Nghe Đức Huy nói về nỗi sợ khiến bố mẹ phiền lòng, ta chợt nhận ra: liệu mình có đang khiến gia đình hạnh phúc?
Phạm Đức Huy như bao người trẻ khác có khát khao và tham vọng, muốn trưởng thành thật nhanh và thành đạt nhưng điều ấy chỉ thật sự đạt được khi chúng ta tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của bản thân.
Với Phạm Đức Huy, gia đình là số 1. Người đàn ông trưởng thành là người biết tự chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân. T/H: Ted Trần – King Pro.
Phạm Đức Huy đến với cuộc trò chuyện bằng việc diện một chiếc áo phông in hình một chú lợn có râu như lời giới thiệu về người đang mặc, sinh năm Ất Hợi và dấu ấn đặc sắc nhất trên gương mặt chính là bộ râu.
Cùng với những nụ cười, những chia sẻ mang hơi hướng bất cần đời lại là một thanh niên khao khát dành những điều tốt nhất cho gia đình và dù muốn hay không, phải tự biết cách chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm trước khi nghĩ đến chuyện rời xa vòng tay bố mẹ.
Hãy tự biết chịu trách nhiệm với hành động của bản thân
- Gia đình có ý nghĩa như thế nào với Đức Huy?
Phạm Đức Huy: Gia đình là tất cả đối với tôi. Tôi cũng làm tất cả vì gia đình.
Trong mỗi lần chiến thắng hay thất bại, không chỉ trong bóng đá mà ở cả cuộc sống, việc đầu tiên tôi làm là gọi về cho bố mẹ khi muốn giải toả căng thẳng, đặc biệt là mẹ. Tôi chỉ gọi về thôi, không tâm sự gì cả, chỉ cần được gọi, được nghe tiếng bố mẹ, nói chuyện bình thường là thoải mái nhất có thể.
Tôi không muốn bố mẹ lo nghĩ về mình. Những gì mình làm đúng, làm sai, là đàn ông mình chịu trách nhiệm. Tôi không muốn để bố mẹ biết rồi lại suy nghĩ. Cuộc đời của bố mẹ tôi, tôi nghĩ là quá vất vả rồi. Tôi không muốn họ phải suy nghĩ về tôi quá nhiều nữa. Mọi thứ bây giờ tôi tự chịu, không muốn bố mẹ đau đầu vì mình.
- Vậy có khi nào Đức Huy nói dối bố mẹ chưa?
Tôi nói dối rất nhiều nhưng làm như vậy là không muốn bố mẹ suy nghĩ. Khi tôi giải quyết ổn thoả, mọi thứ đi vào quỹ đạo thì sau đó tôi mới nói thật cho bố mẹ biết.
- Sự nghiệp hiện tại cho Huy rất nhiều thứ, có thành công, có nổi tiếng. Thế nhưng, vì một lý do nào đó như gia đình từng khiến Huy phải suy nghĩ về việc theo đuổi sự nghiệp này chưa?
Bố mẹ cho tôi tự lập từ rất bé. Năm 11 tuổi, bố mẹ cho đi đá bóng. Hồi đấy, tâm lý chung của những cậu nhóc như tôi là đi đá bóng, được đá, được chơi với những người bạn bằng tuổi là rất vui rồi. Quan trọng hơn, muốn đi đá bóng để bớt phải đi học.
Bố mẹ cho tôi tự quyết định cuộc sống còn họ chỉ cho lời khuyên thôi. Ban đầu, mẹ không cho đi đá bóng nhưng tôi bảo mẹ cho con đi đá bóng, con vẫn học được bình thường. Thật ra khi ấy nói như vậy để mẹ an tâm cho đi đá đã. Sự nghiệp bóng đá của tôi bắt đầu như thế, từ năm 11 tuổi ở Hải Dương. Năm 12 tuổi tôi lên Hà Nội.
- 11 năm tuổi thơ ở Hải Dương thì Huy nhớ nhất đến kỷ niệm nào?
Hồi nhỏ tôi khá ngỗ nghịch. Kỷ niệm thường là đánh nhau hoặc bắt những đứa bạn cùng lớp xách cặp về cho mình,… Năm 11 tuổi đi đá bóng vẫn giữ nếp thế. Nói chung, kỷ niệm hồi nhỏ ở Hải Dương chỉ là đánh nhau kiểu tuổi học trò thôi.
Buộc phải thay đổi bản thân khi bóng đá cho hai chữ “nổi tiếng”
- Kể từ sau VCK U23 châu Á 2018, cuộc sống của Đức Huy có nhiều thay đổi không khi số lượng người hâm mộ tăng lên quá nhanh?
Cuộc sống của tôi cũng có một chút thay đổi. Khi ra đường nhiều người nhận ra hơn, cuộc sống riêng tư có nhiều người để ý hơn. Suy cho cùng, thay đổi như vậy tôi vẫn thấy bình thường, không thay đổi nhiều.
- Điểm tích cực và tiêu cực của câu chuyện này là gì?
Thay đổi tích cực là mình vui khi được nhiều người nhận ra. Ví dụ khi đi xem phim không mua được vé thì có một bạn bán vé bảo tôi đứng sang hàng VIP. Mình không có thể, không biết mua qua mạng giờ xếp hàng được ưu tiên mua vé trước, tự dưng thấy cũng thích, cũng vui.
Còn hạn chế nằm ở việc cuộc sống riêng tư bao lâu nay vẫn vậy, khi ra đường uống trà đá vỉa hè, được nói dăm ba câu tục. Bây giờ, tôi phải trau chuốt hơn, cuộc sống cá nhân không còn được thoải mái như trước.
Tính cách của Đức Huy đi ngược với quy chuẩn của sự nhã nhặn, nhẹ nhàng nhưng khi được nhiều người biết tới hươn, mọi thứ buộc phải thay đổi. Ảnh: Hiếu Lương.
- Vậy với Đức Huy, những người hâm mộ, những cổ động viên đặc biệt có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp?
Bản thân tôi chưa bao giờ coi mình là một ngôi sao, một thần tượng của ai cả. Tôi không bao giờ gọi hay coi các bạn là người hâm mộ của mình. Tôi coi đó là những người bạn. Tôi không bao giờ cho phép là một ngôi sao còn những người yêu quý mình là fan.
Những bạn quan tâm tôi hơn cầu thủ khác là người tôi cực kỳ trân trọng. Họ là những người bên tôi, là động lực để phát triển hơn nữa về sự nghiệp và cuộc sống. Chúng ta nên coi nhau là những người bạn thân thiết. Vậy sẽ tốt hơn.
- Người hâm mộ cũng có người này người kia, trên mạng xã hội cũng vậy và chắc chắn sẽ có không ít bình luận trái chiều bên cạnh lời khen dành cho Đức Huy. Bạn thường phản ứng thế nào với chuyện này?
Tôi theo dõi khá nhiều fanpage hay ho trên mạng xã hội. Khi tôi lướt facebook, thấy một bài viết nào hay ho tôi cũng nhảy vào bình luận, thậm chí tag tên những người bạn, người đồng đội của mình.
Với việc đọc các bình luận khen chê, tôi chỉ đọc bình luận ở trên các bài đăng của cá nhân mình. Rất may mắn là không có nhiều bình luận tiêu cực, chê trách. Nếu có những bình luận như vậy, tôi nghĩ việc đầu tiên mình làm là tiếp thu, sau đó suy nghĩ xem điều ấy có đúng hay không, mình có sửa chữa hay không thì lại phải tuỳ thuộc vào con người mình.
- Xin cảm ơn Huy về những chia sẻ!
Theo trí thức trẻ
Phạm Đức Huy: "Nếu không làm cầu thủ, tôi sẽ về nhà mở quán nhậu"
Phạm Đức Huy sở hữu những biệt danh đầy quý phái như "hoàng tử bánh gấu", "hoàng tử Ả-rập" nhưng khi nhắc đến nghề nghiệp có thể làm được ngoài bóng đá, anh lại trở nên bình thường hơn bao giờ hết.
Đức Huy thẳng thắn bày tỏ: "Nếu không đi đá bóng thì tôi sẽ về nhà giúp bố mẹ tiếp quản quán nhậu".
Câu trả lời này có thể khiến người hâm mộ ngỡ ngàng nhưng với Đức Huy, điều này bắt nguồn từ thực tế bố mẹ anh có một quán bia ở quê nhà Hải Dương. "Cứ đến mùa hè là bố mẹ tôi lại bán hàng. Bố tôi khá khéo tay nên quán thường đông khách", Đức Huy chia sẻ.
Trái ngược với "ông cụ thân sinh", Đức Huy cho biết mới làm thuần thục nhất việc ốp trứng, chính vì vậy tham vọng tiếp quản quán nhậu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Trước Đức Huy, một cầu thủ khác là Đình Trọng cũng trả lời cực sốc về nghề nghiệp khác nếu không đá bóng. Trọng "ỉn" thành thật: "Nếu không đi đá bóng tôi nghĩ mình sẽ về làm ruộng. Nếu ngoan thì là làm rộng, nếu không ngoan thì không biết sẽ đi đến đâu nữa".
Nếu không đi đá bóng, Phạm Đức Huy muốn tiếp quản quán nhậu của bố, ông Phạm Đức Đông. Ảnh: Hiếu Lương, Ted Trần.
Với suy nghĩ của Đức Huy, người hâm mộ chắc chắn có thể trông chờ vào một thương hiệu quán nhậu "Huy râu" trong tương lai ở Hải Dương khi tiền vệ này kết thúc sự nghiệp cầu thủ. Nếu khấm khá, thậm chí quán nhậu có thể mở thêm nhiều cơ sở trên cả nước.
Đức Huy nổi tiếng là cầu thủ có tính cách thẳng thắn và vui vẻ. Anh để lại ấn tượng cho người hâm mộ bằng sự thành thật, đặc biệt là những bình luận, câu nói vừa mang tính logic, vừa mang "độ mặn" khiến mọi người được dịp cười nghiêng ngả. Đây cũng là màu sắc khiến Đức Huy khác biệt với nhiều cầu thủ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhất là trên đội tuyển Việt Nam.
Bên cạnh suy nghĩ mở quán nhậu, Đức Huy cũng cho rằng anh sẽ cân nhắc nếu được mời làm diễn viên hài. "Mấy thứ nhố nhăng thì tôi nghĩ rất nhanh. Đầu nhảy số nhanh trong mấy chuyện đó lắm chứ làm ca sĩ, nhà văn,... thì tôi không bao giờ làm được", tiền vệ 24 tuổi chia sẻ.
Phạm Đức Huy là cầu thủ sở hữu tính cách khác biệt với giới cầu thủ bóng đá của Việt Nam. Ảnh: Hiếu Lương.
Hiện tại, trong giới cầu thủ bóng đá Việt Nam, nhiều người đã tự mở riêng các cửa hàng để kiếm thêm thu nhập bên cạnh đồng lương cầu thủ chuyên nghiệp.
Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL) là nhân vật hot với nghề bán son và đồ mỹ phẩm. Tiền đạo Nguyễn Công Phượng, trung vệ Bùi Tiến Dũng có quán cà phê riêng. Anh em Bùi Tiến Dũng - Bùi Tiến Dụng mở sân bóng cỏ nhân tạo cho thuê ở quê nhà Thanh Hoá, riêng cậu em Tiến Dụng còn có thêm cửa hàng bán quần áo.
Kể từ sau thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, nhiều cầu thủ trẻ đã có dịp đổi đời với những khoản thưởng lớn. Thay vì dùng vào ăn chơi, họ sử dụng số tiền ấy để đầu tư theo sở thích và có thêm thu nhập cho cá nhân. Đây cũng được xem là sự thay đổi lớn của thế hệ cầu thủ hiện tại so với trước đây.
Theo trí thức trẻ
Đức Huy nhớ lại kỷ niệm muốn làm anh hùng cứu cầu thủ giàu nhất thế giới của U23 Brunei Faiq Bolkiah, cầu thủ được cho là giàu nhất thế giới, đang rất được chú ý dù không sang Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2020. Nhắc tới cái tên này, tiền vệ Phạm Đức Huy nhớ lại kỷ niệm từ SEA Games 2015. Trong một bài đăng nói về sự giàu có của Faiq Bolkiah, trung vệ Quế Ngọc...