Nghệ sĩ cải lương Vũ Minh Vương hôn mê
Anh bị xuất huyết não, dẫn đến hôn mê sâu và tình trạng rất nguy kịch, hiện được điều trị tại Bệnh viện 115.
Theo tin từ chị Ngọc Oanh, vợ của nghệ sĩ Vũ Minh Vương, lúc 2h sáng 9/6, anh bị ói ra máu, khó thở. Gia đình và hàng xóm đã đưa anh vào cấp cứu tại Bệnh viện 115. Các bác sĩ đã chẩn đoán anh bị xuất huyết não, dẫn đến hôn mê sâu, hiện rất nguy kịch.
Nghệ sĩ Vũ Minh Vương và Chí Hải trong chương trình tái diễn vở Tiếng sáo đêm trăng (ảnh Thanh Hiệp).
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Vũ Minh Vương nhập viện điều trị căn bệnh tai biến, tim mạch, sau đó anh được xuất viện và trở lại sàn diễn. Thế nhưng đến nay sức khỏe của anh đã suy giảm do đau dạ dày. Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp biết tin đã vào bệnh viện thăm hỏi, một số khán giả hâm mộ thông qua trang web cải lương Việt Nam đã quyên góp tiền giúp đỡ anh. Chị Ngọc Oanh xúc động nói: “Cầu mong cho anh ấy vượt qua, các bác sĩ cho biết sẽ cố gắng hết sức để cứu anh ấy và đã truyền đến 4 bịch máu”.
Nghệ sĩ Vũ Minh Vương là kép chánh của nhiều đoàn cải lương nổi tiếng những năm 1980 và đầu thập niên 1990. Anh từng đóng các vai quan trọng trên sân khấu đoàn: Khánh Hồng (An Giang), Sông Bé 1, 2, 3, Sông Bé Mới… Giai đoạn tên tuổi anh lừng lẫy nhất khi về diễn trên sân khấu Đoàn Sống Chung, hát chính với nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy và Đoàn cải lương Trúc Giang hát cặp với nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu. Đỉnh cao nghề nghiệp của Vũ Minh Vương là giai đoạn anh tham gia biểu diễn trên sân khấu các đoàn: Văn Công TP HCM, Hương Mùa Thu, Thanh Nga…trong các vở: Hoa độc trong vườn, Tiếng sáo đêm trăng…
Có giai đoạn anh tích lũy được vốn liếng đứng ra làm bầu sô trong thời gian 5 năm, dàn dựng và biểu diễn hơn 30 vở tuồng đạt doanh thu rất cao. Sau này khi sân khấu cải lương khó khăn, anh chuyển sang làm bầu các chương trình đại nhạc hội.
Nghề hát của anh tuột dốc khi sàn diễn tắt đèn, việc làm bầu gây ra biết bao lỗ lãi, mái ấm gia đình anh đổ vỡ, nợ nần chồng chất khiến anh lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm và Ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP HCM từng tổ chức một suất hát gây quỹ trao tặng tiền cho anh trị bệnh ở lần nhập viện đầu tiên năm 2008.
Nghệ sĩ Vũ Minh Vương và soạn giả Ngọc Ẩn (ảnh Thanh Hiệp).
Video đang HOT
Sau đó, năm 2009, trong một đêm đi diễn bằng xe máy về, vì tránh một người điều khiển xe ngược chiều, nghệ sĩ Vũ Minh Vương bị tai nạn dẫn đến dập bán cầu trái, tích tụ máu bầm trong não, rơi vào trạng thái hôn mê phải nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện 115. Chị Ngọc Oanh khóc nức nở: “Cầu mong anh ấy sẽ giữ toàn sự sống, cho dù có nằm liệt một chỗ, tôi cũng sẵn sàng chăm sóc anh, miễn sao anh vẫn sống bên tôi”.
Chị Ngọc Oanh – vợ của nghệ sĩ Vũ Minh Vương, chăm sóc cho chồng trong lần nhập viện năm 2008 (ảnh Thanh Hiệp).
Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, nghệ sĩ Vũ Minh Vương được khán giả yêu thích qua nhiều vai diễn thuộc sở trường kép mùi. Anh đặc biệt phù hợp với các nhân vật cổ trang thuộc thể loại tuồng hương xa, dã sử như: Thạch Sanh ( Thạch Sanh – Lý Thông), Lưu Bình ( Lưu Bình – Dương Lễ), Bình Thanh ( Nữ chúa rừng xanh), Thạch Bảo ( Gió chuyển mùa thương), Hạ Sơn ( Cánh nhạn mùa xuân)… Anh còn nổi tiếng qua các vai diễn ca ngợi anh hùng lịch sử dân tộc như: Trần Bình Trọng ( Lửa rừng dương), Ngô Quyền ( Hoa độc trong vườn), Nguyễn Huệ ( Mai đào chung sắc), Đinh Bộ Lĩnh ( Cờ lau khởi nghiệp)…
Theo Người Lao Động
Thái Hòa kể chuyện ngày còn 'phá gia chi tử'
"Rèn đứa con ham chơi không xong. Lần này, mẹ cương quyết bắt tôi đi học. Mẹ dắt tôi đến nhà cô Đỗ Quyên, là nghệ sĩ cải lương, dạy trong Trường Sân khấu - Điện ảnh, nhờ cô kèm cặp để tôi thi vào trường", diễn viên Thái Hòa kể lại.
Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về diễn viên nổi tiếng Thái Hòa từ những đạo diễn,diễn viên. Ai cũng dành cho anh những lời trân trọng. Tôi cũng đã nghe cát-xê của anh hiện tại cao nhất trong giới diễn viên. Thái Hòa trải qua nhiều biến cố. Ngồi với một người nổi tiếng, để mong anh gợi lại biến cố của mình, có lẽ không dễ. Thái Hòa đã khóc khi nhắc về những mất mát. Nước mắt đàn ông luôn ẩn chứa những dư vị đắng ngắt của sự thật. Như khi Thái Hòa bảo "Tôi không diễn với đời đâu, chỉ là tôi đang phòng vệ để đời không bóc trần, không xô ngã chính tôi trong phút giây yếu đuối".
Bén duyên với nghiệp diễn nhờ... phá gia chi tử
19 tuổi, như bao cậu "trống choai" thành thị, tôi bốc đồng khủng khiếp. Tốt nghiệp phổ thông xong, không thi đại học, sẵn nhà có điều kiện, tôi cứ thế phá tơi bời. Ngày, tôi làm vẻ mặt lừ đừ, phớt lờ mọi thứ cho giống một gã hippy chính hiệu. Đêm, lại trốn nhà tụ tập với đám đua xe, bụi đời hè phố. Chơi là chơi cho vui vậy, chứ chưa bao giờ tôi dám làm hại ai, vì cha mẹ tôi khó lắm. Mẹ là thương buôn, nên lúc đầu mẹ định truyền nghề cho tôi. Khổ nỗi, tính tôi thật thà, nghĩ gì nói nấy, không có ngọt nhạt được giống người ta nên mấy chuyến buôn liền đều lỗ. Thấy vậy, mẹ lại cho đi học thợ bạc với ý định sau khi lành nghề mẹ sẽ đầu tư mở tiệm vàng. Thời đó, ham chơi hơn ham làm, nên học được ít lâu lại bỏ bê, rồi tiếp tục rong chơi.
Nghĩ đi nghĩ lại, chắc cũng nhờ phá quá mà tôi bén duyên với nghiệp diễn. Năm lần mười lượt rèn đứa con ham chơi không xong, mẹ vẫn không bỏ cuộc. Lần này, mẹ cương quyết bắt tôi đi học. Mẹ dắt tôi đến nhà cô Đỗ Quyên, là nghệ sĩ cải lương, lúc ấy cô dạy trong Trường Sân khấu - Điện ảnh, nhờ cô kèm cặp để tôi thi vào trường. Thời đó, đâu biết nghiệp diễn là gì, chỉ nghĩ làm diễn viên thì vui vui, nên cũng có chút hứng thú.
Ngày thi đến, tôi hồn nhiên diễn cho các thầy cô xem, giám khảo năm ấy có cả thầy Công Ninh. Diễn nửa chừng nhìn xuống, thấy thầy cô cười ngặt nghẽo, tôi chắc mẩm trong bụng: "Phen này đậu rồi", nên càng diễn "sung" hơn nữa. Bước khỏi phòng thi với tâm trạng phơi phới, tôi dắt cả lũ bạn đi ăn mừng. Nào ngờ, khi tờ thông báo thí sinh trúng tuyển được dán lên tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy tên mình. Chờ vãn người, tôi dáo dác, chạy đi khắp các ngóc ngách của trường, chỉ mong tìm được bảng thông báo nào đó có tên mình nhưng hoàn toàn vô vọng. Chưa bao giờ cảm giác thất bại lại làm tôi buồn bã đến như vậy. Tôi thất thểu nghĩ về những tràng cười mà thầy cô dành cho bài diễn của mình.
Giờ mới biết thầy cô cười cũng bởi tôi hồn nhiên, tự tin quá, còn bạn bè khi ấy cứ kháo nhau: "Mặt thằng này xấu quá, diễn nhìn... mắc cười". Mà hồi ấy tôi xấu thật, ốm nhom lại lùn, cái mặt khờ khờ, giọng cũng không tốt thì đậu làm sao được. Thấy tôi tội nghiệp, các thầy cô khi ấy khuyên tôi học hệ C - hệ không chính quy của trường. Run rủi làm sao, tôi cũng gật đầu, học đại.
Trưởng thành trong biến cố
Suốt thời gian rèn luyện tại trường, tôi mới phát hiện ra mình rất bướng, cái gì làm không được là quyết tâm rèn luyện cho thành thì mới thôi. Bởi thế, tuy chưa yêu thích gì nghề diễn, nhưng nhờ cố gắng hết sức tôi cũng gây được chút tiếng tăm ở trường. Và rồi tôi lại đăng kí thi hệ A. Lần này rớt nữa. Nhưng nỗ lực của tôi đã làm động lòng thầy Công Ninh và thầy Minh Nhí. Hai người đã tích cực thuyết phục hội đồng để tôi đậu kì thi năm đó.
Trớ trêu thay, khi tôi đã bắt đầu xem nghiệp diễn như một phần máu thịt thì gia đình xảy ra biến cố. Kinh tế sa sút trầm trọng, tôi không còn điều kiện để chuyên tâm học hành nữa. Trận cháy chợ Đồng Xuân đã ngốn hết vốn liếng buôn bán làm ăn của mẹ tôi, các tiểu thương tân gia bại sản cũng không còn khả năng trả các món nợ tiền hàng cho mẹ. Mẹ vỡ nợ, các đồ vật quý giá trong nhà cứ lần lượt "đội nón ra đi". Tôi còn nhớ như in ánh mắt đỏ hoe đầy xót xa của mẹ, ba lặng thinh nắm tay mẹ thở dài. Cảnh nhà buồn hiu hắt.
Sự học chông chênh, tôi thất thần, cưỡi xe máy lang thang vô định khắp các ngóc ngách của Sài Gòn, để làm gì tôi cũng không biết nữa. Chiếc xe máy vốn là tài sản vô cùng giá trị lúc bấy giờ, cũng là món đồ quý duy nhất còn sót lại của gia đình. Nhưng rồi chiếc xe máy cũng bị lừa gạt mất. Là bạn của bạn tôi nói mượn để đi công chuyện. Mượn rồi đi luôn. Tôi đợi đến nhạt thếch ly cà phê vẫn chưa thấy xe về. Ngồi chờ đến tối thì biết là mất hẳn.
Là mất đi vật quý giá nhất còn sót lại của cả gia đình. Chới với trong đêm, tôi không dám về vào lúc này, cảnh nhà đã buồn lắm rồi. Sống mũi đổ cay, tôi ngửa mặt lên trời hòng cho nước mắt tràn ngược vào trong. Tôi đứng tần ngần trước sân khấu 135 Hai Bà Trưng, không hiểu sao tôi lại đến nơi này. Trong cơn khốn cùng ấy, bỗng nhiên một cảm giác rất an toàn, đầy che chở khi tôi bước vào nơi mà mình từng mơ ước được hằng đêm khóc cười dưới ánh đèn sân khấu. Người tôi mỏi rã rời, gang bàn chân đau rát, sân khấu xuống đèn tối mịt, tôi thầm khấn tổ nghiệp rồi co tròn trên chiếc ghế đá kê ngoài sân, ngủ ngon lành.
Mở mắt ra đã thấy anh Văn Ruy, Hữu Lộc (cố nghệ sĩ Hữu Lộc - HNG) đứng kế bên đầy lo lắng. Tôi kể rõ sự tình, hai đàn anh liền sốt sắng xin cho tôi chân "thợ đụng" tại sân khấu 135. Tôi sửa ghế, mở phát quảng cáo, bật tắt đèn, chuyển micro, ... và thầm khao khát một lần được đứng trên sân khấu lớn. Tôi nhận làm cả việc thâu băng, dán tem, dán poster cho hãng thâu băng của anh Phước Sang. Rồi thầy Minh Nhí mở quán cà phê trong trường tôi cũng xin một chân phục vụ. Những đêm thức trắng để cố làm cho xong việc đã khiến giọng tôi càng lúc càng khàn đi, không còn trong trẻo nữa. Không có sắc, giờ lại kém thanh, mà không hiểu sao tôi vẫn chưa khi nào nghĩ mình sẽ từ bỏ con đường diễn xuất.
Cùng lúc xoay cả ba việc làm thêm đã ngốn hết thời gian học của tôi. Tôi bị chuyển xuống hệ C. Buồn thì buồn nhưng vẫn cứ phải làm việc để sống. Lẽ ra tôi còn không được cấp chứng chỉ hệ C. Nhưng may nhờ vai diễn Râu Bắp trong phim Những đứa con thành phố mà tôi quen biết được với thầy Tùng, chính thầy ấy đã giúp tôi có được tấm chứng chỉ. Thầy bây giờ đã nghỉ dạy, nên chắc tôi kể ra chuyện này cũng không sao. Biết tôi lận đận, thầy vỗ vai nói: "Tớ thấy cậu diễn rất được, tờ chứng chỉ tớ sẽ giúp cậu". Quả thật, nghiệp diễn cũng không cần đến mấy thứ bằng cấp ấy, chủ yếu là quá trình học tập, nhưng lúc đó tôi rất cảm động vì cái tình của thầy, sự trân trọng mà thầy dành cho một cậu học trò còn vô danh như tôi.
Vai Linh trong Lấy chồng người ta, một trong những vai phản diện mà Thái Hòa thích nhất.
Cơ hội đến...
Rời trường, tôi rong ruổi đi diễn hài. Giai đoạn ấy, nghề diễn viên khốn khó lắm, không được như bây giờ đâu. Nhớ lúc gặp được cô Hồng Vân, tôi đã viết tờ giấy có ghi số điện thoại và nội dung vô cùng thống thiết. Rằng, cô ơi con "đói" lắm, rằng, cô có việc gì cho con làm với, không con chết. Nghĩ lại, thấy mình sao mà con nít, nhưng mảnh giấy đó lại ... "hiệu quả vô cùng". Cô Hồng Vân gọi tôi về Sân khấu kịch Phú Nhuận, là nơi tôi gắn bó cho đến tận bây giờ. Tôi được giao những vai nho nhỏ, được diễn lót, nhắc tuồng cho các nghệ sĩ lớn như thầy Minh Nhí, chú Bảo Quốc.
Thương tôi thật thà, cô Hồng Vân còn giao cho tôi việc sổ sách, tiền nong chi tiêu lặt vặt. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại yêu nghề đến thế, tôi say sưa theo dõi các cô chú diễn, tôi dành hàng giờ luyện tập nuôi dưỡng cảm xúc của mình, những mong sao rồi một ngày mình sẽ có những vai diễn để đời. Mà lúc ấy, chỉ cần được diễn, đã đủ để vui. Cô Hồng Vân thương tôi quá, cô dạy một câu mà tôi nhớ mãi: "Con cứ diễn các vai nhỏ và chuyên tâm tập luyện để một ngày khi các vai lớn có trục trặc, thì chính con phải đủ bản lĩnh để nhảy lên thay thế. Đó là cơ hội của con".
Và cơ hội trong mơ ấy đã có thật. Chú Sáu Bảo Quốc kẹt công việc không thể đến kịp giờ diễn. Cái thằng tôi ngơ ngơ ngáo ngáo được diễn thế vai. Tuy có thể tôi làm mất đi một vài miếng hài của chú Sáu, nhưng cái mặt khờ của tôi phần nào khiến khán giả thấy thú vị. Thế rồi tôi được tin tưởng đảm nhận những vai lớn hơn. Có nhiều người hay hỏi tôi làm sao diễn được vai hài, thật ra tôi đâu có diễn hài, tôi diễn kịch. Tính cách nhân vật, lời thoại như thế nào thì tôi nghiên cứu và diễn cho phù hợp thôi.
Diễn chỉ để thỏa mãn đam mê
Nghề diễn có nhiều góc khuất, đặc biệt là khi mình đau buồn tột đỉnh mà vẫn cứ phải mua vui cho thiên hạ. Tôi nhớ khi nghe tin ba tôi mất, lúc ấy tôi và Tina Tình phải diễn cảnh đùa giỡn với nhau trong phim Long Ruồi. Mặt cười tươi mà chân tay tôi run rẩy. Tim tôi nhói lên từng chập, cố để không đánh rơi chiếc mặt nạ của mình. Tina cũng biết chuyện nên bỗng nhiên òa khóc. Thấy cảnh ấy, tay tôi buông thõng, đầu nóng ran, cơn nghẹn ngào dồn ứ trong lồng ngực, nước mắt ngập mi, nhưng tôi cố không để mình khóc. Đúng lúc tôi đã quá sức chịu đựng thì đạo diễn cho nghỉ, tôi lao nhanh vào bệnh viện... Mà thôi chuyện buồn không nhắc nữa ...
Như một con kiến cần mẫn, tôi diễn chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, khao khát chinh phục các vai khó, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến danh vọng. Tôi nhận ra rằng, chỉ cần mình cố gắng hết sức, bền bỉ vượt qua đắng cay, gian khó thì sẽ có ngày cơ hội sẽ mỉm cười với những người lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc. Đến nay, khi đạt được chút thành quả lại có rất nhiều người hỏi tôi về sự đổ vỡ trong quá khứ. Nhưng đó là chuyện riêng... Khơi lại, có thể sẽ khiến những người tôi trân quý phải đau lòng. Hơn ai hết tôi không bao giờ muốn điều ấy xảy ra.
Giờ đây, lòng tôi đã ổn.
Theo CAND
Nguyễn Phi Hùng mang Tết sớm đến cho nghệ sĩ nghèo Không chỉ mang tiếng cười hạnh phúc dành tặng các tiền bối, giọng ca "Phép màu" còn ngẫu hứng hát ca khúc do chính anh sáng tác cùng câu ca cổ nghe rất "mùi". Mỗi năm vào dịp Tết, Nguyễn Phi Hùng lại thực hiện chuyến đi đặc biệt đến với những người nghệ sĩ nghèo tại trung tâm nghệ sĩ Sài Gòn....