Nghề muối Ba khía ở Cà Mau: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở vùng đất Nam Bộ.
Ba khía sống dưới tán rừng ngập mặn. (Nguồn: camau.gov.vn)
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau vừa tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống “Nghề muối ba khía” cho huyện Ngọc Hiển.
Ba khía muối là một đặc sản nổi tiếng của người Cà Mau ở vùng ven biển có nước mặn. Đặc biệt, con Ba khía Rạch Gốc được xem là ngon nhất khu vực. Nghề truyền thống muối Ba khía được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2019.
Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau ở vùng đất Nam Bộ. Đây còn là tri thức dân gian trong ẩm thực, từ cách làm sạch nguyên liệu, công thức muối cho đến kinh nghiệm chế biến món ăn…
Nghề muối ba khía của người dân huyện Ngọc Hiển được hình thành từ rất lâu, với trữ lượng ba khía dồi dào bởi sự ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho người dân xứ biển. Chính vì sự sinh sôi, phát triển dồi dào của ba khía tươi, người dân tại huyện Ngọc Hiển đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản được lâu và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nghề muối ba khía được ra đời từ đó.
Ba khía là loài thuộc họ nhà cua, có mặt ở những nơi có rừng ngập mặn hầu hết các tỉnh ven biển Nam Bộ. Tuy nhiên, chất lượng thay đổi theo từng vùng, người dân cho rằng là do thức ăn khác nhau.
Ba khía vùng rừng mắm thì thức ăn chính là lá cây mắm, khi muối xong có màu đen, gạch cũng đen nên ăn không ngon. Ba khía vùng rừng đước Năm Căn ăn lá đước, lớn con, gạch màu vàng, khi muối có màu đỏ nên người ăn ưa chuộng hơn.
Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ba khía Rạch Gốc ( huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), vì ba khía ở đây tuy nhỏ con hơn nhưng nhờ ăn trái mắm đen rụng xuống nên thịt chắc và ngon hơn các nơi khác. Cây mắm đen thì chỉ có ở Rạch Gốc.
Theo người dân, con ba khía thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển. Đặc biệt là mùa mưa, những đêm tối trời, con ba khía sống bu đen dưới những gốc đước, gốc dừa nước nên người ta có thể tha hồ bắt về muối thành mắm để ăn dần.
Du khách có thể trải nghiệm theo chân các nông dân đi bắt cua, ba khía vào ban đêm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Video đang HOT
Ba khía sinh sản rất nhanh, vào tháng 10 âm lịch hằng năm, chúng tập trung sinh sôi có khi đến hàng triệu con ở một góc rừng. Người dân miệt rừng gọi hiện tượng này là ba khía hội.
Ba khía muối có mùi vị rất đặc trưng, nức tiếng khắp mọi miền và trở thành đặc sản không thể không nhắc đến của Cà Mau.
Trước nhu cầu của thị trường, các hộ dân ở đây đã mở rộng quy mô sản xuất nghề muối Ba khía nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đưa món ăn dân dã này đến với nhiều người hơn.
Bà Nguyễn Thị Lẹ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển – người có kinh nghiệm muối Ba khía hàng chục năm cho biết, có hai cách muối Ba khía.
Cách thứ nhất là rửa sạch Ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi cho trực tiếp con Ba khía vào muối luôn.
Cách thứ hai, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm ngâm cho Ba khía chết, sau 5-7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường, bột ngọt, tỏi để muối Ba khía.
Với chất lượng ba khía vùng Ngọc Hiển hiện nay không những tiêu thụ thị trường trong tỉnh mà còn xuất khẩu.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện đúng theo kế hoạch, tỉnh dự chi kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, tỉnh hiện có khoảng 400 hộ dân với trên 1.200 lao động trực tiếp tham gia sản xuất Ba khía muối, tập trung ở các huyện ven biển, nhiều nhất là huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Theo quy hoạch, trong những năm sắp tới, Cà Mau sẽ có 1.000 hộ làm nghề Ba khía muối, thu hút hàng vạn lao động tại chỗ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm. Đồng thời, để nghề này phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiến hành thành lập các Tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập Hợp tác xã sản xuất Ba khía.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển tiếp tục phát huy nghề này, hình thành làng nghề truyền thống của địa phương, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch./.
Cực Nam Đất Mũi mờ xa
Mũi Cà Mau, điểm cực nam trên đất liền của Việt Nam là một điểm đến thú vị, hấp dẫn, để lại nhiều cảm xúc.
Chuyến đi không chỉ để check điểm cực mà còn để cảm nhận những vẻ đẹp, nét đặc sắc riêng của miền đất xa xôi, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Đất Mũi mờ xa dù để tới không mấy khó khăn nhưng vẫn khiến mọi người ngại ngùng. Bởi đó là điểm tận cùng của đất nước, bao quanh chỉ là nước, rừng ngập mặn bát ngát, vô tận. Ảnh: Đường ven biển ra Mũi Cà Mau.
Cực Nam - Mũi Cà Mau còn có tên gọi khác là Mũi Bãi Bùng nằm ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là điểm kết thúc tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nên vẫn được coi là vùng đất thiêng liêng, mang dấu ấn rất đậm về địa lý, lịch sử của đất nước. Ảnh:
Đường tới đất Mũi nay không phải qua sông, qua đò mà đã có nhiều cây cầu mới, đi lại dễ dàng.
Đường tới Đất Mũi dù xa nhưng khá tốt, thuận tiện, có thể đi xe máy, ô tô riêng, hoặc xe khách tới. Toàn bộ khu vực hiện tại đã được quy hoạch, bảo tồn với tọa độ mốc quốc gia, khu đài tưởng niệm, kè bao chống sạt, rừng quốc gia ngập mặn... Ảnh: Con thuyền - biểu tượng của Mũi Cà Mau.
Đến với Mũi Cà Mau, bạn có thể check mốc, ngắm biển, hòa mình trong hương rừng đước, cảm nhận không gian, không khí một vùng đất hoang sơ, bình yên, thô mộc và phóng khoáng. Ảnh: Khu vực kè chống sạt lở và rừng ngập mặn ven Đất Mũi
Đất Mũi thuộc vùng cực Nam, như một bán đảo giáp Biển Đông và vịnh Thái Lan, là khu vực các cửa sông đổ ra, phù sa bồi đắp, ăm ắp sức sống, thiên nhiên trù phú. Vị trí địa lý đặc thù khiến vùng đất này luôn tạo cảm giác đặc biệt: vừa yên ổn, vững vàng, bình an lại vừa có gì heo hút, đìu hiu, chơi vơi. Ngắm nhìn những tạo vật, ngôi nhà bị nước bao vây, sóng đỏ phù sa nôn nả vỗ khiến lữ khách lòng bâng khuâng, man mác. Mọi thứ đều tít tắp mù xa, thăm thẳm vời vợi.
Chúng tôi chọn cách tới Mũi Cà Mau bằng phương tiện xe máy từ Cần Thơ để được ngắm và cảm nhận nhiều nhất không khí, điệu hồn của miền đất Phương Nam gắn với hình ảnh cánh đồng bất tận, trời xanh mây trắng soi bóng xuống những dòng sông, kênh rạch chằng chịt. Suốt dọc cung đường, chúng tôi được thỏa mãn cảm giác về sông nước mênh mông, ngập tràn không gian trước mặt. Càng gần Đất Mũi, nhà dân càng thưa, còn lại là những cung đường của rừng ngập mặn và nước hoang sơ, man dại, mang dấu ấn một thuở cha ông đi khai hoang mở cõi, sông nước - đất trời - rừng cây giao hòa, kết nối.
Chiều dần buông, bóng tối bao trùm, chúng tôi đi trong một ngày mưa trên con đường hun hút. Khắp nơi chỉ thấy nước. Đi xa càng thấm nỗi buồn, cảm giác ngại ngùng, lay lắt của vùng đất như bị bỏ quên.
Nó thăm thẳm, hiu hắt, hoang vu. Tất cả chạm vào cảm xúc nỗi niềm của kẻ lữ hành vọng cố hương. Con đường vừa hối thúc lại vừa mở ra sự chùng chình trước cái huyền bí, mông lung của nơi đến xa lắc.
Ấn tượng nhất trên cung đường tới Đất Mũi là những rừng đước nối tiếp, trải ra bất tận hai bên, che rợp một vài đoạn. Những cây đước cao vút, khiến con đường hun hút sâu, xa thẳm.
Con người như hòa cùng thiên nhiên để sống trong giây phút hồn nhiên, vô ưu. Những nếp nhà lá đơn sơ, nhỏ nhoi, côi cút bên rừng xanh, cạnh kênh rạch làm nhói lên niềm cảm khái về miền đất như còn nguyên vẹn suốt hàng trăm năm nay, qua nhiều biến động của lịch sử.
Cho nên, đã vượt qua cả một chặng đường dài để tới "Đất Mũi mù xa" thì bạn hãy dừng lại nhiều chút, thưởng thức những đặc sản nơi đây. Một trải nghiệm đặc biệt, khó quên là đi thuyền dọc theo các kênh rạch, xuyên rừng đước.
Cảm giác khi xuyên rừng đước như được sống về miền đất Phương Nam từ thuở mở cõi, hoang vu và nguyên sơ. Nắng xuyên qua rừng bừng lên lấp lánh, trong veo, mát lành như chính tâm hồn của những con người nơi đây, chân chất, hồn hậu, trong sáng, vô tư.
Đất Mũi tưởng xa mà gần, mịt mù, thăm thẳm mà thân thương, hoài nhớ. Bởi nơi đó mang trong mình phù sa của xứ sở, của lịch sử và tâm hồn Việt. Đi qua vùng cực cũng là một lần ta đi đến tận cùng xa xôi của cảm xúc, cảm giác.
Một dải Việt Nam nối liền, ở đâu cũng là linh hồn Việt, những con người đã sống cả đời mình như dòng sông bồi đắp phù sa, như những cánh rừng xanh ngắt chở che, như biển lớn vẫn ào ạt dâng sóng, làm nên sự trù phú, bát ngát, mênh mông cho quê hương./.
Hà Giang: Thổ canh hốc đá Một phương pháp canh tác nông nghiệp đặc trưng đang được đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá thuộc tỉnh Hà Giang áp dụng hàng nghìn năm qua đã thực sự khiến nhiều người phải khâm phục. Đó là hình thức thổ canh hốc đá với biết bao nhọc nhằn, gian truân trong cuộc chinh phục thiên nhiên, vươn lên chống...