Nghệ An: Thu hồi giấy phép phòng khám bị tố “vẽ” bệnh móc túi khách hàng
Phòng khám đa khoa Vinh nơi từng có 5 người Trung Quốc làm việc “chui” đã bị Sở Y tế Nghệ An thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Ngoài ra phòng khám này còn bị tố “vẽ” bệnh, móc túi khách hàng.
Phòng khám bị tố “vẽ” bệnh
Ngày 21/9, Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị đã ra Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động hành nghề khám, chữa bệnh đối với Phòng khám bệnh Đa khoa tư nhân Vinh (Phòng khám Đa khoa Vinh, địa chỉ số 12, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng).
Lý do thu hồi giấy phép là không đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám. Đồng thời, Sở Y tế Nghệ An đã xử phạt Phòng khám bệnh Đa khoa tư nhân Vinh 35 triệu đồng.
Phòng khám đa khoa Vinh nơi vừa bị Sở Y tế Nghệ An thu hồi giấy phép.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Sở Y tế Nghệ An thanh tra phòng khám này từ ngày 23/8 đến ngày 18/9. Theo kết quả thanh tra phòng khám này không đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng dụng cụ và cơ số thuốc cấp cứu; Tên kỹ thuật chuyên môn trong bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đúng với tên được phê duyệt.
Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám không thực hiện khám, chữa bệnh nội khoa, da liễu, X-quang, tai mũi họng. Bác sĩ những chuyên khoa này không có mặt ở phòng khám.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, người phụ trách xét nghiệm của phòng khám không làm việc. Các kết quả xét nghiệm trong giờ hành chính được các kỹ thuật viên thực hiện nhưng lại sử dụng dấu, chữ ký của người phụ trách xét nghiệm đóng vào.
Sau quá trình thanh tra Sở Y tế Nghệ An đã ra quyết định thu hồi giấy phép, phạt Phòng khám đa khoa Vinh 35 triệu đồng.
Phòng khám này có giá dịch vụ khám, chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với những phòng khám tư khác trong khu vực. Nhiều người đến khám tại đây đã bày tỏ sự bất bình đối với cách khám chữa bệnh của phòng khám, nhiều bệnh được “vẽ” ra để móc sạch túi người bệnh.
Chị Trần Thị S. (SN 1985, trú tại huyện Thanh Chương) phản ánh vào ngày 28/7, đến Phòng khám Đa khoa Vinh để khám, chữa bệnh liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Sau khi thăm khám, chị S. ra thanh toán thì hoảng hốt vì phòng khám kê cho 4 loại dịch vụ và 2 loại thuốc.
Trong đó riêng phí dịch vụ lên đến hơn 14 triệu đồng. Cụ thể, chị S. được truyền 3 chai dịch hết 140.000 đồng, tháo vòng hết 500.000 đồng, bơm thuốc niệu đạo hết 7,7 triệu đồng và điều trị bằng điện phân dẫn thuốc 5,8 triệu đồng.
Nghi ngờ mình đã bị phòng khám “móc túi”, chị S. đăng thông tin lên cảnh cho cho mọi người trên mạng xã hội để tránh xa phòng khám ra.
Bà S tố bị phòng khám này chặt chém, khi phải thanh toán số tiền lên đến hơn 14 triệu đồng.
Anh Ng.V.T (SN 1994, trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bức xúc, trước đó anh thấy đau buốt khi đi tiểu nên đến Phòng khám đa khoa Vinh để khám về nam khoa. Tại đây anh được chẩn đoán bị viêm tuyến tiền liệt. Sau khi truyền dịch và “điều trị” anh được kê thuốc về nhà uống kèm hướng dẫn quay trở lại điều trị thêm nhiều lần để chữa dứt điểm bệnh. Chỉ trong lần đầu đến phòng khám này điều trị anh đã phải thanh toán số tiền gần 6 triệu đồng.
Nghi ngờ phòng khám đã “vẽ” bệnh cho mình nên anh T. đã quyết định đến bệnh viện uy tín trên địa bà TP Vinh để kiểm tra lại. Qua các xét nghiệm anh được kết luận không bị viêm tuyến tiền liệt như phòng khám này đã chẩn đoán trước đó.
Từng có người Trung Quốc làm việc “chui”
Trước đó, tháng 5/2019, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có 5 người Trung Quốc, trong đó có 2 bác sĩ và 3 nhân viên đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Phòng khám đa khoa Vinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện có 5 người Trung Quốc làm việc “chui” tại đây.
Cụ thể, bà Zhang AiHue (SN 1963) là bác sĩ khám bệnh, truyền đạt kinh nghiệm cho y tá tại phòng khám; ông An JunLi (SN 1968) bác sĩ khám bệnh; ông Ke ZhiXiong (SN 1974) làm việc văn phòng, quản lý nhân sự tại phòng khám; ông Hu ZhongWen (SN 1968) nhân viên kiểm tra, sắp xếp thiết bị máy và ông Li BingQing (SN 1988) nhân viên mua sắm thiết bị, vật tư tại phòng khám.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ký 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân này, mỗi người bị xử phạt 20 triệu đồng và buộc phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép trước khi hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra mới đây, phòng khám này còn 2 bác sĩ người Trung Quốc, một người phụ trách khoa Sản, người còn lại làm ở khoa Ngoại.
PV
Theo Dân trí
Sở Y tế Nghệ An thông tin về vi khuẩn gây bệnh Whitmore
Gần đây, đã có 4 ca mắc bệnh Whitmore điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Điều này khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, bệnh Whitmore là do vi khuẩn gây nên. Từ năm 2017 đến nay, tại Nghệ An đã có 9 ca mắc chứng bệnh này và đã chữa khỏi. Thời gian gần đây, có 4 bệnh nhận điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã có 2 bệnh nhân ra viện, 2 bệnh nhân còn lại đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng, đây là căn bệnh do loại virus "ăn thịt người" gây nên đã khiến người dân hoang mang lo lắng.
Bệnh Whitmore, lúc đầu nhiều bệnh nhân lầm tưởng là bệnh quai bị.
Theo Bác sĩ Hoàn, loại vi khuẩn này kí sinh trùng trên cơ thể người và có thể làm hoại tử mô mềm. Đây không phải căn bệnh lạ, mà đã được phát hiện cách đây gần 100 năm, do Bác sĩ người Anh tên là Whitmore phát hiện, vì vậy bệnh này mang tên ông. Loại vi khuẩn gây bệnh whitmore thường tồn tại ở những môi trường ẩm thấp, những vùng thường hay ngập úng và phổ biến vào mùa mưa bão, nhưng bệnh không gây thành dịch. Điều cơ bản, muốn chữa trị được căn bệnh này phải định danh được nguồn gây bệnh từ đâu.
"Đối với các thầy thuốc, điều quan trọng là phải phải để ý đến dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, khi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng cục bộ ở ngoài da hoặc các cơ quan lân cận, điều trị kháng sinh tiến triển chậm thì phải nghĩ đến là có khả năng nhiễm Whitmore và phải có những chỉ định lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện ra bệnh nhân này nhiễm vi khuẩn Whitmore"- BS Hoàn cho biết.
TS.BS Đậu Huy Hoàn cũng cho biết, căn bệnh Whitmore phải được xét nghiệm và chẩn đoán đúng thì mới điều trị có hiệu quả và thường phải điều trị 2 đến 4 tuần mới khỏi. Đối với bệnh Whitmore, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học và khi đã phát hiện, cần điều trị sớm và triệt để. Các trường hợp người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi; Vi khuẩn cũng có thể vào đường máu, gây nhiễm trùng máu... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên biện pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là dùng kháng sinh đúng phác đồ điều trị. Muốn đề phòng căn bệnh này, chúng ta phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt khi có tổn thương cơ thể hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
"Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Khi phát hiện ra có một ổ nhiễm trùng, nhiễm trùng tuyến nước bọt hoặc nhiễm trùng viêm tai hoặc nhiễm trùng ở ngoài da, các mô mềm... nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị"- TS.BS Đậu Huy Hoàn cho biết./.
Theo VOV
1.000 người dân Nghệ An đi bộ hưởng ứng 'Ngày Tim mạch thế giới' Sáng 14/9, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Vinh, Viện Tim mạch Việt Nam, Quỹ sức khỏe Tim mạch Việt Nam phối hợp với Sở Y tế Nghệ An tổ chức chương trình đi bộ hưởng ứng ngày "Tim mạch Thế giới" 29/9/2019; với chủ đề "Dáng đẹp- Tim khỏe". Dự lễ có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Viện Tim...