Nghề đan cót bên bờ sông La
Làng bến Hàu, xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nằm bên dòng sông La trước nổi danh với nghề đan cót, nay dần mai một, hiện chỉ còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề.
Làng bến Hàu nằm dọc bờ sông La, xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) từ lâu được biết đến với nghề đan tấm lá cót dùng làm bồ đựng lúa, che mái hiên nhà… Nghề này có khoảng 100 năm trước, lúc hưng thịnh có hàng trăm hộ dân theo nghề.
Để làm ra những tấm cót, người dân phải đặt mua tre từ huyện Hương Khê.
Tre sẽ được đem phơi ở dọc bờ sông La để lấy hơi nước cho dẻo dai, khi chẻ ra đan sẽ không bị gãy.
Sau đó người dân sẽ chẻ lấy phần cật ở phía ngoài. Công việc này đòi hỏi phải khỏe và khéo léo, tránh làm đứt nan tre. Hiện ở làng bến Hàu chỉ còn khoảng 10 hộ theo nghề, đa số làm thời vụ vào mùa gặt, chỉ có gia đình anh Lâu Xuân Hử (43 tuổi) duy trì nghề thường xuyên.
Chị Nguyễn Thị Xuân (42 tuổi, vợ anh Hử) cho biết, cách đây vài chục năm, khi đó còn có hợp tác xã thu mua cót, nhiều gia đình làm ăn rất phát đạt. “Hồi ấy tự sản xuất tự tiêu, nhiều người mua dùng nên bán thuận lợi. Nay thì người dân không dùng cót nữa, vì đã có thùng tôn đựng thóc, việc sản xuất cầm chừng, không đủ chi tiêu”, chị Xuân nói.
Video đang HOT
Để đan cót, đôi bàn tay phải khéo léo. Trung bình mỗi tấm cót khi đan xong dài khoảng 4 m, rộng 1 m.
Vì bán được rất ít cót vào ngày mùa thu hoạch lúa, nên anh Hử phải làm thêm nghề bốc vác, phụ hồ để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Nhiều gia đình trong làng bến Hàu cũng tâm sự đã bao năm gắn bó với những nan tre, uốn bàn tay thoăn thoắt trên những tấm cót dài, nay phải rời xa nghề đi làm những công việc khác quả thật không nỡ. Nhưng nếu theo nghề mãi thì không khấm khá được. Họ tỏ ra tiếc, bởi một số làng nằm bên bờ sông La như làng bến Hến ngày càng phát triển còn làng bến Hàu thì ngược lại.
Trước kia, một tấm cót được bán với giá khoảng 70.000 đồng, nay giảm xuống còn 60.000 đồng. Trong khoảng 2 tiếng, vợ chồng anh Hử đan xong một tấm cót dài 4 m, rộng 1 m. Trung bình một ngày, mỗi người có thể đan được 3 tấm. Theo anh Hử, tấm cót có ưu điểm là rất mát khi làm mái hiên che nhà, nếu dùng để đựng lúa thì thông thoáng, không mốc, khi dùng làm che đậy công trình độ bền cũng khá cao.
Hiện vẫn còn một số gia đình ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) dùng những tấm cót lớn để che mái hiên nhà.
Đức Hùng
Theo VNE
Làng hến bên bờ sông La
Nghề làm hến ở thôn bến Hến, xã trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được duy trì quanh năm, chính vụ nhất là vào tháng 3-4.
Làng bến Hến nằm ngay bờ sông La, thuộc xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có lịch sử hơn 300 năm. Từ bao đời nay, người dân sinh sống bằng nghề cào hến, nấu hến đem bán. Trong làng có hàng nghìn hộ dân, hiện tại còn gần 200 hộ gắn bó với nghề.
Nghề làm hến được duy trì quanh năm, chính vụ là vào tháng 3-4 và dịp lập hè. Dân làng đi cào hến theo hộ gia đình, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 người hỗ trợ nhau. Ngày xưa, dụng cụ cào hến được làm bằng cào tre, chiều dài tùy vào độ sâu của sông, có cào dài hơn 5 m. Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với vợt sắt và lưới dù để đi cào hến. Trung bình một chuyến đi sông, mỗi thuyền vớt được vài trăm kg hến.
Hến chủ yếu được khai thác xung quanh khu vực sông La, đoạn chảy qua huyện Đức Thọ. Đàn ông chịu trách nhiệm đi cào hến, việc nấu hến, chao hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ.
Hến được cào về, nhiều người trong gia đình tập trung nhặt cỏ rác lẫn vào, sau đó đưa đi đãi sơ bộ một lần trước khi nấu. Bà Nguyễn Thị Thìn (62 tuổi, người làng bến Hến, xã Trường Sơn) cho biết, nghề này rất vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe để thức khuya, dậy sớm. "Có ngày tôi ngủ được khoảng 3 tiếng, ban ngày thì phải đãi hến, đến chiều tối khi chồng đưa hến sống về thì phải thức khuya đến tận 3h sáng, nấu từng mẻ để kịp cho buổi chợ vào sáng mai", chị Thìn nói.
Hến được nấu bằng củi ngay tại bến. Theo kinh nghiệm, khi luộc phải để lửa rất lớn, cứ khoảng 30 phút thì sẽ luộc được một chảo.
Hến sau khi luộc còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem xuống bến sông rửa lại một lần nữa cho sạch.
Những mẻ hến còn nguyên vỏ được người dân cho vào rổ tre đãi sạn. Khi đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra.
Cứ vào chiều muộn, khi tan trường, các em nhỏ thường tập trung ra bến Hến chơi đùa, cùng hỗ trợ bố mẹ làm hến. Một số em còn đẩy xe kéo, chở theo những thúng hến đã được luộc qua để cho mẹ đãi.
Sau khi đãi, ruột hến trắng tinh. Công đoạn cuối cùng là nhặt sạn thêm một lần nữa trước khi đem về chế biến, đưa đi chợ bán. Hến thường được dùng để làm món xào xúc bánh đa, nhúng, nộm, lẩu, cháo, cơm hến... Anh Nguyễn Minh Hào, công chức ở làng bến Hến (xã Trường Sơn) cho hay, hến ở Trường Sơn có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, rất khác biệt so với các nơi khác.
Hến khai thác xong chủ yếu được đem đi bán ở chợ Hôm (Đức Thọ) và được một số thương lái thu mua. Thông thường, hến được giá nhất vào dịp hè, trung bình một kg hến vỏ giá khoảng 20.000 đồng, nếu đã qua chế biến giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Hiện tại, hến vỏ khoảng 5.000 đồng/kg, hến làm sạch được bán giá khoảng 60.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, nghề làm hến khá ổn định, trong 7 năm trở lại đây mang lại thu nhập khá cho bà con xóm bến Hến, trung bình nếu mùa vụ nào trúng, nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. "Xã đã thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn đóng thuyền, sắm sửa máy móc để người dân yên tâm làm ăn, duy trì nghề truyền thống của cha ông", ông Tuyến nói.
Đức Hùng
Theo VNE
Bắt nghi can sát hại dã man lái xe taxi Anh Nguyễn Anh Tuấn, 39 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tài xế hãng taxi Vạn Xuân (Nghệ An) bị giết hại và cướp xe trên tuyến Quốc lộ 8A đoạn qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình tổ chức tang lễ cho anh Tuấn Khoảng 23h ngày 13-1, anh Tuấn đứng chờ khách bên quốc lộ...