Nghệ An: Tướng cướp hoàn lương trở thành Bí thư Đảng ủy xã
30 năm trước, nhắc đến Moong Thái Xuyên, người ta nghĩ đến kẻ cầm đầu 15 đệ tử vượt biên sang Lào buôn ma túy rồi cướp bóc, trấn lột. Nhưng tên cướp khét tiếng một thời nay đã trở thành Bí thư Đảng ủy có tiếng ở vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
Gặp Moong Thái Xuyên (SN 1959) bây giờ không thể ngờ rằng có lúc anh (Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhóong, Quế Phong, Nghệ An) từng đi buôn “cơm đen” và một tướng cướp “có số có má” ở vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
“Mình được như ngày hôm nay là nhờ công an Tường cả đấy (Đại tá Lữ Văn Tường, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quế Phong, nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An – PV). Nếu không có công an Tường kiên trì động viên, thuyết phục thì có khi bây giờ mình cũng đã bỏ mạng trong những chuyến vượt biên tìm hàng hay đang ngồi bóc lịch trong tù vì tội cướp bóc, trấn lột rồi”, Bí thư Xuyên mở đầu câu chuyện của mình như thế.
Đi buôn ma túy mong thoát khỏi kiếp nghèo
Bao đời nay, người Khơ Mú ở bản Huồi Cam (Nậm Nhóong, Quế Phong, Nghệ An) chỉ quen với làm nương, làm rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết năm này qua tháng khác. Cái ăn còn không đủ cho cái bụng thôi réo ùng ục thì nói gì đến việc cho con cái đi học cái chữ.
Nhưng bố mẹ Moong Thái Xuyên thì nghĩ khác. Nghèo khổ, thiếu đói quanh năm nhưng ông vẫn cố gắng để 5 đứa con mình được học bởi vì chỉ có “cái chữ Bác Hồ” mới có thể giúp người Khơ Mú khỏi cái đói, cái thiếu thốn triền miên.
Từ một tên cướp khét tiếng, Moong Thái Xuyên đã vượt qua chính mình và được người dân tin tưởng bầu giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhóong
Nhưng sự đời chẳng được như người ta kỳ vọng, khi Moong Thái Xuyên 13 tuổi thì mẹ mất. Một mình gồng gánh nhưng bố Xuyên vẫn động viên con tới trường. Sau 5 năm sau, đói khổ, lao lực, ông cũng bỏ anh em Xuyên mà đi. Cũng trong năm đó (năm 1977) người anh cả Moong Văn Thu hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam. Gác giấc mơ học hành, Moong Thái Xuyên về thay cha mẹ chăm sóc 3 em thơ dại.
Các em cứng cáp thêm một tý thì cũng là lúc Xuyên viết đơn tình nguyện vào bộ đội. Nhưng do nhà neo người, lại có anh là liệt sỹ nên được phân công vào một đơn vị quân sự địa phương. Năm 1980, đơn vị giải thể, Xuyên trở về bản. Không có công ăn việc làm, hạt gạo, hạt muối cũng trở nên đắt đỏ. Xuyên quyết chí đi làm giàu.
Video đang HOT
Vượt biên sang Lào tìm việc nhưng chưa kịp tìm một công việc lương thiện thì Xuyên đã gia nhập một đường dây đưa thuốc phiện từ Lào về Việt Nam. Từ một chân rết, dần dần Xuyên thiết lập một đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia của riêng mình. Sống chết cùng ma túy và những vụ tranh giành lãnh địa nhưng được cái Xuyên không hề nghiện. Dần dần, các băng nhóm buôn thuốc phiện lớn mạnh thì cũng lúc Xuyên và đám đệ tử mất thị trường tiêu thụ và chuyển hướng đi cướp bóc, trấn lột. Ngày đó, Xuyên là nỗi kinh hoàng của người dân các bản làng khu vực biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn.
Vào một ngày đầu năm 1980, Xuyên vượt biên qua Lào, trong lúc đang tính kế qua Thái Lan thì bị bắt tại Viêng Chăn. Chỉ trong 2 năm 1980-1981, Xuyên vào tù ra tội 3 lần. Và rồi những ngày tháng nằm trong phòng giam, chính bộ đội biên phòng, công an Tường và người vợ trẻ đã kéo Xuyên ra khỏi bóng tối mịt mù để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.
Chị Lữ Thị Chuyên – vợ Xuyên, cho biết: “Lấy Xuyên rồi mới thấy con người này không dễ thay đổi. Bản làng sợ anh ấy, còn mẹ con tôi thì khốn khổ cùng đường bởi có chồng, có cha mà cũng như không. Ngày Xuyên quyết vượt biên sang nước ngoài thì tôi rơi xuống vực sâu. Một người chồng buôn ma túy, một tên tướng cướp không làm tôi đau bằng việc có một người chồng rời bỏ quê hương bản quán để sống lưu vong. Nhưng nhờ bộ đội biên phòng, nhờ công an Tường kiên trì thuyết phục, anh ấy cũng chịu nghe ra mà tìm sang con đường sáng để đi”.
Sau 3 tháng cải tạo, Moong Thái Xuyên trở về hiền lành trong cái ngạc nhiên đến ngơ ngác của dân bản. Nói về những ngày đen tối đã qua, Moong Thái Xuyên cứ nhắc mãi đến cán bộ Tường, đến những cán bộ biên phòng, đến người vợ đã chịu bao nhiêu khổ cực nhưng vẫn tin chồng mình còn có đường về. “Cái nợ ân tình đó trả bao giờ cho hết được. Đó cũng chính là động lực để mình sống tốt hơn, như một cách để trả món nợ đời”, Xuyên tâm sự.
Đến làm Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã
Ngày Xuyên trở về bản Huồi Cam, trong nhà không còn vật dụng gì đáng giá. Nhìn đứa con trai đầu quặt quẹo vì đói ăn, đói mặc, gian nhà tranh rách nát, Xuyên khóc rưng rức như một đứa trẻ. Từ đấy, Xuyên lao vào làm việc như điên để bù đắp cho gia đình. Hết phát rẫy tra hạt đến hùng hục đi đào ao thuê, làm cỏ rẫy, xẻ gỗ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng Xuyên được vay vốn ngân hàng mua thêm con trâu, con bò phát triển sản xuất.
Làm thế nào để người dân thoát nghèo, để quê hương mình ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn
là trăn trở lớn nhất của Bí thư đảng ủy Moong Thái Xuyên
Vợ chồng con cái đồng lòng, chẳng mấy chốc khó khăn được đẩy lùi. Mô hình phát triển kinh tế của Xuyên trở thành điểm sáng cho thanh niên bản Huồi Cam và xã Nậm Nhóong học hỏi. Xuyên không dấu điều gì. Bao nhiêu bí quyết, kinh nghiệp tích lũy được, Xuyên chia sẻ cho mọi người. Rồi cũng chính Xuyên đến từng nhà, gặp từng người có người nghiên để vận động, thuyết phục họ từ bỏ ma túy.
Cộng với cách ăn nói có duyên, năng khiếu hoạt động văn nghệ và cũng là người “nhiều chữ nhất bản”, Moong Thái Xuyên được tín nhiệm bầu vào Bí thư chi đoàn Huồi Cam. Sự xông xáo, nhiệt tình của Bí thư chi đoàn Moong Thái Xuyên, phong trào chung của bản cứ lên vù vù, nhiều gia đình thanh niên học tập kinh nghiệm xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mới. Người ta ra rẫy cày cấy thay vì ủ rũ bên bàn đèn thuốc phiện. Trẻ em được đến trường học “cái chữ Bác Hồ”. Huồi Cam dần dần đổi thay.
Từ mô hình hoạt động hiệu quả của Chi đoàn Huồi Cam, Moong Thế Xuyên được tín nhiệm giao trọng trách Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn TNCS Nậm Nhóong. Mọi công việc được giao đều hoàn thành một cách xuất sắc, năm 1991, Moong Thái Xuyên vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi lần lượt đảm nhận trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và hiện giờ là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhoóng. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 ông giữ trọng trách này.
Từ ngày được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho trọng trách, Bí thư Moong Thái Xuyên luôn đặt nhiệm vụ giúp đồng bào mình sớm thoát nghèo lên đầu. Dưới sự lãnh đạo của “thủ lĩnh” Moong Thái Xuyên người Thái và Khơ mú ở xã Nậm Nhoóng đã biết cách làm ăn. Đặc biệt, ông cũng là người có công lớn trong việc vận động bà con triển khai trồng lúa nước từ 1 vụ sang 2 vụ, kết hợp với chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà… Nhưng trong tâm trí của Bí thư Moong Thái Xuyên vẫn canh cánh một nỗi niềm: “Nậm Nhóong có gần 450 hộ dân thì vẫn còn 430 hộ nghèo, chiếm tới hơn 90%. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, Nậm Nhóong đã có điện lưới về đến tận bản. Thế nhưng để Nậm Nhóong sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn còn nhiều việc phải làm và cần các cấp quan tâm đầu tư nhiều lắm”.
4 người con của ông giờ đã lớn khôn, cuộc sống ổn định nhưng ông đặc biệt tự hào về cậu con trai út Moong Văn Tình, hiện là sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền. Ông tin tưởng chính Tình và những người con xã Nậm Nhóong được học hành đến nơi đến chốn sẽ là những người trở về làm thay da đổi thịt vùng đất nơi địa đầu biên giới này.
Theo Dân Trí
Đường hoàn lương của người nghiệp ngập, cướp giật
Để có tiền đến với nàng tiên nâu, Quy đã không từ bỏ bất cứ mánh khóe gì. Cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, rạch túi ở một số tuyến đường đều có bàn tay Quy nhúng vào.
Một ngày giáp Tết Nhâm Thìn, tổ rửa xe vỉa hè của anh Nguyễn Văn Quy (48 tuổi, đường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) gồm 4-5 thành viên tất bật mỗi người một việc, từ phun nước, cọ xe, xì khô đến thu tiền... Cùng hỗ trợ còn có các áo xanh tình nguyện.
Vừa lau xe cho khách, ông chủ tiệm bảo ngày thường khách rửa không đông, anh em có thể ngồi chơi, uống nước chè và tán gẫu. Song những ngày cận Tết, khách đến nườm nượp nên phải tranh thủ kiếm tiền. Vất vả nhưng ai cũng vui vì có thêm thu nhập giúp gia đình.
Anh Quy kể, sau buổi khai trương cách đây hơn chục năm, cửa hàng chẳng có khách. "Cả tháng khách chỉ là cán bộ UBND và công an phường hay người nhà của các thành viên trong câu lạc bộ người từng đi cai nghiện. Nghĩ buồn thật đấy nhưng nhận được sự động viên của người thân và công an phường nên tôi cố gắng vượt qua mặc cảm", anh nói.
Nguyễn Văn Quy chia sẻ những vất vả sau quá trình cai nghiện của mình. Ảnh: Thái Thịnh.
Học hết lớp 9 do kinh tế gia đình khó khăn, lương công nhân của bố mẹ không đủ nuôi 4 anh em ăn học nên Quy phải nghỉ học. 17 tuổi anh nhập ngũ và đóng quân ở tỉnh Lai Châu. Ở đây, anh được trai bản gạ gẫm hít một sản phẩm tựa thuốc lào. "Họ nói với tôi cứ hút cái này vào là có sức khỏe băng rừng vượt suối. Nghe thấy hay tôi đã gật đầu, rồi cơn nghiện ngấm vào máu lúc nào không hay".
Cuối năm 1985, Quy xuất ngũ. Cũng kể từ đây, nam thanh niên với dáng to cao la cà khắp ngóc ngách Hà Nội để tìm bạn nghiện. Mọi đồ đạc trong gia đình anh lần lượt ra đi khi cơn thèm thuốc đến. Không công ăn việc làm, anh thường hay lui đến các sòng bạc để đánh, rồi cướp. Trong một lần thực hiện, anh bị công an bắt và phạt tù một năm về tội đánh bạc, gây rối trật tự công cộng.
Ra tù, Quy chẳng ngại làm bất cứ việc gì để có tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. "Khi chuyển sang hàng trắng, tiền tiêu lại càng tốn hơn. Nhiều đêm nằm ngủ không được đầu óc tôi cứ lởn vởn tính toán mai phải đi cướp cái gì để có tiền...", người đàn ông 48 tuổi chia sẻ.
Hơn 10 năm chìm đắm trong nghiện ngập, năm 1993 Quy bắt đầu tự cai ở nhà. Thế nhưng cũng chỉ được một vài tháng anh lại tái nghiện. Khi đó Quy tiều tụy, da bọc lấy xương, người nổi đầy mụn nhọt. Là tên cướp, nghiện ngập có tiếng nhưng một lần thấy mẹ gạt nước mắt khóc anh đã thức tỉnh. Kế hoạch cai nghiện được đưa ra.
Mỗi lần lên cơn vật thuốc anh lại lao lên tầng 2 nhờ người khóa cửa. Bên trong anh ghì chặt mình xuống giường, cào cấu, đập phá, thậm chí lao đầu vào tường, dùng dao đâm vào tay, vào chân... để quên đi cảm giác giòi bọ đang chui trong xương tủy. Khi tỉnh dậy mò xuống nhà ăn cơm anh lại ói ra hết. Để hết thèm thuốc, anh lao vào phòng tắm dội nước lạnh cho tỉnh.
Ngày nọ nối ngày kia trong đau đớn vật vã, nửa năm sau Quy đã cai thành công. Không lâu sau đó anh quyết định lập gia đình với một phụ nữ ngoại tỉnh. "Trước khi cưới tôi cũng đã kể hết cho cô ấy nghe về quãng đời của mình chứ chẳng giấu diếm gì. Hiểu và cảm thông cô ấy cũng đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi", anh kể.
Những ngày đầu lấy nhau, Quy bảo kinh tế hai vợ chồng khá chật vật, đặc biệt năm 1998 khi cửa hàng làm đầu của vợ vừa mở, tiệm rửa xe máy cũng khai trương nên bao vốn tích cóp đều đổ dồn hết vào đây. Vợ chồng anh không có đồng nào về quê ngoại ăn Tết dù bố mẹ vợ giục khá nhiều.
Biết hoàn cảnh Quy khó khăn, phòng thương binh xã hội quận đã trích 500.000 đồng dưới hình thức hỗ trợ để vợ chồng anh ăn Tết. "Cầm tiền tôi và vợ ứa nước mắt. Lúc đó trong lòng tôi nghĩ phải chí thú làm ăn lương thiện để không phụ lòng các cấp đã quan tâm...", anh kể.
Giờ cuộc sống khá hơn nhưng Quy bảo vẫn chịu khó kiếm thêm tiền bù đắp những thiệt thòi cho vợ con. "Tối 29 Tết tôi mới trang hoàng nhà cửa, ra chợ hoa Hàng Lược để mua đồ. Trong khi đó, vợ tôi vẫn tất bật chăm sóc đầu tóc cho khách hàng...", ông chủ tiệm rửa xe vỉa hè nói.
Theo thiếu tá Hoàng Ngọc Quyết, Phó công an phường Nguyễn Trung Trực, Quy đã cai nghiện được từ nhiều năm nay. "Anh như ngày nay là cả một chặng đường khó khăn và vất vả. Quy không chỉ giúp một số anh em có công ăn việc làm mà còn đi tuyên truyền tác hại của ma túy, nâng đỡ cho nhiều anh em sau khi cai nghiện trở về địa phương", thiếu tá Quyết cho biết.
Theo VNExpress
Mẹ Hải Bánh tin đứa con nghịch tử sẽ hoàn lương Với linh cảm của một người mẹ, bà tin tưởng rằng, con bà - Hải Bánh - tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của "đại ca" lừng lẫy Năm Cam rồi sẽ hoàn lương. Hải Bánh - tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của "đại ca" lừng lẫy Năm Cam giờ đang phải...