Nghề luyện trâu cho Tây cưỡi
“Chọn được con trâu ngoan, người quản trâu cũng phải có thời gian huấn luyện cho con vật tiếp xúc với người lạ, quen mùi nước hoa, có khi mất cả 4 năm trời mới dám mang trâu cho Tây cưỡi”, ông Phạm Hò ở Hội An (Quảng Nam) nói.
Trời nắng gắt, ông Phạm Hò (51 tuổi) ở xã Cẩm Thanh nghe cuộc điện thoại của công ty lữ hành vừa mở tour cho khách du lịch cưỡi trâu, kéo cày, lập tức dắt con trâu lớn hơn 5 tạ đang gặm dở đám cỏ non lên đường đến chỗ hẹn. 11 năm nuôi dưỡng chú trâu này, giờ ông và trâu đã có nghề mới: làm bạn với khách Tây.
Ông Hò (bên phải) tập cho trâu cách giữ thăng bằng khi có người đứng trên lưng.
Ảnh: Nguyễn Đông.
Giữ cho trâu đứng dưới ruộng lúa nước, người quản trâu giúp khách ngồi lên trên cho vững, trâu đi một đoạn mới thả tay khỏi người vị khách nước ngoài để đảm bảo an toàn. Ra giữa ruộng, ông “chọc” cho trâu chạy nhanh hơn và cùng khách Tây reo hò. Con trâu đang đi bỗng đứng lại. Ông Hò bảo ông cậu đang làm nũng đấy, rồi lại gần ghé vào tai trâu nói: “Đi tới con, đi tới con”.
Nhà ông Hò vốn làm nông và con trâu là cơ nghiệp giúp ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây chăm lo cho con cái học hành, cuộc sống đỡ vất vả. “Nhưng giờ không phải ai cũng mặn mà với nghề nông nữa rồi. Nếu như trước đây nhà ai cũng có một con trâu dùng làm sức kéo, thì giờ cả thôn chỉ còn năm người nuôi”, ông nói.
Trước khi trở thành “mối” dắt trâu làm du lịch, ông Hò cũng nhiều lần giữ trâu cho khách Tây đạp xe ngắm cảnh ngoại ô phố Hội cưỡi. Ban đầu, trâu không chịu nghe theo. Về nhà, ông Hò kiên nhẫn dạy trâu cách đứng qua phải, qua trái theo hiệu lệnh, hay giữ thăng bằng, đi nhanh, đi chậm… khi có người ngồi lên trên.
Đưa trâu đi phục vụ du khách, ngoài việc tìm được con trâu hiền tính, chịu tiếp xúc với người lạ, người quản trâu cũng phải luôn nhiệt tình, chịu khó. Ảnh: Nguyễn Đông
“Có được con trâu hiền lành, chịu khó không dễ. Nhưng dạy sao cho trâu biết nghe lời, chịu tiếp xúc với người lạ cũng không hề đơn giản chút nào, đặc biệt là những vị khách cưỡi trâu thường có mùi nước hoa, trâu dễ hoảng sợ bỏ chạy”, ông Hò tiết lộ và cho biết ông từng phải bôi nước hoa ra tay cho trâu ngửi, khi quen rồi mới dám đưa trâu cho người lạ cưỡi.
Video đang HOT
Quản trâu Lê Viết Nhiên (50 tuổi) ở Hội An nói nhờ tour du lịch mới này mà ông giữ được nghề nhà nông, giữ đất để trồng lúa. Bởi không ít người quanh năm nuôi trâu chỉ để lấy sức kéo cho hai vụ lúa đã chán nản bán trâu cho lò mổ, đất thì bán cho các dự án resort.
Ngày ngày, ông thức giấc từ 5 giờ sáng cho đàn trâu hơn chục con ăn, rồi theo lịch hẹn của công ty lữ hành từ trước để đánh xe trâu đến chở khách Tây thong dong qua những cánh đồng phố Hội. Thời gian rảnh rỗi, ông lại dạy những con trâu mới lớn.
Ông Nhiên hướng dẫn du khách cách cho trâu ăn. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhờ chăm sóc tốt, việc chở khách không quá nặng nhọc với trâu, nên con trâu cái ông đang đưa đi làm du lịch tỏ ra rất sung sức. “Cảm giác khi thấy nhiều trẻ em người nước ngoài thích thú nô đùa với trâu thật vui. Và chính tôi như trở về tuổi thơ với những buổi cưỡi trâu ra đồng, thổi sáo, tắm sông”, ông Nhiên nói.
Được ngồi lắc lư trên lưng trâu, khách Tây ai cũng thích thú, và ông Hò, ông Nhiên cũng có tiền bỏ túi. Bình quân mỗi tháng, ông nhận được hơn 20 tour, tiền công mỗi tour từ 150 đến 200 nghìn đồng. “Như thế là nhàn hạ hơn nhiều so với công việc quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rồi”, ông Nhiên nói và cho biết trâu làm ra tiền nên thường xuyên được tẩm bổ lấy sức.
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc công ty lữ hành Khoa Trần Hoi An Eco-tour, cho biết ước muốn quảng bá đến du khách về cách làm lúa nước ở Việt Nam, giúp những người nông dân giữ được nghề, cũng như tạo sinh kế cho họ đã giúp ông đưa ra ý tưởng mở tour du lịch xe trâu, kết hợp với việc cho khách Tây cưỡi và đi cày cùng trâu.
Tạo cho du khách cười tươi khi làm bạn với trâu cũng chính là niềm vui của những người quản trâu phố Hội. Ảnh: Nguyễn Đông
“Nhưng việc chọn được con trâu ngoan, thuần tính, người chủ hiền lành, chịu khó không hề đơn giản. Tìm được trâu thì cũng phải thử nó bằng việc kéo thử, cho ngửi mùi tay xem phản ứng như thế nào mới tuyển được. Không để chuyện trâu không gặp mùi lạ bỏ chạy, làm khách té ngã”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng cho biết, ngoài việc “đào tạo” thêm trâu để có thể đáp ứng cho tour du lịch vốn đang hút khách ở Hội An, bản thân ông cũng thường xuyên chi thêm tiền công để người nông dân chăm sóc con vật này thường xuyên hơn, chứ không để tình trạng lạm dụng sức khỏe của con vật này.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Thành triệu phú nhờ nuôi trâu giữa Thủ đô
Ở phố đất chật người đông đến một mét vuông cũng quý thì làm gì có chỗ nuôi trâu. Ấy thế mà ông Nguyễn Đình Hòa lại giàu lên nhờ nghề nuôi trâu giữa phố.
Ông Hòa bên đàn trâu của mình
Đầu năm 2010, ông Nguyễn Đình Hòa - 50 tuổi, ở tổ dân phố 12, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội nuôi thử 5 cặp trâu thấy có lãi, đến nay đàn trâu của ông đã có trên 50 con. Tính sơ sơ cũng tới cả tỉ bạc, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông cũng thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
Ý định gàn dở trở thành hiện thực
Buổi chiều muộn đầu tháng 7/2013, trên đường về qua trục đường Lê Văn Lương kéo dài (thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), tôi bắt gặp đàn trâu trên 50 con bụng căng tròn, béo nịch đang thong thả gặm cỏ. Phía sau đàn trâu là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, ở trần với nước da bánh mật khỏe khoắn. Thấy lạ, tôi dừng xe ngồi bắt chuyện với ông ngay bên vệ đường.
Qua trò chuyện được biết, tên ông là Nguyễn Đình Hòa, là người dân tổ dân phố 12, phường Yên Nghĩa. Ông Hòa tươi cười nói: "Không phải mình chú thấy lạ mà ngày nào chẳng có hàng chục người đi qua đây bắt gặp đàn trâu gặm cỏ giữa khu đô thị con nào con nấy béo nịch, bụng căng tròn nên đều dừng lại nhìn ngắm tỏ vẻ thích thú.
Cũng như mọi người, tôi thắc mắc vì sao ông lại có đàn trâu đông và béo tốt như vậy ngay giữa phố phường đông đúc, ông Hòa cho biết: "Chú hãy nhìn xem, giữa hàng chục hécta đất khu đô thị nhưng lại bị bỏ hoang, cỏ mọc tươi tốt, lại có hồ nước trong veo thế kia thì làm sao đàn trâu lại không béo tốt được".
Chẳng giấu giếm, ông kể lại ý định nuôi trâu ban đầu của mình bị gia đình và bạn bè cho là gàn dở. Mọi người đều cho rằng dù trước đây là ruộng đồng nhưng bây giờ đã là đô thị, rồi thành phố phường thì lấy đất đâu mà nuôi trâu. Với lại đã là người thành phố thì cũng phải tìm những công việc cho xứng với người thành phố, chứ đi chăn trâu thì khó coi lắm. "Ngay trong gia đình, vợ con tôi cũng phản đối ghê lắm, vì cho rằng đầu óc tôi có vấn đề khi chỗ mát không ngồi cứ phải lao ra ngoài lúc trời nắng cũng như khi trời mưa. Rồi có làm sao người ta lại bảo vợ con đầy đọa nên mới như vậy" - ông cười sảng khoái.
Dù ai nói sao ông cũng bỏ ngoài tai, tiền đền bù đất ruộng vườn làm khu đô thị ông dồn cả vào mua 5 cặp trâu trên 100 triệu đồng. Chỉ sau 1 năm đàn trâu của ông đã có 3 con nghé, lớn nhanh như thổi. Giá mỗi con trâu trưởng thành lên tới 30 - 35 triệu đồng. Lãi trông thấy, ông quyết định vay mượn và đầu tư vào đàn trâu đến nay đã lên trên 50 con.
Kinh nghiệm buôn trâu
Theo lời ông kể thì cuộc đời ông đã trải qua khá nhiều nghề, từ buôn bán, trồng trọt đến làm thuê, làm mướn... nhưng chưa nghề nào lại có duyên và đem lại lợi nhuận nhanh như nghề nuôi trâu lúc này. Chỉ sau 3 năm, số tài sản của ông đã lên tới cả tỉ đồng. Mà nghề nuôi trâu bò, theo như mọi người thì "lãi trông thấy", chẳng mất cám, mất bã như nuôi lợn, nuôi gà, chỉ mất công chăn thả. Dịch bệnh đối với loại gia súc này cũng ít khi xảy ra. Điều quan trọng là chỉ cần có bãi chăn thả, cỏ tươi tốt, nước trong, sạch thì coi như trúng lớn.
Theo cánh tay ông chỉ, hai bên đường có tới hàng chục hécta đất dự án, khu đô thị mới nhưng chỉ là cơ sở hạ tầng để đấy, cỏ mọc lút đầu người. Theo như tình hình nhà đất hiện nay thì có lẽ tới 10 năm nữa vẫn còn là bãi thả trâu. Đấy là chưa kể đến hàng chục hécta đất của người dân tuy chưa thu hồi nhưng cũng chẳng thể canh tác được vì không có nguồn nước, trở thành hoang hóa, cỏ mọc. Đàn trâu gặm cỏ no nê rồi xuống những hồ nước nhân tạo phía sau - vốn là dự án công viên của khu đô thị - để tắm mát nên con nào con nấy lớn nhanh như thổi.
Ông Hoà còn chia sẻ kinh nghiệm muốn lãi nhanh phải biết chọn thời cơ mua trâu ở đồng rừng về chăn thả. Điều quan trọng là muốn mua được trâu rẻ cứ nhằm vào dịp cuối năm và nhất là vào tháng 8-9, dịp đầu năm học lên vùng Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), hay xa hơn là Mộc Châu (Sơn La) gom mua của các hộ gia đình. Bởi cuối năm là Tết người Mông, đồng bào cần phải chi tiêu nhiều khoản. Còn đầu năm học thì con cái đi học cần tiền nên phải bán.
Ông chỉ vào cặp trâu 2 mẹ con đi phía cuối đàn nói: "Như cặp này tôi mua trên Lương Sơn (Hòa Bình) giữa tháng 6 của một gia đình có con chuẩn bị đi thi đại học nên chỉ có hơn 20 triệu. Thế nhưng đưa về đến đây đã có người trả tới 30 triệu rồi, nuôi đến cuối năm thì phải được 40 triệu đấy".
Thì ra không chỉ giàu lên từ nuôi trâu mà ông còn là một tay buôn trâu có hạng. Điều đặc biệt là không phải "xem khoang, xem khoáy" như thợ lái ngày xưa mới mong sống được bằng nghề, mà ngày nay, nghề buôn trâu chỉ cần chọn đúng thời điểm là có thể thành công. "Bởi vì bây giờ chẳng ai còn dùng trâu đi cày bừa nữa mà đã đưa trâu về phố chủ yếu là để thịt. Nên trâu càng béo càng được giá, vậy việc mua trâu xem khoang, xem khoáy thành ra lỗi thời rồi" - ông Hòa vui vẻ cho biết.
Cũng theo ông Hòa thì món thịt trâu cung cấp cho thành phố lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng, "cung không đủ cầu". Mỗi khi cần bán thì chỉ nhấc điện thoại alô là hơn chục phút sau đã có người tới dắt đi, có khi còn nhanh hơn bán mớ rau.
Nghề thời thượng
Nói thì có vẻ hơi quá, nhưng tới thời điểm hiện tại, cả tổ dân phố không ai làm kinh tế nhanh có lãi mà lại chắc chắn như ông Hòa. Bởi người dân ở đây tuy lên phố phường nhưng trước đây gần như 100% là làm nông nghiệp, nay chuyển công việc khác thì một phần buôn bán, còn đa phần làm thợ xây, thợ hồ... công cao lắm cũng chỉ 150 - 200 nghìn/ngày. Làm đủ tháng cũng chỉ 4-5 triệu, con cái ăn học, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày tằn tiện mới tạm đủ. Chính vì vậy, không dám tự hào với nghề nuôi trâu, nhưng ông khẳng định không ai trong khu phố có thu nhập vượt ông lúc này.
"Công việc vừa phù hợp lại không phải đau đầu tính toán, sáng thả trâu ra, tối lùa trâu về. Sau 1 năm kiểu gì mỗi con cũng có lãi 5-7 triệu" - ông Hòa khẳng định chắc nịch.
Theo Xahoi
Du khách Tây vui Tết Việt Trải nghiệm cách gói bánh tét, thăm vườn hoa, trái cây, nghe đờn ca tài tử... nhiều du khách nước ngoài thích thú tham gia các tour du lịch đón Tết ở vùng sông nước miền Tây. Trong khi đa phần du khách nước ngoài đến Việt Nam lựa chọn các tour du lịch biển, đảo, thăm danh lam thắng cảnh, thì lại...