Nghệ An: Hàng trăm người khám, nhập viện mỗi ngày do hội chứng viêm màng não
Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mỗi ngày có khoảng 130-150 trẻ đến khám, 20 -30 nhập viện do hội chứng viêm màng não. Tuy nhiên, chưa ghi nhận ca bệnh nào lây chéo trong bệnh viện. Các ca bệnh đều khỏi, xuất viện sau 10-14 ngày điều trị.
Từ đầu tháng 3 trở lại đây, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số lượng trẻ mắc hội chứng viêm màng não phải nhập viện điều trị tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có khoảng 130 – 150 trẻ đến khám, và từ 20-30 trẻ nhập viện vì căn bệnh này.
Khoa Bệnh Nhiệt đới hiện có 151 bệnh nhân thì có tới 132 bệnh nhân mắc viêm màng não. Ảnh: Thành Chung
Sáng thứ Hai, ngày 19/4, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có 151 bệnh nhân đang nằm điều trị, trong đó có tới 132 bệnh nhân mắc hội chứng viêm màng não. Nhiều gia đình cùng lúc có 2-3 trẻ cùng vào. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.
Chị Nguyễn Thị Hiền cho hay: “5 giờ sáng ngày 13/4, con trai chị là cháu P.T.Q, 7 tuổi xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn mửa. Sau đó chị đưa con đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được các bác sĩ cho nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Cháu được các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bị hội chứng viêm màng não.
Và chỉ sau đó 1 ngày, chị gái của cháu P.T.Q là P.T.N.L (13 tuổi) cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, nên được đưa vào điều trị cùng em. Đến nay, sức khỏe của 2 chị em đã phần nào hồi phục, các triệu chứng giảm”.
Bác sĩ thăm khám cho cháu P.T.Q. Ảnh: Thành Chung
Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Những năm trước, hội chứng viêm màng não cũng đã xuất hiện song năm nay số lượng bệnh nhân mắc tăng cao hơn nhiều lần. Các ca bệnh bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 3/2021 và bùng phát dữ dội từ đầu tháng 4/2021 đến nay. Cụ thể, bệnh xuất hiện cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở Nghệ An, bệnh xuất hiện hầu như tất cả các huyện, thành, thị.
Trong số 100 trẻ đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi thì số bệnh nhân từ Hà Tĩnh sang chiếm 20,4%; số bệnh nhân ở thành phố Vinh chiếm 18%, Thanh Chương 15,6%, Nghi Lộc 10,8%, Diễn Châu 8%…
Và không riêng gì trẻ em, hội chứng viêm màng não này còn xuất hiện ở người lớn. Từ đầu tháng 4 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cũng đón nhận 5-6 bệnh nhân vào điều trị căn bệnh này.
Video đang HOT
Hội chứng viêm màng não đã phát triển thành dịch, có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Điều đáng nói, đến thời điểm này căn nguyên của bệnh vẫn chưa xác định được rõ ràng. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã gửi mẫu (máu, dịch não tủy, phân) ra Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhờ xét nghiệm. Song câu trả lời là chưa phân lập được chủng virus. Hai bệnh viện sẽ tiếp tục gửi mẫu để xác định.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Với các triệu chứng sốt, nôn, đau đầu (hội chứng viêm màng não), chúng tôi nghĩ nhiều đến viêm màng não do Enterovirus (virus đường tiêu hóa). Song để xác định rõ là chủng nào thì rất khó vì virus này có tới 15 chi, 300 loại.
Hiện nay, việc điều trị hội chứng viêm màng não chủ yếu là điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống co giật, nếu bất thường thì dùng kháng sinh và theo dõi tránh diễn biến nặng. Bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày điều trị, không để lại di chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng khuyến cáo mọi người thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Ảnh: Thành Chung
Tuy nhiên theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng: Nếu không điều trị thì rất có thể bệnh sẽ chuyển biến nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu chuyển sang viêm não. Bệnh cũng có thể tái mắc nhiều lần.
Thông tin thêm từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Khi nhập viện điều trị, các ca bệnh này đều khỏi và xuất viện sau 10-14 ngày điều trị; không phải chuyển tuyến bất cứ bệnh nhân nào. Hiện tại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chưa ghi nhận ca bệnh nào lây chéo giữa các bệnh nhi và người chăm trẻ. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngay từ đầu mùa, Bệnh viện đã thực hiện cách ly riêng, nghiêm ngặt các ca bệnh có biểu hiện viêm màng não cũng như các bệnh lây nhiễm khác ở trẻ em.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Hiện nay, chưa có vắc- xin phòng hội chứng viêm màng não. Vậy nên để phòng bệnh, mọi người cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất diệt con vật trung gian gây bệnh; thường xuyên vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại các trường học, nhà trường và giáo viên tránh cho các cháu sử dụng chung cốc nước, khăn mặt. Khi xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn, sốt cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để khám sàng lọc, điều trị kịp thời.
Trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu do nuốt phải virus nhưng phòng bệnh không hề khó
Trong những ngày cuối tháng 3, các tỉnh thành phố phía Nam đã ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) tăng nhanh so với giai đoạn trước đó.
Các tỉnh, thành phố phía Bắc bệnh TCM xuất hiện rải rác. Nhiều trường hợp có biến chứng và có thể có cả tử vong là nguy cơ hiện hữu. Tăng cường hiểu biết đúng về bệnh TCM để có ứng phó thích hợp ở cả khía cạnh từ cá nhân, đến hộ gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Tác nhân gây bệnh TCM là virus và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Bệnh TCM do các chủng virus thuộc họ virus đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra. 2 nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM giống nhau bất kể chủng virus gây bệnh nào.
Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như biến chứng viêm màng não, viêm não do virus, hoặc tổn thương cơ tim.
Điều đáng lưu ý là hiện nay vẫn chưa có thuốc tiêu diệt được tác nhân gây bệnh, nói cách khác là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy thái độ tích cực nhất đối với bệnh TCM là dự phòng không để mắc bệnh.
Bệnh TCM dễ lây từ người sang người. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh
Virus gây bệnh TCM có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Đây là nhóm virus có sức sống bền bỉ. Nó có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560 độ C; Ở nhiệt độ lạnh - 40 độ C, virus có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường.
Các bề mặt trong môi trường sinh hoạt chung mà có người bệnh thường là những nơi chứa virus: như dụng cụ ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung... Trẻ em tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu qua bàn tay, rồi đưa lên miệng và nuốt phải virus. Chuyên môn gọi là lây truyền qua "tiếp xúc". TCM là bệnh rất dễ lây lan.
Khám cho trẻ mắc TCM tại BV Nhi đồng Đồng Nai.
Phát hiện sớm và theo dõi biến chứng của bệnh TCM
Phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những điều kiện quan trọng tác động đến quá trình điều trị, theo dõi diễn biến, hạn chế nguy cơ biến chứng và tử vong. Hầu hết trẻ mắc bệnh TCM nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.
Sau khi nuốt phải virus gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng với biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông; ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; loét miệng là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc TCM; vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 - 3mm; loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn, bỏ ăn, bỏ bí và tăng tiết nước bọt.
Hầu hết trẻ chỉ sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 - 38C. Khi trẻ bị sốt cao trên 39C liên tục từ 2 ngày trở lên là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM có thể có biến chứng nghiêm trọng, cần phải nhập viện để theo dõi điều trị.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện sớm, nghi ngờ mắc TCM như trên, cha mẹ, người chăm sóc cần đưa trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị, theo dõi và dự phòng lây lan bệnh.
Khi trẻ mắc TCM cần lưu ý theo dõi một số dấu hiệu sau để nhận dạng tình trạng bệnh nặng và biến chứng: sốt cao liên tục từ 39C trở lên, đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm); yếu chi; giật mình; trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; nôn nhiều; quấy khóc, dỗ không nín; co giật; thở mệt...
Nhận dạng sớm được tình trạng bệnh nặng của trẻ mắc TCM để kịp thời điều trị, chăm sóc, can thiệp là cách tốt nhất hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong của trẻ bệnh.
Phân biệt TCM với một số bệnh có biểu hiện tương tự
Do có triệu chứng tương tự, bệnh TCM có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác:
Viêm loét miệng: thường là các vết loét sâu, nhiều dịch tiết và hay tái phát.
Một số bệnh có phát ban, phỏng nước: sốt phát ban (ban đỏ, xen kẽ ít dạng sẩn, thường kèm theo hạch sau tai); dị ứng (ban đỏ đa dạng, không có phỏng nước); viêm da mủ (tổn thương đỏ, đau, có mủ); thuỷ đậu (phỏng nước rải rác toàn thân, nhiều lứa tuổi).
Chủ động phòng bệnh là giải pháp ứng phó tích cực đối với bệnh TCM
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ động dự phòng chính là giải pháp ứng phó tích cực đối với bệnh TCM.
Phòng bệnh cá nhân: mỗi cá nhân hình thành thói quen và văn hoá vệ sinh tay, huấn luyện cho trẻ thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng; đặc biệt là vệ sinh tay sau khi thay tã lót, khi có tiếp xúc với phân, nước bọt. Không xả, làm văng bắn nước bọt, phân ra ngoài môi trường.
Phòng bệnh trong gia đình và cộng đồng: xây dựng văn hoá vệ sinh tay trong gia đình, lớp học, nhà trường; đặc biệt với người trực tiếp chăm sóc trẻ...
Lau rửa, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ sau khi sử dụng (khuyến khích sử dụng hoá chất khử khuẩn). Lau vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn.
Sử dụng nguồn nước sạch. Khi có trẻ nghi ngờ mắc TCM không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi công cộng; quản lý trẻ tại nhà trong 10-14 ngày, tuân thủ vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống; không cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ sống cùng; tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch; dinh dưỡng cho trẻ dầy đủ; theo dõi các dấu hiệu chỉ điểm biến chứng sớm; đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn theo dõi, điều trị và phòng bệnh.
Nhổ lông mũi, nam thanh niên tử vong vì bị viêm màng não Nhổ lông mũi là hành động tưởng chừng đơn giản, nhiều người làm nhưng lại có thể gây tử vong! Nhắc đến lông mũi thì quả thực nó là một thứ rất "kỳ diệu". Lông mũi là một trong những thành phần tự nhiên của con người, có vai trò lọc không khí cho cơ thể, thậm chí tầm quan trọng của nó...