Nghề mới ở Trung Quốc: Giao hàng hộ shipper
Dịch vụ giao hàng hộ bắt đầu bùng nổ giúp các shipper giải quyết các vấn đề như thời gian chờ đợi quá lâu hay địa điểm giao hàng quá khó tìm.
Một shipper đang quét mã QR để thanh toán cho người giao hàng hộ. Ảnh: Daryl Lim/SPH Media
Cứ đến giờ ăn trưa, dưới tầng trệt của tòa nhà SEG Plaza thuộc khu Hoa Cường Bắc, thành phố Thâm Quyến lại có hàng chục người phụ nữ đứng chờ để nhận hàng từ các “shipper” (người giao hàng) và chuyển đến cho khách hàng. Những người này được gọi với biệt danh là “dì giao hộ” hoặc “dì giao chặng cuối”.
Sau khi đưa hàng đến địa điểm dự kiến, các shipper sẽ quét mã QR của dì giao hộ và trả cho họ một mức phí là 2 nhân dân tệ (gần 7 nghìn đồng). Những người giao hộ sẽ tích đủ số đơn hàng và nhanh chóng bước vào tòa nhà giao cho các khách hàng đang chờ đợi.
Người làm dịch vụ giao hàng chặng cuối gần đây đã trở thành một hiện tượng mới tại các khu trung tâm thương mại ở Thâm Quyến. Hầu hết họ là những người làm việc bán thời gian và trong lúc rảnh rỗi sẽ đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập với công việc giao hàng hộ.
Như Huang Xiumei quê gốc Hồ Nam, hiện đang làm nhân viên dọn dẹp ở Thâm Quyến. Bà cho biết các shipper tìm người giao hàng hộ vì thời gian chờ thang máy trong các trung tâm thương mại thường rất lâu, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm đến tận điểm giao hàng.
SEG Plaza là tòa nhà chọc trời cao 71 tầng ở khu Hoa Cường Bắc với hơn 3.000 căn hộ với cách bố trí phức tạp. Trong giờ ăn trưa đông người, thời gian chờ thang máy ít nhất là năm phút, phải mất ít nhất 15 phút để đi từ tầng cao nhất xuống đến tầng trệt của tòa nhà, bao gồm cả việc dừng ở mỗi tầng để người khác vào và ra thang máy.
Vì đã quá quen với cấu trúc tòa nhà, cô Huang có thể nhanh chóng giao 20 đơn hàng trong vòng 30 phút.
Video đang HOT
Dù là một lĩnh vực mới nhưng công việc giao hàng hộ cũng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Cô Huang cho biết, vì công việc này không cần bằng cấp nên bất kỳ ai cũng có thể đến đây kiếm tiền. Năm 2023, có đến 50 – 60 người đến khu vực này cùng một lúc để nhận giao hàng hộ, thậm chí có cả người trẻ tuổi.
Số lượng cung nhiều hơn cầu khiến thu nhập của cô Huang bị ảnh hưởng đáng kể trong năm qua. Cô chia sẻ mình chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng vào mỗi giờ ăn trưa, tương đương khoảng 1.000 – 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 – 7 triệu đồng) mỗi tháng.
Công việc giao hàng hộ giúp những người phụ nữ trung niên kiếm thêm thu nhập nhưng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Ảnh: TC
Mặc dù chỉ kiếm được khoảng 4 – 7 nhân dân tệ (khoảng 14 – 25 nghìn đồng) mỗi đơn hàng, hầu hết những shipper hoạt động ở khu vực các tòa nhà văn phòng tại Thâm Quyến cho biết họ đành phải lựa chọn chia sẻ thu nhập của bản thân với những người giao hàng hộ, bởi nếu hàng được giao chậm thì lương của họ cũng sẽ giảm hoặc bị đánh giá không tốt. Và việc chờ thang máy ở các tòa cao ốc như SEG Plaza quá tốn thời gian, có thể mất đến 20 phút để giao một đơn hàng.
Tuy nhiên, việc nhờ người giao hàng hộ đôi lúc sẽ gặp vướng mắc về vấn đề trách nhiệm. Có những trường hợp “dì giao hộ” giao hàng sai hoặc bị chậm trễ thì các tài xế phải chịu trách nhiệm và họ phải bồi thường cho khách hàng.
Li Xianliang, luật sư tại công ty luật Hebei Shidai Jingdian, đã chỉ ra rằng về cơ bản, những người giao hàng hộ này không khác một “trạm trung chuyển”. Điểm khác biệt duy nhất là họ có thể di chuyển và không có giấy phép hoạt động.
Ông nói thêm, nếu không nhận được sự chấp thuận của khách hàng, các shipper thực tế đang vi phạm thỏa thuận giao hàng khi chuyển đơn đặt hàng của khách cho người giao hàng hộ. Nếu đơn hàng bị mất, người bán, nền tảng và đặc biệt là shipper chính đều phải chịu trách nhiệm.
Nghề sắp xếp nhà cửa lên ngôi ở Trung Quốc
Những người dọn dẹp và sắp xếp nhà ở chuyên nghiệp đang giúp người dân Trung Quốc cải thiện không gian sống và cuộc sống của họ.
Người sắp xếp nhà cửa đang thực hiện công việc của mình tại nhà khách hàng. Ảnh: Sixth Tone
Quá sốc khi nhìn thấy tất cả đồ đạc của gia đình bày la liệt trên sàn phòng khách, Qian Yiwen (35 tuổi) đã quyết định ngay lập tức phải sắp xếp để người dọn dẹp chuyên nghiệp mà cô tìm được đến giúp mình xử lý chúng.
"Tôi chưa bao giờ biết mình đã mua nhiều đồ đến vậy cho đến khi nhìn thấy tất cả những thứ đó. Nó buộc tôi phải đánh giá lại lối sống của mình và suy nghĩ kỹ trước khi mua đồ mới", Qian nói.
Dịch vụ dọn dẹp chuyên nghiệp, hay còn gọi là "sắp xếp nhà cửa", đã xuất hiện ở Trung Quốc được vài năm, nhưng gần đây số lượng khách hàng đã tăng vọt. Wang Ziyu, giám đốc tiếp thị của Liucundao - một trong những nhà cung cấp dịch vụ sắp xếp nhà cửa hàng đầu Trung Quốc cho biết, sự gia tăng là do số lượng người làm việc tại nhà ngày càng tăng trong những năm gần đây, khiến họ chú trọng hơn đến việc cải thiện cuộc sống và không gian sống của mình.
Hiện số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Liucundao đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, lên tới hơn 400.000 người. Kể từ năm 2022, công ty đã cung cấp các khóa đào tạo cho hơn 470.000 người quan tâm đến việc "sắp xếp nhà cửa" một cách chuyên nghiệp, với khoảng một nửa số học viên đã gia nhập ngành này sau khoá học.
Wang cho biết: "Khách hàng thường coi chúng tôi là người được họ trả tiền chỉ để gấp quần áo sau khi giặt. Và bây giờ, họ biết chúng tôi còn cung cấp một dịch vụ mới để xem xét lại cuộc sống của họ".
Cao Qiuxia (40 tuổi) gia nhập Liucundao vào năm 2019 sau khi tham gia một trong các khóa đào tạo tại đây. Đối với cô, mỗi món đồ trong nhà là hiện thân cho lối sống của gia chủ, mang đến những hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của một gia đình. Ví dụ, các loại gia vị và cách sắp xếp chúng trong nhà bếp có thể phản ánh sở thích và thói quen nấu nướng của gia đình đó.
Khi cô ấy bước vào một ngôi nhà mới cùng với nhóm của mình, họ đi qua từng phòng một để dọn sạch tất cả những vật dụng được cất giữ trong đó. Cao Qiuxia tương tác với khách hàng trong suốt quá trình, thảo luận xem các món đồ có bị trùng lặp hay không hoặc tần suất mà người trong nhà sử dụng chúng.
Cao Qiuxia đang sắp xếp lại đồ đạc cho khách hàng. Ảnh: Sixth Tone
Sau khi vứt bỏ một số món đồ không cần thiết, Cao Qiuxia theo dõi cách sử dụng phòng của từng thành viên trong gia đình, bổ sung thêm các món đồ theo thói quen sinh hoạt của mỗi người. Mục đích là để đảm bảo rằng tất cả các vật phẩm dùng chung không gian lưu trữ đều có khả năng hiển thị như nhau đối với chủ sở hữu, thúc đẩy việc sử dụng nó hàng ngày.
Bằng cách đó, không chỉ toàn bộ ngôi nhà trở nên ngăn nắp hơn mà hiệu suất sử dụng những không gian hạn chế cũng được cải thiện, tạo cơ hội hình thành những thói quen mới. Ví dụ, hộp trà do người thân tặng có thể được đặt nổi bật hơn khi sắp xếp lại ngôi nhà, để giúp hình thành thói quen uống trà cho chủ nhà.
Cao cho biết: "Qua công việc của mình, chúng tôi hy vọng khách hàng biết rằng nhà không chỉ là nơi bạn cất giữ đồ đạc mà còn là nơi để bạn và những người bạn yêu thương nhất giao tiếp, trò chuyện và gặp nhau".
"Khi nhà cửa bừa bộn, người mẹ thường là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Hoặc những lúc đồ chơi, bình sữa và quần áo của trẻ sơ sinh chiếm hết không gian sống. Chúng tôi đã thấy quá nhiều bà mẹ 'bị mắc kẹt' trong căn bếp bừa bộn, không có chỗ cho họ thực sự 'sống' trong nhà', giám đốc tiếp thị Wang Ziyu nói.
Dữ liệu do Liucundao thu thập cho thấy khoảng 91,29% người sắp xếp nhà chuyên nghiệp là phụ nữ và hơn 40% tốt nghiệp đại học.
Theo Wang, hầu hết có hoàn cảnh tương tự Cao - một cựu nhà thiết kế nội thất, tốt nghiệp ngành Kiến trúc Đại học Đồng Tế và gia nhập ngành này sau khi hai con của cô bắt đầu học tiểu học, thời điểm các bà nội trợ thường quay trở lại với thị trường lao động. Wang cho biết thêm, ngành công nghiệp này cũng là cầu nối giúp họ có thể tái gia nhập lực lượng lao động một cách thuận lợi hơn.
Bị shipper 60 tuổi cưỡng hôn, người phụ nữ ám ảnh tới mất ngủ Sau khi bị người shipper 60 tuổi 'sàm sỡ', người phụ nữ rơi vào tình trang hoảng loạn, liên tục mất ngủ nhiều đêm và luôn sợ hãi dù đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Mới đây, một người phụ nữ sống tại khu Meriden, thuộc thị trấn Watford, hạt Hertfordshire (Anh) đã có một trải nghiệm gây ám ảnh khi...