Nghệ sĩ kẻ mừng người lo về việc cấp thẻ hành nghề
Ca sĩ và người mẫu – hai đối tượng đầu tiên của Đề án cấp thẻ hành nghề – đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Phần đông nghệ sĩ tỏ ra băn khoăn lo lắng về chuyện cấp thẻ hành nghề.Thuộc biên chế trong cơ quan nhà nước, Minh Quân không sợ không được cấp thẻ. Điều khiến anh suy nghĩ là làm thế nào để chiếc thẻ không cào bằng các giá trị trong nghề và dẫn đến những hiện tượng tiêu cực. “Đây không phải lần đầu tiên yêu cầu về thẻ hành nghề cho ca sĩ được đưa ra. Những lần trước việc này tưởng chừng lọc ra những ca sĩ không có tài, có tâm nhưng hóa ra lại hòa cả làng. Có người không cất giọng nổi khi hát live vẫn tìm cách có được thẻ. Tôi nghĩ quan trọng là sau khi áp dụng đề án, showbiz Việt có thay da đổi thịt hay chỉ một thời gian đâu lại vào đó” – giọng ca sinh năm 1980 bày tỏ.
Mỹ Linh cho rằng, thẻ hành nghề sẽ là công cụ bảo vệ các nghệ sĩ.
Những ca sĩ tự do như Nathan Lee thì cảm thấy bối rối hơn. Từ những tiêu chí mà đề án của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đưa ra: “Những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó”, Nathan Lee băn khoăn, căn cứ vào đâu để xét đạo đức ca sĩ. “Còn nói về bằng cấp, đây là điều còn khó khăn hơn. Ở Việt Nam, thử hỏi trong số ca sĩ có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng, bao nhiêu người có bằng cấp? Tôi băn khoăn việc này có thể làm hạn chế những người có khả năng và đam mê. Susan Boyle mà ở Việt Nam có khi cũng không được đi diễn” – giọng ca Xinh nêu ý kiến.
Những nghệ sĩ hoạt động ở nhiều lĩnh vực như Trà Ngọc Hằng lại băn khoăn về việc sẽ có một loại thẻ chung hay mỗi nghề, họ cần xin một thẻ riêng. “Tôi từng là người mẫu rồi chuyển sang ca sĩ, thậm chí làm cả MC nữa. Vậy tôi cần một thẻ chung hay mỗi nghề một thẻ riêng?” – cô đặt câu hỏi.
Không chỉ là băn khoăn, một số nhạc sĩ còn lên tiếng phản đối việc cấp thẻ hành nghề. Nhạc sĩ Quốc Trung phát biểu: “Tôi nghĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có rất nhiều việc cần làm hơn là cấp thẻ cho ca sĩ. Nếu các cấp lãnh đạo cố thì nó cũng khả thi thôi nhưng đứng ở góc độ chuyên môn, tôi thấy nó chẳng góp phần gì cho đời sống âm nhạc”. Vị huấn luyện viên The Voice cho biết, nếu thẻ hành nghề có hiệu lực và đi vào đời sống, anh sẽ gặp khó khăn trong việc đưa thí sinh The Voice đi chinh chiến ở các sân khấu ca nhạc.
Video đang HOT
Quốc Trung lại thấy loại thẻ này sẽ chẳng có đóng góp gì cho đời sống âm nhạc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đánh giá, ca sĩ là một nghề đặc biệt. Ở góc độ kinh doanh, nó cần có giấy phép hành nghề như những công việc khác. Nhưng ở góc độ nghệ thuật thì việc này lại “hơi buồn cười”, chẳng khác gì bắt nhạc sĩ hội viên hội nhạc sĩ mới được sáng tác, nhà thơ hội viên hội nhà thơ mới được viết thơ. Nhạc sĩ – nhà phê bình Thụy Kha cũng đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc giữa cảm xúc và thương trường. Ông cho rằng, có thể cấp phép nhưng không có nghĩa là cấm hoàn toàn quyền biểu diễn với những người không có thẻ. Và theo ông, các tiêu chí để cấp phép cũng phải xét kỹ càng.
Ở lĩnh vực thời trang, các chân dài cũng chưa biết, họ sẽ được cấp thẻ dựa theo tiêu chí cụ thể nào. Theo Dương Yến Ngọc, việc cấp thẻ sẽ gây ra nhiều bất cập. “Đến giờ phút này nghề người mẫu vẫn tự phát, bây giờ cấp thẻ thì cũng tốt nhưng cấp thẻ như thế nào và dựa vào tiêu chí gì, ai sẽ bảo đảm quyền lợi cho người mẫu? Và nếu bước lên sàn là phải có thẻ thì có phức tạp quá không?. Ví dụ, tôi là người mẫu nhưng đã nghỉ diễn để lo cho con cái, gia đình. Đến năm tôi 40 tuổi, không có thẻ, tôi sẽ không được diễn nữa nếu được mời dù tôi từng là người mẫu chuyên nghiệp”, cô đặt giả thuyết.
Trong khi đó, một số người lại ủng hộ đề án. Mỹ Linh cho biết, khi nghe về đề án này, chị đã tham khảo ý kiến của một số bạn bè ở nước ngoài và được biết, ở một số nơi, nghệ sĩ phải có thẻ hành nghề. “Chúng ta mới nhìn thấy sự phiền hà mà chưa nghĩ rộng ra để thấy tác dụng của thẻ hành nghề. Nó không chỉ giúp quản lý mà còn bảo vệ quyền lợi của ca sĩ. Hiện tại nhiều ca sĩ Philippines sang biểu diễn ở các khách sạn 5 sao, quán bar ở Việt Nam một cách tự do, không ai kiểm soát và cũng không cần phải đóng thuế. Như vậy ca sĩ Việt Nam đang bị chia thị phần cho họ” – diva tóc ngắn chia sẻ. Chị cũng cho biết, khi đi lưu diễn ở Mỹ, chị phải có visa dành cho những người có khả năng đặc biệt chứ không phải visa du lịch thông thường. Nếu không sẽ bị Hiệp hội ca sĩ Việt Nam ở Mỹ kiện vì tranh công việc của họ. Theo Mỹ Linh, việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ cần nhanh chóng đi vào ổn định, đảm bảo tính công bằng và tránh việc thủ tục này lại trở thành “hành là chính”.
Người mẫu Đức Long thấy vui khi Bộ định sử dụng cơ chế thẻ hành nghề vì như vậy thì nghề mẫu chính thức được công nhận là một nghề.
Dương Yến Ngọc băn khoăn về tiêu chí cấp thẻ.
Một số nghệ sĩ và những người trong ngành còn chủ động nêu ý kiến đóng góp cho đề án. Ông bầu ca nhạc Nguyễn Thanh Huy (hiện quản lý cho Quách Tuấn Du, Quang Lê, Như Ý) cho rằng, tiêu chí để ca sĩ hành nghề tối thiểu cần có những yếu tố sau: được đào tạo cơ bản về thanh nhạc, có chuyên môn về thẩm âm, thanh nhạc. Nếu ca sĩ hải ngoại khi về VN biểu diễn thì phải có giấy phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Trong trường hợp ca sĩ không trực thuộc trung tâm nghệ thuật nào ở nước ngoài, thì tối thiểu cũng phải có những hình thức chứng minh khả năng biểu diễn: đã tham gia các show biểu diễn ở nước ngoài và được ghi hình (các hình ảnh đó đã được phổ cập ở Việt Nam), đã có CD… Với các ca sĩ hải ngoại, chỉ nên cấp phép hành nghề trong thời hạn ba tháng.
Về lĩnh vực thời trang, đạo diễn thời trang Trung Võ quan niệm, để đánh giá năng lực chuyên môn của người mẫu cần dựa trên ba yếu tố: thứ nhất là các giải thưởng nghề nghiệp; thứ hai là tác phong làm việc; thứ ba là cách ứng xử, xây dựng và bảo vệ hình tượng trước công chúng; cuối cùng là mức độ nổi tiếng của người mẫu đó.
Cựu người mẫu Thúy Hạnh, đại diện công ty quản lý người mẫu Elite nói: Việc cấp thẻ cho người mẫu cần phân biệt ra hai loại: người mẫu tự do và người mẫu quản lý. Người mẫu phải có ký kết hợp đồng với các công ty (agency) có giấy phép kinh doanh. Các agency này sẽ đứng ra bảo lãnh cho họ về trình độ chuyên môn. Còn những người mẫu tự do phải tự chứng minh và tự chịu trách nhiệm về năng lực trước cơ quan nhà nước.
Theo VNE
NSND, NSƯT cũng phải thi để được cấp thẻ hành nghề?
Liệu những cây đa cây đề của làng nhạc Việt có phải khăn gói đi học ôn và thi lấy chứng chỉ? Ai là người chấm thi và chấm dựa trên tiêu chí nào? Liệu có hay không những tiêu cực đằng sau việc học và thi?
Đó là vô vàn câu hỏi mà các ca sĩ hiện nay quan tâm trước việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang xây dựng đề án cấp thẻ hành nghề.
Ca sĩ Ngọc Anh: Nhiều thứ chưa rõ ràng!
Về cơ bản tôi ủng hộ. Tuy nhiên, nói thì rất dễ, nhưng làm thì khó, vẫn có nhiều thứ chưa rõ ràng. Nếu ai cũng phải đi thi thì một ca sĩ đã có nhiều năm cống hiến, đóng góp thì không thể đánh đồng với người vừa bước chân vào nghề, thậm chí chưa hát bao giờ cũng đi thi để lấy bằng cấp. Không khéo sẽ có cảnh nhà nhà đi học, người người đi học để lấy thẻ hành nghề và trở thành ca sĩ? Biết đâu đây lại là manh mối cho một số người ước mơ làm ca sĩ dù chưa có thành công gì và họ nghĩ là mình sẽ đi thi, lấy bằng cấp để rồi ai cũng gọi mình là ca sĩ.
Thậm chí, có những người đi học, được cấp thẻ rồi vứt đó và không làm nghề, trong khi một số người hát tốt, muốn làm nghề thật sự, nhưng vì một vài lý do nào đó lại không được cấp thẻ thì không được đi hát nữa.
Ca sĩ Ngọc Anh than nhiều thứ chưa rõ ràng trong việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ.
Chẳng lẽ bây giờ NSND, NSƯT những bậc lão thành đầu ngành cũng phải đi thi như những cô cậu trẻ con mới vào nghề để lấy bằng sao? Theo tôi, phải có quy định ai không phải thi và ai phải thi.
Tôi nghĩ hát nhép nên làm triệt để, bao năm nay cứ vàng thau lẫn lộn. Nhiều người chỉ dựa vào scandal, đánh bóng tên tuổi để gây dựng hình ảnh của mình rồi chạy sô ầm ầm, lấy giá cat-sê cao gấp bao nhiêu lần những người hát rất hay, cống hiến bao nhiêu năm.
Khi quán triệt không hát nhép, sẽ lộ ra chân tướng. Làm nghề gì, người giỏi cũng phải được tôn vinh thôi.
Ca sĩ Tấn Minh: Phải có chuẩn mực
Cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ là tốt, nhưng phải làm chuẩn, làm tới nơi và nghiêm túc. Nếu làm không tới, nó sẽ giống con dao hai lưỡi, nảy sinh tiêu cực và không thể làm sạch được nền âm nhạc Việt Nam. Tôi cho rằng, rất có thể, sẽ có những người không đủ tiêu chuẩn làm ca sĩ mà vẫn được cấp phép. Bộ VH-TT-DL phải đưa ra được những chuẩn mực và tiêu chí chung. Tôi cũng băn khoăn, tiêu chí này sẽ áp ra sao đối với các em không học bài bản ở các trường nghệ thuật.
Tôi cho rằng, những nghệ sĩ được giải thưởng Nhà nước, được phong ưu tú, nhân dân... hoặc sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện, các trường đào tạo nghệ thuật thì không cần phải thi cấp phép lấy thẻ.
Thẻ hành nghề được cấp dựa trên cả những yếu tố về văn hóa, đạo đức cũng là chuyện nhạy cảm. Thế nào là văn hóa, không có văn hóa. Có những người học vấn cao, nhưng xử sự không có văn hóa thì sao, và có những người ít học, nhưng lại cư xử rất có văn hóa. Khái niệm "ăn mặc phản cảm" cũng chưa rõ, bởi cùng một bộ váy, có khi cô này mặc cực kì phản cảm, nhưng cô kia lại mặc rất gợi cảm, bởi vì nó còn phụ thuộc vào thái độ và văn hóa của người sử dụng nó.
Ca sĩ Lan Anh: Không thể đánh đồng!
Dự án này đã có cách đây khoảng chục năm rồi. Thực ra cũng tốt nếu có chứng chỉ cho ca sĩ, để hoạt động đỡ lẫn lộn, dễ quản lý thị trường ca nhạc hơn. Trong thời buổi ai cũng có thể làm ca sĩ, chả cần học hành gì, chỉ cần xinh xắn, mông má lên một chút là được, việc cấp thẻ là cần thiết. Có thẻ hành nghề này, những người làm chương trình sẽ không dám mời những người không có thẻ.
Ca sĩ Lan Anh cho biết nếu cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ thì những chương trình biểu diễn sẽ không dám mời những ca sĩ chưa được cấp thẻ.
Tôi nghĩ những người hoạt động chuyên nghiệp, có giải thưởng đương nhiên được cấp thẻ, chứ không phải thi, chứ không thể ai cũng bị đánh đồng đi thi được. Tôi nghĩ phải xem xét lại cho đề án hợp lý, nghiên cứu cho phù hợp.
Có thẻ hành nghề là đúng, nhưng làm thế nào để cho ra một cái thẻ thì lại là chuyện khác, phải sát, không được đánh đồng.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Sẽ phát sinh tiêu cực!
Theo tôi, hiện nay Bộ đang lúng túng, muốn xiết chặt quản lý mà chưa biết xiết bằng cách nào. Nếu cấp thẻ hành nghề thì ai sẽ là người đi thi và ai sẽ chấm thi đây? Tôi nhớ có một cuộc chấm thi nào đó, mà nhạc sĩ Nguyễn Quang lại ngồi ghế hội đồng để duyệt tác phẩm bố mình là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9! Rất có thể sẽ có nhiều nghịch lý như thế diễn ra nếu người cầm cân nảy mực không đủ tài năng.
Chưa kể tới bao nhiêu chi phí đi lại, tập huấn, lệ phí, bồi dưỡng, chi phí in thẻ... và biết bao quy trình, thủ tục hành chính mới cho ra được một cái thẻ.
Nếu có làm, theo tôi, cần phân chia ra theo khu vực và theo đối tượng. Không thể có chuyện những người đã mất bao năm tạo dựng tên tuổi trong lòng công chúng rồi, giờ lại phải khăn gói đi thi, vô lý quá. Tôi cũng e rằng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như chạy chọt, hối lộ... trong quá trình tập huấn, thi thố và cấp thẻ.
Lê Thoa
Theo Đất Việt
Nghệ sĩ quyết liệt phản đối sửa lời Quốc ca Trước đề xuất sửa lời Quốc ca vì ca từ không còn phù hợp trong thời hiện tại như "đường vinh quang xây xác quân thù", các nghệ sĩ gạo cội như nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, NSƯT Ánh Tuyết... lên tiếng phản đối. Quốc ca Việt Nam được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944...