Nghề’ gái ôm di động ở miền Tây
Xuất hiện trong bộ cánh phô hết cỡ vòng 1, Mơ khoe có 8 năm kinh nghiệm hầu rượu khách nhậu. Mỗi ngày cô chạy 5-6 “sô”, bỏ túi ít nhất 500.000 đồng tiền bo.
Cô gái bước vào, mỉm cười hỏi: “Em ngồi với anh nào”?. Ảnh: Duy Khang
Đường Dương Minh Quang ở TP Sóc Trăng có nhiều quán nhậu sân vườn kiêm luôn nhà trọ. Tuy không gần bến tàu xe nhưng dịch vụ lưu trú theo giờ và ngủ qua đêm ở đây rất đông khách. Cánh mày râu đến ăn uống nếu muốn có vài em xinh xắn góp vui thì nhờ nhân viên phục vụ gọi. Cao hứng, khách ôm các cô rồi thoải mái hôn hít.
Quán Văn Lâm nằm khuất trong vườn nhãn um tùm. Ven ao cá đầy rong rêu được chủ dựng lên khoảng chục chòi lá để bán bia kèm thức ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, ốc luộc sả, gà hấp rượu… Ở đây không tuyển nhân viên nữ, tuy nhiên vừa mang thức ăn vào, thanh niên chạy bàn đã nhanh nhảu gợi ý: “Anh cần chân dàingồi chơi không, em điện kêu đến”. Nhận được cái gật đầu, nam nhân viên mỉm cười điện cho gái, rồi quay sang xin khách vài chục nghìn tiền bo.
Lát sau cô gái tên Mơ xuất hiện trong bộ cánh khoe hết cỡ vòng 1. Quê ở Phước Long (Bạc Liêu), cô gái 29 tuổi này lên Sóc Trăng thuê nhà ở chung với hai cô bạn cùng làm nghề “hầu chuyện” trong quán nhậu. Mơ khoe có đến 8 năm kinh nghiệm, quen nhiều đàn ông nên mỗi ngày tiếp khách 5-6 lần, tiền boa được khoảng 500.000 đồng. Hôm nào gặp khách sộp, Mơ bỏ túi 1-2 triệu đồng.
Nửa giờ sau cô gái thứ hai tên Thanh với nước da bánh mật, diện quần ngắn khoe đôi chân dài đến góp vui. Thanh giới thiệu gốc Sài Gòn nhưng về sống với mẹ ở U Minh Thượng (Kiên Giang) từ bé. “ 18 tuổi em bán trinh lấy 10 triệu đồng cho mẹ mổ ruột thừa. Sau lần ấy, em qua đêm với chủ doanh nghiệp xây dựng khi cần 7 triệu đồng cho mẹ phẫu thuật lần hai vì vết mổ viêm nhiễm”, Thanh nói tỉnh rụi và cho biết khi mẹ xuất viện, cô nghĩ không còn gì để mất nên nói dối đi làm công nhân lột đầu tôm, thực chất là vào quán nhậu ven biển Rạch Giá làm gái bia ôm.
Tàn tiệc nhậu, Thanh cho khách số điện thoại di động, bảo: “Anh muốn đi tăng hai với em thì alo nha. Ở khách sạn gần Công ty thủy sản Sao Ta trên quốc lộ 1A, 700.000 đồng, em lo phòng”.
Quán nhậu sân vườn ở thành phố Sóc Trăng. Ảnh: Duy Khang
Tương tự, ở quán Cúc, ông chủ trồng cây cảnh xen giữa các chòi nhậu để hạn chế tầm nhìn. Năm ngoái, thầu bếp của quán này đưa hai cô bé chưa đủ 13 tuổi vào nhà trọ mây mưa nên lĩnh án 14 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em. Hai người làm công của thầu bếp cũng chung số phận khi được chủ rủ vào nhà nghỉ trên đường Dương Minh Quang để hãm hại nạn nhân. Hiện quán đã thay đầu bếp.
Nhân viên phục vụ tại đây cũng có rất nhiều số điện thoại của “ chân dài” để gọi đến phục vụ khách nhậu khi có yêu cầu. Cô gái 22 tuổi có mặt chỉ sau nửa giờ khách gật đầu. Trong bộ quần áo tông trắng đen kín đáo, Hương trông khá hiền lành. Hương kể, đã học hết lớp 12 ở Kiên Giang. Ở quê nhà, mẹ tảo tần hái rau rừng đổi gạo nuôi bố cô bệnh nằm một chỗ do bị tai biến. Hoàn cảnh khó khăn nên Hương theo bạn bán thân cho đại gia để lấy hơn 30 triệu đồng mua… xe tay ga đi bán bảo hiểm kiêm luôn hầu rượu.
“ Muốn hôn hít em cứ thoải mái, nhưng em không uống được nhiều vì tối còn hẹn hai người vào Hồ Nước Ngọt tư vấn bảo hiểm. Em đi xe xịn nhưng có hôm trong túi không có một đồng vì làm được bao nhiêu gửi hết về quê để mẹ mua thuốc cho cha. Hôm nào túng quá, em cũng ‘tình một đêm’ với giá 2 triệu”, Hương chia sẻ.
Nhân viên quán nhậu sân vườn hướng dẫn tiếp viên “di động” vào chòi nhậu có khách yêu cầu. Ảnh: Duy Khang
Ngoài những tiếp viên được tự do kiếm tiền như Hương, Thanh…, ở TP Sóc Trăng có 2 người đàn ông ở đường Trương Công Định chăn dắt hàng chục cô gái để cung cấp cho quán nhậu, karaoke. Hàng ngày, hai người này trong vai xe ôm chở “đào” từ nhà trọ đến quán nhậu. Tiền boa trong ngày các cô phải nộp cho chủ rồi được chia lại một nửa vào sáng hôm sau.
Cô gái tên Thoa trong đường dây của các “Tú ông” giải thích nguyên nhân không “làm ăn riêng” được là do còn nợ ông chủ trên 20 triệu đồng. Đây là một phần ba số tiền Thoa vay của Hùng để gia đình trả nợ. Đổi lại, cô phải hứa với Hùng vào đường dây tiếp viên di động để làm trả tiền đến khi nào hết nợ mới thôi.
“Muốn có nhiều tiền trả nợ sớm, tụi em thường đi khách sạn với giá 500.000-700.000 đồng một lượt. Chuyện đi khách chỉ xảy ra khi người nhậu chung có nhu cầu và tiền kiếm được phải đưa hết cho chủ. Nhóm tụi em có trên 30 cô gái nhưng không đứa nào dám giấu tiền vì nếu bị phát hiện thì không được tiếp khách 10 ngày, nộp phạt 1 triệu đồng nên tụi em sợ lắm“, Thoa cho biết thêm.
Theo xahoi
Hai chuyện đời buồn của những mỹ nhân lầm lỡ
Họ là những người phụ nữ vì nhiều lý do mà phải bước tới đường cùng của xã hội. Nhưng họ đã tìm ra được lối thoát để bước ra khỏi con đường tăm tối ấy...
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị L. và chị Thái Ngọc D. đang hồi tưởng lại quãng đời đầy nước mắt của mình.
Tâm sự đắng cay của một cave "quá lứa lỡ thời"
Chị là Nguyễn Thị L., sinh năm 1968, tại Định Quán, Đồng Nai - một cave "quá lứa lỡ thời" có "thâm niên" đứng đường hơn 12 năm tại công viên Phú Lâm, quận 6.
Nhà L. nghèo xơ nghèo xác, nên mới học đến lớp 2, chưa kịp rành mặt chữ, cô bé đã phải nghỉ ngang để đỡ đần cha mẹ. Tuổi thơ khốn khó cứ thế nhọc nhằn trôi qua. Đến năm Nguyễn Thị L. 16 tuổi thì tai họa ập xuống. Mẹ L. đang yên đang lành bỗng ngã lăn ra ngất xỉu. Và L. gần như ngã quỵ khi bác sĩ cho hay mẹ cô đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Bao nhiêu tiền của, kể cả căn nhà nhỏ, và mảnh đất tổ tiên để lại cũng bán hết để lấy tiền chạy chữa cho mẹ. Nhưng mọi nỗ lực đều đổ sông đổ biển, một năm sau đó, mẹ L. ra đi. Để lại người cha già ốm yếu, đờ đẫn đi vì nhớ thương người vợ đã khuất. Là con gái lớn trong nhà, mới mười mấy tuổi đầu, L. đã phải gánh gồng miếng ăn cái mặc cho cả gia đình.
Hằng ngày L. tất tả chạy lên chợ huyện, mua sỉ khoai lang rồi chiều tối gánh bếp than đỏ rực đi cùng làng, cuối xóm để bán khoai lang nướng. Bán buôn vất vả nhưng lời lãi chẳng được là bao, đã thế, cha già lại nay đau mai yếu. Hết cách vun vén, L. giao gánh khoai lại cho đứa em nhỏ, một thân một mình lên TP HCM với hy vọng cải thiện cuộc sống cho cả gia đình.
20 tuổi, cô gái quê nghèo bỡ ngỡ đặt chân lên thành phố. Không lâu sau đó, L. xin được việc làm tại một cơ sở may áo mưa ở huyện Hóc Môn. Với mức lương cô cho là kha khá, L. bắt đầu mường tượng về viễn cảnh tươi sáng đang chờ cô và cả gia đình nghèo. Nhưng mọi việc, đâu có dễ dàng như L. đã từng nghĩ, cuộc sống ở thành phố với bao nhiêu thứ chi phí và giá sinh hoạt đắt đỏ đã ngốn gần hết tiền lương của L.
Chuyển hết chỗ làm này, sang chỗ làm khác nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám lấy cô gái gầy guộc nhỏ bé này. Một lần, L. đổ bệnh nặng, thế là tháng ấy thay vì phải tẩm bổ cho mau lại sức, L. lại chỉ ăn mì gói cầm hơi để bù vào khoản tiền bị hụt do không đi làm được.
5 năm làm công nhân, bao nhiêu tiền dành dụm được, L. đều gửi về cho gia đình, lúc ốm đau cũng không dư ra được đồng nào thuốc thang. Tủi phận mình, L. quyết định nghỉ làm công nhân, lĩnh vé số đi bán dạo. Trong những ngày lang thang khắp mọi con phố, L. tình cờ gặp được anh Nguyễn Văn Long, 50 tuổi, làm nghề hớt tóc. Những mảnh đời cơ hàn gặp nhau, cùng nhau san sẻ khốn khó nên lâu dần giữa chị L. và anh Long đã nảy sinh tình cảm.
Không lâu sau đó, hai người họ quyết tâm dọn về sống chung với nhau. Không đám cưới rình rang, không rượu chè, bạn bè chúc tụng, hạnh phúc của họ giản đơn như là "góp gạo thổi cơm chung".
Ba năm sau đó, chị L. sinh được bé gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị K. Hạnh phúc kéo theo sự lo lắng, vì với số tiền kiếm được hiện tại, lo cho hai vợ chồng đã khó, nói chi đến chu cấp đủ đầy cho con. Thế nên, ngoài việc đi bán vé số, chị còn nhận phụ hồ thêm cho các công trình.
Chị L. kể: "Chồng tôi thương tôi lắm, nhưng anh vốn có bệnh trong người, ngoài việc hớt tóc ra, những việc nặng nề khác anh ấy cũng thử làm thêm nhưng không kham nổi. Cơ cực, nhưng hai vợ chồng hiểu và thương yêu nhau cũng là quá đủ". Rồi anh chị tiếp tục sinh thêm đứa con trai thứ hai, tên là Nguyễn Văn H. Khốn khó là vậy, nhưng chuỗi ngày êm đềm của gia đình nhỏ cứ thế trôi qua.
Cuộc đời như cứ trêu ngươi người phụ nữ chưa được một ngày hạnh phúc vẹn tròn này. Năm bé H. lên 5 tuổi, khi đang hớt tóc cho khách, anh Long bỗng nhiên đột quỵ và tức tưởi qua đời. Đang phụ hồ giữa trưa nắng gắt, chị L. bất tỉnh tại chỗ khi nghe tin dữ về chồng. Vét hết số tiền từ lâu hai người dành dụm, chị cố gắng lo cho chồng mồ yên mả đẹp.
Ôm hai đứa con dại vào lòng, nghĩ đến người chồng xấu số, đến những tháng ngày cơ cực phía trước, nước mắt người góa phụ cứ thế tuôn rơi. Nuôi con một mình, bế tắc, túng quẫn, đã đẩy chị Nguyễn Thị L. đến bước đường cùng, để rồi sa chân vào vũng bùn lem luốc.
Xúc động đến nghẹn lời, chị L. ngưng lại một hồi, rồi tiếp: " Cuộc đời tôi chỉ toàn là những ngày đau khổ. Tuy không nên đổ thừa cho hoàn cảnh, nhưng mà đến khi đứng trước nghịch cảnh đớn đau, không có lối thoát thì mới hiểu được nỗi tủi nhục, bế tắc của những người như chúng tôi".
Trước kia dù có khổ, có nghèo cũng có hai vợ chồng "chung lưng đấu cật", nhưng giờ đây, mọi gánh nặng gia đình đều đè lên vai người phụ nữ bất hạnh. Có gắng gượng đến bao nhiêu thì cuộc sống vẫn cứ túng thiếu, vẫn phải vay chỗ này, mượn chỗ kia. Những hôm đi phụ hồ về muộn, thấy hai đứa con nhỏ ôm nhau khóc lả đi vì đói và vì nhớ mẹ, chị L. chỉ muốn tự vẫn để thoát khỏi cảnh khốn cùng này. Nhưng nhìn con dại chị lại không đành lòng để chúng bơ vơ.
Ảnh minh họa
Nợ nần ngày càng nhiều mà sức khỏe chị L. lại cứ thế yếu dần. Thế nên không lâu sau đó, người ta không nhận chị phụ hồ nữa. Bị đuổi việc, chị thất tha thất thểu về nhà giữa đêm vắng. Lòng ngổn ngang vì không biết đêm nay hai đứa con nhỏ dại sẽ ăn gì cho qua bữa. Nhìn thấy dáng chị còn mảnh mai, xuân thì, những gã đàn ông đang tìm thú tiêu khiển ban khuya đưa lời trêu ghẹo, rồi ngã giá. Mới đầu chị tức giận cự tuyệt, nhưng càng nghĩ càng lo lắng cho các con, khốn cùng chị nhắm mắt làm liều.
Cầm đồng tiền từ tay gã đàn ông ham của lạ, chị ghé vào mua đồ ăn cho con mà khóc suốt đường về. Những ngày sau đó, vẫn không tìm được việc làm và thế là người phụ nữ đã quá 30 phải dạt ra lề đường hành nghề "gái bán hoa".
Ngày đầu tiên ra đứng đường bắt khách, chị run đến nỗi chỉ núp sau gốc cây, không dám "hiên ngang" như những cô "gái bán hoa" trẻ trung khác. Và vì sợ hàng xóm cũng như hai con biết chuyện nên hằng ngày chị phải đi quãng đường 20 cây số từ Hóc Môn xuống công viên Phú Lâm, quận 6 để "hành nghề".
Thấy chị "quá lứa lỡ thì" không ít các "đào" trẻ tỏ vẻ khinh khi, lườm nguýt. Chị xấu hổ, suốt ngày cứ lủi thủi nấp vào gốc cây, chỗ khuất chưa bao giờ dám ló mặt ra "chào hàng" khách. Thế nhưng, cũng bởi cái vẻ nhút nhát, nhà lành của chị mà lại được nhiều gã trung niên, kể cả thanh niên trai tráng ham của lạ cũng để mắt đến.
12 năm ròng rã, ngày nào cũng vậy, chị dậy sớm lo cơm nước cho hai đứa con nhỏ, đến 9h sáng chị bắt xe buýt xuống quận 6, "hành nghề" tới 3 h chiều lại đón xe buýt về. Thời gian còn lại trong ngày, chị đi lặt ớt, hái đậu mướn cho những nhà nông gần đó. Có khi lĩnh thêm hàng kết hạt, kết cườm để kiếm sống qua ngày.
12 năm "buôn hương bán phấn" chưa đêm nào chị ngủ ngon giấc. Ngày nào chị L. cũng lo lắng không biết rằng con mình đã tỏ tường mọi chuyện chưa. Thế nhưng, vì cuộc mưu sinh khắc nghiệt, chị vẫn không thể nào dứt khỏi kiếp "gái bán hoa".
Chị L. tâm sự: "Nhiều lúc mới về đến nhà, thấy hàng xóm nhìn mình khang khác là tôi đã giật mình thon thót. Tối tối cứ phải hỏi con rằng, có ai nói gì về mẹ không, thật sự tủi nhục, đớn đau không để đâu cho hết".
Rồi trong một đợt truy quét, chị bị gom về Trung tâm Phú Nghĩa. Chị còn nhớ như in, lúc bị đưa lên xe chị vừa khóc, vừa van xin cán bộ đừng cho người nhà biết chuyện. Thương tình chị, nên việc chị làm chỉ có một người bạn thân mà chị nhờ nuôi con giúp biết chuyện. Người ấy cũng giấu nhẹm sự thật, chị nói với con chị rằng, mẹ đi làm ăn xa một thời gian sau sẽ về với các cháu.
Chị Nguyễn Thị L. đã vào Trung tâm Phú Nghĩa được hơn một năm. Giờ đây, khi kiếp cave "quá lứa lỡ thời" đã kết thúc, chị ngồi đối diện tôi hai bàn tay không ngừng xoắn xít vào nhau, rồi bối rối ngập ngừng: "Không biết kể ra đây, có ai hiểu cho hoàn cảnh của tôi không. Hay rồi họ cũng dè bỉu, khinh khi cho quá khứ đầy u tối của cuộc đời tôi. Những ngày lao động, sinh hoạt lành mạnh ở nơi đây, thật sự đã làm tôi thức tỉnh.
Tôi ân hận lắm vì nếu mình mạnh mẽ hơn đã không phải chịu đựng sự ê chề, tủi nhục suốt 12 năm đứng đường làm gái. Phải chi... Mà thôi, dẫu sao đây cũng là cơ hội để tôi làm lại từ đầu. Chỉ mong rằng, đây mãi mãi là một bí mật với hai đứa con nhỏ dại, chúng là hy vọng duy nhất của cuộc đời tôi".
Tôi nhìn người phụ nữ phải sống với chuỗi ngày dài đầy đau khổ kia với ánh nhìn tin cẩn. Vì giờ đây, xã hội đã không còn quá khắt khe với những người phụ nữ vì hoàn cảnh sống, vì cuộc mưu sinh khốc liệt mà phải bước chân vào con đường bán đi thân xác. Hơn ai hết, chính những người như họ mới cần được san sẻ và cảm thông
Người mẹ trẻ phải "đứng đường" để kiếm tiền nuôi con
Thái Ngọc D. năm nay 34 tuổi, cô sinh ra trong một gia đình nghèo ở miệt vườn sông nước tỉnh Vĩnh Long. Tuy đã quá 30 nhưng giọng nói nhẹ nhàng, vóc dáng hãy còn "thắt đáy lưng ong" của D. vẫn dễ khiến cho người ta nao lòng. Phải một hồi rất lâu tôi mới tiếp chuyện được với người phụ nữ có đôi mắt vừa lạnh lùng vừa phảng phất chút u buồn này.
Không ngừng vân vê tà áo, D. cất giọng nhẹ nhàng bộc bạch: "Những lỗi lầm ngày trước của em, em làm thì em chịu. Nhưng mà, con gái em nó đâu có tội tình gì... Nhớ con lắm, chị ơi. Em chỉ sợ, sau khi ra trại, con em biết về quá khứ của mẹ nó, sẽ không chịu nhận nhìn".
Ngọc D. là con thứ 5 trong một gia đình có đến 6 người con. Tuy gia cảnh khó khăn, nhưng ba mẹ của D. vẫn cố gắng lo cho con được đến trường đầy đủ. Thế nhưng, khi D. học đến lớp 5 thì biến cố xảy ra, khiến D. phải dở dang việc học hành. Mới 11 tuổi đầu, cô bé Ngọc D. phải đi ở đợ cho nhà một người dì. Cảnh sống cơ cực, xa gia đình đã khiến D. ngày càng trở nên lầm lì, ít nói.
Đến tuổi trăng tròn, Ngọc D. ngày càng xinh đẹp, biết bao chàng trai quanh vùng thầm để ý. Nhưng với bản tính trầm buồn, D. chỉ biết lặng lẽ làm việc, chưa một lần hò hẹn với ai.
Và cũng chính thời gian này, D. rõ ra một sự thật động trời. Hóa ra trước giờ, mẹ của D. chỉ là "vợ hờ" của người cha mà cô vô cùng tôn kính. Hóa ra, cha của D. còn có một gia đình "danh chính ngôn thuận" khác, và mẹ D. chưa từng được "pháo cưới kết hoa", cả mảnh giấy đăng ký kết hôn cũng không có.
Niềm tin trong D. vỡ òa, cô cảm thấy nhục nhã, cảm thấy mình như đứa con vô thừa nhận. Đã thế, họ hàng, làng xóm còn không ngớt lời đàm tiếu. Cô gái đang tuổi mới lớn, đã phải chịu cú sốc về tinh thần quá lớn lao. Thật sự không chịu nổi, D. quyết định lặng lẽ rời quê lên Sài Gòn với ước mong bắt đầu một cuộc sống mới.
Với Thái Ngọc D. thì đứa con gái nhỏ luôn là động lực để cô mong mỏi ngày hoàn lương.
Lúc ấy, trong đầu cô bé non nớt mới vừa tròn 16 tuổi là những ý nghĩ vô cùng đơn giản. Ngọc D. nhủ thầm, chỉ cần xa gia đình là cô sẽ quên đi bao nhiêu sầu muộn, sẽ tránh được những lời dị nghị, gièm pha. Thế nên, trong một khuya trời trở lạnh, D. không một lời từ biệt cứ thế gói ghém đồ đạc âm thầm ra đi.
Sài Gòn vốn dĩ không dễ dàng trú ngụ như D. đã từng tưởng tượng. Cô thật sự bối rối không biết mình phải làm việc gì, phải sinh sống ở đâu khi hoàn toàn không có ai thân thích ở chốn phồn hoa đô hội này. Cuối cùng, D. xin vào làm tại một quán cà phê gần Bến xe Miền Đông. Thời ấy, lương phụ bán cà phê của D. chỉ có 250.000 đồng/tháng.
Để đỡ bớt một phần chi phí, D. phải đi bộ mỗi ngày 2 cây số từ nhà trọ đến chỗ làm. Có những hôm quán đông, D. về muộn, một mình lang thang trong đêm khuya khoắt, vừa đói, vừa mệt lại sợ hãi, cô bé cứ khóc suốt đường đi.
Được vài tháng, chịu không nổi, D. xin nghỉ, rồi vào làm trong một nhà hàng ở quận 4. Với ngoại hình xinh đẹp, Ngọc D. hầu như rất dễ dàng xin được việc tại các nơi kinh doanh về dịch vụ ăn uống. Nhà hàng nơi D. đang làm việc, quản lý về thời gian rất khắt khe, mà do không có phương tiện đi lại, cô thường xuyên bị trễ giờ. Vì thế, lương đã ba cọc ba đồng mà lại còn bị trừ bớt đi, một lần nữa D. xin nghỉ.
Rồi D. tiếp tục làm trong một quán cơm gần nhà. Với mức lương 700.000/tháng, không bao cơm nhưng phải làm nguyên ngày. Quần quật cả tháng trời, cực nhọc vô cùng, nhưng đến khi lĩnh lương, bà chủ ma mãnh trừ tiền cơm hết sạch, khiến D. chỉ còn vài chục ngàn giắt túi. Ấm ức, D. lại xin nghỉ.
Đang buồn chán vì công ăn việc làm chưa đâu vào đâu thì những người bạn mới của D. rủ cô bé đi Vũng Tàu chơi. Không ngại ngần, D. gật đầu đồng ý. Trong chuyến đi này, D. tình cờ gặp được Vũ Hoàng Nam, chàng trai với vẻ ngoài thư sinh và cách nói chuyện nhẹ nhàng đã nhanh chóng thu hút Ngọc D - cô bé mới biết yêu lần đầu. Đôi nam thanh nữ tú này quấn lấy nhau cuồng nhiệt. Họ cùng trở về Sài Gòn rồi thuê một căn phòng nhỏ tại Tân Bình sống với nhau như vợ chồng.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, không lâu sau đó Nam bị bạn bè rủ rê rồi nghiện ma túy. Bao nhiêu tiền đôi tình nhân trẻ dành dụm cho một đám cưới trong mơ bỗng chốc bị Nam đốt sạch vào làn khói trắng. Ngọc D. khóc lóc can ngăn thì bị Nam đánh đập, chửi mắng thậm tệ. Vì còn yêu Nam, và vì đứa con trong bụng, nên D. nhẫn nhịn chịu đựng và ra sức khuyên lơn. Nhưng Nam chỉ hiền hòa mỗi khi hắn tỉnh táo, còn những lúc lên cơn y như rằng hắn biến thành thú dữ.
Cảnh nhà rơi vào túng bấn, mà Nam thì càng ngày càng tăng liều. Một hôm, Nam về nhà túm lấy áo D. đòi tiền mua thuốc. Đang có thai, mệt mỏi khó chịu, lại thấy người tình nghiện ngập không lo làm ăn, suốt ngày bám vợ, D. bực mình hất mạnh tay Nam. Nào ngờ hắn nổi cơn điên, hai mắt long sòng, Nam vung tay túm lấy tóc D. đập mạnh đầu cô xuống nền nhà.
Ngọc D. bất tỉnh bao lâu không biết, mở mắt ra cô đã thấy máu me đầm đìa, còn gã "chồng hờ" vũ phu đã khoắng sạch tiền mang đi mua ma túy. Lo sợ cho cái bào thai 5 tháng, D. một mình lê thân đến nhà vị bác sĩ gần đó nhờ khám giúp. May mắn thay, con D. không hề hấn gì. Tủi nhục, đớn đau, Ngọc D. quyết định ra đi, để bảo vệ cho bản thân mình và cho đứa con sắp chào đời.
D. tá túc tại nhà một người bạn quen. Hằng ngày, cô phụ bạn cắt chỉ, gia công hàng may sẵn để kiếm thêm chút đỉnh chờ đến ngày sinh nở. Kể đến đây, bỗng nhiên Ngọc D. rớt nước mắt: " Lúc vào phòng sinh, vừa đau vừa tủi, ôm đứa con đỏ hỏn trong lòng, nhìn xung quanh ai cũng được chồng chăm chút, chỉ có một mình em là "đi biển mồ côi", em chỉ biết khóc. Bác sĩ bảo, đừng khóc nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không tốt cho con, nhưng lúc ấy cứ nghĩ đến những ngày tháng khó khăn sắp tới là em lại rớt nước mắt".
Nuôi một đứa con với cô gái vừa tròn 20 tuổi quả là việc không hề dễ dàng. Mới sinh xong, sức khỏe yếu, hầu như D. không làm được việc gì. Tiền nuôi sống hai mẹ con đều là do bạn bè thương tình cho vay mượn. Đến khi đứa con gái bé bỏng cứng cáp hơn một chút, D. đành gửi con cho nhà bạn quen rồi một thân một mình kiếm việc làm thêm. Nào tiền sữa, tiền thuốc men rồi ăn uống sinh hoạt của hai mẹ con khiến D. không thể nào kham nổi.
"Gái một con trông mòn con mắt", bà chủ quán cà phê đèn mờ gần đó thấy Ngọc D. quá xinh đẹp liền tiếng to tiếng nhỏ rủ rê D. về làm việc cho mình. Túng bấn, hết cách D. đành nhận lời vào làm tiếp viên quán cà phê đèn mờ. Cứ mỗi tối, D ăn mặc thật mát mẻ để bưng bê cà phê cho khách. Tuy vậy, tiền kiếm được cũng chẳng là bao.
Một hôm, có ông khách mê mệt nhan sắc của D. nên buông lời gạ gẫm cô qua đêm cùng mình. Lúc đầu, D. tỏ ra khinh miệt hắn ghê gớm. Nhưng rủi thay, con gái D. do thiếu sự chăm sóc thường xuyên của mẹ nên mắc bệnh "sài", ốm đau liên miên.
Càng ngày, gã khách càng lui tới quán thường xuyên, và món tiền hắn đưa ra để có một đêm "vui vẻ" với D. ngày càng lớn. Nghĩ đến thân mình tình duyên lỡ dở, lại nghĩ đến đứa con suy dinh dưỡng, ngày đêm khát sữa mẹ, D. nhắm mắt, cắn răng làm liều. Lần đầu tiên, rồi lần thứ 2,... cứ thế D. biến thành gái bán thân chuyên nghiệp.
Bệnh tình của con gái D. ngày càng nặng, cô quyết định nghỉ việc ở quán cà phê đèn mờ, chuyển qua làm tiếp viên ở tiệm hớt tóc thanh nữ. Ở đây, ngoài massage cho khách, tiếp viên phải chiều theo mọi yêu cầu của khách thì mới mong kiếm được nhiều tiền. Nhưng ngặt nghèo thay, tiếp viên ở đây chỉ được lấy 6 phần, còn 4 phần phải chia cho chủ. Ai không tuân thủ nghiêm sẽ bị bọn bảo kê đánh cho bầm dập mới thôi.
Con gái D. cô đặt tên là Xuân, những mong đời con sau này sẽ rạng rỡ như mùa xuân chứ không u ám, nặng nề như mẹ. Nhưng bé Xuân do mắc chứng suy dinh dưỡng từ nhỏ, nên các bệnh khác cứ thế kéo theo. Để có tiền cho con đi viện, có ngày, Ngọc D. phải tiếp đến 10 lượt khách.
Thân xác đã rã rời, mà đồng tiền còn bị bọn nhà chủ ăn xén, chẳng còn được là bao. Khốn cùng, D. dạt ra "đứng đường" tại khu Phạm Văn Bạch, Tân Bình. Sáng, D. gửi con vào nhà trẻ tư nhân vì nơi đây nhận giữ trẻ đến 10h tối. Sau đó, D. đi đến địa điểm "hành nghề", D. chưa bao giờ dám làm quá khuya vì cô còn phải đón con về. Cứ thế, D. như một con thoi chạy ngược chạy xuôi hằng mấy năm trời cho đến lúc bị bắt và đưa vào Trung tâm Phú Nghĩa.
Vì con, D. đi bán thân, và giờ đây chính đứa con gái bé bỏng lại trở thành động lực để người mẹ trẻ khao khát ngày hoàn lương. D. gạt vội nước mắt, mỉm cười: "Bé Xuân rất ngoan, rất xinh đẹp, nhớ con lắm, em chỉ mong ngày về để được gặp con. Vì danh dự của con gái sau này, em sẽ không bao giờ quay lại con đường tăm tối ấy nữa. Con em sẽ tiếp thêm nghị lực để em đủ sức làm lại từ đầu".
Ngày về của Ngọc D. và những mỹ nhân lầm lỡ tại trung tâm Phú Nghĩa, sẽ không còn xa nữa. Sau khi Nghị quyết 24/2012 của Quốc hội về việc xử lý vi phạm hành chính đối với gái mại dâm có hiệu lực vào ngày 1/7/2013 tới đây, họ sẽ trở thành những học viên cuối cùng của trung tâm này.
Dù đây là chuyển biến tích cực trong việc nhìn nhận "nghề mại dâm", nhưng vẫn mong ngày càng ít đi những cô gái vì vòng xoáy kim tiền mà phải cuốn vào cuộc mưu sinh với những trò vui thân xác
Theo xahoi
Đình làng kỳ bí: Ngôi đình lớn nhất Quảng Nam Kể từ khi vua Lê Thánh Tông bình phương nam mở cõi (1471) rồi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, đến nay ngôi đình đã tồn tại gần 550 năm. Đình Chiên Đàn - Ảnh: H.T Những cư dân thuở ấy, theo vua vào khẩn hoang, khai ấp, lập nên làng xã, xây dựng đình làng, tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Đình...