Nghệ sĩ Hán Văn Tình phủ nhận chuyện ‘dìm hàng’ Táo quân VTV
Mới đây, sau khi lên tiếng “chê” chương trình hài Táo quân, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã khiến nhiều khán giả liên tưởng tới tính cạnh tranh giữa các chương trình hài Tết.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình lên tiếng sau khi bị cho là đã ‘dìm hàng’ chương trình Táo quân của VTV.
Mấy lần đóng Táo quân đều… gặp nạn!
- Trong lần trả lời phỏng vấn mới đây, anh có đề cập đến chương trình Gặp nhau cuối năm (quen gọi là Hài Táo quân) đang khiến người xem, người diễn và người kiểm duyệt bị “mệt đầu”. Vậy theo anh, một chương trình hài Tết như thế nào sẽ là phù hợp?
- Đúng là tôi có “chê” chương trình này và đó đơn thuần là cảm nhận cá nhân của tôi. Tôi nghĩ rằng những chương trình cuối năm chỉ cần vui vẻ, mang tính nghệ thuật thôi còn các vấn đề khác như xã hội, thời sự, đời sống… thì nên hạn chế.
Chương trình hài Táo quân trước đây và bây giờ rất khác. Trước đây, chủ yếu do mảng sân khấu làm và thuần túy mang lại tiếng cười cho khán giả nhưng giờ nhiều yếu tố được đan cài quá trở thành “nặng đô”. Nhiều người vẫn nghĩ đưa các yếu tố này vào thì hay nhưng tôi cho không hẳn như vậy.
Vừa là người biểu diễn, vừa là khán giả tôi cũng ghi nhận được nhiều ý kiến tỏ ra không thích, cho rằng chương trình đang bị nhạt dần. Cá nhân tôi, tôi thích sự hài hước và nghệ thuật thuần túy hơn.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình.
- Anh có ngại những lời đồn đoán về sự cạnh tranh ngầm giữa các nhóm hài với nhau?
- Tôi nghĩ không có chuyện đó đâu. Lời đồn cũng chỉ là lời đồn thôi vì nghệ sĩ chúng tôi thường chỉ biết đi diễn thôi còn người đứng ra làm chương trình, lo doanh thu thì là các đạo diễn, nhà sản xuất. Cùng cảnh nghệ sĩ với nhau mà còn cạnh tranh thì ra gì nữa.
Chúng tôi thường chỉ mong muốn được sống trọn với nghề, diễn cho hay để không bị khán giả chê cười và nếu đồng nghiệp khấm khá thì mừng cho nhau.
- Lần gần nhất anh đóng chương trình Táo quân cách đây bao lâu?
- Cũng phải hơn 10 năm. Nói đến Táo quân là tôi nghĩ đến nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui vì mình được diễn trên sân khấu, có kỉ niệm với anh em nghệ sĩ từ thời anh Dương Quảng nhưng buồn vì mấy lần đóng Táo quân tôi đều gặp nạn. Tất nhiên, chương trình ngày ấy không phải Gặp nhau cuối năm mà đơn thuần là diễn trên sân khấu. Cả vở diễn chỉ có một tốp nghệ sĩ đóng thôi chứ nhiều “Táo” đông đúc, hoành tráng như bây giờ.
Video đang HOT
Khó để nói thích ai
- Với các nghệ sĩ hài, những tháng giáp Tết được coi là mùa diễn. Vậy năm nay anh đóng nhiều tiểu phẩm hài không và khoản thu nhập có được cải thiện nhiều?
- Năm nay tôi chỉ diễn có 3 tiểu phẩm, trong đó 2 tiểu phẩm đã hoàn thành là “Tết lo phết” và “Thông gia đón Tết”. Tôi thấy dân mình thường có thói quen trông chờ vào Tết, tôi cũng không ngoại lệ. Nếu được các đạo diễn, nhà làm phim gọi thì tôi cũng sẵn lòng góp vui.
Về thu nhập gần Tết so với bình thường đúng là có hơn một chút nhưng cũng tùy từng người. Ví dụ như tôi chỉ làm 3 cái đĩa thì cũng không dư giả gì nhiều. Tôi thấy đồng nghiệp có người tất bật chạy sô nhiều hơn tôi, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ.
“Lão Quềnh” và nghệ sĩ hài Trà My.
- Bao năm nay, khán giả thường băn khoăn làm thế nào để các chương trình hài gây tiếng cười mà không thô tục. Anh nghĩ điều này có khó không?
- Khó chứ! Và người ta chê cũng đúng. Trong từng tiểu phẩm, chúng tôi vẫn đau đáu làm sao để tiếng cười vui vẻ, thâm thúy chứ không ai mong muốn chọc cười bằng sự thô tục. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kịch bản, diễn viên và khán giả. Ví dụ, diễn viên hay khán giả cũng sẽ phân hóa theo đặc trưng vùng miền. Miền Bắc thích ngôn ngữ bằng lời nói, miền Nam thích ngôn ngữ hình thể. Tôi cho rằng, muốn mang đến tiếng cười trước hết nghệ sĩ phải diễn thật, không nên cố gồng lên để làm trò hề. Như vậy thì khó lắm!
- Trong các nghệ sĩ hài từ xưa đến nay, anh thích lối diễn của ai?
- Đây là câu hỏi hơi khó cho tôi vì mỗi người có một nét diễn khác nhau. Tôi hay diễn với nghệ sĩ hài Trà My và đọc cả kịch bản chị ấy viết thì thấy sự hài hước, thông minh, phản ứng nhanh. Hoặc như ngày xưa nghệ sĩ Trần Tiến nói một câu mà giờ nghĩ lại tôi vẫn buồn cười: “Tôi là tôi giỏi lắm, tôi giỏi đến mức chả ai chơi với tôi nên tôi chả biết tôi giỏi ở mức độ nào”.
Một nghệ sĩ hài khi diễn cần phải biết dừng chỗ nào, nhấn mạnh chỗ nào. Có người vừa bước ra sân khấu khán giả đã cười, có người nói mãi mà không ai cười nổi. Nhiều bậc thầy diễn xuất đã nhận định rằng diễn hài không giống diễn chính kịch và đây là nghề chẳng thể đào tạo, dạy dỗ được.
- Bây giờ, không thấy anh gắn bó với đạo diễn Phạm Đông Hồng nữa mà mải mê theo tiểu phẩm “Tết lo phết”. Với anh, Tết có thực sự đáng lo?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi có mâu thuẫn gì với đạo diễn Phạm Đông Hồng hay không nhưng thực ra không có gì ngoài việc những năm trước tôi bận bịu nên lỡ bước công việc. Sau này tôi có làm với một số người khác.
Còn Tết nhất, tôi cũng lo như cái lo chung của mọi người, mọi nhà như chuyện đi lại, sức khỏe, gia đình, công việc… chứ không hẳn là cái lo vật chất. So với mặt bằng mình cũng không khấm khá gì nhưng so với nhiều người, nhất là một số anh chị em nghệ sĩ ngay trong cơ quan tôi thì tôi cũng đỡ vất vả hơn họ.
Theo Thùy Phương/Báo Gia đình & Xã hội
NSƯT Hán Văn Tình: 'Tự hào vì khán giả quên tên thật'
Trở về từ "cõi chết", NSƯT Hán Văn Tình cho biết, ông cảm thấy may mắn khi lại được đứng trên sân khấu để diễn và đóng phim.
Ông được biết đến qua những bộ phim như Người thổi tù và hàng tổng, Phía trước là bầu trời, Đất và người... với tạo hình nhân vật đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc. Vì vậy, nhiều người đã gọi Hán Văn Tình là nghệ sĩ của nhân dân...
Nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình.
- Chào nghệ sĩ Hán Văn Tình, cuối năm 2015 nhiều khán giả thấy ông rất bận rộn, ông có thể tiết lộ về bộ phim đang tham gia không?
- Tôi đang đóng phim Tết lo phết của đạo diễn Ngô Thám với sự tham gia của diễn viên hài, nghệ sĩ nổi tiếng như Quang Tèo, Giang Còi, Quốc Anh, Chiến Thắng...
Phim lấy đề tài về nông thôn đổi mới ngày nay khi cuộc sống người nông dân đang êm ấm bỗng chốc đổi thay bởi người nhà của họ ở thành phố về quê ăn tết. Vì vậy, họ phải tìm cách để cho người thân của mình được đón một cái tết đầm ấm nhất.
Người thành phố sẽ cảm nhận được tình thương từ người dân quê với nhiều tình huống hài hước, gây cười. Phim được quay ở Mê Linh, Hà Nội trong thời gian một tuần và sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết cổ truyền 2016.
- Là Đoàn phó của nhà hát Tuồng Việt Nam, ông nghĩ thế nào khi hiện nay giới trẻ không mặn mà với chèo, tuồng và nghệ thuật truyền thống?
- Tôi thấy đó là xu thế thời đại khi công nghệ thông tin phát triển, người ta thích sự ồn ào hơn là ngồi hàng giờ nghe đi, nghe lại một câu hát cải lương, tuồng. Đây là thực trạng chung của nền sân khấu Việt Nam. Vì vậy, muốn cải thiện thì phải tạo tình yêu với nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ như đưa chèo, tuồng vào các trường học, để các em hiểu thì mới yêu được.
Hơn nữa, Nhà nước cũng phải quan tâm đến việc phát triển và bảo tồn sân khấu bằng cách chăm lo cuộc sống cho các nghệ sỹ để họ yên tâm làm việc và giữ gìn nghệ thuật truyền thống.
- Thời gian trước, ông phát hiện mình bị ung thư phổi? Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Đó là một đêm cuối năm (31/12/2014), bốn ngày sau đêm diễn Tiếng gọi non sông thì tôi thấy đau và được đưa đi cấp cứu. Sau gần một tháng điều trị, tôi xin về vì điều trị quá tốn kém, mỗi ngày hơn triệu đồng, trong khi đó, lương của tôi có 5 triệu đồng/tháng, nên biết không thể kham nổi.
Tôi bảo vợ thôi không chữa được đâu, sợ lỡ mình chết mà để lại nợ thì vợ con khổ. Nhưng vừa ra viện một ngày (24/1/2015) thì tôi lại phải vào cấp cứu vì bị tràn dịch màng phổi, gần như không ăn uống được nữa, cơ thể sút 5kg. Có lúc tôi nghĩ "mình chắc chết".
Tuy nhiên, may mắn lại đến với tôi khi được chuyển sang bệnh viện Ung bướu Hưng Việt điều trị và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, nghệ sĩ và nhà tài trợ. Ơn giời, bây giờ thì tôi đã đỡ khoảng 80%, vẫn đến nhà hát tuồng làm việc và tham gia diễn xuất rồi.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình từng chiến đấu với bệnh ung thư phổi.
- Hiện tại, vừa chữa bệnh, vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật, Hán Văn Tình có gặp trở ngại gì không?
- Mặc dù tôi được chẩn đoán hồi phục cao nhưng bệnh này cũng "hên xui" lắm. Bác sĩ bảo với tôi rằng, bệnh này có khỏi cũng phải sau 5 năm thì mới chắc chắn thoát chết. Hàng ngày tôi vẫn phải uống thuốc đặc trị để ngăn tế bào ung thư phát triển với kinh phí khoảng 1,4 triệu đồng, trong đó, bảo hiểm y tế chịu 50%, số tiền còn lại tôi được bệnh viện Ung bướu Hưng Việt hỗ trợ. Tôi biết vẫn còn nhiều khó khăn nên vẫn vừa tích cực điều trị, vừa đi diễn nếu có lời mời và kịch bản phù hợp.
- Nhiều khán giả biết đến Hán Văn Tình từ phim "Đất và người", ông có những kỷ niệm nào khó quên trong quá trình đóng phim này không?
- Hồi đóng phim Đất và người, tôi cũng như ê-kíp diễn xuất dưới trời mùa đông rất lạnh. Có hôm rét 10 độ C mà tôi phải lội xuống ruộng lúa và diễn đi diễn lại nhiều lần. Gần cả tháng trời chúng tôi phải cố gắng để phim kịp tiến độ và cũng may là không ai bị ốm. Vất vả là vậy thế nhưng khi phát sóng, được khán giả cả nước, đặc biệt là những khán giả ở nông thôn thích vai diễn Chu Văn Quềnh khiến tôi thấy rất hạnh phúc.
- Bị "đóng khung" với nhân vật Chu Văn Quềnh trong phim, có khi nào ông buồn vì khán giả quên tên thật của mình không?
- Trái lại, tôi thấy rất tự hào vì điều này, chứng tỏ nhân vật mà tôi đóng đã đạt nên nhiều khán giả mới nhớ như vậy. Khi chuẩn bị bấm máy phimĐất và người, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã cảnh báo tôi rằng: "Phim mà thành công, cái tên của ông sẽ bị mất đấy...".
Biên kịch Phạm Ngọc Tiến thì bảo: "Các vai khác có thể đổi chứ vai này kiểu gì ông cũng phải đóng"... Đúng như đạo diễn dự đoán, sau vai diễn này và đặc biệt khi bộ phim lên sóng tôi bị mất tên thật.
Một thời gian sau, có lần đoàn làm phim qua địa phận Sông Công, Thái Nguyên, gặp một đám xô xát với nhau, nhiều người vào can, trong đó có cả trưởng thôn can ngăn nhưng họ vẫn không dừng lại. Tôi đành quát to: "Chu Văn Quềnh đây, có bỏ nhau ra không thì bảo...". Thế là hai người kia thôi không đánh nhau nữa, tò mò nhìn diễn viên... Đó là những kỷ niệm đẹp khi tôi được gọi là Chu Văn Quềnh.
- Có khán giả nhận xét rằng, khuôn mặt của nghệ sĩ Hán Văn Tình chỉ hợp đóng những vai nghèo khổ, nông dân?
- Đúng vậy! Tôi vẫn "bị" mọi người gọi là "ông nông dân" đấy chứ! Tôi rất vui vì điều này bởi không phải ai cũng hóa thân vai nông dân một cách nhuyễn như vậy. Mỗi loại hình nghệ thuật có một đặc trưng riêng, trên sân khấu tuồng tôi vẫn đóng quan tham. Khuôn mặt là trời cho, miễn là được đóng phim và hợp vai là tôi nhận. Quan trọng là phải có kịch bản hay.
Theo Lạc Thành/ Báo ĐSPL
Sao Việt sống trong nhà xập xệ, vất vả mưu sinh dù nổi tiếng Sao Việt sống trong nhà xập xệ là trường hợp xót xa của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Dù những sao Việt sống trong nhà xập xê, họ vẫn tích cực sống và cống hiến. Diễn viên Hán Văn Tình Sao Việt sống trong nhà xập xệ, khốn khổ dù nổi tiếng phải kể đến trường hợp của "Chu Văn Quềnh" Hán Văn...