Nghề độc Sài Thành: Nhậu thuê và đánh ghen
Hai nghề này chẳng cần bỏ vốn, một nghề là bỏ nước bọt, một nghề là phải có tửu lượng cực cao. Có lẽ chỉ ở Sài Gòn mới có những “nghề” độc đáo như vậy.
Sướng khổ nghề nhậu thuê
“Làm nghề này dễ lắm, không cần phải bằng cấp gì cả, chỉ cần ông có tửu lượng khá và “bộ đồ lòng” tốt, biết đọc tên, giá cả, cách phân biệt mùi vị một số loại rượu Tây”, Duy N – một “chuyên gia” nhậu thuê khề khà. “Ngoài những yêu cầu trên, ông còn phải thường xuyên cập nhật tin tức, từ tin văn hoá, xã hội, thể thao, cho đến kinh tế, và nếu ai biết làm thơ trên bàn nhậu thì càng tốt, đặc biệt là thơ “mặn”. Người thuê thường là doanh nhân, vì thế người nhậu thuê cần phải biết nhiều thứ để nói chuyện cho bàn nhậu thêm xôm tụ”, N nói thêm.
N cho biết do nhu cầu làm ăn, chiêu đãi, mở rộng quan hệ, nên ngày nay có rất nhiều công ty nhờ đến dịch vụ nhậu thuê này. Cũng như bất cứ nghề nào khác, nghề nhậu thuê cũng có người đứng ra làm chủ soái – người đưa ra những “luật” như không trộm cắp, không cho “chó ăn chè” trên bàn nhậu, không “đâm sau lưng chiến sĩ” (đặt điều nói xấu nhau). Theo N, lúc trước chỉ có cánh mày râu làm nghề này, giờ thì đã có nhiều phụ nữ đi nhậu thuê. Cứ mỗi cuộc nhậu, người nhậu thuê được trả từ 500 – 700 nghìn đồng.
Cơ cực nghề nhậu thuê. Ảnh minh họa
Nhìn qua ai cũng tưởng nghề này rất dễ ăn, nhưng thực tế thì chỉ có dân trong nghề mới biết nỗi khổ. “Ai quen uống rượu thì chỉ uống rượu thôi, chứ vừa rượu vừa bia dễ bị vật lắm. Tôi có thằng bạn bên quận 8 cũng làm nghề này, khách của nó nhiều lắm, một ngày nó nhậu 5-6 độ. Nhưng cái thằng này nhậu tạp, bia rượu gì nó làm láng hết, kể cả rượu chuối hột. Bởi vậy “bộ đồ lòng” của nó bây giờ nát bấy luôn”, Tuấn “Sài Gòn”, một người nhậu thuê cho biết.
Sở dĩ Tuấn có biệt danh này là do anh chỉ uống được một loại bia duy nhất là bia Sài Gòn. Và đây cũng là kinh nghiệm sống của anh khi vào nghề. Theo lời Tuấn thì bia, rượu, nhất là các loại sản xuất chui, có độ cồn rất cao, vì vậy hễ uống lộn xộn không trung thành với một gu nào thì rất dễ “lãnh đòn”.
Hôm sau tôi cùng Tuấn đến quán nhậu khá lớn trên đường Hoàng Văn Thụ. Khách hàng của Tuấn là ông chủ của chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng, còn đối tác là 3 người chuyên cung cấp hàng. Vào bàn, sau vài câu xã giao, phía đối tác của Tuấn bắt đầu uống bia như nước lã, thỉnh thoảng mới có vài câu liên quan đến việc làm ăn. Tuấn và “ông chủ” thì thầm với nhau rồi ông ta nói: “Anh có việc phải đi gấp, có gì mấy anh em ở lại chơi với Tuấn”.
Ông chủ vừa khuất bóng, phía đối tác càng uống bạo làm cho Tuấn phải méo mặt vì uống theo họ. Hết thùng bia thứ ba, một vị khách lên tiếng: “Bia rượu uống chán rồi, bây giờ mình đi “tăng hai” cho vui”. Tuấn từ chối: “Ông chủ có chỉ định tiếp đến đây thôi”. Nghe thế, cả nhóm nổi nóng, xúc phạm Tuấn không tiếc lời. Thấy tôi có vẻ khó chịu vì thái độ của phía đối tác, Tuấn nói nhỏ: “Thôi bỏ đi, làm nghề thì phải chịu, lên tiếng coi chừng bị ăn đòn mà còn không có thù lao”.
Rời quán, Tuấn chua chát: “Nghề này nhiều người vẫn nói đùa rằng tiền công được tính bằng những cơn say. Kiếm được vài triệu một tháng đôi khi phải khóc trên bàn nhậu, đó là chưa kể các bệnh tật do bia rượu mà ra”
“Từ khi theo nghề này, tự nhiên tôi có thói quen ngày nào không uống là không chịu được”, Trần Văn Q, một cao thủ trong nghề nhậu thuê cho biết. “Hôm nào có sô thì không nói làm gì, còn hôm nào ế thì tôi với một vài chiến hữu thân tình phải gầy độ nhậu cho đỡ nhớ nghề”, Q. kể thêm.
Video đang HOT
Theo lời anh thì lúc trước người làm nghề này rất được kính trọng, vì người nhậu thuê là “bộ mặt, tiếng nói” của các doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng rồi do thấy nghề này dễ sống, không cần vốn liếng nên nhiều người lao vào khiến các tay nhậu thuê rớt giá thê thảm..
Q. bấm đốt ngón tay nhẩm tính rồi thần mặt: “Đời tôi cũng đã chứng kiến nhiều đứa bạn nhậu thuê rời bàn nhậu trong cơn say rồi gặp tai nạn thành tàn tật, rồi trúng gió mà chết… Cơ cực lắm. Có lúc muốn tìm việc gì khác nhưng cũng khó vì nhậu nhẹt quen rồi, giờ chuyển làm nghề khác cả tháng có khi không đủ tiền một chầu nhậu”.
Nghề đánh ghen
Nghề đánh ghen có ít khách hàng hơn vì chỉ sống được là nhờ những người chồng, người vợ có máu Hoạn Thư nhưng vì “yếu cơ” hơn tình địch, hay vì lý do nào đó họ không dám ra mặt nên mới nhờ đến “dịch vụ” đánh ghen thuê. Cũng như nhậu thuê, nghề này không cần bỏ vốn, mà chỉ bỏ nước bọt.
Trong vai một người chồng “bị cắm sừng”, tôi tìm đến nhà K là một quán cơm bình dân trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. “Bị cắm sừng phải không”, “bà trùm” K hỏi. “Không thì tôi tìm đến chị làm gì”, tôi thiểu não trả lời vẻ rất hoàn cảnh. “Anh có đem theo hình của thằng đó tới không? Nếu muốn xử nhẹ cảnh cáo thì 4 triệu, còn muốn thằng đó “ôm mặt máu” thì 7 triệu, nhưng nói trước là tụi tui chỉ nhận xử còn sau đó nó với vợ anh còn “lẹo tẹo” với nhau không thì tui không chịu trách nhiệm”, người phụ nữ này nói. Viện lý do ngày mai đem hình lại và đặt tiền, tôi lên xe chạy một hơi không dám nhìn lại.
Thế nhưng thực chất, thường thì các “khách hàng” không nhận được “dịch vụ” có “chất lượng” như những đối tượng đánh ghen thuê hứa hẹn. “Lúc mới nhận hợp đồng với người ta, bả hứa nào là chị muốn tui lấy của con nhỏ đó bao nhiêu cái thẹo cũng được, nhưng khi nhận tiền xong thì bả chỉ đến chửi bới vài câu rồi về. Vụ đó tui mất không 5 triệu đồng mà chẳng ích gì”, bà G, một phụ nữ ngụ quận Bình Thạnh kể về lần đi thuê người đánh ghen.
Bà B, một “bà trùm” chuyên đánh ghen thuê nay đã giải nghệ xác nhận điều này. Bà thủng thẳng : “Ngu gì “xử” gây thương tích phải đi tù. Nhận tiền xong tụi tôi chỉ đến gặp đối tượng cảnh cáo kiểu “mày muốn sống thì để yên cho chồng, (vợ) tao làm ăn”, hoặc cùng lắm là tạt tai vài cái rồi thôi”.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Những đứa trẻ chạy lũ ra thành phố mưu sinh
Trong đêm tối lạnh giá, trên các ngả đường thủ đô vẫn có những bước chân con trẻ âm thầm mưu sinh.
Với các em, mưu sinh cũng là cách quên đi buốt giá của những đợt gió lạnh đầu mùa của Hà Nội, quên đi tuổi thơ vất vả, cơ cực.
"Lũ đến chúng em ra đi"
Những đứa trẻ trong đêm tối.
20 giờ. Chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân) còn vắng lặng, thưa thớt người qua lại. Tranh thủ lúc những chuyến xe chở hàng chưa tới, thấp thoáng những đứa trẻ vạ vật trên thùng hàng, tranh thủ chợp mắt lấy sức chuẩn bị cho một đêm làm việc. Mặc cho những cơn gió lạnh đầu mùa, bọn trẻ vẫn ngủ ngon lành với manh áo mỏng, màn trời chiếu đất.
Ngồi sau một chiếc lán tạm bợ ở góc chợ, Nguyễn Văn Bình (14 tuổi) co ro tránh gió, mắt em nhìn xa xăm ra đường. Bình tâm sự, em mới ra Hà Nội theo lời "rủ rê" của mấy chị trong xóm. "Quê em lũ tràn về trôi hết nhà cửa, ở nhà không biết lấy gì mà ăn qua ngày, mùa màng mất trắng. Để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ, em ra Hà Nội kiếm sống được gần 2 tuần rồi", Bình kể.
Sau đợt lũ kép tàn phá miền Trung vừa rồi, Bình cùng với một số bạn cùng quê ở Hưng Nguyên (Nghệ An) bỏ học, khăn gói ra Thủ đô kiếm sống. "Ở nhà khổ thế còn sống được, ngại chi việc nặng nhọc ở Thủ đô. Nghĩ thế nên em mới quyết định ra đây", Bình nói. "Em không định trở về quê đi học à?", tôi hỏi. "Không anh ạ. Quê nghèo, lại bị thiên tai, đi làm kiếm sống chứ tiền đâu mà đi học. Lúc em đi, nhà trường còn bị ngập nặng, không biết các bạn đã tới lớp được chưa?", Bình nói mà ánh mắt xa xăm.
Cùng lứa với Bình còn có Thanh và Lương, tất cả đều là những "ma mới" theo sự dẫn lối của mấy đàn anh đàn chị có "thâm niên" làm thuê ở đây. Sau khi quốc lộ 1A được lưu thông sau đợt lũ vừa rồi, cả 3 đã khăn gói rời quê hương để mưu sinh ở Hà Nội. "Bọn em cũng biết ở quê nước đã rút nhưng chúng em không về đâu. Về không biết làm gì cho hết mùa mưa bão này, biết đâu lại lũ tiếp, bao nhiêu người đã bị nước cuốn đi", Bình chép miệng ngao ngán.
Gia đình có 3 chị em, Bình là con út trong nhà. 2 chị gái vào Nam làm giày da xuất khẩu, rồi lần lượt lấy chồng trong đó. Còn lại Bình ở nhà đã biết làm ruộng phụ giúp bố mẹ từ thuở lên 9, lên 10. Nhà có mấy sào ruộng không đủ, bố Bình phải xuống thành phố Vinh làm phụ hồ, còn mẹ buôn bán chè xanh ở chợ làng. Cái nghèo, cái khốn khó cứ bám chặt lấy gia đình Bình mãi mà không chịu buông tha. Sau cơn lũ dữ cũng là thời điểm Bình phải bỏ quê, ra đi mưu sinh kiếm sống khi còn chưa đủ tuổi thành niên.
Giống Bình, Thanh cũng buồn thiu khi nói về hoàn cảnh của gia đình mình. Dù sao Bình cũng là con trai, còn cứng cỏi, chứ thân gái như Thanh, tuy nhiều hơn Bình vài tuổi nhưng không ít lo lắng khi nói về công việc của mình. "Lượm nhặt những thứ bỏ đi của dân thành thị kiếm sống, tối đến ngủ vật vạ. Thấy cám cảnh nhưng mà còn đỡ hơn bà con chúng em trong quê, những ngày lũ không có chỗ dung thân, chỗ ngủ cũng không có", Thanh tâm sự.
Thanh kể: "Bố bỏ 3 mẹ con theo người khác. Anh trai em làm bốc vác thuê ở chợ này mấy năm trước rồi, em mới cùng với Bình ra sau ngày quê bị lũ lụt. Làm vào nửa đêm về sáng, mấy ngày đầu mất ngủ, cả ngày cứ lờ đờ. Rồi cũng quen. Thời gian đầu, em chỉ mang những túi hàng nhè nhẹ cho các chủ đầu mối, sau đó bốc nặng dần. Mỗi đêm cũng kiếm được 30.000 - 40.000 đồng. Nhon góp được ít rồi, chờ có ai về quê, em tính mua cái áo gửi về cho mẹ và bà ngoại mặc mùa đông". Ngồi cạnh đó, Bình hóng chuyện, nói với sang: "Nó là con gái làm việc này vất quá anh à, nhưng biết làm sao được. Thanh ra đây còn có anh trai, sớm tối anh em có nhau. Hạnh phúc chán. Em chẳng có ai thân thích".
Chỉ vào vết bầm tím ở cẳng chân, Bình nói rằng đêm hôm kia mới bị ngã trong lúc đang vác rau, đau đến mức không đứng dậy được, anh em Thanh phải dìu ra phía sau lán chợ để nghỉ ngơi. Sau một ngày nghỉ ngơi, đêm nay Bình lại tiếp tục cuộc mưu sinh.
Đã hơn một lần, Bình bị bọn nghiện móc túi. Sau mỗi đêm thức trắng lao động mệt nhoài, Bình lại vạ vật xó chợ. Giấc ngủ chẳng lành bao giờ kể từ ngày Bình xa quê, không chăn, không chiếu và nỗi lo bị móc đi số tiền mới kiếm cứ ám ảnh em trong từng giấc ngủ.
Bình và Thanh cho biết, những đứa trẻ độ tuổi 14 - 15 như các em ra Hà Nội làm thuê khá nhiều nhưng sống tản mát khắp nơi. Đứa thì sống ở chợ đầu mối, đứa rửa bát cho nhà hàng, đứa lại trông xe cho các quán ăn đêm...
Những đôi chân nhỏ bước vào đời
Phục vụ khách.
Theo lời kể của những đứa trẻ mưu sinh ở chợ đầu mối Phùng Khoang, tôi tìm đến những quán ăn đêm. Quả thực ở những khu ăn uống ở phố Đê La Thành, chợ Đồng Xuân, Lý Văn Phức... là nơi mưu sinh của rất nhiều em.
22 giờ. Phố Lý Văn Phức vẫn đông đúc. Từ lâu nay, người ta vẫn gọi con phố nhỏ này là phố "chân gà" bởi cả phố chỉ độc kinh doanh chân gà với đủ các món.
Tôi bước vào một quán cuối phố, một em nhanh nhảu chạy đến dắt xe. "A! biển 37, chào anh đồng hương", đứa bé nhanh miệng. "Ở đâu mà đồng hương?", tôi hỏi. "Dạ! Em ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An". "Bao nhiêu tuổi rồi, không ở nhà mà đi học, đi làm sớm thế?". Thằng bé định không trả lời nhưng sau đó buột miệng: "Em sinh năm 1996, chị dẫn ra Hà Nội đi làm được thời gian rồi". Thế rồi, câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng quát của ông chủ quán: "Dắt xe cho khách kìa!".
Hồi lâu hỏi thăm mới biết em tên là Năng. Dáng người mảnh khảnh nhỏ thó, không ai nghĩ rằng Năng đã bước qua tuổi 15 với "thâm niên" 2 năm bôn ba đất Hà Nội. Mới đây, Năng đã "dắt mối" cho 2 bạn ở quê ra Thủ đô kiếm sống.
Có ngồi ở những quán chân gà này, thấy đội quân "thiếu nhi" chào mời, dắt xe cứ "mô tê răng rứa" nhặng xị cả với nhau mới tin lời Bình rằng, các em từ miền Trung "chạy lũ" ra đây. Công việc của các em rất giản đơn nhưng phải luôn tay, luôn chân dắt xe, chào mời, bê đồ ăn... cho khách. Thường, các em làm từ chiều cho đến đêm khuya, lúc nào hết khách mới được nghỉ.
Năng bảo: "Ở đây có nhiều bạn từ quê ra nên cũng đỡ nhớ nhà. Ngoài việc trông xe, dắt xe cho khách, hôm nào vãn khách sớm, chúng em còn nhận luôn cả những việc khác mà chủ thuê ngoài, từ quét dọn cả đoạn phố cho đến rửa chân gà. Mỗi lần làm thêm được 5.000 - 7.000 đồng. Trừ tiền ăn tiêu ra, mỗi tháng em cũng đưa cho chị gái tiết kiệm được mấy trăm nghìn. Bọn bạn làm ở dưới chợ Đồng Xuân kiếm nhiều tiền hơn em trên này. Em không làm ở đó được vì người ta bắt phải biết đôi câu tiếng Anh để chào mời, dưới đó khách Tây nhiều mà. Em không được học đành chịu!".
Biết con đường học hành của mình bị cắt giữa chừng, Năng có mơ ước ngày nào đó có vốn chút vốn liếng, 2 chị em sẽ về quê mở quán chân gà nướng. "Em thấy kinh doanh chân gà nướng rất lời, nhà em lại ở gần thị trấn. Biết được cách chế biến, có vốn là về mở quán ngay", đứa bé nói mà mắt nhìn xa xăm. Năng bật mí, từ lúc ra Hà Nội, rất nhiều kẻ rủ rê em đi theo con đường trộm cắp. "Có đứa nói rằng đi đánh giày với nó, chỉ cần ăn cắp được của khách đôi giày có khi kiếm được cả nửa triệu bạc, bằng chúng em làm bạc mặt cả tháng. Nhưng em không dám", Năng thật thà như đếm.
Trời về khuya, càng lạnh, càng vắng người, cũng là thời điểm mưu sinh của những mảnh đời bé nhỏ.
Theo GiađinhNet
Khi nữ sinh khiến người khác "hãi hùng" vì... nhậu nhẹt Ngày trước nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có cánh con trai thì mới thuộc dạng người có tửu lượng mạnh và những việc như nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, nâng hết cốc này rồi đến chai kia. Nhưng thật sự các bạn gái cũng chẳng bao giờ tỏ ra kém cạnh trong vụ "anh mang rượu em cũng có mồi". Những...