Nghệ sĩ hài Minh Vượng: “Mụ già lẩm cẩm” và hạnh phúc tình duyên “khẩm bà là khịt”
16 tuổi thấp khớp nặng, 30 tuổi thì tiểu đường nặng do hệ quả của thuốc thấp khớp.Bệnh tật cứ thế hành hạ chị suốt những năm tháng thanh xuân nhất của cuộc đời. Những cuộc tình cũng bay đi như chim.
Căn nhà của nghệ sĩ Minh Vượng nhỏ nhắn và giản dị như bất kì ngôi nhà nào ở trung tâm Hà Nội. Nhưng từ tầng trên lên tầng dưới, chỗ nào cũng có hoa. Bàn ăn là một bình hồng vàng rực rỡ. Chân cầu thang là cây đào bích nở hoa sớm sáng bừng. Trên lầu là chậu cúc đại đóa đang hấp hé chờ bung cánh đầu xuân. Giữa hoa xen hoa ấy là cơ man những khung ảnh nhỏ xinh, những món đồ lưu niệm bé xíu, nhưng con thú nhồi bông chải chuốt. Và tiếng hát Chèo xuân vọng ra ngân nga từ chiếc cassette nhỏ. Cảm giác như, trong không gian này, món đồ nào cũng hiện hữu một câu chuyện để kể.
Minh Vượng thì vẫn thế. Vẫn “nhỏ bé”. Vẫn nụ cười rạng rỡ. Vẫn đôi mắt hấp háy thoắt cười thoắt rớm, mà như chị từng giải thích bằng cái câu giờ đã thành kinh điển “ cồng kềnh nên dễ vỡ“. Vẫn phải sống chung với thuốc thang có tổng trọng lượng nhiều gấp đôi cân nặng của chị. Chỉ có hạnh phúc là khác đi. 6 năm gần như biến mất khỏi màn ảnh truyền hình, những tưởng chị đang nhàn rỗi trốn vào góc nào đó. Hóa ra, chị bận tới nỗi chẳng có thời gian để gặm nhấm cô đơn.
Một ngày của Minh Vượng bắt đầu từ bốn giờ, bốn rưỡi sáng. Mặc dù 6 giờ xe của Nhà hát mới tới đón đi diễn. Nhưng chị luôn phải dành từ tiếng rưỡi đến hai tiếng để chuẩn bị phục trang và thuốc. “ Đi ra ngoài có thể quên tiền, nhưng có hai thứ không bao giờ quên. Đó là thuốc và phục trang.” – Minh Vượng chìa cái ống nhựa đựng bên trong thuốc tiểu đường kèm ống tiêm. Cứ đều đặn ngày 4 lần suốt nhiều năm qua, 8 giờ sáng, 12 giờ trưa, 5 giờ chiều và 12 giờ đêm, chị mở ống tự tiêm thuốc cho mình. Còn phục trang thì dĩ nhiên, “ vì vóc dáng mình nhỏ bé, nên nếu quên giày dép quần áo thì không thể mượn đâu được“.
Nhưng đó chỉ là một phần lí do. Minh Vượng nổi tiếng là người khó tính và kĩ tính trong chuyện phục trang. Dù là đi diễn phục vụ sân khấu học đường, khán giả toàn thiếu nhi thôi, song Minh Vượng lại càng kĩ. “ Mình không thích cách làm cẩu thả, buông quăng bỏ vãi, không thể hóa trang vớ vẩn, lời lẽ khô ng thuộc, quần áo nhem nhuốc chỉ vì ngồi dưới kia xem mình diễn là các cháu thiếu nhi. Mình có yêu thương trân trọng các con, có chắt lọc tinh túy nghệ thuật để trình diễn cho các con thưởng thức, thì các con mới yêu thương và trân trọng mình“.
“Mình có yêu thương trân trọng các con, có chắt lọc tinh túy nghệ thuật để trình diễn cho các con thưởng thức, thì các con mới yêu thương và trân trọng mình”.
Minh Vượng kể về những đêm thức tới khuya chỉ để hong sấy cho bộ áo nỉ lốt chú chó được khô ráo, bay mùi mồ hôi vì đã khoác diễn cả một ngày ròng. Quần áo chị mặc có thể xấu đẹp tùy người ngắm, nhưng nhất định phải thơm tho. “ Mỗi lần mình diễn xong, các con hay ùa lên sân khấu để ôm hôn, chụp ảnh cùng. Nếu quần áo không sạch, không thơm thì sẽ làm mất cả cảm giác yêu thương của các con.“
Hóa ra, với một người nghệ sĩ, cảm giác yêu thương của khán giả quan trọng đến nhường vậy.
Mụ già lẩm cẩm
Bạn bè Minh Vượng gọi chị thế. Là vì 6 năm nay, Minh Vượng dành trọn thời gian cho công việc giảng dạy và sân khấu học đường. Tuần 7 ngày thì 2 buổi dạy tiếng nói và kĩ thuật biểu diễn tại Cao đẳng Nghệ thuật sân khấu Hà Nội, 2 buổi dạy ở Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ TDP, 1 buổi dạy kĩ năng sống ở trường mầm non Việt Bun. Lịch diễn sân khấu học đường của Nhà hát Chèo Hà Nội, nơi chị chuyển về làm việc sau khi nghỉ hưu, thì kín đặc. Trung bình ngày 2 show diễn, có ngày 4 show diễn, vào dịp Tết Trung thu hay Tết thiếu nhi thì có khi 8 show diễn. Cứ 6 giờ sáng xe đón, vội vã hóa trang, dựng sân khấu để diễn cho kịp 7 rưỡi sáng. Diễn xong lại vội vã thu dọn sân khấu, di chuyển vài chục cây số để tới điểm diễn thứ hai, lại hóa trang, lại dựng sân khấu, lại diễn, rồi lại thu dọn để di chuyển đến điểm diễn thứ ba. Nhiều khi còn chẳng kịp ăn trưa. Hoặc có thời gian ăn trưa thì điểm diễn chẳng có gì để ăn cả, chị lại ăn tạm gói mì sống cùng mọi người trong đoàn. Tối về có chút thời gian rảnh nào lại ngồi cặm cụi viết kịch bản. Có cảm giác, Minh Vượng làm việc như để chạy đua với thời gian, bất chấp cả thể trạng vốn cồng kềnh mà mong manh, dễ vỡ của mình.
Có cảm giác, Minh Vượng làm việc như để chạy đua với thời gian, bất chấp cả thể trạng vốn cồng kềnh mà mong manh, dễ vỡ của mình.
Video đang HOT
“Mụ già lẩm cẩm” đang ở giai đoạn sáng tạo sung sức nhất của đời nghệ sĩ. Nhưng thay vì theo đồng nghiệp đi chạy show kiếm tiền thì lại trốn biệt ở cái sân khấu học đường nơi ngoại thành Hà Nội hay góc bục giảng nào đó để nhận về chừng 40.000 đồng trên một tiết dạy, thù lao mà nhà nước xếp cho Nghệ sĩ ưu tú.
Lẩm cẩm tới nỗi, có cậu thợ sửa điện nước quen sắp cưới vợ, thỏ thẻ mời cô về quê cháu ở Hải Dương dự đám cưới, thế là “mụ già” hớn hở đi ngay. Chẳng làm giá, chẳng giữ gìn hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng, còn mời thêm bạn diễn để về diễn mừng đám cưới cậu thợ chỉ vì yêu quý cái tấm chân tình của cậu. Họ hàng đôi bên mắt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên. Bởi như người ta, một cái show đám cưới đã có thể cầm vài chục triệu dễ như trở bàn tay. Mà Minh Vượng xưa nay chưa bao giờ nhận show đám cưới.
Chưa bao giờ nhận show đám cưới nhưng Minh Vượng lại hớn hở về quê cậu thợ sửa điện quen thân để diễn mừng đám cưới vì quý tấm chân tình của người thợ.
Ngày ngày, mụ già lẩm cẩm đi làm bằng “ con xe Mẹc mui trần hai bánh chân chống giữa“. Gần Tết Hà Nội tắc đường kinh hoàng, có lúc đang đi nửa đường thì không thể nhích nổi bánh xe. Thế là “mụ” nhấc xe lên, tạt vào vỉa hè gửi tạm hàng quán nào đấy, rồi đi bộ một mạch tới điểm quay. Tất bật từ sáng đến tối với lịch làm việc, lịch uống thuốc nhưng nhà vẫn có hoa tươi để cắm. Mà là hoa đẹp hiếm thấy, từng bông đều mập mạp, thân dài hơn nửa mét, lộc lá nõn nà. “ Có chị bán hoa quen, cứ có mớ hoa đẹp là để dành, mang về tận nhà cho mình” – Minh Vượng bảo.
Sống một mình, không gia đình, lẽ thường người ta hay vun vén cho bản thân, lo cho tương lai cô độc. Đấy là định kiến của người đời. Còn với Minh Vượng, xem ra cuộc sống đi về lẻ bóng này với chị chẳng hề hấn xi nhê gì. Nên chẳng màng chuyện tiền bạc. Nhưng đôi lúc, có những cơ hội vụt qua cũng làm chị tiếc nuối. Đó là khi đạo diễn Cường Ngô thông qua NSND Như Quỳnh mời chị đóng vai bà trùm Phúc Bồ lừng danh một thời ở chợ tạm Đồng Xuân. “ Nhiều năm nay, để có một vai diễn điện ảnh hay, kịch bản tốt khó lắm“, chị bảo thế. Nhưng thời điểm bấm máy lại trùng với lịch diễn của chị ở một trường học tận trong Hà Đông. Và cuối cùng, chị chọn việc giữ lời hứa với đám trẻ con để từ chối đạo diễn Việt Kiều, từ chối một vai diễn mà chị biết là hay và khó kiếm.
chị chọn việc giữ lời hứa với đám trẻ con để từ chối đạo diễn Việt Kiều, từ chối một vai diễn mà chị biết là hay và khó kiếm.
Thế nên bạn bè mới nói, đặt “nickname” ấy cho Minh Vượng không sai đâu.
Còn Minh Vượng nói, được tri ân những người thầy cũ của mình ở trường sân khấu, được ngắm nhìn những gương mặt ngây thơ lãnh hội những bài học quý giá về lòng tham, lòng bao dung và tình yêu, rồi nghe chúng hò hét phấn khích hồ hởi, “ đấy là niềm vui vô giá mà không tiền bạc nào có thể mua được“. Nói lời này, đôi mắt của Minh Vượng lại rớm nước lưng tròng sau cặp kính cận.
Cô học sinh cá biệt và cái loa phường
Thủa thiếu thời, Minh Vượng từng là cô bé nghịch ngợm nổi tiếng khu lao động Lương Yên. Biết đọc từ lúc chưa đi học vỡ lòng chỉ vì ham đọc truyện Tây Du Ký, mà muốn ông anh trai đọc cho nghe thì phải trả cho anh 2 xu, thế là tự mày mò học đọc. Đến khi vào lớp 1, vì cái gì cũng biết rồi nên phá bĩnh, không học nữa. Toàn bày những trò nghịch “ rách giời rơi xuống đất“. May sao, năm lớp ba, cô chủ nhiệm của Minh Vượng tên là Hương Giang ngày nào cũng yêu cầu cô học sinh cá biệt ở lại thêm 1 tiết để học bài. Một lần, mẹ của cô giáo đi xích lô ẵm theo một em nhỏ đến tìm cô nói “ Giang ơi Giang, bây giờ mấy giờ rồi mà chưa về cho con bú“. Minh Vượng ngồi ngây ra, thấy mình có lỗi với cô ghê gớm. Từ đấy tự bớt dần những trò quấy phá và trở nên chăm học. Chăm học tới nỗi, có những bài thơ từ hồi cấp 1, hơn 50 năm đã qua đi, ở tuổi đỉnh dốc chân đèo mà Minh Vượng vẫn thuộc làu làu trong đầu.
“ Nhà em trồng một cây xoan
Trồng từ dạo trước trồng ngang lưng đồi
Ngày vui chim đến tìm mồi
Đêm từ đám lá trăng ngời nhô lên” – Minh Vượng ngâm nga, hồn nhiên hồi tưởng thời thơ ấu, “ cái thời mùa đông cũng như mùa hè có cô giáo tên Hương Giang ở lại ôn bài với mình.”
Minh Vượng xúc động hồi tưởng lại thời đi học, nhờ có cô giáo tận tâm quên cả con nhỏ mà mình có được ngày hôm nay
Khu lao động Lương Yên lúc nào cũng sôi động bởi lũ trẻ con. Nhà Minh Vượng có 6 anh chị em thì cả 6 người đều say mê phim kịch. Mỗi lần có đoàn phim hay đoàn ca kịch cải lương nào về hội trường khu diễn, bố mẹ lại cho anh chị em Minh Vượng một hào để đi xem. Một hào thì tiêu cả vào việc mua kem rồi, nên đành trốn vé. Cứ thế bò qua háng người lớn để tiến sâu vào khu vực chiếu phim. Thế nên cả 6 anh em đều cận thị nặng.
Xem xong chưa thỏa, về nhà Minh Vượng lại phân vai để diễn lại vở đã xem. Chăn màn chiếu được mang ra làm đạo cụ. Rồi rủ các bạn hàng xóm làm diễn viên quần chúng. Giờ mỗi khi gặp lại bạn cũ, họ bảo Minh Vượng: “ Chúng tớ chả ngạc nhiên khi cậu trở thành diễn viên“.
Bạn bè thủa thiếu thời không ai ngạc nhiên khi sau này Minh Vượng là diễn viên nổi tiếng
Năng nổ, hoạt bát, tham công tiếc việc, ăn cơm nhà lo tù và hàng tổng, những tính cách ấy đã có ở trong máu Minh Vượng khi còn nhỏ, chứ chẳng phải cái tính lẩm cẩm của người già như đám bạn chị trêu nhau. Làm lớp trưởng nhiều năm, còn làm cả bí thư chi đoàn trường, chuyên lo dìu dắt, giúp đỡ các học sinh cá biệt… giống như mình. Nên giờ, ở ngưỡng 60, chị vẫn được bạn bè gọi là “lớp trưởng”, vẫn giao nhiệm vụ cho chị như cái loa phường, có việc gì là phải thông tin tới tất cả bạn bè. Loa phường phát từ sáng sớm đến sẩm tối, ngày ra rả một loại thông tin như thế nào thì chị cũng phải “ loe mồm” ( – từ của Minh Vượng) như thế ấy. Mà bạn bè chị lại cùng phường ham vui, ham chơi. Mỗi quý một lần lại tụ tập hội họp, ôn nghèo kể khổ.
Minh Vượng bảo vui thì chả ai khoe mà cứ buồn thì bạn lại tìm đến mình. Bạn nói “ cứ sống như bà là thích nhất“. Minh Vượng chặc lưỡi an ủi: “ Cái lúc bà sinh con đẻ cái, được ôm ấp bế bồng, được chồng đưa đi sắm đồ sắm đạc thì bà chả nghĩ tới tôi.” Thì lúc hạnh phúc vui sướng người ta đâu nghĩ đến kẻ cô đơn. Còn Minh Vượng, nói là không có thời gian để buồn, nhưng cuộc sống có phải lúc nào cũng suôn sẻ vui vẻ nắc nẻ được. Những lúc ấy, cái buồn vì “ giày dép có đôi, bàn tay có đôi, bàn chân có đôi, cái tai có đôi, đến lỗ mũi cũng có đôi” nó mới ám ảnh.
Quá muộn để nói đến tình duyên
Nói về duyên phận, về những cuộc tình đến trễ nếu ta biết chờ đợi, Minh Vượng cười bảo “ đã quá muộn về nói đến“. Chị nói, không chút bi quan.
Minh Vượng: Đã quá muộn để nói đến tình duyên
16 tuổi đã bị bệnh thấp khớp nặng. Có những lúc hai chân sưng to như bắp chuối, chỉ thực hiện những nhu cầu vệ sinh cá nhân thôi cũng đã là nỗi cực hình. Nhà điều kiện vệ sinh ngày xưa thiếu thốn chứ không được như bây giờ. 30 tuổi thì chị bị tiểu đường nặng do hệ quả của việc dùng thuốc thấp khớp. Bệnh tật cứ thế hành hạ chị suốt những năm tháng thanh xuân nhất của cuộc đời. Những cuộc tình cũng bay đi như chim. “ Mình xác định hạnh phúc của mình nó khẩm bà là khịt rồi, sẽ không bao giờ đi đến bến bờ của những cặp vợ chồng bình thường, thì thà mình dành thời gian đó, toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật” – Minh Vượng bình thản.
“Mình xác định hạnh phúc của mình nó khẩm bà là khịt rồi, sẽ không bao giờ đi đến bến bờ của những cặp vợ chồng bình thường, thì thà mình dành thời gian đó, toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật”
Ngày trước, Minh Vượng từng chia sẻ, kiếp này chị không có cơ hội sinh con, kiếp sau chị sẽ sinh con bù. Nhưng giờ, đến cả chuyện con cái Minh Vượng cũng dường như chẳng bận tâm nữa. Có lẽ, đến đỉnh dốc cuộc đời, chị càng nhận ra cái chân lý vô thường. Chồng con tiền bạc danh vọng, cứ tưởng là của mình nhưng chẳng có gì thực là của mình cả. Người ta đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, bước ra khỏi cuộc đời bằng chân không, sao cứ phải vương vấn nỗi phù vân.
Một ngày của Minh Vượng bây giờ cuốn đi theo công việc. Trong ngày, chiếc ipad của thi thoảng lạ rung lên bởi chi chit tin nhắn của các cháu và các em. Lúc thì cô cháu gái gửi loạt hình mặc áo dài chụp ngày xuân cho chị ngắm. Lúc thì cô cháu khác gặp được mớ mùi già thơm bên đường nên mua về cho bác. Lúc thì cô em nấu nồi canh ngon, kho nồi thịt ngon lại sai con mang đến cho bác dùng. Và mỗi khi rảnh rỗi một mình ở nhà, Minh Vượng lại huýt sáo một cái, 5 phút sau anh chị em, con cái cháu chắt đã tề tựu đầy đủ trong căn nhà nhỏ sực nức mùi hương của các loại hoa, cười nói rộn vang cả con hẻm vắng người.
Để rồi sau đấy, rất có thể, chị lại phải lấy tấm garo bó chặt hai đùi đang sưng phồng lại, dắt con mẹc mui trần hai bánh chân chống giữa ra đường, lao vun vút cho kịp giờ diễn, nơi những gương mặt bé thơ đang háo hức chờ nụ cười của chị.
Hoàng Hồng. Ảnh: Hải Bá / Theo Trí Thức Trẻ
Sở thích lạ của người đàn bà cô đơn Minh Vượng
Cuộc sống với muôn vàn xô đẩy có thể làm già cỗi con người nhưng kỳ lạ thay, khán giả không thấy điều này ở NSƯT Minh Vượng.
Mọi người nói Minh Vượng già rồi mà hay chơi đồ hàng của trẻ con nhưng thực sự chị rất mê thú nhồi bông. Chị đang sở hữu hàng trăm con thú nhồi bông, búp bê với đủ chất liệu và có sở thích mỗi tuần mang búp bê, gấu bông ra tắm, giặt, phơi phóng, chải lông. Con nào quần áo, nơ có vấn đề tổn thương thì lại phải khâu, chỉnh sửa.
NSƯT Minh Vượng và bộ sưu tập thú nhồi bông.
Minh Vượng bảo búp bê, gấu bông tưởng là vô tri vô giác nhưng chúng lại rất có hồn. Bên cạnh những con trông rất buồn thì có những con nhìn đã thấy láo liên. Minh Vượng thành thật rằng cuộc sống này có tiền tiêu bao nhiêu cũng hết. Mỗi lần đi biểu diễn nước ngoài dù đắt hay dù rẻ chị vẫn săn lùng đi mua vài con thú nhồi bông hoặc một đồ kỷ niệm đất nước ấy.
Tuổi thơ của Minh Vượng trải qua trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ bao cấp và những đứa trẻ như chị dạo đó không có đồ chơi. Con người ta thiếu gì hay thèm cái đấy. Minh Vượng khi sống được bằng nghề nảy ra ý nghĩ: Tại sao mình không sưu tầm những con thú nhồi bông của các nước mang về Việt Nam?
"Tiền rồi mình tiêu sẽ hết, nhưng mà tất cả con thú nhồi bông nó mang dáng vẻ văn hóa và tập quán của các nước. Khi có thời gian nhìn lại những con vật ấy tôi lại nhớ lại cái thời kỳ đã đi diễn và mua con thú ấy ra sao..." - NSƯT Minh Vượng trải lòng.
Trong rất nhiều những con búp bê, gấu bông mà Minh Vương sở hữu, có một đôi gấu bông rất đặc biệt. "Cô cháu gái trước khi lấy chồng, sinh nhật tôi cháu tặng một đôi gấu bông. Và có sự trùng lặp rất lạ kỳ đó là sau này khi lấy chồng, cháu sinh được hai người con và trông khuôn mặt hai nhóc đó y chang hai con thú nhồi bông cháu tặng tôi trước đây" - Minh Vượng kể.
Minh Vượng bảo chị rất cảm động khi có một người bạn thân khi đi công tác ở Italia về có mua một đôi gấu bông có hình cô dâu và chú rể ôm chặt lấy nhau. Và khi tặng, người bạn nói rằng sở dĩ tặng đôi này là mong Minh Vượng về già sẽ có một ý trung nhân.
Minh Vượng không giấu giếm khi ở độ tuổi 60 nhưng chị vẫn có thói quen ôm một chú gấu bông khi đi ngủ. Và những lúc được ôm ấp, vỗ về và âu yếm những con thú nhồi bông là lúc chị cảm thấy thư giãn và giảm stress nhiều nhất.
Theo Sơn Hà-Như Quỳnh- Xuân Quý/ Báo VietNamNet
MC Thành Trung: Khán giả có khó tính, tôi mới bớt... vô duyên Nam MC chân tình chia sẻ: "Có khán giả khó tính là một may mắn, vì nhờ vậy tôi mới có động lực để khó tính với bản thân, để ngày càng hoàn thiện mình". Tối 6/1, tập đầu tiên của Remix New Generation đã lên sóng VTV3 với sự thay đổi trong format, cùng với đó là cặp đôi người dẫn chương...