Nghe nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể chuyện chiến đấu
Với nhiều thành tích xuất sắc trong bảo vệ dân phố suốt hai đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bà vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà là một trong 8 anh hùng của quê hương Xô Viết ở thời điểm đó.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh
87 tuổi đời, 47 tuổi Đảng, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1926, khối 1, phường Hồng Sơn, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn còn khá nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà ép mình trong cái ngõ nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy đi qua, bằng âm thổ vùng Thạch Hà (Hà Tĩnh), bà kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở xã Thạch Phú, huyện Thạch Hà, 14 tuổi, bà được bán cho một người phụ nữ chuyên buôn thuốc Lào ở chợ Vinh với giá 10 đồng bạc. Người phụ nữ ấy mua bà, trước hết là để có người phụ giúp công việc, thứ nữa là để gán bà làm vợ cho một trong 2 đứa cháu trai của mình. “Hồi đó còn nhỏ nhưng tôi bướng lắm. Sai bảo công việc, dù nặng nhọc đến đâu tôi cũng không ngại nhưng lấy 1 trong 2 người cháu của bà Quán (tên người đàn bà buôn thuốc Lào) thì tôi không chịu”, bà Hạnh nhớ lại.
Ngọt nhạt đủ lời cũng không lay chuyển được cô bé giúp việc, bà Quán bắt đầu thay đổi chiến thuật. Bà bắt cô làm việc nhiều hơn nhưng lại không cho ăn uống. Đói khổ, Hạnh chỉ biết cắn răng vượt qua, có khi đói quá, phải ăn vỏ chuối luộc trừ bữa chứ không dám bỏ trốn. Nếu trốn đi, bà Quán sẽ đòi lại số tiền đã trả cho cha mẹ để mua bà.
Thấy cô bé giúp việc của bà Quán đẹp người, lại chịu khó, siêng năng, bà Tiến – một phụ nữ bán hàng xén ở chợ Vinh đã thương lượng với bà Quán để “mượn” Hạnh. Chịu thương, chịu khó lại thông minh nên Hạnh được bà Tiến tin tưởng cho đi theo học nghề, rồi giao hẳn cho nhiệm vụ đi thu tiền nợ từ các bạn hàng. Chính bà Tiến cũng là người mai mối cho Hạnh chàng thanh niên đẹp trai, có tư tưởng cách mạng tên Phan – con của một người bạn cùng phường buôn.
Bà Hạnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị biểu dương những điển hình trong phong trào học tập 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (ảnh do nhân vật cung cấp)
Video đang HOT
Sau ngày làm lễ dạm ngõ, gia đình anh Phan mang 10 đồng bạc đến nhà bà Quán để “chuộc” Hạnh ra khỏi thân phận tôi tớ. Cuộc đời nhiều biến cố, cay cực của Hạnh đã bước sang một trang mới…
Anh Phan vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước. Về làm vợ, Hạnh cũng được chồng giác ngộ, dẫn dắt tham gia hoạt động cách mạng. “Tôi buôn bán ở chợ nên đảm nhận nhiệm vụ đưa và rải truyền đơn, tuyên truyền chị em phụ nữ tham gia đóng góp cho kháng chiến, trừ gian, diệt bạo. Cũng may, suốt mấy năm trời dấu truyền đơn trong gánh thuốc lào, tôi không bị địch phát hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao phó”, bà Hạnh nhớ lại.
Rồi trong phong trào “chống giặc đói”, cả gia đình bà hăng hái tăng gia sản xuất, đẩy mạnh buôn bán, tiết kiệm chi tiêu để đóng góp cho cách mạng. Được chồng dạy chữ quốc ngữ, chính bà lại là người tham gia xóa mù cho mọi người, biến căn nhà nhỏ của mình thành lớp bình dân học vụ. Ông tham gia hoạt động cách mạng, bà vừa hỗ trợ chồng, vừa tham gia các hoạt động đoàn thể, vừa chạy chợ và nuôi dạy 5 người con nên người.
Năm 1955, bà được cử làm Tổ trưởng hộ khẩu xóm trong cải cách ruộng đất rồi xóm phó phụ trách an ninh rồi cán bộ an ninh của khu phố. Năm 1960, bà được phân công làm Phó trưởng ban bảo vệ khu phố III (thị xã Vinh), rồi Ủy viên ban cán sự kiêm Trưởng ban bảo vệ khu phố. “Hồi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, các cơ quan, đơn vị được lệnh sơ tán về vùng nông thôn để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chồng tôi theo xí nghiệp xay xát về sơ tán ở Đô Lương, Hưng Nguyên. 5 đứa con nhỏ được gửi về xã Hưng Đông (ven thị xã Vinh). Tôi được tổ chức phân công ở lại bảo vệ khu phố, bảo vệ và hướng dẫn các đoàn xe chở lương thực, vũ khí tiếp tế vào chiến trường miền Nam đi qua các trọng điểm của thị xã Vinh”.
Những ngày chiến tranh ác liệt nhất, giữa làn đạn rốc két bủa vây, với khẩu súng K44 mang bên mình, bà Hạnh lăn xả trên các trận địa của thị xã Vinh, tham gia cứu thương, san lấp hố bom để đoàn xe kịp ra tiền tuyến và bảo vệ kho tàng, hàng hóa đang được tập kết để chuẩn bị vào Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của giặc Mỹ càng ác liệt hơn. Nhưng cũng chính trong sự ác liệt ấy, sự mưu trí, dũng cảm của người phụ nữ này lại được dịp phát huy cao độ.
“Hồi đó hàng hóa vận chuyển vào Nam được ưu tiên nhất và cũng là mục tiêu bị Mỹ dội bom nhiều nhất nhằm chặn đứng sự tiếp tế của ta vào chiến trường miền Nam. Hàng đoàn xe tải bị ùn ứ bên bờ bắc Sông Lam. Nếu để yên trên xe, nếu trúng bom, thiệt hại sẽ rất lớn. Tôi nảy ra sáng kiến, mỗi khi đường chưa thông, lực lượng dân quân, du kích tham gia dỡ hàng hóa, sơ tán đến nơi an toàn hoặc gửi trong các nhà dân. Riêng chỗ các đoàn xe trú ẩn, cứ cách 3 gốc cây bố trí một đống cát cùng một số xẻng để kịp thời chữa cháy khi xe bị trúng bom”.
Bên những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã dành cho những cống hiến của bà trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc
Với sáng kiến của bà, những thiệt hại về lương thực, vũ khí giảm đi đáng kể. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, bà Nguyễn Thị Hạnh được bầu là Chiến sỹ Quyết thắng của lực lượng Công an liên tục 8 năm liền từ 1968 – 1976. Ngày 3/9/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng bà danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hết chiến tranh, bà tiếp tục đảm trách nội chính khu phố (tương đương với Phó chủ tịch phường bây giờ), công tác ở Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… Tuổi cao, sức yếu, bà xin nghỉ “để dành cơ hội cho lớp trẻ”. Tiếng là nghỉ nhưng chẳng mấy khi thấy bà ở nhà mà tích cực tham gia các phong trào ở khu dân phố. “Hễ người ta gọi có việc là mẹ lại tong tả đi ngay, có khi quên là mình đang bắc nồi cơm trên bếp. Trong nhà, dường như chẳng có cái nồi nào chưa từng bị cháy khét.
Có lần, cách đây chừng 3 năm, bà còn tham gia bắt bọn nghiện. Nói thật, đến trẻ, khỏe như chúng tôi còn sợ, nhỡ chúng nó lên cơn nghiện, liều lĩnh đâm cho một xi-lanh thì chết nhưng bà vẫn phục kích và phối hợp với công an phường bắt trọn cả ổ chích choác ngay trong khu dân cư”, cô con dâu đầu hóm hỉnh đùa, bà chỉ cười. Nụ cười hiền từ của một người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Dantri
"Heo đất nhà ta" ấm nghĩa tình chị em
Mỗi ngày cho "heo đất nhà ta" 500 -1.000 đồng, chắt chiu 4 năm, phụ nữ toàn thành phố Hội An (Quảng Nam) đã tích cóp được hơn 7 tỷ đồng, tạo nguồn vốn xây nhà tình thương, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn.
Từ phong trào "Heo đất nhà ta", qua 4 năm, phụ nữ toàn TP. Hội An đã tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng, góp vốn xây nhà tình thương cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn
Nhà chị Phan Thị Công Hiền, ở thôn 4, Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) chỉ có hai mẹ con. Bản thân chị là người khuyết tật, vẫn nhọc nhằn mưu sinh nuôi con học đại học. Chạy ăn ngày đôi ba bữa tươm tất đã khó, làm sao mơ được có ngày sửa sang lại cái nhà che nắng che mưa cho hai mẹ con đã dột nát đủ bề. Thế mà giấc mơ đó đã thành hiện thực. Cái Tết vừa rồi với hai mẹ con chị Hiền là một cái Tết ấm áp giữa ngôi nhà mới đậm nghĩ tình. Ngôi nhà được Hội phụ nữ địa phương hỗ trợ xây mới từ nguồn vốn "Heo đất nhà ta"
Chị Phan Thị Công Hiền (thứ hai, từ trái sang) chia sẻ niềm vui có ngôi nhà mới trong buổi giao lưu "Đồng hành cùng heo đất" vừa tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay
Cảnh nhà chị Huỳnh Thị Thu Hương ở Phước Thắng, Cẩm Kim thật khốn khó. 36 tuổi, chồng mất sớm, chị một thân một mình nuôi con, lại nuôi mẹ già và cả người anh trai bệnh tâm thần. Nhà làm nông, mấy công ruộng khó mà gánh nuôi cả nhà. Hội Phụ nữ thành phố đã giúp chị đỡ một gánh lo. Đó là hỗ trợ gia đình chị Hương xây một mái nhà tình thương tươm tất. Nguốn vốn cũng trích từ quỹ "Heo đất nhà ta".
Trong suốt 4 năm qua, kể từ khi phong trào "Heo đất nhà ta" được phát động vào năm 2009, mỗi năm đến ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), phụ nữ toàn thành phố đều mang "heo đất nhà ta" đến đóng góp khoản tiền mình tiết kiệm được, để tạo nguồn vốn xây "mái ấm tình thương" cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.
Hội Phụ nữ các xã, phường trên địa bàn thành phố trao phần tiền chị em ở cơ sở tiết kiệm được từ "heo đất nhà ta" đến Hội LHPN thành phố , ủng hộ xây "mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo
Mỗi nhà mỗi cảnh khó, song gia đình chị Hiền, chị Hương và nhiều gia đình phụ nữ nghèo, đơn thân... khác nữa đã được tiếp sức vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Nguồn tiếp sức đó chính là tấm lòng thơm thảo của phụ nữ toàn thành phố, đã tiết kiệm, tích cóp giúp những chị em có hoàn cảnh khó khăn như chị Hiền, chị Hương...
Mỗi ngày dành dụm tiết kiệm 500 - 1000 đồng cho heo đất, trong 4 năm, các bà, các mẹ, các chị em đã tích cóp được hơn 7 tỷ đồng. Một phần tiền tiết kiệm này được ủng hộ lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện công tác từ thiện, chăm lo, giúp đỡ cho phụ nữa nghèo trên địa bàn.
Qua đó, trong 4 năm qua, nguồn vốn từ "Heo đất nhà ta" đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố ủng hộ xây dựng 15 "mái ấm tình thương", hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho 7 phụ nữ nghèo và đơn thân khác. Ở cấp cơ sở, Hội Phụ nữ ở các xã phường cũng tích cóp, ủng hộ xây 6 "mái ấm tình thương" đến những chị em khó khăn ở cùng xã, cùng phường.
Nói về phong trào "Heo đất nhà ta" ở Hội An, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP nhắc lại một kỷ niệm cảm động: "Có đợt chị em mang heo đất đến trút ống để đóng góp, thì có một chị đến muộn. Con heo đất chị mang đến khi đập ra thì cả tiền cả lòng "heo đất" đều ngấm nước lụt... Gia đình chị bị ảnh hưởng do trận lụt lớn trong năm, thế nhưng chị vẫn không quên san sẻ chút tiền mà mình chắt chiu dành dụm được đến những chị em mà cảnh nhà còn khốn khó hơn.
Số tiền mỗi người dành dụm có thể ít, có thể nhiều, nhưng nghĩa tình chị em dành cho nhau là rất lớn, là nghĩa tình chị em sâu đậm, ấm áp dành cho nhau. Đây thực sự là một phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ "heo đất nhà ta" vừa để chị em ai cũng có ý thức tiết kiệm, trước hết là để vun vén cho mái ấm gia đình mình, và hơn nữa, để san sẻ, ủng hộ xây dựng những "mái ấm tình thương", giúp những chị em có hoàn cảnh khó khăn đỡ một phần gánh lo, vượt khó vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo".
Theo Dantri
45 năm sống trên đời chưa từng được tặng quà 8/3 "45 năm sống trên đời, có ai bảo với tôi là có ngày dành riêng cho phụ nữ đâu. À, hình như có ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 thì phải" - bà Hợi vừa nói vừa mải miết tìm những vỏ lon lẫn trong đống rác. Những bó hoa giá vài trăm nghìn là điều không tưởng đối với những nữ cửu...