“Nghề” bán tiểu cầu ở Sài Gòn
Để có được những đồng tiền ít ỏi trang trải cuộc sống, họ đã phải bán đi những giọt máu quý giá. Nếu cho là “nghề” thì cái nghiệp bán máu như đã thấm vào máu họ, tạo nên một vòng luẩn quẩn không lối ra.
Theo giấy hẹn từ buổi chiều hôm trước, tôi có mặt tại Trung tâm truyền máu BV Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM), nhiều người đã có mặt tại phòng chờ để rút tiểu cầu và nhận kết quả xét nghiệm máu.
Một lần vào phòng rút tiểu cầuTiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện đều rất cần nhưng nguồn cung không đủ cho nhu cầu. So với máu toàn phần, tiểu cầu có giá cao gấp đôi nên nó có sức hấp dẫn với những người bán máu. Một nhân viên xét nghiệm máu cho biết trước khi rút cần kiểm tra máu, tuy vậy không có vấn đề gì vẫn chưa được chấp nhận nếu số lượng bạch cầu cao, truyền cho bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng.
Đến hơn 8 giờ sáng, số người ngồi chờ rút tiểu cầu, nhận kết quả xét nghiệm đã lên con số hơn 50 người, những khuôn mặt nhợt nhạt đầy vẻ lo âu, phấp phỏng. Nhiều phụ nữ có thân hình cao lớn, cùng một số đàn ông trung niên tụm năm tụm bảy ngồi nói chuyện rôm rả, được biết họ quen và gặp nhau thường xuyên bởi những ngày “đến hẹn lại lên” bán tiểu cầu.
Phía khác của phòng chờ, không ít người trông hốc hác, gầy gò ngồi trầm ngâm, họ chẳng nói chuyện, có người tranh thủ ngủ một giấc trong khi chờ kết quả. Sự khắc khổ, nhợt nhạt luôn biểu hiện trên cơ thể nhiều người bởi những công việc lao động nặng nhọc và những tháng ngày bán máu mưu sinh.
Chờ nhận kết quả xét nghiệm và rút tiểu cầu
Ngồi cạnh người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi, gầy đen, mặc áo quần khá nhếch nhác đang lo lắng chờ kết quả, thấy tôi ngơ ngác, ông tiếp chuyện: “Chắc mới lần đầu đi bán à em, hết tiền đúng không?, “Dạ, lần đầu chú ạ, mấy tháng nay thất nghiệp, tiền hết dần, nghe người quen nói bán tiểu cầu có tiền nên thử chú à”, tôi trả lời. “Một lần rút tiểu cầu được 470.000 đồng, trừ 2.000 đồng tiền thuốc bổ máu, người nào rút lâu cũng phải hơn 1 giờ đồng hồ lận.
Muốn bán phải đem CMND lên đăng ký, rồi xét nghiệm máu, nếu không có bệnh, tiểu cầu đạt số lượng và thuộc nhóm máu đang cần có thể được rút trong ngày, còn không thì người ta hẹn hôm sau”, tôi chưa kịp hỏi thì người đàn ông này đã “hướng dẫn” rất sành sỏi. Như vậy, nếu đậu, người bán tiểu cầu sẽ có 468.000 đồng đút túi để lo mọi chi phí cho ngày tới, còn rớt thì lại đối diện với bế tắc, chờ hôm sau đến xét nghiệm lại.
Nhận bảng đăng ký được bác sĩ ký và đóng dấu cho “đậu” với kết quả bạch cầu chỉ 3.000cc, chuẩn bị vào phòng rút tiểu cầu, tôi cảm thấy rất hồi hộp. Phòng rút tiểu cầu của Trung tâm truyền máu BV Chợ Rẫy được trang bị nhiều máy móc hiện đại, nhiệt độ trong phòng luôn để chế độ lạnh.
Chiếc kim đâm vào tay, từng dòng máu trong cơ thể tôi tuôn trào theo đường dẫn, khoảng hơn chục phút đã đầy một túi nhựa y tế. Tiếp đó từng giọt tiểu cầu màu vàng nhạt chảy xuống một túi khác. Sau hơn 1 giờ đồng hồ người tôi cảm thấy tê tê và khá mệt. Máy tự động báo đã lấy đủ, túi máu trả lại cơ thể và túi tiểu cầu được lấy cho vào tủ riêng. Ngồi dậy và dùng băng dán ven chích, chờ khoảng 5 phút vậy là xong một lần đi bán tiểu cầu.
Những hoàn cảnh trớ trêu
Video đang HOT
Nếu nói việc đi bán máu là cái nghề của họ, tuy hơi xót xa nhưng không phải không đúng. Chị T. (43 tuổi, Q.10) có thâm niên bán máu đã 10 năm, chị chia sẻ: “Từ lúc chồng mất cách đây hơn 10 năm, thu nhập và cuộc sống gia đình càng khó khăn, tôi vất vả làm việc nhưng vẫn túng thiếu liên tục, nhiều lúc bí quá không biết làm thế nào.
Khi biết đi bán máu có thể kiếm chút tiền nên đành liều đi thử xem sao, từ đó cái nghiệp bán máu đeo đuổi cho đến nay. Tuy vậy, số tiền bán máu hằng tháng cũng chẳng bõ bèn gì, nhưng có còn hơn không. Trước đây tôi chuyên bán huyết tương, mấy năm nay biết được bán tiểu cầu có giá gấp đôi nên chỉ bán tiểu cầu”.
Khi nói chuyện tiếp với người đàn ông đã “hướng dẫn” tôi, ông cho biết ông tên N. (55 tuổi, quê Cần Thơ) hiện đang mướn trọ cùng vợ con ở Q.Bình Tân, ông bán máu đã hơn 13 năm.
Vì bần cùng nên từ quê hương, cả nhà ông khăn gói lên Sài Gòn mưu sinh hy vọng đổi đời nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn, khi đang ngủ hay mở mắt đều phải mất tiền, cái nghiệp bán máu của ông cũng từ đó mà ra. “Làm nghề tự do, công việc không được thường xuyên nên thu nhập rất bấp bênh. Hồi trước vợ tôi cũng đi bán máu nhưng do sức khỏe yếu nên ngừng bán từ mấy năm nay.
Bao nhiêu chi phí phải lo, từ tiền mướn nhà, sinh hoạt ăn uống, con cái học hành, ốm đau bệnh tật… Nhiều lúc cần gấp tiền để trả nợ, tôi phải “chạy show”, sức khỏe những lúc đó bị yếu hẳn. Đây cũng là cách kiếm tiền trong sạch, còn hơn bí quá làm điều xằng bậy”, ông N. ngậm ngùi cho biết.
Phòng rút tiểu cầu tại một bệnh viện ở TP.HCM
H. sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Q.5, ra khỏi phòng rút tiểu cầu với khuôn mặt nhợt nhạt, bước đi yếu ớt vừa dùng tay tì ven để máu khỏi chảy, đếm tiền vừa nhận. H. chia sẻ: “Quê em ở Bình Định, gia đình nghèo lắm, em phải tự lo chi phí học hành chứ tiền nhà gửi không thấm gì với cuộc sống ở Sài Gòn này.
Muốn có tấm bằng đại học để đổi đời em phải đi làm thêm nhiều việc nhưng cứ thiếu trước hụt sau, cứ tới đầu tháng là phải đóng tiền trọ. Khi nghe mấy đứa bạn nói bán tiểu cầu có tiền mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, em tới đây luôn, những giọt máu của mình đã “nuôi” em 3 năm nay rồi”.
Lắm chiêu để bán sức khỏe
Trong giới bán máu, nhiều người có thâm niên cũng đầy kinh nghiệm, chiêu thức mới để được bán thường xuyên. Mỗi lần đi bán máu họ cũng cực khổ khi phải chú tâm đến sức khỏe, nhiều khi phải tới bệnh viện mấy lần từ đăng ký, xét nghiệm, rút tiểu cầu mới bán được.
Chị H. (42 tuổi, Q.6), một người bán máu chuyên nghiệp ngỡ ngàng khi nhận được kết quả xét nghiệm máu không đạt do bạch cầu cao đến 10.000cc. Chị nghĩ lại và cho biết: “Chắc mấy hôm nay ăn uống không hợp lý. Không sao, khoảng vài ngày nữa đến bán ở bệnh viện khác, như vậy giấy hẹn ở đây đến 20 ngày nữa thì vết thương lành rồi, có thể bán được”.
Khi tôi hỏi cách thức để “đậu” khi xét nghiệm, ông T. (47 tuổi, quê Long An) hồ hởi “mách nước”: “Trước khi đi bán chú ý đừng ăn nhậu, không ăn các loại mỡ vì sẽ bị đục máu, không uống sữa, chỉ uống cà phê, thuốc sắt và ăn nhẹ. Ngủ sớm, ăn rau muống, mắm tôm nhiều thì tiểu cầu lên rất dữ, dễ đậu mà khi rút không bị mất sức”. “Những ngày trước khi đi xét nghiệm nêu bị ốm thì đừng nên đi, chắc chắn sẽ rớt vì khi đó bạch cầu sẽ tăng.
Nếu bạch cầu cao người ta không lấy do người bán đang bị cảm hay bệnh gì đó, lấy dùng cho bệnh nhân dễ nguy hiểm”, anh V. (41 tuổi, Q.12), cho biết thêm. Ông T. “mách” tiếp, tới ngày đi xét nghiệm cần phải đến sớm, chờ đợi lấy số thứ tự sẽ được xét nghiệm sớm và rút liền nếu máu đạt. Trước khi vào rút, cần phải uống trà gừng để máu nhanh lưu thông. Còn nếu muốn “chạy show” khi mới bán ở nơi khác, thì đừng để lộ dấu ven, sẽ bị trả lại liền”.
Máu bán mãi cũng kiệt dần theo tuổi tác và sức khỏe. Những người bán máu “chuyên nghiệp” dường như đang “đùa” với cơ thể của mình. Khi hỏi về sức khỏe sau nhiều năm bán máu, ông T. buồn nói: “Cũng chưa rõ có ảnh hưởng đến sức khỏe không nhưng tôi có thể thấy trong cơ thể mình đang yếu dần.
Nhiều lúc làm nặng bị mất sức. Đa số những người đi bán máu thường xuyên như tôi đều có hoàn cảnh khó khăn, chứ có tiền chúng tôi cũng chẳng bán làm gì”. “Những cái gì tốt, quan trọng của cơ thể mình đem đi bán thì sức chịu đựng của cơ thể có bền lâu được không, hậu quả sau này tôi không dám khẳng định không sao. Không thể cứ dựa vào việc bán máu để phụ thêm được, chắc tôi phải dừng lại thôi chú à”, anh V. tâm sự.
Chị N. (38 tuổi, Q.11). có vẻ hiểu biết nên tự tin khẳng định: “Không sao đâu, đi miết quen rồi, giờ chưa thấy gì ảnh hưởng cả. Đối với phụ nữ đến 55 tuổi, đàn ông 60 tuổi là phải ngừng lấy. Không biết sau này có ảnh hưởng đến sức khỏe không nhưng giờ cảm thấy rất bình thường”.
Những đồng tiền ít ỏi có được thật đáng quý từ việc bán những giọt máu quý giá của thân thể mình có thể làm cứu cánh cho nhiều gia đình, để con em được lớn lên, được đến trường, để bao gia đình được êm ấm. Những số phận đáng thương là thế, “đến hẹn lại lên”, những giọt máu lại tuôn ra khỏi cơ thể họ để tự nuôi bản thân. Cuộc sống của họ như một vòng luẩn quẩn, không có điểm đầu và không biết đâu là điểm cuối.
Theo Hồng Lam (Dòng Đời)
Chồng sản phụ bị báo nhiễm HIV đòi đưa vợ ra sông tự tử
Với thái độ làm việc cẩu thả, bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa suýt "giết" cả gia đình bệnh nhân Lê Thị Oanh.
Theo phản ánh của người nhà sản phụ Lê Thị Oanh (SN 1992, trú tại phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa), chị Oanh chuyển dạ và nhập viện vào khoảng 2h sáng ngày 23/8 tại bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ trong khi làm các thủ tục cần thiết thì chị Oanh đã sinh mẹ tròn con vuông.
Ngay sau lúc chị Oanh sinh xong, y tá cầm kết quả xét nghiệm trong tay, nhưng thay vì chuyển kết quả này xuống cho các phòng chuyên môn thì y tá làm xét nghiệm lại đưa hẳn kết quả nghi HIV cho người nhà bệnh nhân cầm.
Bà Hương, mẹ chồng của chị Oanh, cho biết: "Tôi đã đứng chết lặng khi cầm kết quả xét nghệm của con tôi. Tôi đã đành lòng phải che giấu mọi kết quả để cho con gái cũng như cháu không bị sốc và cũng để tránh những dèm pha, xa lánh của xã hội".
Thế nhưng sau đó, chị Oanh lại biết được kết quả HIV dương tính của mình. Bà Hương cũng cho biết: Từ khi biết được kết quả xét nghiệm, các y bác sĩ trong bệnh viện bàn tán khắp nơi. Thậm chí bệnh nhân đang điều trị ở đây cũng biết mà xa lánh mẹ con nhà chị Oanh vì sợ lây nhiễm HIV.
"Con dâu từ khi biết tin mình bị lây nhiễm HIV theo như kết quả xét nghiệm của bệnh viện nó cứ một mực đòi cắn lưỡi mà chết. Các bác sĩ ở đây còn bảo gia đình tôi phải đem nhau thai về chôn, để ở viện ô nhiễm sẽ bị phạt", bà Hương cho biết thêm.
Gặp gỡ chúng tôi trong tâm trạng nặng nề, anh Lê Duy Trọng, chồng chị Oanh, cho biết: "Khi nghe tin về kết quả vợ tôi bị HIV, tôi như người mất hồn. Tôi không còn nghĩ được gì nữa, lúc nào cũng quanh quẩn trong đầu suy nghĩ đưa vợ con ra sông tự tử thì mới thoát được nỗi nhục này. Cả hai bên nội ngoại đều nhìn gia đình tôi với một cái nhìn ghẻ lạnh, đi đâu tôi cũng nghe bàn tán về chuyện nhà mình".
Bệnh viện thanh minh
Không tin về kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TP.Thanh Hóa, người nhà đã chuyển chị Oanh đến Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa để theo dõi, cách ly.
Sau khi có những thông xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới, theo yêu cầu của gia đình, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản đã làm xét nghiệm HIV cho chị Oanh. Kết quả sau hai lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Ông Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa, làm việc với gia đình chị Oanh.
Trao đổi với báo chí về vụ việc trên, ông Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa, cho biết: "Sau khi cố thông tin trên, tôi đã yêu cầu khoa Ngoại và Khoa sản làm bản tường trình sự việc. Sau khi có văn bản chúng tôi sẽ căn cứ rồi tùy từng mức độ nặng nhẹ có hình thức xử lý.
Riêng về việc để xảy ra thông tin lan truyền là do lúc đó người nhà bệnh nhân vào nhìn thấy chứ cũng không đưa. Việc xét nghiệm có phải bị HIV hay không cần có các ban ngành khác tham gia xét nghiệm mới đúng. Ban đầu đây là do thử test nhanh nên máy báo tỷ lệ phần trăm sai".
Ông Toàn cũng cho biết thêm "Đối với trường hợp sản phụ Oanh, y tá Tú là người xét nghiệm đã không chuyển kết quả lên khoa mà trực tiếp đưa cho người nhà bệnh nhân như vậy là sai. Y tá Tú cũng mới làm ở viện nên chưa có kinh nghiệm. Tới đây chúng tôi sẽ họp và có hình thức kỷ luật đối với y tá này".
Theo PLVN
Sản phụ đòi tự tử vì tắc trách của cán bộ bệnh viện Cán bộ khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa đưa phiếu xét nghiệm nghi nhiễm HIV cho người nhà sản phụ khiến bệnh nhân suy sụp, đòi cắn lưỡi tự tử. Theo phản ánh của người nhà sản phụ L.Th.O, ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 23/8, sản phụ O. chuyển...