Nghệ An: Mỏi mòn trông tin con bị hải tặc bắt cóc
Sau 11 tháng bị hải tặc bắt cóc, 12 thuyền viên Việt Nam quê tại Nghệ An và Hà Tĩnh làm việc trên tàu cá FV Shiuh Fu No 1 đã điện thoại về quê nhà, mở ra một tia hy vọng cho những người thân đang từng ngày ngóng trông.
Chúng tôi có mặt tại xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nơi có 3 có thuyền viên bị hải tặc bắt cóc tống tiền.
“Như chết lặng cả người”
Khi nghe được hung tin về con trai Trần Văn Hùng (SN 1987, quê quán xóm 9, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), cả gia đình anh Trần Văn Vinh và chị Lý không tin nổi con mình đang trong tay hải tặc Somalia.
Đến bây giờ, Hùng đã gọi về nhà nhưng gia đình vẫn như ngồi trên đống lửa.
Chị Lý rơm rớm nước mắt nhớ lại: “Tui nhớ như in là ngày đó là ngày Noel, ngày 25/12/2010. Sau mấy ngày xảy, chúng tôi mới nhận được tin là con trai bị bọn cướp biển bắt cóc, đòi tiền chuộc. Nghe xong là tui đứng như như chết lặng cả người, khóc hết nước mắt vì thương con đi làm xa, giờ lại bị bắt cóc”.
Vợ chồng anh Vinh và chị Lý từng giờ mòn mỏi trông tin con sớm trở về.
Video đang HOT
Cùng ngày đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và ở chung trên một con tàu bị hải tặc bắt giữ với Hùng, tại xã Nghi Tiến còn có Lưu Đình Hùng (SN 1990, trú tại xóm 8) và Trần Văn Toàn (trú tại xóm 14), đều đã trực tiếp gọi điện về nhà với thời lượng khoảng được gần 3 phút.
Trước đó, vào ngày 4/11/2009, cả 3 thuyền viên trên đều lên đường đi xuất khẩu lao động và may mắn lại được làm việc chung với 9 thuyền viên khác đều là người Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong suốt thời gian làm việc hơn 1 năm, một ngày không may mắn, đoàn tàu đánh cá FV Shiuh Fu No1 lại lọt vào vòng vây của hải tặc Somalia bắt giữ trên biển Madagascar.
Gia đình các nạn nhân đều cho biết, tiền chi phí cho con đi xuất khẩu lao động hết khoảng 17 triệu đồng/người và lương mỗi tháng nhận được từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Từ ngày bị hải tặc bắt đến nay, hàng tháng gia đình vẫn được nhận lương đầy đủ từ phía doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động.
Con trai anh Vinh và chị Lý là Trần Văn Hùng (SN 1987) gửi bức ảnh trước khi xuống tàu đánh bắt cá xa bờ.
Nhớ lại mấy ngày đầu tiên khi con chuẩn bị xuống tàu đi đánh bắt xa bờ, anh Trần Văn Vinh kể: “Lúc thằng Hùng sang đến nơi khoảng một tuần thì có gọi điện về được 1 lần và có chụp một tấm ảnh gửi về cho gia đình. Hùng bảo, sang đây gặp cả người cũ và người mới đều ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trên một tàu có 13 người. Tui cũng thấy an tâm khi có đông người cùng quê như thế. Nó còn nói là con xuống tàu đi đánh bắt xa bờ, hơn 1 năm mới được cập bến, nên khi đó mới liên lạc về với bố mẹ”.
Héo mòn chờ… tin con
Mặc dù đang ngồi ăn bên mâm cơm trưa, thấy người hỏi thăm tin con trai Lưu Đình Hùng bị hải tặc bắt giữ, vợ chồng anh Thu và chị Nhị bỏ ngay bát cơm, chạy xuống tiếp khách trong bồn chồn, lo lắng.
Chị Võ Thị Nhị không thể giấu được nỗi niềm: “Cách đây mấy hôm nó mới gọi điện về được mấy phút, nó bảo khổ lắm mẹ ạ. Mẹ ơi, con ở đây lâu quá rồi, khổ lắm không chịu nổi, 2 ngày nữa mẹ ra Công ty ngoài Hà Nội nói là ông chủ bên này không chịu bỏ tiền chuộc người.
Con nói vẫn được ăn uống và không bị ai đánh đập. Tui hỏi là có nước ngọt uống không thì nó im lặng và nói con không được nói nữa, mẹ và gia đình ở nhà yên tâm, rồi hắn cúp máy”.
Vợ chồng anh Lưu Đình Thu và chị Võ Thị Nhị cũng ngồi bất thần, khóc cạn nước mắt chờ tin con từng ngày.
Cả 3 gia đình có thuyền viên bị bắt cóc nay đã an tâm một chút vì biết con mình vẫn đang còn sống. Họ rất mong muốn doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa người đi lao động sớm mang tiền chuộc người từ tay hải tặc.
Còn anh Trần Văn Vinh nghe con trai điện về được hơn 2 phút nói rằng: “Khi đó khoảng 7h sáng con nó nói ăn uống thì kém hơn lúc đánh bắt cá trên tàu khi chưa bị bắt, không ai bị đánh đập, nhưng đau ốm thì mấy anh em chỉ tự chăm sóc nhau và chỉ đi lại trên tàu chứ không được lên bờ”.
Được biết, số tiền chuộc mà bọn cướp biển đòi lên đến 3 triệu USD (tương đương 60 tỷ đồng). Khi nghe đến số tiền khủng khiếp trên, những người dân nghèo bám biển quanh năm tại xã Nghi Tiến đều rất lo lắng, không biết ông chủ tàu tại Đài Loan có can thiệp để cứu người.
Những người mẹ đang mong ngóng con nơi quê nhà đều nói rằng: “Lần này mà trở về được thì không bao giờ cho con đi đâu nữa hết, mà nhất là đi biển đánh bắt xa bờ. Giờ chỉ cần nghe đến hải tặc bắt cóc là run bắn người lên”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đình Minh, Trưởng CA xã Nghi Tiến cho biết: “Người bị hải tặc bắt cóc trong xã có 4 người, ngoài Trần Văn Hùng, Lưu Đình Hùng, Trần Văn Toàn, còn có Trần Huy Bình là người gốc xã Nghi Tiến và mới theo gia đình chuyển vào Đắc Lắk cũng đi trên chuyến tàu bị bắt cóc.
Giờ người dân vùng biển nơi đây khá lo lắng và sợ hãi khi nghe đến cướp biển. Rất mong các cơ quan chức năng là sớm can thiệp để cứu người thoát nạn”.
Theo VietNamNet
Nam Phi và Mozambique hợp tác chống cướp biển
Ngày 10/11, Nam Phi và Mozambique đã ký thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa hai nước, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải và an ninh hàng hải.
Bắt giữ cướp biển Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thỏa thuận hợp tác quân sự song phương đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi Lindiwe Sisulu và Bộ trưởng Quốc phòng Mozambique Filipe Jacinto Nyusi ký nhân chuyến thăm Nam Phi của Bộ trưởng Quốc phòng Mozambique.
Thỏa thuận chú trọng tới việc tăng cường hợp tác bảo vệ vùng lãnh hải giữa hai nước láng giềng, tuần tra chung trên biển và chống hải tặc tại khu vực biển phía Nam châu Phi.
Trước đó, các quốc gia thành viên Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải và chống cướp biển, đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát vùng biển rộng lớn ở phía Nam "Lục địa Đen."
Thời gian gần đây, nạn cướp biển, buôn bán và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp và buôn bán phụ nữ, trẻ em đang có chiều hướng gia tăng tại khu vực biển này.
Đặc biệt, sau khi Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ và yêu cầu cộng đồng quốc tế tham gia đấu tranh kiên quyết với nạn cướp biển và nhiều quốc gia đã cử lực lượng hải quân nên gần đây các nhóm hải tặc đã chuyển địa bàn hoạt động và tập trung tấn công các tàu thuyền, kể cả tàu chở dầu lớn tại khu vực biển phía Tây và Nam của châu Phi./.
Theo TTXVN
Đài Loan ca ngợi 5 thuỷ thủ dũng cảm người Việt Nam Chính quyền Đài Loan hôm 7/11 đã ca ngợi lòng dũng cảm của 5 thuỷ thủ Việt Nam, những người phát động cuộc tấn công nhóm hải tặc có vũ khí. Các cựu chiến binh Việt Nam trên cùng với 9 người Trung Quốc, 8 người Philippines, 6 người Indonesia là các thủy thủ làm việc trên tàu cá 290 tấn Chin Wen...