Nghệ sĩ kêu gọi giúp người miền Tây chống hạn mặn
Diễn viên Đại Nghĩa quyên tiền mua máy lọc nước tặng dân Bến Tre, H’Hen Niê, Thủy Tiên kêu gọi hỗ trợ người miền Tây gặp hạn mặn lịch sử.
Ngày 11/3, Đại Nghĩa tặng 14 máy lọc nước cho nhiều nông dân. Một dàn máy gồm bình đựng 500 lít. Diễn viên nói dùng tiền túi, cộng thêm quyên góp từ các nhà hảo tâm để tài trợ chi phí mua máy lẫn công lắp đặt. “Dự kiến đến cuối tuần này, tôi cùng mọi người lắp thêm 11 máy lọc ở nhiều nơi tại Bến Tre như: huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc…”, anh cho biết.
Người dân ở huyện Ba Tri, Bến Tre nhổ cỏ cho bò ăn trên cánh đồng. Ảnh: Hữu Khoa.
Trước đó, Đại Nghĩa có chuyến về miền Tây để hiểu về tình hình ngập mặn ngày càng nghiêm trọng nơi đây. Anh cho biết một tổ chức từ thiện ở Canada hứa tặng dân miền Tây 20 máy lọc. Diễn viên tiếp tục tìm hiểu những nơi thiếu nước sạch và vận động nguồn tài trợ máy.
“Tôi vui khi thấy việc mình làm được nhiều người hưởng ứng bằng tinh thần lẫn tài chính. Bạn bè tôi ở các nơi cũng đang đồng lòng hướng về người miền Tây. Tôi tin một bàn tay thì nhỏ bé, nhưng nhiều bàn tay cùng nắm lại sẽ làm nên điều kỳ diệu”, anh nói.
Diễn viên – MC Đại Nghĩa trong chuyến tặng khẩu trang từ thiện ở miền Tây cuối tháng hai. Ảnh: Đại Nghĩa.
Video đang HOT
Nhiều nghệ sĩ kêu gọi hỗ trợ người dân miền Tây vượt qua cơn hạn mặn lịch sử. Ca sĩ Thủy Tiên, quê Kiên Giang, chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh ruộng lúa nứt nẻ, người dân xếp hàng dài lấy nước ngọt. Cô đang có kế hoạch quyên góp tài chính và được nhiều người tư vấn về việc mua máy lọc nước tặng người dân. Còn hoa hậu H’Hen Niê cho biết xót xa khi đọc tin về hạn hán. Là con nhà nông, cô hiểu tình cảnh hộ dân ở nhiều nơi đang gánh chịu vì đất nhiễm mặn.
“Tôi thấy người dân đã bắt đầu nương theo khó khăn mà giải quyết, chẳng hạn như chuyển đổi sang trồng giống cây có thể chịu hạn, chịu mặn, nuôi tôm sú luân canh trên đất ruộng… Tôi tin con người không bao giờ bó tay trước thiên nhiên, cuộc sống càng khó khăn, ý chí sinh tồn càng mạnh mẽ”, H’Hen Niê cho biết.
Người dân miền Tây sử dụng nước ngọt từ máy lọc nước Đại Nghĩa tặng. Ảnh: Đại Nghĩa.
Ngày 6/3, năm tỉnh miền Tây, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp, vượt mốc lịch sử 2016. Toàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn bủa vây, khoảng 5.000 ha lúa chết dần, gần như mất trắng. Cây trái cằn cỗi, khô héo vì sốc nước mặn thời gian dài. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông từ các ghe, sà lan chở từ vùng chưa bị mặn về với giá 100.000-200.000 đồng mỗi m3.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Dự báo tình trạng hạn mặn còn kéo dài hơn một tháng vì trong tháng ba, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp,
Tam Kỳ
Theo vnexpress.net
Hạn mặn có đáng sợ?
Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định đến ngày 16-2 nước mặn xâm nhập sâu hơn cùng kỳ trận hạn mặn lịch sử năm 2016. Một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của 7 tỉnh ven biển và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Né mặn, được lợi
Ông bạn tôi, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái môi trường mê nhạc Trịnh. Ổng lý giải chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL bằng cách chế nhạc Trịnh Công Sơn, từ "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" thành "xưa nay sông biển cũng cần có nhau", và đưa ra kết luận cần "né hạn, được lợi". Thật vậy, các nhà khoa học đã chứng minh, lịch sử hình thành, kiến tạo, phát triển ĐBSCL hàng triệu năm qua là quá trình giao thoa sông - biển và nó vẫn đang tiếp tục diễn ra. Con người phải nương theo quy luật để chủ động thích ứng, không nên liều mình chống chọi lại với tự nhiên.
Lâu nay, ta chỉ lo dùng nước ngọt trồng lúa, làm màu, lập vườn trồng cây, đào ao nuôi cá, quanh quẩn với sinh kế trong nội địa mà ít nhìn ra biển, hoặc nghĩ hệ sinh thái nước mặn - nước ngọt luôn đối chọi nhau, nên chỉ biết làm đê ngăn mặn, giữ ngọt. Nhìn nước ngọt từ hệ thống sông Cửu Long đổ ra biển Đông, biển Tây là "phí của trời cho". Nhưng nước sông ra biển là hợp với tự nhiên, các dòng sông luôn tìm đường ra biển.
Ông Lâm Văn On (huyện Long Phú, Sóc Trăng) chuyển từ sản xuất lúa sang hoa màu bằng cách trữ nước ngọt. Ảnh: TUẤN QUANG
Nước ngọt chảy ra biển vừa tải dinh dưỡng phù sa, vừa làm cho biển mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải, tạo môi trường đa dạng sinh học cho nhiều loài thủy sản phát triển. Nhiều loài cá biển ở ĐBSCL sống được môi trường mặn, lợ, được đi vào, đi ra các cửa sông để sinh sản, phát triển. Con số thống kê cho thấy dù bờ biển ĐBSCL chiếm chưa đến 1/4 bờ biển quốc gia, nhưng sản lượng thủy sản đánh bắt hơn tất cả vùng miền cả nước gộp lại.
Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, nên không thể là cơ hội chờ đợi cho bất kỳ hành động nào. Song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.
Đó cũng là cách đã tạo ra kiến thức bản địa của người dân đồng bằng bao đời nay. Các bậc tiền hiền khai phá vùng châu thổ Cửu Long đã chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế.
Người dân ven biển dùng lu, khạp để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động tưới bằng nước ngầm, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý "sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ".
Tại ĐBSCL, nhờ chủ động cảnh báo sớm, nhiều trà lúa Đông Xuân đã được dịch chuyển lịch thời vụ sớm, nên né được hạn mặn. Các dự án điều tiết nước kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả.
Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn - ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng. Tiểu dự án Măng Thít ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang cũng đã kịp hoàn thành vào cuối năm 2019 bước đầu ứng phó hạn mặn.
Liều thuốc thử
Trong bối cảnh mới, thách thức mới trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nạn dịch cúm, hạn mặn diễn ra bất thường, tư duy thích ứng thuận thiên cần đựợc nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội.
Có thể xem trận hạn mặn lịch sử năm nay là "liều thuốc thử" để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Chủ động thích ứng, nhưng không thể lấy tình trạng hạn mặn khốc liệt của năm nay và năm 2016 để vẽ ra nhiều dự án rồi vội vã đổ tiền vào các công trình đầu tư hao tiền, tốn của mà hiệu quả thấp.
Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình cũng không thể thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu "chi phí - lợi ích" và nguyên tắc "không hối tiếc" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ quyết định đầu tư công trình vội vã nào.
Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn, thiệt hại có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so năm 2016 nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh.
Những nguyên nhân nội tại và bên ngoài của tình trạng trên đã được chỉ rõ. Vấn đề là các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài trước tình trạng hạn mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, quy luật lũ, hạn mặn ở vùng ĐBSCL cũng đang thay đổi thất thường, đòi hỏi chủ động thích ứng tốt hơn.
TS. Trần Hữu Hiệp
Theo SGGP
Cải thiện nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân ở các tỉnh Tây Nguyên Hàng nghìn học sinh và hộ đồng bào dân tộc nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên đã nhận các món quà là máy lọc nước, bồn nước trị giá gần 400 triệu đồng... do Tập đoàn Tân Á Đại Thành và báo Tiền Phong trao tặng. Lãnh đạo Tập đoàn Tân Á Đại Thành trao tặng quà cho người dân ở xã Ea...