Nghề lạ ở An Giang: Thuê cây trèo lấy nước mỗi ngày
Đó là nghề trèo cây thốt nốt hái trái và lấy nước nấu đường ở vùng miền núi của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang).
Hiện nay, cây thốt nốt trồng nhiều ở vùng Bảy Núi gồm 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đang vào mùa thu hoạch trái và nước để mang đi nấu đường.
Cây thốt nốt biểu trưng cho vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, nơi đây giáp biên giới với Campuchia. Người dân trồng cây thốt nốt đem lại nguồn thu nhập cho gia đình vào những tháng mùa khô – thời điểm không thể canh tác hoa màu và lúa.
Bình quân cây thốt nốt trồng từ 12-15 năm mới cho trái và nước đường. Nghề trèo cây thốt nốt rất mạo hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì miếng cơm manh áo người dân phải chấp nhận nghề “ăn cơm dưới đất làm việc trên trời” cả ngày.
Anh Nguyễn Đăng Khoa (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) có hơn 12 năm trèo cây hái trái thốt nốt lấy nước nấu đường, cho biết: Nhiều năm nay tôi sống bằng nghề thuê cây thốt nốt để lấy nước và hái trái. Bình quân 1 cây thuê trả cho chủ là 50.000 – 70.000 đồng/cây/năm tùy theo cây cho trái và nước nhiều hay ít.
Anh Khoa cho biết, gia đình anh có 2 người chuyên trèo lấy nước và trái nên thuê mỗi năm khoảng 450-500 cây thốt nốt.
Video đang HOT
Theo anh Khoa, hiện nay mới đầu mùa lấy nước thốt. Một ngày anh trèo khoảng 30-40 cây để lấy từ 40-50 lít nước thốt nốt mang về nấu đường.
Tuy nhiên, mùa thốt nốt từ tháng 12 năm trước kéo sang tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau, khi mưa xuống mới dứt đợt lấy nước nấu đường.
Theo người lấy nước thốt nốt, bình quân cây thốt nốt cao từ 15-20m. Người giỏi, có tay nghề cao một ngày leo khoảng 30-40 cây mang nước thốt nốt về nấu đường.
Vào tháng 2-3, cây thốt nốt cho nước nhiều nhất trong năm. Thời điểm đó người trèo cây lấy khoảng 60-80 lít đường/ngày.
Khoảng 30 lít nước thốt nốt nấu cho ra khoảng 5-6kg đường thành phẩm.
Hiện giá 1kg đường thốt nốt bán giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tăng 5-10% so với năm rồi. Tuy nhiên, đang vào mùa rộ nhưng sản lượng đường làm từ cây thốt nốt không đủ đáp ứng cho thị trường.
Nước thốt nốt qua sơ chế nhằm phục vụ giải khát bán cho khách đường với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Đối với những quán võng bán nước thốt nốt, ly ăn kèm với cơm thốt nốt giá 15.000 đồng/ly. Còn trái thốt nốt giá 5.000 – 6.000 đồng/trái.
Theo nhiều người kinh doanh nước thốt nốt, thốt nốt là cây trồng tự nhiên không cần chăm sóc. Vào mùa cây cho trái và nước, người dân trèo lên cây mang xuống để làm đường, nước giải khát cho khách.
Theo Lê Hoàng Vũ (nongnghiep.vn)
Giáo viên nghỉ dịch bệnh covid-19, làm gì?
Mùa dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ học có cái lo của học sinh, giáo viên nghỉ dạy cũng có cái lo của giáo viên. Vậy, giáo viên nghỉ dạy mùa dịch bệnh làm gì?
Đâu đó vẫn có những câu hỏi như vậy, rồi lại cho rằng nghề giáo viên ấy thế mà... nhàn. Thật ra, có trò chuyện và lắng nghe tâm sự của những người làm thầy, mới thấy hết nỗi lo lắng và công việc của họ.
Với đặc trưng của nghề dạy học, giáo viên dạy theo đúng tiến trình, kế hoạch công việc trong cả một năm học, kể cả việc nghỉ hè cũng theo quy định. Khi tạm thời nghỉ dạy để phòng, chống dịch bệnh, giáo viên sẽ phải dạy bù. Và kỳ nghỉ hè của họ có thể sẽ rút ngắn để đảm bảo kế hoạch giảng dạy.
Cách đây không lâu, khi học sinh nhận được thông báo nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dư luận rộ lên nhiều ý kiến "phân bì" với nghề giáo viên. Xã hội đã phân chia cấp bậc, ngành nghề, mỗi công việc có tính chất đặc thù khác nhau, thật khập khiễng nếu đem so sánh nghề giáo với bất cứ nghề nào khác trong xã hội.
Bởi, chỉ những ai đã và đang trong ngành giáo dục mới hiểu: nghỉ dịch chứ không nghỉ dạy. Vì thế, mới có hình thức giáo viên và học sinh dạy và học trực tuyến trong mùa dịch bệnh. Và thực tế, thời gian nghỉ học mùa dịch bệnh Covid-19, công việc giáo viên rất đa dạng, tùy theo vị trí công việc và thực tế từng trường hay địa phương.
Giáo viên tích cực tham gia tổng vệ sinh trường lớp phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Cô Trần Thị Châu Trân (giáo viên Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: "Buồn lắm chứ, nhưng chỉ chúng tôi mới hiểu hết công việc của mình. Cái nhàn tạm thời nhiều người vẫn cho là vậy, với chúng tôi là bao lo lắng, ngổn ngang tâm trạng vì biết chắc rằng khi quay trở lại lịch dạy và học, chúng tôi phải hoạt động hết công suất. Khi nghỉ dịch bệnh, ngoài tham gia vệ sinh trường lớp, tôi còn nghiên cứu, soạn thêm nhiều bài giảng, bài tập gửi qua các nhóm học sinh để các em làm và gửi ngược lại cho tôi sửa.
Thời gian qua, tôi đã làm như vậy và thấy học sinh rất tích cực tham gia làm bài tập. Chỉ việc soạn rồi sửa bài cho các em và hồi đáp đã mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên trao đổi với phụ huynh để trấn an và nắm bắt tình hình của các em như thế nào; nhắc nhở học sinh thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh cũng như chăm sóc bản thân để có sức khỏe tốt nhất khi quay trở lại học kỳ II".
Giáo viên với nhiều nỗi lo như: phòng, chống dịch bệnh ở trường và của học sinh đến sợ các em nghỉ học lâu quá quên bài rồi xao nhãng việc học... Đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp, cô Trân cho rằng, vừa phải tìm cách trấn an tâm lý học sinh, vừa phải đôn đốc, nhắc nhở hàng ngày để các em tự học ở nhà.
"Vào học lại, học sinh nghỉ học thời gian dài như vậy, việc quên kiến thức là điều chúng tôi lo lắng nhất. Việc vừa dạy, vừa ôn kiến thức cũ sẽ khiến tiến độ dạy học chậm lại, cực giáo viên và cực cho học sinh" - cô Trân tâm sự thêm. Có giáo viên tranh thủ thời gian này soạn giáo án hoặc đọc sách, tài liệu liên quan môn học nhằm trau dồi kiến thức cho bản thân cũng là để đỡ nhớ nghề trong thời gian nghỉ dạy vì dịch bệnh.
Giáo viên các địa phương đã tham gia công việc vệ sinh trường lớp, sát khuẩn, chuẩn bị đón học sinh quay lại trường khi hết dịch bệnh. Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu, An Giang), công tác truyền thông dịch bệnh Covid-19 đến học sinh được trường quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, ban giám hiệu thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh... về tình hình, diễn biến dịch bệnh từ đó phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Trường đã mua sắm bổ sung một số trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết cho công tác phòng ngừa dịch bệnh như: khẩu trang, nước rửa tay, nước lau sàn. Trường đang đăng ký mua nhiệt kế hồng ngoại và nước rửa tay khô; tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, các phòng học bộ môn, nhà vệ sinh từ khi nghỉ dịch bệnh đến nay được 3 đợt.
Với giáo viên, hơn bao giờ hết họ là người hy vọng sớm được quay lại trường, lớp, bục giảng để tiếp tục truyền tri thức cho học sinh thân yêu.
PHƯƠNG LAN
Theo baoangiang
Rèn luyện thân thể trong mùa dịch bệnh Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, tuy nhiên tình hình tại Việt Nam đã khả quan hơn rất nhiều, nên người dân đã phần nào an tâm hơn. Do đó, nhiều người ngoài các biện pháp bảo vệ bản thân còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao, vì có được sức khỏe tốt...