Nghệ An: Nắng nóng kéo dài, cua đồng tăng giá kỷ lục, 1 đêm chỉ bắt được 4-5 lạng cũng có tiền
Những ngày thời tiết oi nóng, món cua đồng ở Hà nội và các thành phố khác trở nên đắt đỏ và khan hiếm. Do vậy, cua đồng ở Nghệ An đã tăng lên 120.000 đồng/kg vẫn không có mua.
Đêm đến, trên các cánh đồng của các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu… bà con đội đèn pin ra đồng “săn” cua đồng. Tại góc ngã tư trên một số trục đường chính, thỉnh thoảng bắt gặp cảnh thương lái ngồi thu mua cua đồng nhộn nhịp.
Đêm đến, bà con nông dân huyện Yên Thành (Nghệ An) ra đồng “săn” cua đồng, tuy nhiên, cua bắt ban đêm phần lớn là con nhỏ. Ảnh: Xuân Hoàng.
Tìm hiểu được biết, cách đây hơn 1 tháng, cua đồng tự nhiên ở tỉnh Nghệ An… cán mốc 100.000 đồng/kg, nhưng khoảng 10 ngày nay đã nhảy lên mức giá kỷ lục 120.000 đồng/kg.
Cua đồng được thương lái thu mua với giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng.
Chị Đặng Thị Thu Hiển, thương lái thu mua cua ở xã Bắc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, thị trường Hà Nội và các thành phố khác tiêu thụ cua đồng mạnh, nên cua đồng tự nhiên ở quê càng tăng giá.
Tuy nhiên, thời điểm này bà con bắt được cua giảm hẳn. Trước đây 1 người có thể bắt được 2 – 3 kg/ngày, thì nay may ra chỉ được 1 kg.
Giá cua đã tăng lên 120.000 đồng/kg từ 10 ngày nay. Tuy nhiên, cua bắt ban ngày mới mua với giá 120.000 đồng/kg, còn cua bắt ban đêm chỉ mua với giá 110.000 đồng/kg. Bởi cua ban ngày con to, cua ban đêm con nhỏ.
Video đang HOT
Nhu cầu tiêu thụ cua tăng mạnh tại các thành phố phía Bắc, nhưng dịp này cua đồng ở Nghệ An hiếm, nên lượng cua bắt được mỗi ngày không nhiều. Ảnh: Xuân Hoàng.
Song, thời điểm này nhiều cánh đồng khô cạn nước, cua ít ra khỏi hang, nên khó bắt. Thương lái Nguyễn Văn Tần ở xã Long Thành cho hay, dịp này cua hiếm nên mỗi ngày ông thu mua gom trên địa bàn các xã; Long Thành, Khánh Thành, Nam Thành… (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chỉ được hơn 100 kg, trong khi trước đây ông thu mua được 2 – 3 tạ cua/ngày.
Bà Nguyễn Thị Lương, nông dân xã Bắc Thành chia sẻ, thời điểm đồng ruộng nhiều nước, ra ruộng 3 tiếng đồng hồ đã bắt được hơn 1 kg cua, nhưng thời điểm này nhiều ruộng khô nước, nên chỉ bắt được 4 – 5 lạng. Tuy nhiên, do giá cua tăng cao nên bà chịu khó lội ruộng mỗi đêm để có thêm thu nhập.
Cua đồng được đóng vào bao tải để gửi xe khách vận chuyển ra phía Bắc để tiêu thụ, trong đó Hà Nội là nhiều nhất. Ảnh: Xuân Hoàng.
Ông Thái Văn Ngân, thương lái thu mua cua trên địa bàn huyện Đô Lương cho biết thêm, cua đồng không chỉ vận chuyển ra Hà Nội, mà còn đến các thành phố lớn: Hải Phòng, Thái Bình… nên nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, do thời điểm này cua khó bắt nên sản lượng bắt được của bà con giảm, cung không đủ cầu.
“Hàng ngày, thương lái thu mua được bao nhiêu, tối đóng bì, ướp đá lạnh để cua không bị chết, gửi xe khách ra Bắc tiêu thụ ngay”, ông Ngân cho biết.
Nghệ An: Cả tháng không mưa, dân miền núi vật vã vì nắng hạn, đi xin nước khắp nơi
Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước tại các huyện miền núi (Nghệ An) bị cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt và sản xuất, nhiều hộ dân đã phải đào giếng, xây bể... thậm chí đi xin nước khắp nơi nhưng vẫn không đủ dùng.
Xoay sở tìm từng giọt nước
Những ngày này do nắng nóng kéo dài, nhiều hộ gia đình tại các xã vùng cao thuộc huyện Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông, Nghi Lộc đặc biệt Tương Dương (Nghệ An) phải đào thêm giếng, xây bể... để mong tìm nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt.
Nhiều nơi, người dân xứ Nghệ phải đi xin nước sinh hoạt. Ảnh: CT
Theo ghi nhận của PV, cứ mỗi độ chiều về nhiều người dân đã lạch cạch chuẩn bị đồ để đi xin nước, thậm chí phải thuê ô tô để đi mua nước ở các huyện khác. Theo tìm hiểu thì hầu hết các giếng đào và các bể chứa nước của dân đã cạn kiệt mấy ngày nay.
Trao đổi với Dân Việt, ông Thái Văn Hạnh (thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành) cho hay: "Gần 1 tháng nay do giếng đào của gia đình đã cạn nước nên vào buổi chiều tôi phải gánh thùng để đi xin nước. Năm nay có thể nói là năm hạn hán chưa từng có, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong thôn đã phải đi xin nước từ lâu rồi".
Trong khi đó ông Trần Quang Đồng, một người chuyên chở nước cho các hộ dân cho biết: "Năm nào như năm đó, cứ đến mùa hè, tôi lại bận rộn với công việc chở thuê nước về bán cho các hộ dân trong làng. Là hàng xóm nên tôi cũng không dám lấy giá cao, hơn nữa gia đình tôi cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hơn ai hết tôi thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Mùa hè năm nay hạn hán cực điểm, nước sinh hoạt ở xã Quang Thành thiếu nghiêm trọng, chúng tôi phải đi mua nước ở các xã lân cận...".
Người dân phải đào giếng nước lộ thiên để tích trữ nước về lọc để sinh hoạt trong gia đình. Ảnh: CT
"Trung bình mỗi xe nước tầm khoảng 2m3, chủ nhà có nước thì họ không lấy tiền, sẵn sàng chia sẻ cho mọi người nhưng mỗi lần chở nước như vậy người dân phải bỏ ra khoảng 50.000 - 100.000 đồng chi phí vận chuyển...", anh Đồng cho biết thêm.
Không riêng gì xã Quang Thành, nhiều thôn trên địa bàn xã Tây Thành cũng rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, người dân phải bỏ ra chi phí khá lớn để đào, khoan giếng sâu thêm, xây bể nước ngầm chờ mưa... nhưng cũng không mấy hiệu quả nên cách duy nhất là phải đi xin hoặc đi mua nước để về dùng.
Cuộc sống đảo lộn
Bà Phan Thị Mỹ (thôn Khánh Thành, xã Tây Thành) cho hay: "Không có nước khổ lắm, nắng nóng như vậy khiến cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Giờ chúng tôi chỉ trông một cơn mưa to thôi".
Người dân phải dùng giếng khoan để lấy nước ngầm làm nước sinh hoạt nhưng vẫn không đủ dùng. Ảnh: CT
Để chắt chiu, tiết kiệm, người dân ở đây đã phải mua nhiều can nhựa, thùng phi... về dự trữ nước, hoặc khi đi xin nước về lại đổ xuống giếng của mình để dùng dần.
Nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày không đủ dùng nên người dân phải tiết kiệm hết mức có thể. Nhiều gia đình ngoài công việc hàng ngày thì chỉ lo việc hết nước... Đối với người dân bây giờ nước là vô giá.
Không chỉ ở huyện Yên Thành mà các huyện miền núi xa xôi như: Con Cuông, Tương Dương... cũng rơi vào cảnh "khát nước" sinh hoạt trầm trọng.
Người dân dùng máy bơm nước lộ thiên về lọc để làm nước sinh hoạt. Ảnh: CT
Gần 1 tháng nay trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông không có mưa, do nắng nóng kéo dài nên lượng nước trên các sông, khe suối, ao, hồ ở đây đang ở mức thấp và cạn kiệt dần. Cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương của huyện hiện đang gặp khó khăn.
"Hơn một tháng nay trời không có mưa, gia đình có hai giếng nhưng đến nay đều đã khô cạn. Để có nước sinh hoạt hàng ngày bà đã phải đi 2-3km, để lấy nước khe về dùng. Chúng tôi biết, lấy nước ở khe suối để dùng là không đảm bảo vệ sinh nhưng không lấy ở đó thì chúng tôi biết lấy ở đâu" - anh Vi Văn Tú (trú ở xã Yên Khê) cho biết.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: "Ngoài việc hàng trăm ha đất nông nghiệp không thể gieo cấy thì người dân đang rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chưa bao giờ cuộc sống của người dân lại gặp cảnh khó khăn do thiếu nước như mùa hè năm nay".
Không những thiếu nước sinh hoạt mà vụ hè thu năm nay ở Nghệ An hàng nghìn ha lúa bị hạn hán tàn phá. Ảnh: CT
"Chúng tôi cũng đã làm tờ trình, báo cáo lên cấp trên để có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước cho người dân. Tôi rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cùng chính quyền để có thể đào thêm các giếng làng, phục vụ cho nhân dân trong dịp thiếu nước như hiện nay", ông Tiến chia sẻ.
Hà Nội cảnh báo tia UV ở mức nguy hại cao Ngày 10/7, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8 - 10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngày 09/7, ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt...