Nghe đã run tay: Nuôi đàn rắn hổ mang phì cho tiền tỷ mỗi năm
Trót “phải lòng” với nghề nuôi rắn hổ mang phì nên dù đã đôi lần bị rắn cắn tưởng chết mười mươi nhưng anh Hoàng Đình Hiên, bản Phiêng Bua, Phường Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vẫn không từ bỏ. Anh Hiên cho biết, nôi con rắn hung dữ, cực độc này không chỉ là sở thích, đam mê mà nó còn mang lại nguồn thu nhập rất khá cho gia đình, năm “trúng quả” anh thu gần 600 triệu đồng.
Suýt mất mạng nhưng vẫn đam mê
Những người bạo gan nuôi được rắn hổ mang phì ở vùng lòng chảo tỉnh Điện Biên hiện đếm trên đầu ngón tay. Bởi loại rắn này không chỉ khó chăm sóc, kén thị trường tiêu thụ mà còn có đặc tính hung dữ, chỉ một cú đớp của nó, nếu không chữa kịp thời sẽ chết người. Người yếu tim, chỉ nghe thấy rắn thở phì phì, bành cổ, thè lưỡi là cũng bỏ chạy “mất dép”.
Vài lần bị rắn cắn, nguy hiểm đến tính mạng nhưng anh Hiên quyết không từ bỏ. Ngoài đan mê, nghề nuôi rắn thương phẩm mang lại cho anh Hiên khoản thu nhập trên 600 triệu đồng/năm
“Ngày nào bận, không chăm sóc được đàn rắn là cảm thấy bứt dứt khó chịu. Bởi vậy rảnh lúc nào là tôi lại ra kiểm tra chuồng rắn “nói chuyện”, vần vò từng con. Thậm chí khiêu khích cho chúng nổi giận, bành cổ lên thở phì phì để vừa quan sát vừa nghe tiếng thở “chuẩn đoán” chúng đang khỏe mạnh hay mắc bệnh gì không.” anh Hiên tâm sự.
Hổ mang phì được xếp vào loài rắn cực độc, có thể cắn chết người sau 4 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, trước khi bắt tay vào nuôi, anh Hiên đã tìm hiểu kỹ đặc tính sinh sống và cách sơ cứu khi bị rắn cắn. Nhưng dù cẩn thận đến mấy, quá trình chăm sóc rắn, lúc bắt để bán cho thương lái, thi thoảng anh Hiên vẫn bị rắn cắn. Anh Hiên nhớ như in 2 lần bị rắn cắn vào tay tưởng chết mười mươi nhưng may mắn được người nhà sơ cứu kịp thời và đưa vào bệnh viện nên thoát nạn.
Do đang trong giai đoạn quy hoạch, mở rộng chuồng trại nên tạm thời anh Hiên nuôi rắn mang phì kiểu nhốt tập trung
Video đang HOT
“Nuôi rắn bị rắn cắn là điều khó tránh, khi đó cần nhanh chóng tiến hành các bước sơ cứu ban đầu, thực hiện thao tác rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, caro nặn bớt lọc độc trong máu. Trường hợp nhẹ thì có thể đắp thuốc gia truyền, còn nặng thì cần chuyển đến bệnh viện ngay mới có thể giữ được tính mạng.” anh Hiên cho biết.
Càng nuôi càng… mê
Anh Hiên bắt đầu nuôi rắn thương phẩm từ năm 2014, tuy nhiên 2 năm đầu tiên do ít kinh nghiệm, đàn rắn dính phải bệnh nấm tróc vảy và chết hàng loạt khiến anh lỗ hơn 100 triệu đồng. Thất bại nhưng không nản trí, anh đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rắn của các “tiền bối”, trở về thiết kế lại chuồng trại, mở rộng quy mô. Năm 2016 anh đầu tư nuôi nhiều nhất với số lượng 800 con, xuất bán 1 tấn rắn với giá gần 700 nghìn đồng/kg và thu được hơn 600 triệu đồng.
Không cứ độ tuổi, trọng lượng khi có thương lái đến mua là anh Hiên xuất bán cả đàn rắn. Tùy thời điểm, giá rắn mang phì dao động từ 600- gần 1 triệu đồn/kg
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang phì, anh Hiên cho biết: “Loài rắn này nếu nuôi nhốt tập trung rất hay cắn nhau. Bởi vậy cách nuôi khoa học là thiết kế mỗi con 1 chuồng diện tích 0,5m2. Rắn hổ mang phì là loài hoang dã nên tương đối ít dịch bệnh, nhưng nếu có thì hay mắc nhất là bệnh nấm tróc vẩy. Hiện bệnh này chưa có thuốc chữa mà cách phòng ngừa hiệu quả nhất là 1 tuần nên vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi sạch sẽ, giảm bớt mùi hôi và cho ăn thức ăn đảm bảo. Bình thường 6 ngày tôi mới cho đàn rắn ăn 1 lần, số lượng tính tăng theo độ tuổi và khẩu phần chủ yếu là cóc, rắn tạp và một số loại thịt nạc của động vật, như: lợn, gà, chó…”.
Để giảm bớt chi phí mua thức ăn, anh Hiên thường lên rừng bắt cóc và ngóe về cho rắn ăn. Điểm riêng của loài rắn là có khoảng 3 tháng ngủ đông, thời gian này chúng ăn ít hơn so với các mùa khác trong năm, nhưng cũng dễ mắc bệnh nên hàng ngày anh Hiên thường dành từ 3-5 tiếng đồng hồ kiểm tra chuồng trại và sức khỏe đàn rắn.
Hiện nay, sản phẩm rắn thịt rất kén thị trường tiêu thụ mà phần lớn bán cho thương lái dưới xuôi lên thu mua xuất sang Trung Quốc. Nhưng theo nhận định của anh Hiên, tại Điện Biên đang có rất ít người nuôi rắn thịt nên tương đối dễ bán và giá cả dao động từ 600 đến gần 1 triệu đồng/kg.
Rắn hổ mang có đặc tính hung dữ, cắn người. Nếu không được sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong sau 4 tiếng đồng hồ
Chia sẻ với phóng viên, anh Hiên cho biết, hiện anh đã tự nhân giống được rắn hổ mang phì và chỉ phải nhập thêm số lượng rất ít. “Để nhân được giống cần chọn những con tầm 2 tuổi trở nên. Chú ý trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 thường là mùa động đực của rắn, khi đó chúng có những biểu hiện đặc trưng là con cái lục sục khắp chuồng và tiết ra 1 loại mùi quyến rũ con đực. Trước khi ghép đôi cho rắn sinh sản cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tạo ổ lót rơm hoặc cỏ khô để rắn cái đẻ và ấp trứng. Một con rắn sinh sản có thể đẻ được từ 20 đến 30 trứng và ấp trong gần 2 tháng sẽ nở rắn con. Sau 3 ngày thì cho rắn con ăn thịt cóc, ngóe băm nhỏ và chăm sóc bình thường.” anh Hiên chia sẻ.
Nuôi rắn là nghề nguy hiểm, nhưng với anh Hiên càng nuôi càng đan mê. Anh cho biết, sắp tới sẽ đưa vào sử dụng khu nuôi rắn có quy mô đầu tư gần 1 tỷ đồng để thực hiện giấc mơ là giàu từ nghề nuôi rắn hổ mang phì.
Để bạn đọc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi rắn hổ mang phì có thể liên hệ: Anh Hoàng Đình Hiên, bản Phiêng Bua, phường Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. SĐT liên hệ: 0917.620.187.
Theo Danviet
Một Hợp tác xã nuôi đàn rắn hổ mang cực độc lên tới 30.000 con
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Hiện, số lượng rắn nuôi của HTX đạt khoảng hơn 30.000 con rắn sinh sản, gấp hơn 60 lần so với thời điểm mới thành lập.
Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX cung ứng cho thị trường hơn 20.000 con rắn giống; hơn 300 bình rượu rắn; hơn 100 kg cao rắn, 5.000 chai rượu rắn; doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2006".
Xuất phát từ mục tiêu phát triển bền vững nghề chăn nuôi rắn hổ mang truyền thống của địa phương, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng, thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường được thành lập.
Sau gần 13 năm đi vào hoạt động, nhờ sự nhiệt huyết, sáng tạo cùng những hướng đi mới, Hợp tác xã Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng ngày càng phát triển và trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trong việc cung cấp vật tư, rắn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thu mua và chế biến các sản phẩm từ rắn hổ mang.
Chăm sóc rắn hổ mang tại một gia đình-thành viên của HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng.
Nuôi rắn không phải nghề mới đối với người dân xã Vĩnh Sơn. Tuy nhiên, trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thức ăn cho rắn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên hiệu quả kinh tế không cao. Với mong muốn phát triển bền vững nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn của địa phương, tháng 9/2005, HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng được thành lập và đi vào hoạt động.
Ngày mới thành lập, HTX chỉ có 9 xã viên với tài sản chỉ có khoảng hơn 500 con rắn hổ mang sinh sản nuôi tập trung ở nhà chủ nhiệm nên doanh thu, lợi nhuận không cao, thu nhập của thanh viên, người lao động chưa đảm bảo. Cụ thể, năm 2006, HTX mới chỉ cung ứng cho thị trường gần 5.000 con rắn giống, hơn 200 bình rượu rắn, hơn 80 kg cao rắn, 3.000 chai rượu rắn, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từ năm 2009, HTX quyết định chia số lượng rắn giống về sản xuất ở các hộ, đồng thời, cung cấp vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để đề cao tính làm chủ của xã viên. Tuy nhiên, lúc này, HTX gặp phải khó khăn về nguồn thức ăn cho rắn.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX, với chăn nuôi rắn truyền thống, thức ăn chủ yếu là cóc, nhái, chuột, rắn mồi...được khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng rắn nuôi của HTX ngày càng tăng, kéo theo nguồn thức ăn trong tự nhiên trở lên khan hiếm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và sự phát triển của HTX.
Cùng với chủ động nguồn thức ăn, hạn chế sự phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, HTX chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi rắn hổ mang kiên cố bằng gạch và chia thành từng ô theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho rắn.
Hiện HTX có 1 đội kỹ thuật gồm 5 người chuyên chữa bệnh cho rắn hổ mang nuôi của các hộ xã viên. Do đó, nguồn rắn hổ mang giống, rắn hổ mang thương phẩm từ HTX sản xuất ra luôn đạt chuẩn về chất lượng.
Đặc biệt, trong quá trình chế biến các sản phẩm từ rắn hổ mang gồm: Rượu rắn, cao rắn,... để cung ứng ra thị trường, HTX đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Hiện tất cả các sản phẩm của HTX đã đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký mã vạch và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2017, HTX phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học DNA Việt Nam, Trung tâm Y học thể thao thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng chiết xuất từ thịt rắn hổ mang. Hiện, đề tài đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Nhờ sự nhiệt huyết, sáng tạo cùng những hướng đi mới, đến nay, không chỉ số lượng đầu rắn hổ mang của HTX tăng lên mà doanh thu, lợi nhuận cũng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng cho biết: "Hiện, số lượng rắn nuôi của HTX đạt khoảng hơn 30.000 con rắn sinh sản, gấp hơn 60 lần so với thời điểm mới thành lập. Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX cung ứng cho thị trường hơn 20.000 con rắn giống; hơn 300 bình rượu rắn; hơn 100 kg cao rắn, 5.000 chai rượu rắn; doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2006".
Theo Danviet
Lạnh sống lưng, tay không bắt rắn hổ mang độc, đùa với tử thần Nuôi rắn độc là một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm, nhiều người ngoài nhìn vào không khỏi rùng mình khi nhìn thấy người dân chủ yếu dùng... tay không bắt rắn. Tuy nhiên, cũng chính cái nghề được coi là đùa giỡn với tử thần ấy đã và đang làm giàu cho rất nhiều người ở xã Vĩnh Sơn...