Nghệ An: Nông dân 9X kiếm 400 triệu/năm nhờ trồng dưa lưới quả nào cũng to đùng, cả làng khen nức nở
Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu xây dựng mô hình, gieo giống, dưa lưới của anh trai làng 9X tỉnh Nghệ An đã phát triển hiệu quả trên vùng đất đỏ tại huyện miền núi Nghĩa Đàn và đem lại thu nhập cao khiến nhiều nông dân mơ ước.
Khởi nghiệp đầy chông gai
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp THPT, với niềm đam mê làm nông nghiệp, Võ Văn Hậu (SN 1993), ở xóm 3, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào miền Nam tìm kiếm việc làm, tình cờ Hậu lại bén duyên với nghề trồng dưa lưới công nghệ cao nơi đây.
Võ Văn Hậu (SN 1993), ở xóm 3, xã Nghĩa An huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bén duyên với cây dưa lưới. Ảnh: Cảnh Thắng
Ròng rã 7 năm học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây dưa lưới, Hậu thành thạo nghề và quyết định về quê khởi nghiệp trồng dưa lưới.
Năm 2018, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng vốn làm công nhân tại tỉnh Bình Phước tích góp chẳng được là bao. Hậu bàn với gia đình vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để bắt đầu khởi nghiệp.
Thời gian đầu, anh chỉ trồng nhỏ 3 luống dưa ở vườn nhà rồi dựng nhà lưới để chăm sóc cây dưa lưới. Thấy Hậu trồng dưa lưới ngay trên đất vườn nhà mình mọi người đều can ngăn, và cho rằng mô hình của anh sẽ không thành công.
Nhưng với quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh lao vào làm. Ngày đêm nghiên cứu, lại biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây dưa lưới, nên chỉ một thời gian ngắn vườn dưa lưới xanh tốt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người và cho năng suất rất cao.
Dưa lưới anh Võ Văn Hậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Cảnh Thắng
Sau thành công vụ đầu tiên, năm 2019, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ thành công trong mô hình trồng cây dưa lưới, anh Hậu được chính quyền hỗ trợ vốn vay từ quỹ thanh niên lập nghiệp.
Đến nay, từ ” bàn tay trắng”anh Hậu đã xây dựng được mô hình trồng dưa lưới với diện tích hơn 10.000 m2 nhà vườn, với chi phí lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Chuẩn VietGap
Dưa lưới anh Hậu trồng luôn tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, được chăm sóc đúng quy trình công nghệ sạch, chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo nên vườn dưa cho năng suất cao, đảm bảo an toàn về chất lượng và không lo đầu ra.
Trao đổi với Dân Việt, anh Võ Văn Hậu chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ít chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, côn trùng, dịch bệnh xâm hại. Bởi quá trình sinh trưởng cây dưa được phát triển trong môi trường nhà lưới khép kín an toàn. Nên dưa của tôi phát triển tốt và được khách hàng đón nhận”.
“Vụ thu hoạch vừa qua, tôi chỉ cần 75 ngày xuống giống với 1.200 gốc, đã thu hoạch được 1,6-1,8 tấn dưa. Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu là ở trong huyện và thành phố Vinh, số lượng sản phẩm làm ra chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, anh Hậu cho biết thêm.
Dưa lưới trồng không khó, không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi dây cho một quả, từ 1,2-2,2 kg, giá bán hiện nay là 45.000 đồng/kg. Với khí hậu như ở Nghệ An, mỗi năm có thể sản xuất được 2-3 vụ, mùa lạnh có thể chuyển sang trồng cà chua và hoa ly bán vào dịp Tết, trung bình 1.000 m2 cho lợi nhuận 50-60 triệu đồng/vụ.
Video đang HOT
Vườn dưa lưới của anh Võ Văn Hậu cho thu hoạch 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo anh Hậu, mặc dù chi phí đầu tư nhà lưới, màng, giống, hệ thống tưới,… ban đầu khoảng hơn 200 triệu đồng/500 m2, nhưng nhà lưới có thể sử dụng từ 8-10 năm. Vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại quả dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh.
“Hệ thống tưới nước trong nhà màng tôi được áp dụng hệ thống nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.”, anh Hậu nói.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao điển hình
Sau gần 3 năm đầu tư sản xuất và phát triển, hiện tại mô hình trồng dưa lưới của anh Võ Văn Hậu thuộc tốp đầu toàn huyện Nghĩa Đàn về quy mô cũng như doanh thu hằng năm. Đây là mô hình trồng dưa lưới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, vườn dưa lưới của anh cho sản lượng từ 40-50 tấn/năm, doanh thu đạt từ 300-400 triệu đồng.
Do là mô hình điển hình trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nên anh Hậu thường xuyên được lãnh đạo tỉnh, huyện xuống thăm và động viên. Bên cạnh đó, anh còn tham gia câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp ở địa phương, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, quy trình sản xuất với bà con, đặc biệt là những người trẻ có đam mê với nông nghiệp.
Ông Hoàng Đình Tuấn – Phó Ban Dân vận tỉnh Nghệ An thăm quan mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của anh Võ Văn Hậu. Ảnh: Cảnh Thắng
Năm 2019, anh Võ Văn Hậu là một trong 20 tấm gương tiêu biểu được vinh danh “Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi” của tỉnh Nghệ An.
Anh Hậu bộc bạch: “Thanh niên ở nhà đã hiếm, thanh niên làm nông nghiệp còn hiếm hơn. Nhưng mình còn trẻ, cứ thử sức, mỗi ngành nghề đều có sứ mệnh khác nhau, chỉ cần mình kiên trì, đam mê thì không có việc gì là không thể.”
Nhờ mô hình trồng dưa lưới, anh Võ Văn Hậu đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra về công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn anh rất quan tâm chú trọng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Thế Sinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Những năm qua ở Nghĩa An đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình trồng dưa lưới của anh Hậu. Mô hình này tiết kiệm được nguồn nước, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm sạch được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho các hộ dân có điều kiện nên học tập mô hình này”.
Dưa lưới của anh Võ Văn Hậu khi được cắt có màu vàng, ăn rất thơm và có vị ngọt dịu. Ảnh: Cảnh Thắng
“Chi phí ban đầu để xây dựng nhà màng tương đối lớn, nhưng đây là hướng đi bền vững đang được huyện Nghĩa Đàn khuyến khích, góp phần tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, ông Sinh cho biết thêm.
Ông Phan Thế Phương – Chủ tịch hội Nông dân Nghĩa Đàn cho hay: “Mô hình trồng dưa lưới của anh Hậu là mô hình điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, anh Hậu đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vừa đẩy lùi được sâu bệnh, vừa đem lại năng suất cao. Năm vừa qua, chúng tôi đã lấy mô hình của anh để nhân rộng thêm nhiều mô hình làm nông nghiệp hiệu quả tại địa phương, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động vừa làm giàu bền vững.”
Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng, "Không còn nạn đói" ở Việt Nam bây giờ không phải là đói về lương thực mà là đói dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất.
Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền.
Hiện nay, cả ba loại suy dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, đó là: thiếu dinh dưỡng (trẻ thấp còi, gầy còm, mẹ nhẹ cân, người lớn thấp lùn), thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu vitamin A, kẽm và iốt) và thừa cân béo phì ở trẻ em và người lớn.
Những vấn đề về dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhiều người dân Việt Nam đòi hỏi sự cam kết to lớn trong việc điều phối các tiếp cận có tính liên ngành để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn bộ dân số.
Những cam kết ưu tiên về dinh dưỡng
Đến nay, Việt Nam đã đưa dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa XI (2011), XII (2016) và XIII (2020) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Việt Nam là thành viên của Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng (SUN) từ năm 2014 và là thành viên của Mạng lưới ASEAN, đã khởi động chương trình "Không còn nạn đói" vào năm 2015.
Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam.
Trong năm 2021, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp với Sở NNPTNT Tuyên Quang triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại xóm Linh Sơn, xã Linh Thông, huyện Định Hóa với 25 hộ dân tham gia. Ảnh: Văn Anh
Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 120 con gà giống, kèm thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh. Ảnh: Văn Anh
Triển khai Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói", Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), các chuyên gia và 3 tỉnh xây dựng mô hình điểm nông nghiệp dinh dưỡng năm 2019 là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh. Các mô hình này được triển khai giúp người dân thay đổi được nhận thức về sản xuất nâng cao thu nhập và sử dụng dinh dưỡng hợp lý cho hộ gia đình.
Trong năm 2020, Bộ NNPTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm của năm 2019, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT ngày 30/3/2020 hướng dẫn các tỉnh xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres chủ trì ngày 23/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết bảo đảm lương thực là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững" và thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về sản xuất lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo.
Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/người lên trên 525kg/người, đưa Việt Nam vào nhóm nước hàng đầu về sản xuất lương thực.
Cùng với đó, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã thúc đẩy phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, xác định lợi thế sản phẩm của từng vùng, miền, địa phương.
Nhờ vậy, người dân đã cải thiện và đa dạng trong chế độ ăn uống với xu hướng giảm tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng, trái cây, rau quả.
Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6% - chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hướng tới đối tượng "đích" dễ bị tổn thương
Trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam đã giảm khá ấn tượng và là điểm sáng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015.
Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% và trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% - mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Với những cam kết xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững", ông Lê Đức Thịnh cho rằng, đây sẽ là cơ hội để lồng ghép, thực hiện các mục tiêu và các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.
"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương. Việc triển khai thực hiện sẽ có 2 cấp độ: đầu tiên là xây dựng các mô hình để lấy làm cơ sở để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; thứ hai là tuyên truyền, mở rộng các mô hình này ra thì mới thành công được" - ông Thịnh nói.
Làm gì để đạt mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh đánh giá cao cách làm của tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam khi triển khai thực hiện dự án mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình góp phần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hòa Bình và Lai Châu trong 4 năm (2017 - 2021).
Can thiệp của dự án tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ và 1.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi sẽ hưởng lợi từ mô hình này.
Các hoạt động chính của dự án bao gồm đào tạo về dinh dưỡng, nông nghiệp, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ cây con giống cho bà con cũng như các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành đúng dinh dưỡng cho bà con.
"Thành công của mô hình này là các địa phương xây dựng mô hình để nông dân có thể tự truyền bá kinh nghiệm, tập huấn lại cho nhau về cách làm vườn, rồi các câu lạc bộ của bà mẹ thì trao đổi kinh nghiệm về nuôi con nhỏ, kiến thức về chế biến thức ăn cho trẻ 1-2 năm tuổi" - ông Thịnh nói.
Với tư cách là một trong các nước cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đang xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng lần thứ ba giai đoạn 2021-2030 và có cơ hội đặc biệt để ưu tiên dinh dưỡng trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030 sắp tới.
Trao đổi với Dân Việt, TS. BS. Nguyễn Phương Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trong dự thảo chiến lược, Bộ Y tế đưa vào rất nhiều nội dung về phối hợp liên ngành, kết nối với hệ thống nông nghiệp bền vững và vai trò của Bộ NNPTNT trong xây dựng các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng.
Cùng với đó là các nội dung quy định về quy chuẩn cho thực phẩm, dán nhãn và tăng cường nhận thức của người dân.
Theo bà Phương, dự kiến trong 2 ngày 7-8/12/2021 tới, tại Tokyo (Nhật Bản) sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho phát triển.
"Hội nghị thượng đỉnh này yêu cầu mỗi quốc gia khi tham gia sẽ phải đưa ra cam kết của Chính phủ về việc giải quyết tình trạng dinh dưỡng để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc đến năm 2030. Nếu phân tích ra, trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững thì 12 mục tiêu liên quan trực tiếp đến dinh dưỡng" - bà Phương chia sẻ.
Trong những năm qua, Liên Hợp quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững: 17 mục tiêu phát triển bền vững liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt, trong đó có vấn đề về dinh dưỡng.
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển quan trọng; nhiều mô hình đã thoát khỏi sự trì trệ, phát triển thành...