều điều trong cuộc sống. Với bà, cuộc sống cũng có nhiều lúc buồn nhưng sau đó bà đều tự hát “thôi đành ru lòng mình vậy” để bước qua nó.
“Cuộc sống dù có như thế nào tôi vẫn bằng lòng. Bây giờ không bằng lòng thì mình tự làm khổ mình thôi. Tôi thường nhường nhịn, kể cả gia đình, bạn bè, mình chấp nhận mọi thứ, cái gì cho qua được thì cho qua bởi không còn quỹ thời gian nhiều để giận hờn nữa, mà cái gì giận quá thì tôi im lặng. Mình có sức khỏe, thế là tốt rồi, cứ cố sống sao cho tử tế”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Là nữ nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng Việt Nam thế nhưng đến với chương trình Quán thanh xuân thể hiện hai ca khúc đã quá quen thuộc, bà bảo, lúc nào bước ra cũng có cảm xúc thật đặc biệt và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả. “Còn sức khỏe, còn khán giả là còn hát”, nghệ sĩ nhấn mạnh.
"Quán thanh Xuân" gặp gỡ khán giả đầu Xuân Tân Sửu 2021
Với số đặc biệt mang chủ đề Hội Quán thanh xuân- thông qua những câu chuyện riêng, những ký ức chung ... khán giả sẽ cùng chia sẻ những mơ ước của thế hệ và hơi thở của thời đại được truyền tải trong những số phát sóng của Quán thanh xuân 2020 đầy xúc cảm.
Những cảm xúc đặc biệt nhất khi nhìn lại Quán thanh xuân
Đó là Quán thanh xuân tháng 10.2020 - Leng keng ngày tháng cũ - một tiếng rao khe khẽ để đánh thức những ký ức của mỗi người với một chuyến hành trình đặc biệt. Một Hà Nội trong ký ức mỗi người từng sống, từng đi qua và từng gắn bó đều ăm ắp những kỉ niệm riêng. Một Hà Nội hào hoa và đầy chất thơ. Một Hà Nội nghèo khó, nhưng thanh tao. Hà Nội với mỗi người không phải chỉ là những con phố, những tên đường - nó là ký ức với tất cả yêu thương trìu mến, thoảng nét hài hước... Một bước lùi để hoài niệm về quá khứ nhưng vẫn nhìn nhận cuộc sống trong dòng vận động không ngừng.
Đến với "Quán thanh Xuân", nhiều khách mời có thời gian nhớ lại về kỷ niệm xưa cũ.
Quán thanh xuân tháng 8.2020 - Bật ti vi tìm ký ức - Công nghệ có làm biến đổi nền tảng phát sóng, nhưng tình yêu và nhiệt huyết của những người làm truyền hình các thế hệ luôn nối tiếp nhau không thay đổi và Quán thanh xuân giữ lại những ký ức đẹp nhất về một thời vô tuyến truyền hình cho khán giả. NSƯT, PTV Kim Tiến chia sẻ cùng MC Diễm Quỳnh và Anh Tuấn câu chuyện nghề nghiệp, kỷ niệm ngày Tết với những người làm truyền hình qua nhiều thế hệ.
Năm 2020 cũng được ghi nhớ với sự kiện Quán thanh xuân đoạt giải VTV Awards với chủ đề Về nhà xem phim - gợi lại trong mỗi chúng ta những kỉ niệm về khoảnh khắc cả gia đình ngồi trước màn hình nhỏ, cùng cười, cùng khóc, cùng giận dữ và đồng cảm với các nhân vật trong phim.
Những mùa xuân đẹp nhất được chia sẻ tại Quán thanh xuân
NSND Thu Hiền chia sẻ: Theo con đường nghệ thuật từ năm 10 tuổi và vào chiến trường đi hát khi mới 15, 16 tuổi. Quê cha Phú Thọ, sinh ở Thái Bình, lớn lên ở Hà Nội nhưng sống chủ yếu ở miền Trung trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói "khoai lúa của miền Trung nuôi mình, cho nên cứ hay nặng lòng với miền Trung".
NSND Thu Hiền biểu diễn bài Tình cây và Đất
NSUT Kim Tiến, gương mặt thân quen của khán giả VTV chia sẻ tâm sự của người làm truyền hình thế hệ trước, mỗi khi Tết đến xuân về.
Ca sĩ Mỹ Linh cũng có nhiều câu chuyện đặc biệt dành cho Quán thanh xuân. Khán giả truyền hình biết đến chuyện tình Mỹ Linh - Anh Quân khi cô đã ở trên đỉnh vinh quang nhưng không phải ai cũng biết những buổi đầu bước chân vào con đường âm nhạc của nữ ca sĩ tóc ngắn. Lần đầu tiên Mỹ Linh chia sẻ người đã động viên tin tưởng cô chính là NSND Quý Dương. Nhờ ông mà Mỹ Linh đã chọn ca hát làm sự nghiệp tỏa sáng với dấu ấn riêng biệt khi hát bất cứ bài nào và hiện cô là người dìu dắt những giọng ca trẻ.
NSUT Minh Vượng và NSND Minh Hòa - hai gương mặt để lại dấu ấn trong nhiều chương trình Quán thanh xuân năm 2020, với những câu chuyện mà khán giả không thể quên như anh Thành Violet của Minh Vượng, chiếc điện thoại của Minh Hòa... Cả hai chị cùng chia sẻ những kỷ niệm về cuộc đời diễn viên cùng những trải nghiệm trên mỗi bước đường nghệ thuật của mình.
Diễn viên NSUT Mỹ Uyên chia sẻ về kỷ niệm Tết ở Tây Ninh, qua đó "tranh thủ" khoe mâm cỗ Tết của người miền Nam, về sự tảo tần của những người phụ nữ trong gia đình vào dịp Tết. Từ những năm 1990, Mỹ Uyên đã từ Tây Ninh lên TP.HCM tham dự một cuộc thi thời trang, rồi bắt đầu từ những vai kịch nhỏ Trong nhà ngoài phố cho tới giờ là "bà bầu" của sân khấu 5B, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Nên duyên và thành danh với phim ảnh trước, nhưng đến khi được thầy là NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc gọi về Sân khấu 5B, Mỹ Uyên mới biết rằng sân khấu chính là mái nhà thực sự của mình với biết bao kỷ niệm vui buồn.
MC Anh Tuấn và ca sĩ Tùng Dương
Ca sỹ Tùng Dương là gương mặt ca sĩ xuất hiện nhiều tại Quán thanh xuân , mỗi lần để lại trong anh cảm xúc khác nhau. Tùng Dương kể câu chuyện về bài hát và nhạc sỹ Phó Đức Phương - người có nhiều ảnh hưởng tới con đường ca hát của anh. Nhà báo Ngô Bá Lục cũng chia sẻ những kỷ niệm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, khi cùng ông làm giám khảo một số chương trình ca nhạc. Với Bá Lục, đó là nhạc sĩ của những dòng sông và những vùng quê, trong đó có vùng quê quan họ nơi anh được sinh ra.
Không khí "Hội Quán thanh xuân" sôi động, tràn ngập tiếng cười với những câu chuyện của danh hài Chí Trung. Rồi NSUT Minh Vượng kể về kỷ niệm nấu bánh chưng thuê của tổ phục vụ, đánh dấu vải xanh, vải đỏ, vải tím, vải vàng. Bản thân Minh Vượng được mẹ phân công "nhìn cho rõ, bánh chưng nhà mình là vải đỏ nhé". Nhưng sau khi nấu mấy tiếng thì xin xỉn hết, không còn phân biệt được. Còn ca sĩ Mỹ Linh thì kể lại câu chuyện mỗi khi NSND Thu Hiền cất tiếng hát là cả nửa số khách khán giả đàn ông mê mẩn, đa phần là người miền Trung, ra làm quen, toàn giọng Nghệ An... Lúc đó Mỹ Linh là ca sĩ mới vào nghề, chỉ biết cảm thán : "Cháu chả có món gì, toàn cô thôi, rất nhiều socola".
Cùng nhau tìm về những mảng ký ức nhuốm màu thời gian nhưng nồng đậm hương vị của cảm xúc, đó là âm hưởng chủ đạo của Quán thanh xuân . Ê kíp thực hiện chương trình có lời hẹn khán giả về một chuỗi "Quán" 2021 với những định hướng đổi mới về nội dung. Chúng ta hãy cùng chờ xem!
Quán thanh xuân số Tết - Hội Quán thanh xuân, phát sóng lúc 20h50 thứ ba, ngày 16/2/2021, tức mùng 5 Tết Tân Sửu trên kênh VTV1.
Khán giả thích thú với màn Collab bùng nổ cảm xúc của Phan Mạnh Quỳnh và Karik trong "Đàn ông không nói" Mới đây, Phan Mạnh Quỳnh và Karik đã đánh úp thị trường âm nhạc đầu năm 2021 với MV "Đàn ông không nói", đánh dấu sự kết hợp đầu tiên của hai cá tính âm nhạc. Ca khúc "Đàn Ông Không Nói" là một sáng tác của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh kết hợp cùng phần rap được Karik viết lời và thể...