Nghệ sĩ cải lương Tài Linh: Nhân viên soát vé, cô đào tuổi 30 và nữ hoàng video (P1)
Vào thập niên 90, Tài Linh là một trong những cô đào được công chúng yêu mến nhất dù cô đến với sân khấu trễ hơn các bạn bè đồng nghiệp khác.
Nhân viên bán vé, cô đào tuổi 30
Nếu Vũ Linh được mệnh danh là “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng” thì Tài Linh cũng nổi bật với danh xưng “ Nữ hoàng video”. Không giống như các đồng nghiệp tài danh khác, cô bắt đầu theo nghiệp cầm ca ở độ tuổi 30. Không ngờ rằng, cái duyên với nghề cộng với chất giọng ngọt như mía lùi đã giúp cô bước lên đỉnh cao với hào quang rực rỡ nhất những năm 90.
Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sinh năm 1956 tại Sài Gòn với quê cha ở Bình Định, quê mẹ ở Bến Tre. Cha mẹ bà là chủ tiệm may Ngọc Châu đình đám một thời ở Sài Gòn. Gia đình của Tài Linh có 7 người anh chị em. Chị gái Tài Lương và em trai Chí Linh cũng theo nghiệp ca hát và nổi danh như bà.
Tài Linh là cô đào xinh đẹp của sân khấu cải lương
Vào năm 1977, cha của Tài Linh bị bệnh và qua đời, công việc kinh doanh cũng đi xuống. Mẹ Tài Linh quyết định để lại tiệm may cho cô chị cả, còn bà dẫn Tài Linh cùng Chí Linh và cô em gái út về Bến Tre. Cuộc sống khó khăn chồng chất nên Tài Linh đã theo chị gái Tài Lương, lúc này đang là nghệ sĩ cải lương ở đoàn Sài Gòn 3, về lại thành phố làm nhân viên bán vé.
Tại đây, Tài Linh đã bắt đầu được các nghệ sĩ Lan Chi, Thuý Lan dạy cho những câu hát đầu tiên của cổ nhạc. Ngoài ra, chị còn học thêm với nhạc sĩ Duy Khanh và rất được các nghệ sĩ như Thanh Điền, Thanh Kim Huệ khen ngợi. Tài Linh có chất giọng kim trong cao, mỏng, khi thu thanh thì rất hay, nhưng khi hát trực tiếp ngoàí sân khấu phần nào hạn chế. Chính nhờ thu thanh mà giọng ca cô thuộc vào top những danh ca đương đại. Tài Linh vừa hát rất chuẩn tân nhac, không lai tạp cải lương, vừa hát cải lương chính thống, chân phương, mùi mẫn. Thêm vào đó, bà sở hữu gương mặt đẹp hiền lành, đoan trang, đúng chất phụ nữ Việt Nam, không bị tác động bởi phẫu thẩm mỹ.
So với người chị tài danh của mình là Tài Lương thì Tài Linh nổi tiếng chậm hơn nhưng lâu dài và lên tới đỉnh cao. Tài Linh nổi bật hơn hẳn các cô đào cùng thời. Đến hôm nay, chưa có nghê sĩ trẻ nào hát Chúc Anh Đài hay hơn Tài Linh. Vai diễn Lý Thần Phi của Tài Linh cũng có nét riêng, không giống bất cứ những nghệ sĩ đàn chị đã từng diễn xuất sắc vai Lý Thần Phi bên cải lương Hồ Quảng. Cách ca cải lương Hồ Quảng của Tài Linh cũng nhẹ nhàng, uyển chuyển, vừa phải, không phô trương vũ đạo. Nhìn Tài Linh hát, khán giả nhận ra bà luôn tìm cách làm mới phong cách biếu diễn của mình. Tài Linh diễn không ồn ào. Càng xem càng thấm chú trọng vào chiều sâu nội tâm nhân vật hơn là phô trương hình thức. Nét diễn bị thương của Tài Linh phần nào giống nét diễn bi của Sầu nữ út Bạch Lan mấy mươi năm về trước kể cá cách khóc sướt mướt, ray rứt.
Ở độ tuổi ngoài 50, Tài Linh vẫn giữ được nét duyên dáng, mặn mà ngày nào
Cái duyên nghề khiến Tài Linh đôi lần nở nụ cười sung sướng mỗi lần nhớ lại: “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể đứng trên sân khấu ca diễn chứ đừng nói chi nổi danh. Bởi tính tôi khá nhút nhát, cục mịch. Hồi xưa, mỗi lần đứng trong cánh gà nhìn chị Tài Lương ca diễn, tôi thấy ngưỡng mộ và tự hào về chị. Tôi tự hỏi, sao chị gái mình lại có tài đến vậy. hát ngọt, diễn giỏi không thua bất kì ai. Tôi như một khán giả trung thành, cần mẫn mỗi đêm theo chị đến các sân khấu. Tiếng vỗ tay của khán giả giòn vang trong thế giới nghệ thuật muôn màu. Tôi cảm ơn cái cơ duyên bán vé ngày nào đã cho tôi được hát trước hàng triệu khán giả. Đó là niềm hạnh phúc nhất đời tôi”.
Tài Linh không bao giờ quên được lần đầu tiên đứng trên sân khấu đoàn Sài Gòn 3 với vở cải lương Mái tóc người vợ trẻ. Cũng chính từ đây, Tài Linh đã mạnh dạn bước đi từng bước trên con đường cải lương, tiếp nối những gì chị gái Tài Lương đã gây dựng được.
Năm 1981, dịp may mắn đã đến với Tài Linh khi nghệ sĩ Quốc Trầm, bầu đoàn cải lương Nha Trang mời về làm đào chính. Từ sự may mắn này, Tài Linh đã đi diễn ở nhiều tỉnh miền Trung với các nghệ sĩ Quốc Trầm, Phương Dung, Vương Tuấn, Lệ Huyền, Thanh Hùng và được khán giả rất ái mộ qua các vở tuồng Công chúa tóc thơm, Cây gậy thần, Tình ca biên giới…
Tài Linh xuất sắc thể hiện nhiều nhân vật từ bi đến ác
Từ năm 1981 – 1988, trong 7 năm liên tục, Tài Linh đã là đào chính của các đoàn hát Tiếng ca sông Cửu, Tây Ninh 2, Long Giang, Vũng Tàu 2, Cửu Long 1.
Video đang HOT
Bà cũng đã đi lưu diễn qua các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây Hậu Giang với các tuồng Công chúa tóc thơm, tuồng Tội của ai và các tuồng cổ tích dân gian như Khoai lang Dương Ngọc, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương…
Đến năm 1989, Tài Linh được đoàn cải lương Minh Tơ mời về hát thế vai cho nữ nghệ sĩ Thùy Dương vì Thùy Dương theo chồng đi định cư ở Canada. Đây là một dịp may mắn để Tài Linh có thể phô diễn hết được năng khiếu trời cho của mình với cải lương.
Khi đó, báo chí không ngớt khen ngợi Tài Linh, khán giả săn đón, xin ảnh thần tượng Tài Linh, xin chữ ký và gần như lúc nào Tài Linh xuất hiện trên đường phố cũng được rất đông người hâm mộ nhận ra và dành lời khen ngợi.
Chen ngang “cuộc tình” của Vũ Linh và Thanh Thanh Tâm
Có thể nói, trong số những bạn diễn của “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” Vũ Linh, Tài Linh là bạn diễn ăn ý và cân xứng về ngoại hình nhất của ông. Bên cạnh dáng điệu thư sinh, lãng tử của Vũ Linh, Tài Linh lại dịu dàng, duyên dáng đến say lòng người.
Tài Linh đến với sân khấu cải lương quá trễ. Gần ba mươi tuổi mới bước lên hát đào chánh. Sự thu hút vẫn là nét dễ thương trong cách diễn, cách ca, dung dị hiền hòa, chân phương. Cho đến khi gặp Vũ Linh ở Nhà hát Trần Hữu Trang và đặc biệt khi cùng song diễn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, họ trở thành bộ đôi ăn khách số một. Vở diễn này cũng đưa Tài Linh vươn lên trở thành ngôi sao lớn. Trong sự nghiệp ca hát của Tài Linh, ngoài người chị Tài Lương thì Vũ Linh là người thứ hai có ảnh hưởng sâu rộng đến sự thành danh của Tài Linh.
Nói về người bạn tri âm và cũng là ân nhân của mình, Tài Linh trải long: “Anh Linh tính khí hào sảng. Ai hiểu anh thì thương anh lắm. Anh khó trong nghề nhưng hết tình hết nghĩa với an hem bạn hữu. Chúng tôi diễn chung đúng 16 năm chẵn. Anh Linh ngoài tình đồng nghiệp với chức năng một “kép chánh”, còn là người thầy nâng đỡ, dìu dắt Tài Linh khi đối diện với những vai diễn khó. Tài Linh khâm phục đức tính cần mẫn của anh Linh, cũng như sức làm việc bền bỉ”.
Cái duyên sân khấu với Vũ Linh đã giúp tên tuổi Tài Linh bay cao bay xa
Khi kết hợp với Vũ Linh, thời điểm này ông đã nổi tiếng, diễn rất ăn với NS Thanh Thanh Tâm. Sự có mặt Tài Linh như kẻ thứ ba đến sau, chen vào giữa thay thế vị trí Thanh Thanh Tâm. Nhiều người trong giới cải lương lúc ấy cũng vô cùng thắc mắc lí do vì sao Vũ Linh lại chọn Tài Linh để thế Thanh Thanh Tâm làm liên danh với mình? Bởi khi ấy còn rất nhiều cô đào khác cũng có thể kết hợp với Vũ Linh. Bao năm qua nhìn lai mới thấy Vũ Linh có cặp mắt tinh đời, kinh nghiệm nghề nghiệp sâu sắc. Vũ Linh đã phát hiện ra Tài Linh chính là bạn diễn tâm đắc nhất từ sắc vóc hơi ca. Cái bất lợi chiều cao của Tài Linh khi đứng chung với những nam nghệ sĩ khác lại là ưu điểm khi đứng cặp với Vũ Linh, một “liễu yếu đào tơ” bên cạnh chàng “thư sinh mảnh khảnh”. Giọng ca Vũ Linh trầm ấm âm vực rộng, như một bè trầm còn Tài Linh thì trong veo, cao vút, nhẹ nhàng, êm dịu như một bè cao. Nét chung là hai chất giọng này đều rất cảm, ca rất mùi nên những nhân vật trên sân khấu cải lương có thân phận éo le, gay cấn, não nùng bị ai rất hợp cho Vũ Linh. Tài Linh tung hứng, là bạn diễn phù hợp toàn diện nhất so với các bạn diễn nữ đóng cặp với Vũ Linh.
Cặp Vũ Linh – Tài Linh trong thời gian đó đã được đông đảo khán giả mến mộ, bình chọn là một trong những cặp diễn chung được yêu thích nhất. Trong bảng danh sách, thứ hạng của họ chỉ đứng sau cặp Minh Vương – Lệ Thủy vốn là các diễn viên kỳ cựu, đầy tài năng…
Sau khi loanh quanh một vòng ở các đoàn tỉnh như Nha Trang, tiếng Ca Sông Cửu, Long Giang, Tây Ninh… Tài Linh về hát ở đoàn Minh Tơ (lần đầu), đóng chánh trong các vở: Tiên Đơn Núi Dị, Bích Vân Cung Kỳ Án, Mã Siêu Báo Phụ Thù, Má Hồng Soi Kiếm Bạc… Bấy giờ Vũ Linh đang hát ở đoàn Trần Hữu Trang II, đoàn đang dựng vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Vũ Linh đề nghị đoàn mời Tài Linh về tăng cường khi cô nghỉ hát ở Minh Tơ, vì biết rằng Tài Linh có khả năng diễn tốt những vai tuồng cổ (cũng là sở trường của Vũ Linh). Vì thế có thể nói vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là vở diễn trong đó cặp Vũ Linh – Tài Linh xuất hiện lần đầu tiên trước khán giả.
Sau đó, cũng trên sân khấu đoàn Trần Hữu Trang II, Vũ Linh và Tài Linh còn đóng cặp trong vở Bản Tình Ca Còn Đó. Trở về đoàn Minh Tơ (lần thứ hai), Vũ Linh và Tài Linh là kép chánh và đào chánh của đoàn, đóng cặp trong nhiều vở diễn nổi tiếng. Ngoài các đoàn hát đó, Vũ Linh và Tài Linh còn đóng cặp trong một số vở do Ban Ái Hữu Hội Sân Khấu TP thực hiện.
Song, có lẽ Vũ Linh – Tài Linh cùng xuất hiện nhiều nhất trong các vở cải lương video. Cho đến nay, hai người đã thu hình trên 10 vở như: Xử Án Bàng Quý Phi, Trãm Trịnh Ân, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Thái Tử Đan Giả Gái, tất nhiên là không thể thiếu vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài nổi tiếng …
Cả hai đã trải qua nhiều vở diễn với đủ mọi tính cách, tâm lí
Khá nhiều khán giả xem và nghe “Song Linh” biểu diễn đều thầm mong họ sẽ trở thành một cặp tình nhân đẹp đôi. Thế nhưng, họ chỉ yêu say đắm qua các vai diễn. Ngoài đời, cả hai là đôi bạn tâm giao dù Vũ Linh nổi tiếng là anh kép sát gái bậc nhất sân khấu thời bấy giờ. “Dù có hát với nhiều nam nghệ sĩ tài danh, tôi vẫn thích hát với anh Linh nhất. Giữa chúng tôi có một sự ăn ý đến lạ lùng. Mỗi lần tôi định nói rằng tôi muốn ở lớp này sẽ ca diễn ra sao thì chưa kịp mở lời, anh Linh đã hiểu và nói ngay. Mối tình sân khấu của chúng tôi cũng kéo dài hơn những nghệ sĩ khác. Nó chỉ đứt gánh khi tôi sang Mỹ định cư. Đó cũng là sự tiếc nuối lớn nhất của tôi. Ra đi khi sân khấu vẫn lên đèn, khi nghệ sĩ vẫn trăn trở với từng lớp diễn. Bỏ lại sân khấu, bỏ lại người bạn diễn tuyệt vời như anh Linh đôi lần khiến tôi chạnh lòng rơi nước mắt khi nghĩ đến những tháng ngày còn đứng trên sân khấu để sống với các vai diễn.
Nhiều đêm không ngủ được, tôi hay nghĩ đến những số phận đàn bà đã đi qua đời tôi. Tôi nhớ đến đau lòng tiếng cười khô lạnh còn vương nước mắt của Hàn Tố Mai. Trong một phút giây, tôi đã nhìn xuống cuộc đời nàng bằng con mắt thông cảm và yêu thương hơn, dẫu nó không đủ để rửa cho nàng vết nhơ. Thật ra Hàn Tố Mai chỉ là một nạn nhân cho tham vọng điên cuồng của chính mình, cho những ước muốn rồ dại và bất khả. Bởi vì thời đại ấy, người ta không bao giờ thừa nhận tham vọng ở một người đàn bà. Tham vọng đã biến nàng trở thành kẻ mãnh liệt, mê đắm, cuồng dại, bất cần hậu quả. Tôi nhớ nhiều đến Lý Thần Phi, đến Chiêu Quân, đến Lan, Lụa, Hà, Hạnh… Những cái tên như lạ, như quen bước qua cuộc đời tôi. Lạ hay quen, điều ấy quan trọng gì đâu, bởi tất cả luôn ở trong đời tôi, là những hồi ức đẹp, êm đềm nhất trong cuộc đời tôi …”.
(Còn nữa)
Theo giadinhvietnam.com
Chuyện chưa từng kể của diễn viên nóng tính nhất màn ảnh
"Khán giả hâm mộ tôi bao giờ cũng chờ hết đêm diễn rồi lên nhìn, sờ, cấu véo. Ngày đó làm gì có máy ảnh, điện thoại sẵn như bây giờ nên việc diễn viên bị như vậy cũng là thường tình".
NSƯT Phương Khanh, diễn viên Đoàn cải lương Chuông Vàng (Hà Nội) đã có hơn 40 năm đứng trên sân khấu biểu diễn với những vở cải lương nổi tiếng như vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong vở "Hoa quỳnh trong phủ chúa", Lữ Bố trong vở "Lữ Bố hí Điêu Thuyền", A Hóa trong "Vòng hào quang tội lỗi", tướng Phàm Tiếp trong "Sen trắng Đông A", Bà Huyện trong "Nghêu, Sò, Ốc, Hến"...
NSƯT Phương Khanh cũng là gương mặt được nhiều khán giả truyền hình ấn tượng bởi những vai bà đóng cả phim truyền hình lẫn tiểu phẩm hài, lúc thì đanh đá chanh chua, lúc thì là mệnh phụ phu nhân ham tiền nhiều mưu mẹo.
NSƯT Phương Khanh
Nghề diễn cũng có lúc ê chề
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật cải lương, bố bà là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Tùng Ngọc nhưng ít ai ngờ rằng NSƯT Phương Khanh lại bị bố mẹ phản đối kịch liệt việc bà theo nghề.
"Bố tôi ngày đó biết tôi muốn theo cải lương đã khuyên ngăn đủ điều.
Cụ bảo: 'Nghề này bạc, con còn xuân sắc, còn giọng thì khán giả xem vỗ tay, khi con hết những thứ đó rồi, thì không ai còn nhớ con nữa, không ai xem con hát nữa, cay đắng lắm'.
Nhưng tôi không nghe, vì nó ngấm vào máu, từ tấm bé đã quen với giai điệu đó rồi, từ bỏ làm sao được", NSƯT Phương Khanh chia sẻ.
Nhắc lại một thời vàng son của sân khấu kịch dân tộc, NSƯT Phương Khanh chia sẻ: "Có thời điểm, chúng tôi đi diễn vài ba tháng liền khắp đất nước, đi đến đâu chúng tôi cũng được đón nhận nồng nhiệt với những đêm diễn cháy vé, khán giả đến kín hết cả rạp.
Thậm chí, có lần chúng tôi diễn ở Nhà hát nhân dân Phủ Lý, khán giả còn chen lấn đến nỗi sập cả bờ tường.
Tại rạp Chuông Vàng thì đêm nào cũng sáng đèn, khán giả đến kín mít, thậm chí, những diễn viên trong đoàn muốn mua vé tặng người thân cũng phải chờ đến lượt mình được... phân phối.
Khán giả hâm mộ tôi bao giờ cũng chờ hết đêm diễn rồi lên nhìn, sờ, cấu véo. Ngày đó làm gì có máy ảnh, điện thoại sẵn như bây giờ nên việc diễn viên bị như vậy cũng là thường tình".
Nhưng sân khấu dân tộc dần bị lép về bởi loạt các chương trình truyền hình khác, bà và đồng nghiệp phải làm đủ nghề để xoay sở.
Bà mở tiệm áo cưới Phương Khanh, được cái có duyên, tay nghề trang điểm tốt nên cửa hàng lúc nào cũng đông khách.
"Diễn viên cải lương chúng tôi có đặc thù riêng là phải kết hợp được 4 yếu tố thanh - sắc - tài - duyên, không chỉ diễn mà còn phải biết hát, múa kết hợp nên rất tốn sức lực.
Nhiều buổi tập diễn viên hát vạt cả tiếng mà không ra hơi, hỏi ra thì mới biết là vì công việc làm thêm để kiếm sống mệt quá đã ngốn đi sức lực của các em, các cháu, bởi vì những công việc làm thêm ấy lại chủ yếu lao động bằng... chân tay.
Tôi hồi đó là trưởng đoàn, đáng lẽ phải khiển trách họ, nhưng vì đời sống quá khó khăn nên chúng tôi cũng phải tạo điều kiện để giúp các em kiếm đủ miếng ăn, nuôi gia đình, chứ trông chờ vào đồng lương thì không sống nổi.
Bản thân tôi ngoài việc diễn trên sân khấu có thu nhập ổn định hơn vì tôi có cửa hàng áo cưới, trang điểm cô dâu, thỉnh thoảng tôi có tham gia đóng phim truyền hình.
Được cái, tôi trang điểm cũng được nên khách hàng đông lắm, cứ đặt lịch cả tháng trước ấy", NSƯT Phương Khanh tâm sự.
Rồi có thời gian bà cũng đi diễn hài ở các hội nghị, đám cưới, nhưng nhìn cảnh mọi người ăn uống cười nói, coi diễn viên như khách không mời nên bà bị tổn thương, cảm thấy ê chề vì đồng tiền bát gạo.
"Tôi diễn đám cưới đúng một lần duy nhất rồi từ đó thôi. Có thể, tôi đã già, lại đi qua những năm tháng vinh quang của nghề nên có chút khó tính", NSƯT Phương Khanh giãi bày.
Giảm tính đồng bóng nhờ theo Phật
Hỏi NSƯT Phương Khanh những vai diễn trên truyền hình và cả những vai ở sân khấu cải lương, bà đều đóng là mệnh phụ phu nhân, không thì cũng đanh đá, chua ngoa, tráo trở, ở ngoài đời, tính bà có nóng như trong phim?
Bà cười bảo: "Cũng nóng đó, đôi khi bị gọi là đồng bóng, nhưng mà tôi đã giảm được tính nóng nảy này do theo Phật, tôi ở nhà thờ Phật, hàng ngày đọc kinh niệm Phật, tính cũng ôn hoà hơn".
Làm nghệ thuật, cái tôi rất lớn, lại nóng tính, có bao giờ bà bị rắc rối trong công việc cũng như cuộc sống? - PV hỏi.
"Có chứ, ngày đi làm, cũng có nhiều người không thích tính nóng nảy của tôi. Chẳng thế mà tôi mất 18 năm học cảm tình Đảng rồi mới được kết nạp.
Năm nào cũng học, xong lại không được kết nạp mà đều một lý do duy nhất đó là tôi nóng tính quá. Thế nhưng tôi vẫn cứ đi học, chuyên môn tốt, khuyết điểm gì đáng một tí thì còn bảo thôi, đằng này mỗi cái nóng tính.
Ngoảnh đi ngoảnh lại 18 năm theo học, tôi thấy mình cũng kiên trì (cười)", NSƯT Phương Khanh tâm sự.
Tính bà nóng vậy, cuộc sống vợ chồng chắc cũng nhiều sóng gió? - PV hỏi.
NSƯT Phương Khanh cười giòn tan, bà bảo: "Lại không chứ, chồng tôi là diễn viên xiếc, sống rất nền nã, lại hơn tôi nhiều tuổi có thể không chấp tôi.
Nhưng bao nhiêu năm sống với nhau, chưa bao giờ chúng tôi có một câu nào làm tổn thương nhau. Vợ chồng nghệ sĩ, có nhiều người nói mong manh, ai cái tôi cũng lớn, dễ đổ vỡ.
Thế nhưng chúng tôi nhường nhau, nóng tính với ai chứ với chồng thì không".
"Bỏ ngoài kia những thị phi, những ồn ã, thi thoảng bạn bè mời đóng một vài vai nhỏ, đỡ buồn, đỡ nhớ nghề, thế là vui lắm rồi", NSƯT Phương Khanh chia sẻ.
Theo Vietnamnet
Nghệ sĩ Chinh Nhân qua đời ở tuổi 44 Nghệ sĩ Chinh Nhân, con trai nghệ sĩ Bạch Mai và cố nghệ sĩ Đức Lợi, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ ngày 28/1, do viêm phổi cấp tính, hưởng dương 44 tuổi. Nghệ sĩ Chinh Nhân thể hiện rõ sự mệt mỏi khi tham gia chương trình ra mắt CLB cải lương "Ba thế hệ - Về lại cội...