Nghệ An: Quy hoạch Quỳnh Lưu thành trung tâm kinh tế vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ
UBND tỉnh Nghệ An vừa ký Quyết định số 1168/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch định hướng phát triển vùng huyện Quỳnh Lưu là sự phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển chung vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ và vùng duyên hải tỉnh Nghệ An; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn, các vùng chức năng với các vùng miền.
Theo định hướng, quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu được xây dựng đảm bảo tính chất, chức năng là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cùng với Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Là vùng phát triển với các chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch biển và sinh thái, khai thác chế biến thủy hải sản, nông lâm nghiệp… Là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.
Đồng thời phải luôn tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch đã định hướng phát triển không gian vùng, định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển nông thôn, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, quy hoạch định hướng phân thành 03 vùng phát triển không gian theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực.
Một góc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Về phát triển không gian đô thị được chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021- 2030, toàn huyện có 06 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,90%. Giai đoạn 2 từ năm 2030-2050, toàn huyện xây dựng và phát triển thêm 06 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 56,20%.
Định hướng quy hoạch 04 khu công nghiệp với tổng diện tích 789,75ha, gồm: Khu công nghiệp Tân Thắng tại xã Tân Thắng; Khu công nghiệp Diễn Quỳnh tại xã Quỳnh Giang; Khu công nghiệp Lạch Quèn tại xã Quỳnh Thuận; Khu công nghiệp Tây Bắc tại xã Tân Thắng .
Quy hoạch 04 cụm công nghiệp với tổng diện tích 222ha, gồm: Cụm công nghiệp Quỳnh Châu tại xã Quỳnh Châu; Cụm công nghiệp Quỳnh Mỹ tại xã Quỳnh Mỹ; Cụm công nghiệp sạch đô thị Cầu Giát mở rộng tại xã Quỳnh Ngọc và xã Quỳnh Yên; Cụm công nghiệp Quỳnh Thạch tại xã Quỳnh Thạch.
Video đang HOT
Quy hoạch 03 cụm công nghiệp làng nghề, gồm: Cụm công nghiệp làng nghề Quỳnh Văn tại xã Quỳnh Văn; Cụm công nghiệp làng nghề Quỳnh Nghĩa tại xã Quỳnh Nghĩa; Cụm công nghiệp làng nghề Quỳnh Hoa tại xã Quỳnh Hoa .
Định hướng phát triển du lịch theo 3 loại hình du lịch gồm du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch trải nghiệm gắn với danh thắng. Cụ thể, du lịch biển gồm Khu du lịch biển Quỳnh (các xã ven biển), trung tâm là các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa. Du lịch văn hóa – lịch sử: Phát triển trên cơ sở phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc cổ, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng… Điểm du lịch danh thắng, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh: Đền thờ Hồ Xuân Hương, nhà thờ họ Hồ (Quỳnh Đôi), đền Quy Lĩnh (Quỳnh Lương), đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), đền Cửa Gan (Quỳnh Hoa), đền Voi (Quỳnh Hồng), đền Cồng (Quỳnh Hưng), đền thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật…
Vẻ đẹp hoang sơ biển Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu.
Du lịch trải nghiệm gắn với danh thắng: Khu du lịch hang Dơi tại xã Quỳnh Tam; Khu du lịch sinh thái hồ Vực Mấu; Quy hoạch Sân golf và Resort vị trí hồ An Ngãi (hồ Bà Tùy), xã Quỳnh Tân. Khu du lịch sinh thái hồ Khe Lại; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Khe Gỗ (hồ 3/2); Phát triển du lịch “trang trại Edufarm” khai thác từ hệ thống giáo dục đổi mới gắn với các trang trại, sản xuất nông, thủy sản đặc trưng của huyện.
UBND tỉnh giao UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành phù hợp với Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên.
Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu năm 2022.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An Cao Minh Tú tại hội nghị cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song hoạt động xuất khẩu của Nghệ An trong năm qua đạt thành tựu vượt bậc với 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với năm 2020 và vượt 102,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt 132,2% kế hoạch năm 2021.
Quang cảnh hội nghị
Trong đó, nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh có kim ngạch tăng trưởng mạnh như: Tôn, thép các loại tăng 157% so với cùng kỳ năm trước; Xi măng tăng 17,8%; Hàng dệt may tăng 38,1%; Linh kiện điện tử tăng gấp hơn 17 lần; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 184,8 triệu USD; Hàng thủy sản tăng 66,7%; Sắn và sản phẩm sắn các loại tăng 42%.
Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, nhất là hàng lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như chè khô, nước hoa quả chế biến. Hàng hóa được xuất khẩu đi đến hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nhiều thị trường mới như: Đông Timor, Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg...
Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng, với 270 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 188 doanh nghiệp nội tỉnh và 82 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 32,4% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh và tăng 40,5% so với năm 2020.
Đồng chí Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương báo cáo kết quả hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 và quý I/2022
Với tình hình kinh tế thế giới và khu vực hiện nay dự báo tiếp tục có những biến động khó lường: Đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; cạnh tranh giữa các nước lớn chưa có dấu hiệu kết thúc. Đáng chú ý hiện nay là những quy định mới của Trung Quốc về biện pháp siết chặt dịch COVID-19; tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền đã khiến doanh nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, thông quan, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp phản ánh giá nhiên liệu tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; bên cạnh đó, cước phí tăng cao, các lô hàng xuất khẩu lợi nhuận rất thấp, thậm chí là không có lợi nhuận nhưng doanh nghiệp cũng phải làm để giữ mối quan hệ với khách hàng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị
Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: Có các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực; thành lập câu lạc bộ kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp...
Đại diện Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An - doanh nghiệp chế biến thực phẩm cá đóng hộp cho biết, những năm gần đây, do tình hình nguyên liệu cá Nục, cá Trích ở trong nước không đủ để phục vụ sản xuất. Do đó, công ty phải nhập khẩu nguyên liệu cá trích từ nước ngoài về để phục vụ sản xuất, trong đó nguồn nguyên liệu cá trích từ các tàu đánh bắt của Nga sẽ gặp khó khăn trong việc khai thác do chiến sự Nga - Ukraina vừa qua.
Công ty đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn về nguồn nguyên liệu, đồng thời đề xuất với các Ban, ngành Trung ương có cơ chế hỗ trợ và gia hạn thêm thời gian đối với danh mục miễn thuế; hỗ trợ giảm thang thuế thu nhập, miễn thuế, cho chậm thuế với doanh nghiệp nhằm hỗ hỗ trợ về mặt tài chính hoặc hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp để vực dậy sản xuất.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được cùng với những đóng góp quan trọng của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 05 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác xuất khẩu năm 2021
Bên cạnh những kết quả đạt được, song theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, xuất khẩu năm 2021 tuy có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, hiệu quả chưa cao. Mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ bé, còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ. Hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu hạn chế...
Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế... Phấn đấu để đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu để vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao giá trị của sản phẩm, xây dựng và quảng bá được thương hiệu hàng hóa của Nghệ An ở thị trường quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thường xuyên có trao đổi, thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu với các cơ quan hữu quan để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Tiền Giang: Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch Đi trước, đón đầu trong phát triển du lịch và sản phẩm du lịch, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư phát triển nhăm nâng cao nguồn thu nhập. Trong năm 2021 và Quý 1 năm 2022, Tiền Giang đã thành lập mới 23 hợp tác xã (trong đó có 19 hợp tác xã nông nghiệp và...