Nghệ An chủ động triển khai phương án ứng phó với siêu bão Mangkhut
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương, chiều 14/9, tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thành, thị về triển khai phương án nhằm chủ động đối phó với siêu bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo.
Theo dự báo, khả năng cao bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc bộ trong khoảng ngày 16 – 17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 16 – 17/9.
Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ ngày 17 – 19/9.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: Phú Hương
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An có 3.845 phương tiện/18.556 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 10h ngày 14/9, số phương tiện đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An là 2.716 phương tiện/6.217 lao động; phương tiện đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung là 259 phương tiện/2.061 lao động.
Toàn tỉnh có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, hiện cơ bản đầy nước, nếu mưa lớn thì các hồ chứa rất nguy hiểm; trên địa bàn có 13 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các địa phương tổ chức ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó với siêu bão. Ảnh: Phú Hương
Video đang HOT
Đến nay, lúa hè thu đã thu hoạch được 37.579 ha/ 58.811 ha, lúa mùa đã thu hoạch được trên 9.474 ha/37.579,85 ha; 2.726 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch trong tổng số 20.758 ha; có 696 lồng nuôi cá trên sông, hồ đập mặt nước lớn, đã thu hoạch 22 lồng.
Dự kiến, trong ngày mai 15/9, Nghệ An sẽ đưa hết các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào khu tránh trú an toàn; trong 3 ngày tới tập trung hoàn thành thu hoạch lúa hè thu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu: Các địa phương và ban, ngành tổ chức ứng trực đầy đủ 24/24h, theo dõi sát diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không được có tư tưởng chủ quan.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân; kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, tổ chức cưỡng chế di dời khi cần thiết. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão. Ảnh: Phú Hương
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, đê nội đồng và hồ đập trên địa bàn. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để vận hành phù hợp, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị đối phó với siêu bão tại các địa phương, kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu: Sau cuộc họp này, các huyện, thành, thị phải khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão tại địa phương.
Trong vấn đề sơ tán đảm bảo an toàn, ở các huyện miền núi phải lưu ý những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; các huyện và thị xã ven biển đề phòng nước biển dâng, ngập úng ở vùng trũng.
Chủ động phương án hỗ trợ các hộ dân vừa bị thiệt hại do bão số 3, số 4 và lũ lụt cuối tháng 8 vừa qua; không để nhân dân bị đói, rét (đặc biệt các hộ chưa có nhà ở, đang ở tạm trong lều bạt).
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ để đảm bảo an toàn công trình trong đợt lũ cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh: Phú Hương
Các huyện, thị xã ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ khi có yêu cầu; chỉ đạo thu hoạch thủy sản và cây trồng, có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng; ứng trực không cho người và phương tiện đi qua vùng nguy hiểm./.
Phú Hương
Theo baonghean
Siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp vùng nào của Việt Nam?
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, xác suất siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An lên tới 70-80%.
Siêu bão này được dự báo có vùng ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, gây ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm gồm mưa rất lớn, gió rất mạnh và nước triều dâng rất cao.
Siêu bão Mangkhut giật cấp 17 đang hướng vào biển Đông
Mạnh tương đương bão Hải Yến năm 2013.
Ông Lê Thanh Hải cho biết, bão Mangkhut đang ở thời điểm mạnh nhất ở cấp 16,17. Theo phân loại bão, cơn bão này được xếp vào nhóm siêu bão (từ cấp 16 trở lên).
Tất cả các mô hình dự báo hiện nay đều cho rằng, bão sẽ hướng về phía bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc, Khoảng sáng thứ 7 sẽ đi vào Biển Đông. Khi tương tác với đảo Luzon (Philipines), bão có khả năng giảm đi một chút , có khả năng khi vào bắc Biển Đông, bão giảm 2 cấp là 14, 15, giật cấp16,17. Khi tiến sát vào Lôi Châu, bão có khả năng giảm thêm 1,2 cấp nữa.
Theo ông Hải, cơn bão này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng nên khi vào đến phía bắc vịnh Bắc bộ, vùng gió mạnh cấp 10 bao kín cả vịnh Bắc bộ, mạnh khoảng cấp 12. Có 2 kịch bản về đường đi của bão. Một kịch bản là đi về phía bắc của vịnh Bắc bộ. Kịch bản 2 là đi thấp hơn, vào giữa vịnh Bắc bộ. Kịch bản đi về phía bắc vịnh Bắc bộ khoảng 60% trong khi kịch bản giữa vịnh Bắc bộ khoảng 40%. Về cường độ thì tương đối khó, bão có thể mạnh cấp 11, 12 giật 14,15 trên vịnh Bắc bộ nhưng có thể giảm thêm khi bị ảnh hưởng của đảo Hải Nam và vùng ven bờ.
Cũng theo ông Hải, cơn bão này tương đương với cơn bão Hải Yến năm 2013, gây một thảm họa gần 7000 người chết ở Philipines. Nguyên nhân chính là nước dâng do bão lớn như sóng thần, tới 7,5m. Ngoài Mangkhut, bắc bán cầu đang có một loạt cơn bão, một ổ ở Đại Tây Dương với 3 cơn, phía đông Thái Bình Dương 2 cơn, tây Thái Bình Dương có 3 cơn.
Mưa rất lớn, gió rất mạnh và nước triều rất cao
Theo ông Hải, khả năng siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An là rất lớn, xác suất lên tới 70-80%. Đáng lưu ý là gió mạnh sóng lớn trên vịnh Bắc bộ, bắt đầu từ sáng sớm ngày chủ nhật, kéo dài đến sáng sớm thứ 2. Trưa và chiều thứ 2 ảnh hưởng trực tiếp đên Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Thậm chí rìa nam của cơn bão có thể ảnh hưởng đến Quảng Trị.
Một nguy hiểm nữa, theo ông Hải là những cơn bão rất mạnh có nước dâng rất mạnh. Thời điểm trưa thứ 2, thủy triều cao nhất, kết hợp với bão, nước biển có thể dâng lên 4-6m, đê biển vùng từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Nghệ An cần lưu ý. Tại vùng đông bắc, hoạt động du lịch và khai thác hải sản khá nhộn nhịp nên phải có cảnh báo sớm để có phương án phòng chống, di dời càng sớm càng tốt.
Một điểm nguy hiểm khác là từ chiều thứ 2, do ảnh hưởng của bão, xuất hiện một đợt mưa rất lớn, Thời gian mưa dồn dập là 17,18/9. Vùng trung tâm mưa có sự dịch chuyển. Ngày 17, cơn bão ở phía đông Bắc bộ nên mưa tập trung chính ở đông Bắc bộ và bắc Thanh Hóa, sau đó mưa lan rộng theo sự dịch chuyển của cơn bão ra khu vực phía tây gồm tây Bắc bộ, tây Bắc Trung bộ và vùng Thượng lào. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng 300-400mm.
Theo ông Hải, bây giờ đang là cuối mùa mưa, nước trên các hồ chứa khá cao nên đợt mưa này có thể gây thêm nhiều lo ngại. Ví dụ, hồ chứa Thủy điện Hòa Bình cho phép 117 mét mà bây giờ đang là 116,98, tức là không còn chỗ trữ nữa. Năm ngoái tháng 10 có một trận mưa lớn, riêng hồ Hòa Bình phải mở 8 cửa nhưng may là chỉ mưa ở hồ Hòa Bình chứ hồ Sơn La không mưa. "Trong đợt mưa này, trường hợp này cả 2 hồ đều mưa thì đây là tình huống phải có sự chỉ đạo, chỉ huy linh hoạt", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, cơn bão này sau khi vào Biển Đông sẽ đi tương đối nhanh, khoảng 20km/giờ. Vì vậy chỉ còn khoảng 2 ngày nữa cho công tác chuẩn bị phòng chống. Ông Lưu ý, do dự báo cường độ bão rất khó nên người dân nên cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo.
NGUYỄN HOÀI
Theo TPO
Sau mưa lớn, hàng loạt hồ ở miền Trung mở cửa xả lũ Trong khi hồ Sơn La, hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang đã đóng tất cả các cửa xả đáy; Hồ Trung Sơn (Thanh Hóa) và Hồ Bản Vẽ (Nghệ An) đang mở 06 cửa xả mặt; 56 hồ xả điều tiết qua tràn... - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết. Hồ Bản vẽ mở 6 cửa xả...