Nghe lời chồng, em gái đòi bán căn nhà kỷ vật của ba mẹ để chia tài sản
Tôi quá bất ngờ trước cách hành xử của em gái. Nuôi em khôn lớn tôi không tiếc thứ gì nhưng ngôi nhà là kỷ vật duy nhất ba mẹ để lại, là thứ không thể bán đi.
Khi còn nhỏ, tôi từng có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng đến năm 15 tuổi, ba mẹ tôi ra đi đột ngột trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Anh em tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi, lúc ấy em gái mới lên 9 tuổi.
Chúng tôi sống cùng ông bà nội trong căn nhà mới mà ba mẹ tôi xây chưa được bao lâu. Ngôi nhà là công sức và tâm huyết của cả cuộc đời ba mẹ. Hai năm sau, vì quá đau buồn, ông bà nội lần lượt mất trong một tháng, chỉ còn hai anh em.
Ba mẹ lẫn ông bà đều qua đời, anh em tôi đùm bọc lẫn nhau. (Ảnh minh hoạ)
Tôi đã phải nghỉ học đi làm để kiếm tiền nuôi em bởi số tiền ba mẹ để lại dần cạn kiệt. Tôi làm đủ thứ nghề từ phục vụ bàn, chạy xe ôm, bốc hàng… miễn sao có tiền. Về sau, có người giúp đỡ cho tôi học miễn phí nghề sửa ô tô. Từ khi có nghề, tôi được nhận vào làm ở gara với mức lương ổn định. Cuộc sống của hai anh em cũng đỡ khó khăn hơn.
Em gái thương anh nên học hành chăm chỉ và thi đậu đại học. Chúng tôi rất yêu thương đùm bọc nhau. Bà con chỉ lui tới thời gian đầu còn về sau chúng tôi phải tự lo lấy. Điều này tôi cũng không trách được vì ai cũng có cuộc sống riêng.
Một phần vì thương em phần nữa muốn tập trung kiếm tiền nên tôi bỏ qua nhiều cơ hội yêu đương. Trong thâm tâm của tôi, mong lo cho em gái yên bề gia thất mới nghĩ đến chuyện riêng.
Em gái ra trường đi làm hơn một năm thì lấy chồng. Tôi vui mừng vô cùng khi em gái có hạnh phúc riêng. Em rể quê ở xa nên sau khi cưới, hai em về ở chung với tôi trong ngôi nhà của ba mẹ để lại. Tuy nhiên, khi sống chung, tôi mới biết em rể nhậu nhẹt bê tha.
Mỗi lần uống say về, em rể thường quát mắng vợ thậm tệ. Tôi có lên tiếng nhắc nhở nhưng em rể tỏ ra khó chịu, đòi ra ở riêng. Việc đó chưa xong thì gần đây, em gái đang mang bầu nhưng em rể vẫn tối ngày nhậu nhẹt.
Một lần, em rể về khuya say xỉn, em gái càu nhàu bị chồng đánh. Tôi nghe ồn ào mới xuống can ngăn, em rể càng hung hăng chửi bới với lời lẽ ngang ngược. Quá tức giận, tôi khuyên em gái chia tay người chồng vũ phu đó.
Video đang HOT
Em gái yêu chồng nhiều lại yếu đuối nên không chịu từ bỏ. Không biết sau khi làm lành, em rể thủ thỉ với vợ điều gì mà em gái quay lại nhất quyết đòi bán nhà để chia tài sản cho vợ chồng em ra ở riêng.
Tôi quá bất ngờ trước cách hành xử của em gái. Nuôi em khôn lớn tôi không tiếc thứ gì nhưng ngôi nhà là kỷ vật duy nhất ba mẹ để lại nên không thể bán đi. Ba mẹ phải vất vả lắm mới xây được ngôi nhà khang trang cho chúng tôi ở. Giờ đem bán đi khác nào anh em tôi xóa bỏ ký ức về gia đình.
Nghe chồng xúi giục, em nhất quyết đòi bán ngôi nhà của ba mẹ để chia tài sản. (Ảnh minh họa)
Tôi giải thích rất nhiều nhưng em gái lại nghe lời chồng, gây sức ép. Em bảo, nếu tôi không đồng ý bán nhà thì phải đưa cho em nửa số tiền tương đương giá trị ngôi nhà. Những lời lẽ này thốt ra từ miệng em khiến tôi rất đau lòng.
Với đồng lương làm thuê như tôi, tất cả đã dồn hết vào việc nuôi em ăn học thì làm sao có sẵn trăm triệu chứ nói gì gần cả tỷ đồng như em yêu cầu. Trước mắt, vợ chồng em gái đã dọn ra khỏi nhà và đi thuê trọ nhưng cả hai liên tục đòi quyền lợi từ ngôi nhà ba mẹ để lại.
Dù khuyên ngăn như thế nào, em gái cũng không chịu nghe. Tôi không muốn vì tranh giành tài sản mà mất đi tình cảm anh em. Tôi sẵn sàng để nhà cho vợ chồng em gái ở nhưng với tính cách của em rể cộng với sự yếu đuối của em gái, ngôi nhà của ba mẹ sẽ bị mất đi. Tôi không thể ngờ, sau bao nhiêu đớn đau khổ cực đã trải qua, giờ anh em tôi lại ở trong tình huống oái ăm như thế này.
Xuân Tùng
Thdeo phunuonline.com.vn
Chuyện cũ bỏ qua hết cho nhẹ lòng
Tôi mỉm cười, chuyện cũ bỏ qua hết cho nhẹ lòng. Chuyến đi vất vả nhưng con gái tôi lần đầu được đi xa, lần đầu được gọi tiếng bà nội, tiếng ba, và cũng là lần đầu tiên trong đời nhận được nụ hôn của ba ruột.
Tết dương lịch năm nay gần chủ nhật nên công ty cho nghỉ gộp thành bốn ngày. Con gái cũng được nghỉ dài do đã thi học kỳ xong. Khước từ những lời rủ rê "đi đâu đó", tôi lặng lẽ dắt con về thăm chốn cũ.
Ngôi nhà ba tầng màu ghi nằm oai vệ cuối làng với hàng rào thép được che chắn bởi những giàn hoa giấy và sử quân tử. Người ta đi qua khen giàn hoa đẹp, nào biết khuất bên trong là những thanh thép sắc lạnh cứng nhắc.
Cũng ba năm rồi.
Sinh con gái, tôi bị biến chứng nghiêm trọng phải cắt bỏ dạ con. Sau hai tháng ở bệnh viện đấu tranh với thần chết để giành lại mạng sống, tôi về nhà và rớt nước mắt khi nhìn con gái chỉ nhỏ như con mèo, khóc cũng không thành tiếng. Tôi biết một đứa trẻ sơ sinh khi vắng mẹ sẽ tội nghiệp và thiếu thốn thế nào, nhưng không nghĩ con bé lại thiếu thốn và yếu ớt đến vậy. Nhìn con với cái đầu to tướng với đôi mắt lồi lên, chân tay khẳng khiu tôi không cầm được nước mắt, nhất là khi biết con tôi được giao cho một chị giúp việc trông coi với lời dặn, khi nó khóc mà không phải vì tã bẩn thì là đói.
Ảnh minh họa
Hai tháng, con gái từ con mèo mướp thành cô bé linh hoạt, biết lật, biết tìm tiếng mẹ. Tôi chỉ biết chăm chăm bù đắp cho con gái, chấp nhận ông bà nội đi đâu cả ngày không hỏi thăm cháu một câu, chấp nhận chồng cuối tuần từ thành phố về là lại phóng xe đi vì nhà ấy nhà nọ có đám có tiệc.
Tôi biết nhà chồng mong con trai, ngày con bé còn là bào thai, cả mẹ chồng và chồng tôi luôn tìm cách để biết là trai hay gái, nhưng tôi không nghĩ con bé bị bỏ mặc như thế. Tôi cho là vì tôi đã không thể sinh nở nên con gái bị tội lây.
Con gái được sáu tháng, tôi vừa chăm con vừa lo toan nhà cửa, tự vượt qua nỗi đau. Chồng tôi cuối tuần cũng không về dù tôi nhắn tin, gọi điện, gửi clip con gái làm trò. Cho đến ngày mẹ chồng báo tin, chồng tôi đang ở với vợ trên thành phố, là vợ danh chính ngôn thuận và cô ấy đang có bầu năm tháng, siêu âm ra con trai. Mẹ chồng còn nói, tôi nên biết điều, âm thầm mà đi, làm ầm lên chỉ tổ mất mặt mà còn chẳng được gì.
Và tôi của ngày ấy, chấp nhận thỏa hiệp, vì mình, vì con. Tôi lấy chồng khi chưa đủ tuổi nên chưa làm đăng ký, sau thì chồng bận bịu, chỉ về vào cuối tuần và ngày lễ tết ủy ban không làm việc. Rồi tôi có bầu sinh con, tôi nghĩ có con có cái rồi, tờ giấy có quan trọng gì. Nhưng bây giờ chồng tôi và cô gái khác lại có tờ giấy ấy, còn tôi thành người thừa với đứa con còn đỏ hỏn.
Dù phẫn uất nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn mẹ chồng, hàng ngày bà chao chát bẳn gắt nhưng đến phút cuối, không biết vì muốn giữ mặt mũi hay vì cũng là mẹ, cũng thương cháu mà bà đã cho tôi một món tiền lớn, đủ để tôi thu xếp cuộc sống của hai mẹ con ở một nơi xa. Tôi đã vừa trông con vừa nấu xôi chè bán thêm, khi con tròn tuổi tôi đưa con đến nhà trẻ và đi làm, từ một cô công nhân, tôi đã thành tổ trưởng, công ty có ký túc xá nên mẹ con tôi không phải thuê nhà, con tôi thành con của cả khu, các cô các dì đi làm về là tranh nhau đòi đi đón, rồi tranh tắm, tranh cho con bé ăn và chơi với nó. Khoản tiền mẹ chồng cũ cho vẫn còn, tôi cũng tích cóp được một ít, đủ để yên tâm.
Ảnh minh họa
Tôi đã nghĩ mẹ con tôi cứ thế sống, ngôi nhà cuối làng ấy sẽ thành dĩ vãng, nhưng cách nay nửa tháng, tôi nhận tin mẹ chồng ốm nặng, và bà đang tìm tôi, nhắn tôi đưa cháu nội về cho bà gặp lần cuối.
Tôi đã phân vân rất lâu, tôi chưa là gì trong ngôi nhà ấy, tôi chỉ là vợ hờ của con trai bà, hiện con trai bà đang có gia đình đàng hoàng, tôi xuất hiện có làm khó họ không, dù gì con gái tôi cũng là máu mủ dù là giọt máu rơi. Và ngày còn sống chung, chúng tôi có bao nhiêu tình nghĩa để tôi phải vượt cả nghìn cây số về thăm?
Suy đi tính lại, tôi quyết định dắt con gái về thăm. Cũng chuẩn bị tinh thần để gặp lại người cũ và những dằn hắt, tôi chỉ cho phép họ nặng nhẹ tôi, nhưng nếu đụng con gái, tôi sẽ không để yên.
Nhưng tất cả không như tôi nghĩ khi căn nhà vẫn vậy với giàn hoa rực rỡ nhưng vắng lạnh. Ba chồng cũ không có nhà, nghe nói ông đi đánh bài ở xóm trên, mẹ chồng cũ nằm trên cái chõng tre ở sân sau, bệnh tật khiến bà chỉ còn da bọc xương, thấy mẹ con tôi, mắt bà sáng lên và đưa tay với khiến con gái tôi sợ hãi. Vẫn là cô giúp việc có tật ở chân năm nào, cô nói bà bệnh mấy năm rồi, người cứ rạc ra, khám đâu cũng không thấy bệnh, rồi héo hon đi vậy. Cậu thi thoảng cũng về nhưng về một mình, vợ cậu về có một lần, bảo say xe và ở quê nhìn đâu cũng bẩn nên không về nữa. Mà họ ly hôn rồi.
Hôm sau anh về, chở theo con trai thua con gái tôi một tuổi. Sau ít phút gượng gạo, chúng tôi nói chuyện và hỏi thăm nhau như những người bạn. Mẹ chồng chắc vui nên ăn hết chén cháo to, bà cứ nắm tay con gái tôi mà rơi nước mắt trong khi con bé cứ rúm người rúc vào tôi sợ hãi.
Ảnh minh họa
Hết hai ngày, tôi xin phép đi. Biết lần này sẽ không gặp lại, mẹ chồng cũ giàn giụa nước mắt, bà mong tôi tha lỗi và tên con gái tôi, dù nó mang họ mẹ cũng được trang trọng ghi vào gia phả, là máu mủ ruột rà của bà.
Chồng cũ đề nghị chở mẹ con tôi ra bến xe, anh còn mua vé cho tôi. Lúc chia tay, anh ngồi thụp xuống bên con gái, hôn vào má nó: "Gọi ba đi con!".
Tôi mỉm cười, năm cũ đã hết, một năm mới lại đến, chuyện cũ bỏ qua hết cho nhẹ lòng. Chuyến đi vất vả thật nhưng con gái tôi lần đầu được đi xa, lần đầu được gọi tiếng bà nội, tiếng ba, và cũng là lần đầu tiên trong đời nhận được nụ hôn của ba ruột.
Mai Anh
Theo phunuonline.com.vn
Bếp không lửa sao là nhà? Năm nào tết đến, vợ tôi cũng cúng ông Táo rất trọng thị, đủ vị như mọi nhà. Nhưng có điều tôi không dám nói, sợ đụng chạm thánh thần: ông Táo nhà tôi không có lửa! Nàng là thần tượng của tôi, câu chuyện đó xưa lắc. Trong lớp, tôi đội sổ và thuộc dạng cá biệt, còn nàng luôn dẫn đầu....