Nghệ An: Gia đình 4 người bị ngộ độc khí than khi sưởi ấm, 1 người chết
Bệnh viện đa khoa TP.Vinh (Nghệ An) tiếp nhận 4 người trong một gia đình bị ngộ độc khí than, một người tử vong trước khi nhập viện.
Ảnh minh họa
Tối 26.11, Bệnh viện đa khoa TP.Vinh cho biết, các bệnh nhân nhập viện vào sáng 25.11 gồm ông N.C.T (SN 1943), bà V. (SN 1948), chị N.N. (SN 1983) và một cháu bé sơ sinh, trú tại phường Cửa Nam (TP.Vinh).
Trong 4 bệnh nhân thì ông N.C.T đã tử vong trước khi đưa vào viện. 3 bệnh nhân còn lại nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, lơ mơ, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức, theo dõi ngộ độc khí CO. Cháu bé sơ sinh được người nhà trực tiếp đưa vào Bệnh viện Sản – Nhi.
Người thân của các bệnh nhân trên cho bác sĩ cho biết, do chị N. mới sinh, trời lạnh nên gia đình đốt than trong nhà để sưởi ấm nên dẫn đến bị ngộ độc khí.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Bác sĩ lập tức cho các bệnh nhân thở oxy cao áp, truyền dịch để ổn định sức khỏe và chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Ngô Nam Hải, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa TP.Vinh khuyến cáo:
Khi than bị đốt cháy trong điều kiện ít oxy như phòng kín sẽ sản sinh ra khí CO và CO2. Hai khí này đều có tác dụng xấu cho sức khỏe con người. Trong đó, đặc biệt là khí CO, là một chất khí không màu, không mùi được sản sinh ra trong quá trình cháy không hoàn toàn của cacbon và các hợp chất chứa cacbon. Do vậy, nhiều người sẽ không nhận biết được mình đang hít phải khí CO cho đến khi bị ngất hoặc lịm ngay trong lúc ngủ.
Video đang HOT
Do đó, khi bắt buộc phải sưởi ấm bằng than trong điều kiện thời tiết quá lạnh, người dân cần lưu ý các điểm sau:
- Đốt than sưởi ấm chỉ sử dụng than củi, tuyệt đối không sử dụng than đá và than tổ ong.
- Tuyệt đối không được dùng than để sưởi ấm ở trong phòng kín, nhất là khi trong nhà có người già và trẻ nhỏ. Khi đốt lửa sưởi ấm cần mở cửa phòng để có không khí trao đổi.
- Chỉ sử dụng than để sưởi ấm trong thời gian ngắn, tối đa là 1 tiếng đồng hồ. Tuyệt đối không đốt than sưởi qua đêm.
- Để lò than ở vị trí xa cửa ra vào và các nơi có thể bắt lửa.
- Khi phát hiện người bị ngộ độc khí, ngay lập tức phải đưa nạn nhân ra khỏi khu vực khí độc, đến nơi thoáng khí, có càng nhiều oxy càng tốt. Sơ cấp cứu bằng hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân đã thở được thì đưa đến bệnh viện.
- Ngoài cách sưởi than truyền thống, người dân có thể sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện như quạt điện, chăn điện, máy sưởi, điều hòa nóng…
Quang Cường
Theo motthegioi
Suýt chết do ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong
Anh Vũ Viết Lợi, 48 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng hôn mê, chân tay cứng đơ, suy hô hấp, trụy mạch.
Ngày 11/11, anh Lợi được người nhà phát hiện hôn mê ở phòng nghỉ, miệng sùi bọt, toàn thân co giật. Trong phòng đặt một bếp than tổ ong cùng ấm sắc thuốc nam. Anh được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế TP Cẩm Phả sau đó chuyển đến sang Bệnh viện Bãi Cháy.
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu phù não. Các sĩ xác định bị ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực. Ảnh: Mạc Thảo
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, lập tức hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, hỗ trợ máy thở. Một ngày sau anh Lợi thở lại được bình thường. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị oxy cao áp để phân giải, đào thải khí CO ra khỏi cơ thể, kết hợp tập luyện phục hồi chức năng.
Anh Lợi kể đang sắc thuốc bằng bếp than tổ ong bên ngoài phòng thì trời mưa nên đưa bếp vào trong phòng và đóng kín cửa đi ngủ. "Nằm được một lúc tôi cảm thấy khó chịu, khó thở nhưng tay chân vô lực, không kêu lên nổi, sau đó lịm dần", bệnh nhân miêu tả.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khởi, khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu, nạn nhân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực. Ngộ độc khí CO khiến tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não. Nạn nhân không được điều trị kịp thời sẽ bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân ngạt khí CO được cứu sống thì mắc các di chứng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Điều trị oxy cao áp để đào thải khí CO ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Mạc Thảo
Mùa đông đến, nhiều người vẫn có thói quen đặt bếp than tổ ong trong nhà hay phòng kín để sưởi ấm. Điều này là rất nguy hiểm bởi nguy cơ ngộ độc khí CO.
Bác sĩ khuyến cáo:
- Không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín.
- Người già và trẻ em sức đề kháng kém cần tránh xa bếp than tổ ong. Khí CO từ bếp than sẽ làm suy hô hấp nhanh, nguy cơ tử vong cao.
- Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà. Đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế, nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Anh tử vong, em trai nguy kịch vì nghi ngộ độc thực phẩm Ngày 11.11, Công an TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 1 bé trai tử vong, cháu còn lại trong tình trạng nguy kịch. Ảnh minh họa Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 10.11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 bệnh nhân...