Nghệ An: Hiểm họa tai nạn giao thông trên đường N5
Đường N5 nối từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương về cụm cảng Cửa Lò – Nghi Lộc (dài khoảng 30 km) là tuyến vận chuyển nguyên liệu và kết nối kinh tế vùng Tây Nghệ An.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường này. Rất nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường N5 tỏ rõ sự lo lắng cho an toàn của mình.
Ngày 6/9/2018, trên đường N5 xảy ra hai vụ tai nạn làm 3 người thương vong. Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 7 giờ, ngày 6/9, trên đường N5 giao cắt với đường dân sinh qua xóm Hòa Thiện, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, làm hai người phụ nữ bị thương phải nhập viện cấp cứu. Tiếp đó, vào khoảng 13 giờ, ngày 6/9, tại ngã tư giao nhau giữa đường N5 với đường Khuôn Đại Sơn cũng thuộc địa bàn xã Hiến Sơn xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Ông H. (trú ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương) điều khiển xe máy, khi qua địa điểm trên đã va chạm với xe ben mang BKS 37R – 015.21 chở nguyên liệu xi măng làm ông H. tử vong tại chỗ.
Đường N5, đoạn qua xã Trù Sơn, huyện Đô Lương người dân thường lùa đàn trâu, bò đi trên đường gây mất an toàn giao thông
Một người dân ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: Nhiều tháng trở lại đây, do đường mới làm, xe cơ giới chạy với tốc độ cao, tâm lý của người dân chủ quan khi đi lại nên hay xảy ra tai nạn.
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù hai bên đường trống trải, dễ quan sát nhưng có nhiều điểm giao cắt với các đường dân sinh. Lượng xe lưu thông lớn lại chạy với tốc độ cao, cộng với ý thức chủ quan khi tham gia giao thông nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Đô lương cho biết: Đường N5 chỉ qua xã gần 2 km nhưng có hai điểm giao cắt nên hay xảy ra nhiều vụ tai nạn làm chết 3 người, bị thương 5 người. Nguyên nhân là do các phương tiện chạy nhanh, vượt ẩu, ý thức của người dân chưa cao. Xã cũng thấy, điểm đấu nối giữa N5 với đường đi Tân Sơn chưa đạt do độ cua hẹp, đoạn qua xã Tân Sơn cũng còn một số điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, trong khi lưu lượng người đi lại và học sinh rất cao.
Đường N5 – đoạn giao cắt với QL1A đang thiếu biển báo giao thông, rất nguy hiểm khi đi qua khu vực này
Video đang HOT
Theo thống kê, từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017, trên tuyến đường này, xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người, bị thương 8 người. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, bị thương 1 người đều trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Trong đó, riêng tại nút giao đường N5 với QL1A xảy ra 2 vụ, làm chết 3 người, bị thương 1 người.
Để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế mức thấp nhất tai nạn giao thông trên tuyến đường N5, Sở GT-VT Nghệ An đã chỉ đạo đơn vị quản lý giao thông thường xuyên vệ sinh mặt đường, bố trí tiêu phản quang bổ sung biển chỉ dẫn tại nút giao với QL7B. Thanh tra Giao thông cũng tăng cường phối hợp với với chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang ATGT xử lý nghiêm các phương tiện chở quá khổ, quá tải, chở vật liệu rơi vãi rà soát, điều chỉnh lại vị trí cắm biển báo điểm dừng đỗ xe buýt.
Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên tục xảy ra trên đường N5
Sở GT-VT cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Công an tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND huyện Nghi Lộc, Đô Lương trong thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ liên quan để đảm bảo ATGT đường N5.
Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện Nghi Lộc, Đô Lương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn…
Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam sớm triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng cụm đèn tín hiệu giao thông tại nút giao giữa đường N5 với QL1A. Trong đó, lưu ý tại vị trí các nút giao giữa đường N5 với đường vào trung tâm các xã cần đẩy nhanh tiến độ sơn gờ giảm tốc và lắp thêm biển cảnh báo giao thông.
Lực lượng chức năng giải tỏa hành lang ATGT trên đường N5 vào ngày 18/9/2018
UBND huyện Nghi Lộc, Đô Lương tích cực tuyên truyền người dân trên địa bàn chấp hành pháp luật khi tham giao thông. Lực lượng chức năng các huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang ATGT trên tuyến.
Được biết, trước tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường N5 và các tuyến trọng điểm, vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập 3 tổ công tác đặc biệt, gồm 30 cán bộ chiến sĩ từ các lực lượng CSGT, CSCĐ, CS113, CSTT luân phiên tuần tra kiểm soát 24/24 giờ xử lý nghiêm các vi phạm. Các tổ sẽ tập trung phát hiện, xử lý 8 lỗi chính gồm: chạy quá tốc độ, chở hành vượt kích thước thành thùng, chở hàng hóa vượt tải trọng cho phép, tự ý cải tạo thiết kế kỹ thuật xe, cơi nới thành thùng, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông… Ngoài các lỗi vi phạm trên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện các hành vi vi phạm khác thì các tổ liên ngành sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định: Công an tỉnh sẽ chỉ đạo toàn diện, căn cơ, sâu sát nhiều biện pháp chiến thuật, phương pháp tuần tra bố trí lực lượng, phương tiện mạnh, đầy đủ có phân công lãnh đạo, chỉ huy một cách cụ thể. Đây là nhiệm vụ thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng chức năng và công an các địa phương nhằm lập lại trật tự và an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường mới như đường N5.
Đình Tiêp – Tưởng Cao
Theo VTC
Phụ nữ bị mua bán người có thể còn bị... phạt tiền
Tội phạm mua bán người tại Việt Nam ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp; trong khi đó, chính sách pháp luật hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí gây cho nạn nhân cảm giác sợ hãi, bị kỳ thị.
Tại Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, diễn ra sáng nay 11/9, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết: Xu hướng chung của các loại tội phạm hình sự, tội phạm mua bán người tại nước ta diễn biến phức tạp, rất nghiêm trọng và phương thức thủ đoàn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 400 vụ án mua bán người. 90% nạn nhân các vụ mua bán người là phụ nữ, trẻ em gái.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Hiện nay còn một số bất cập trong chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Cụ thể, pháp luật vẫn chưa quy định việc loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân.
Vì vậy mới xảy ra tình trạng trớ trêu là phụ nữ đã là nạn nhân của tội phạm mua bán người, họ có thể còn bị phạt tiền vì hành vi bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Theo ông Lê Đức Hiền, chính điều này có thể làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị.
Hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Bên cạnh đó, tại Điều 6, Luật Phòng chống mua bán người quy định nạn nhân có quyền đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội không có khả năng bồi thường, trong khi pháp luật chưa có quy định về các biện pháp khắc phục. Ông Hiền nêu ví dụ, ở một số nước đã thành lập quỹ hộ trợ những nạn nhân bị mua bán; nguồn thu của quỹ này từ tài sản của đối tượng phạm tội bị tịch thu.
Ngoài ra, mặc dù pháp luật quy định nạn nhân bao gồm cả những người bị mua bán trong nước và nam giới, tuy nhiên trong thực tế hiện đang thiếu dịch vụ hỗ trợ cho cả 2 đối tượng này, đặc biệt là nam giới. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hiền, một phần là do pháp luật còn thiếu quy định cụ thể về những loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về nhạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước... nên chính quyền địa phương khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau.
Hoạt động phổ biến, tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại các vùng dân tộc thiểu số
Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo ông Lê Đức Hiền, cần sửa đổi Nghị dịnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh để tránh cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, qua đó hỗ trợ tốt hơn việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.
Đồng thời bổ sung vào nghị định quy định về từng dạng đối tượng được hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ với từng đối tượng nạn nhân, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ các đối tượng khác nhau....
PVH
Theo phunuvietnam
Trục vớt 4 thuyền cá bị lật chìm vào bờ an toàn Đang câu mực trên biển, 3 thuyền cá của ngư dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An) không may bị lốc xoáy ập đến làm lật chìm. Phát hiện sự việc, các thuyền cá xung quay chạy đến ứng cứu nhưng không may một thuyền trong số đó cũng bị lật chìm. Tối 3/9, trao đổi qua điện thoại với Báo điện...