Nghệ sĩ Hồ Quảng qua đời
Vì tuổi cao sức yếu, nghệ sĩ Hồ Quảng đã qua đời vào sáng 22/4 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi. Ông là một trong ba gương mặt trụ cột của hoạt hình Việt Nam.
NSƯT Hồ Quảng là một trong những nghệ sĩ gạo cội, đóng vai trò rường cột cho quá trình phát triển của dòng phim hoạt hình Việt Nam. Vì tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời vào sáng ngày 22/4 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Thông tin được con gái nghệ sĩ, bà Bạch Ngọc, xác nhận với báo chí.
Theo lời kể của bà Bạch Ngọc, những năm cuối đời, NSƯT Hồ Quảng sống thanh thản và vui vẻ. Vì mắc bệnh thận nên ông cũng không đi đâu xa, loanh quanh trong nhà là chính.
Trước đây, ông Hồ Quảng hay nói chuyện và trăn trở về phim hoạt hình của Việt Nam nhưng độ hai năm trở lại đây, ông cũng quên nhiều. Lúc nào có người quen đến, gợi lại thì ông mới nhớ. Trong năm người con của ông thì có hai người theo nghề của cha.
“Tôi lớn lên và trưởng thành từ những bộ phim hoạt hình của Hãng phim hoạt hình Việt Nam, của cha mình. Tới giờ ngoài 60 tuổi, tôi vẫn nhớ phim Em bé và lọ hoa – dạy trẻ em không nói dối. Đơn giản, gần gũi và dễ hiểu, không triết lí rối rắm, cao xa như các phim hoạt hình bây giờ”, bà Ngọc hồi tưởng. Bà ngậm ngùi: “Cha tôi đã sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa, sống lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ”.
Hình ảnh NSƯT Hồ Quảng lúc sinh thời. Ảnh: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.
Video đang HOT
NSƯT Hồ Quảng sinh năm 1928, tại xã Vạn Ninh, huyện Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Ông thuộc thế hệ họa sĩ được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, nối tiếp lớp họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Trước khi đến với Điện ảnh hoạt hình, ông đã có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật hội họa. Ông cũng là học trò của danh họa Nguyễn Đỗ Cung tại liên khu V. Sau đó, ông về Trường Mỹ nghệ (tiền thân của trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam) giảng dạy dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò có niềm đam mê với nghệ thuật hội họa.
Đến năm 1959, ông nhận lời mời của hai họa sĩ Lê Minh Hiền và Trương Qua (lúc này hai ông đã về nước sau hai năm được cử đi học ở Matxcơva) thành lập “Tổ làm phim hoạt họa”. Đây chính là những người đã khai sinh ra thể loại phim hoạt hình cho Điện ảnh Việt Nam.
Trong sự nghiệp 30 năm làm phim, NSƯT Hồ Quảng đã làm Giám đốc Hãng phim Hoạt hình từ năm 1977 – 1990. Ông cũng đóng góp nhiều công sức trong việc hình thành và phát triển phim hoạt hình, đưa loại phim này trở thành một thể loại phim độc lập trong Điện ảnh Việt Nam.
Ngoài làm quản lý, ông còn làm công tác đạo diễn, biên kịch, họa sĩ. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật lần III.
NSND Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, đánh giá: “NSƯT Hồ Quảng là một đạo diễn lão thành, có tâm huyết với nghề và có nhiều đóng góp cho phim hoạt hình Việt Nam giai đoạn đầu”.
Ông tiếp tục: “Ngoài làm quản lý và làm phim, nghệ sĩ Hồ Quảng cũng tham gia đào tạo đội ngũ đạo diễn kế cận – sau này đều thành danh và có nhiều đóng góp cho ngành phim hoạt hình Việt Nam như Bảo Quang, Minh Trí, Phương Hoa, Nhân Lập, Hà Bắc, Trọng Bình… Có thời gian Hãng khan hiếm kịch bản, NSƯT Hồ Quảng tự viết kịch bản; có những kịch bản đạt giải thưởng cao”.
NSND Phạm Ngọc Tuấn cũng cho hay vừa qua, Hãng có đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho nghệ sĩ Hồ Quảng. Tiếc là nghệ sĩ Hồ Quảng đã ra đi trước khi việc xét duyệt được hoàn tất.
Phim hoạt hình Việt: Nhiều cơ hội bứt phá
Thị trường phim hoạt hình Việt Nam vốn được đánh giá giàu tiềm năng nhưng chưa có chỗ đứng trên sân nhà.
Để lấy lại vị thế, các kịch bản phim hoạt hình dài hơi đang được nhiều nhà làm phim ấp ủ, điều này được kỳ vọng là cơ hội phát triển bứt phá cho phim hoạt hình chiếu rạp.
Kịch bản phim hoạt hình "Dưới bóng cây" dành giải Nhất cuộc thi Sáng tác kịch bản phim hoạt hình (90 phút).
Nhiều kịch bản được kỳ vọng
Có thể nói, cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình (90 phút) đem đến nhiều cơ hội bứt phá cho phim hoạt hình Việt thời gian tới. Nhiều kịch bản kỳ vọng sẽ sớm được sản xuất, như: "Sống sót" (tác giả Đặng Thị Linh), "Tò he nổi loạn" (tác giả Đàm Thùy Dương), "Gió thần" (tác giả Nguyễn Anh Quốc)... Trong đó gây chú ý hơn cả là bộ phim "Dưới bóng cây" ra mắt trên YouTube vào năm 2011đã trở thành một "hiện tượng" trong cộng đồng mạng với đa số nhận xét rất tích cực. Video clip hoạt hình dài 7 phút, kể về một cu chuyện đơn giản, súc tích của bốn nhân vật Chuột, Ếch, Kua, Rắn.
Ấn tượng ban đầu của Dưới bóng cây là hình ảnh sinh động, màu sắc tươi sáng, kỹ thuật đồ họa 3D được ứng dụng khá tốt. Nội dung phim tuy giản dị nhưng đầy đủ, gần gũi, cốt truyện rõ ràng, rành mạch, sử dụng tình tiết để tạo nên những nút thắt - mở cho câu chuyện. Bên cạnh đó, lời thoại được sáng tác và lồng tiếng khá dễ thương, phù hợp tính cách nhân vật cũng như đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Vừa qua, kịch bản phim gửi tham gia cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và kịch bản phim hoạt hình (90 phút) năm 2021 do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, đã đoạt giải Nhất.
Bên cạnh đó, một số đơn vị sản xuất phim hoạt hình tư nhân cũng đang "nuôi mộng" làm phim hoạt hình dài chiếu rạp như: Red Cat Motion, "U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ", "Tàn thể: Tiền truyện"...
Cần mạnh dạn kể câu chuyện dài hơi
Nhiều năm qua, phim hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ chọn lối đi an toàn, chủ yếu sản xuất phim từ 10 đến 30 phút. Tuy nhiên, muốn hướng đến công nghiệp điện ảnh, đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay, thì hoạt hình Việt Nam phải mạnh dạn kể câu chuyện dài hơi, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn, ngoài nâng cao về mặt thẩm mỹ, nội dung cũng như thể loại, phim phải có bản sắc dân tộc. Đặc biệt, cần thể hiện rõ tính chất của phim hoạt hình là nội dung hướng đến tính gợi mở khám phá, phát huy trí tưởng tượng của khán giả. Cách thể hiện cũng cần sáng tạo, hấp dẫn, giàu hình ảnh, phù hợp với những đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật phim hoạt hình.
Nguồn lực là yếu tố quan trọng nhằm thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao là những đạo diễn, họa sĩ hàng đầu đồng thời hoàn thiện hạ tầng làm phim, ứng dụng những công nghệ, kỹ xảo tiên tiến nhất, đáp ứng việc sản xuất hoàn thiện cả hoạt hình 2D và 3D mang đẳng cấp quốc tế.
Cần có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường tốt để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo tác phẩm có chất lượng, thu hút công chúng, thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hoạt động nhằm tạo môi trường cho các biên kịch trẻ thỏa sức sáng tạo. Lưu ý siết chặt công tác quản lý vấn đề bản quyền tác phẩm, không để diễn ra tình trạng nhiều phim hoạt hình mới phát hành đã bị ngang nhiên đăng tải trên mạng internet.