Ngày truyền thống bộ đội phi công: Trò chuyện với Thượng tướng phi công Võ Văn Tuấn
Được đánh giá là một trong những phi công bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, trải lòng về cuộc đời binh nghiệp đầy ắp kỷ niệm vui buồn, trong đó có bay tuần tiễu ở Trường Sa, sự sẵn sàng của không quân trong cuộc chiến bảo vệ biên giới chống quân Trung Quốc xâm lăng tháng 2/1979…
Với cánh báo chí chúng tôi, ông Võ Văn Tuấn là một trong những vị tướng gần gũi nhất, cởi mở nhất. Trước những thông tin “nhạy cảm” nhất, “khó” nhất, chúng tôi đều tìm đến ông.
Một dạo cuối cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2015, sự vắng mặt bất thường của Đại tướng Phùng Quang Thanh lúc đó đang đương chức Bộ trưởng Quốc phòng làm dấy lên những tin đồn về sức khoẻ của ông. Trước nay, những thông tin từ Quân đội đều rất khó khăn, nói gì đến thông tin của Bộ trưởng Quốc phòng!
Phóng viên các báo nháo nhác đi hỏi thông tin chính thức, chủ yếu ở Ban chăm sóc sức khoẻ Trung ương.
Nhưng những thông tin có phần còn mập mờ khó lòng làm yên dư luận.
Giữa cơn bão tin đồn phần nhiều mang nặng ác ý ấy, Phó Tổng tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn xuất hiện. Ông trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên. Ông khẳng định chắc nịch rằng sức khoẻ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không có gì phải quan ngại, rằng ông đang điều trị ở Pháp và sớm trở về nhiệm sở điều hành công việc bình thường.
Nhờ những thông tin từ chính vị tướng, thủ trưởng của Bộ Tổng tham mưu ấy mà cơn bão tin đồn nhanh chóng tan hẳn.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn trong buồng lái chiến cơ.
Rồi đến những ồn ào xung quanh việc nữ quân nhân còn rất trẻ đẹp như hotgirl nhưng lại mang quân hàm đến cấp Trung tá tham gia diễu binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ông Võ Văn Tuấn cũng xuất hiện trả lời tất cả thắc mắc của cư dân mạng được các phóng viên mang đến ông.
Người ta cũng thường xuyên thấy ông “khoe” trên facebook những khoảnh khắc ông chìm đắm trong bài ca Nga, Việt bất hủ khi gặp gỡ bạn bè từng học tập, công tác ở Liên Xô, Liên bang Nga.
Ông Võ Văn Tuấn luôn là vị tướng gần gũi như vậy.
Nhân kỉ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Không quân (3/3/1955 – 3/3/2019), Thượng tướng Võ Văn Tuấn dành cho phóng viên VTC News cuộc trò chuyện cởi mở.
Chiến tranh biên giới 1979: Không quân đã sẵn sàng
“Nói về thế hệ phi công chiến đấu thì tôi không chính thức thuộc thế hệ này. Mặc dù đi bộ đội khi còn chiến tranh nhưng khi tôi trở thành phi công thì đất nước đã hòa bình”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
“Tôi tham gia bộ đội năm 1973 và vào lính bộ binh. Tuy nhiên, từ bé, tôi đã có ước muốn trở thành phi công, ngày học lớp 3, Việt Nam có 3 anh hùng phi công là Trần Hanh, Lâm Văn Lích và Nguyễn Văn Bảy. Ấn tượng của họ đã in sâu trong tâm trí tôi.
Giữa lúc Mỹ tổ chức chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tôi sơ tán về làng Đình Thôn, Mỹ Đình hiện nay để học và khi đó rất thần tượng các phi công Việt Nam, luôn luôn mơ ước trở thành phi công.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (phải) và ông Võ Văn Tuấn.
Thế nhưng càng lớn, ước mơ lại ngày càng xa nhưng đến lúc tưởng như đã quên đi thì nó lại trở thành sự thật. Năm 1973, tôi nhập ngũ ở đơn vị 308, Sư đoàn quân tiên phong và chuẩn bị vào chiến trường B, lúc đó, Không quân Việt Nam tổ chức khám tuyển phi công ở các đơn vị.
Sau lượt sơ tuyển ở sư đoàn với 500-600 chiến sỹ tham gia, chỉ có 13 người vượt qua được và tiếp tục quay về đơn vị huấn luyện chờ điều tra lý lịch. Sau quá trình này, chỉ còn 3 người còn lại trong danh sách là tôi, Phan Hồng Quân và Văn Minh Hòa”.
- Ông được huấn luyện bay ở đâu?
Ban đầu, các học viên được luyện tập ở tiểu đoàn dự khóa bay của Quân chủng Phòng không không quân ở sân bay Bạch Mai. Tại đây, chúng tôi được rèn luyện, bổ túc văn hóa, tiếng Nga, thể lực và ăn uống bồi dưỡng theo tiêu chuẩn phi công trước khi được cử đi học ở Liên Xô hoặc Trung Quốc.
Sau thất bại trong chiến dịch 12 ngày đêm bắn phá Hà Nội, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris. Khi đó, mặc dù chiến tranh phá hoại đã kết thúc nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn, vì vậy, nhu cầu đào tạo phi công chiến đấu vẫn còn.
Trước khóa huấn luyên của tôi, có rất nhiều học viên Việt Nam được cử đi học phi công. Tuy nhiên, kể từ sau Hiệp định Paris, cả Trung Quốc và Liên Xô đều có dấu hiệu lưỡng lự trong việc tiếp nhận học viên Việt Nam.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn trước giờ cất cánh
Động thái này của Liên Xô và Trung Quốc có thể do giữa các nước lớn có thỏa thuận ngầm với nhau. Do đó, quá trình huấn luyện ở nước ngoài bị dừng lại trong 2 năm, đến 1975 các học viên Việt Nam mới tiếp tục sang Liên Xô học tập.
Sau giải phóng miền Nam, tôi được đào tạo tại Trường Sỹ quan không quân ở Nha Trang rồi chuyển sang Liên Xô học lái tiêm kích. Cuối 1979, tôi tốt nghiệp về nước, khi đó cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc đã qua giai đoạn căng thẳng, do đó tôi không trực tiếp tham gia chiến đấu.
- Nghe nói, chúng ta đã sẵn sàng cho không quân đến biên giới, thưa Thượng tướng?
Chúng ta đã dự định sẵn sàng cho không quân. Các đơn vị từ miền Nam tập kết ra sân bay Nội Bài, sân bay Kép và sân bay Yên Bái, kết hợp với các đơn vị phía Bắc.
Tuy nhiên, Việt Nam không sử dụng không quân cho cuộc chiến này.
Ban đầu, tôi được đào tạo lái MiG-21 tại Liên Xô nhưng sau chiến tranh, Liên Xô có viện trợ cho Việt Nam một số chiến cơ mới nên tôi học chuyển loại sang Su-22M.
- Vì sao thay thế MiG bằng Su-22? Giữa 2 loại chiến cơ này có gì khác biệt, thưa ông?
Riêng về điều khiển, khi đã trở thành phi công chiến đấu, việc học bay chuyển loại không phải là vấn đề khó khăn, như đổi loại xe ô tô hiện nay.
Sau đó, tôi đóng quân ở sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa, đến năm 1983 được cử đi học ở Học viện không quân Gagarin và về nước năm 1987. Trong 4 năm này, tôi được đào tạo về chỉ huy tham mưu không quân chứ không phải đào tạo bay như các lần trước.
Đến năm 1988, Việt Nam nhận viện trợ Su-22M4 từ Liên Xô với số lượng 34 chiếc, trong đó 30 máy bay chiến đấu và 4 máy bay huấn luyện. Tôi đóng quân ở trung đoàn này tại sân bay Phan Rang.
Trước đó, trong những năm 1979-1980, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 46 máy bay Su-22M, trong đó có 6 máy bay huấn luyện và 40 máy bay chiến đấu.
Thời điểm đó, các máy bay Su-22M4 thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tra ở khu vực quần đảo Trường Sa. Sau khi Liên Xô tan rã, đến năm 1995, Việt Nam quyết định mua Su-27 sau 6 năm sử dụng Su-22M4.
Quyết định mua Su-27 được đưa ra do đây là loại chiến cơ hiện đại, có khả năng vươn biển, bảo vệ Biển Đông. Khi đó, tôi tiếp tục được học chuyển loại lên Su-27 và đây là lần thứ 3 tiếp cận với chiến cơ mới nhất của Việt Nam, từ MiG-21 lên Su-Su-22M rồi Su-22M4 và Su-27.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã có hơn 1.000 giờ bay, đây là con số lớn với các phi công phản lực và phải trải qua quá trình tích lũy khá gian khổ
- Tại sao MiG-21 được sử dụng rất hiệu quả trong chiến tranh nhưng sau này Việt Nam lại chuyển sang sử dụng các loại chiến cơ của Sukhoi?
Trong chiến tranh, các thế hệ máy bay Mỹ như F-4, F-105 chỉ phát triển ở mức tương đương với MiG-21 của Liên Xô. Cho đến khi Không quân Mỹ sử dụng các chiến cơ hiện đại như F-15, F-16, buộc Liên Xô phải đưa ra các chiến cơ mới có ưu thế khi đối đầu.
Khi đó, đối thủ của F-16 là MiG-29 và đối thủ của F-15 là Su-27, do 2 viện thiết kế Sukhoi và Mikoyan triển khai theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tuy nhiên, Việt Nam lựa chọn Sukhoi là do tầm vươn xa của Su-27, chiếm ưu thế hơn.
Video đang HOT
Hiện nay, MiG-21 đã được dừng sử dụng hoàn toàn gần 3 năm. Trong khi đó, các chiến cơ Su-22 vẫn được sử dụng, tuy nhiên, đây là dòng cường kích bom nên ưu điểm của nó là tấn công các mục tiêu mặt đất, không phải không chiến.
Trong khi đó, Su-27, Su-30 là các tiêm kích đa năng, có khả năng chiến đấu với nhiều nhiệm vụ.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Tôi đã có hơn 1.000 giờ bay
Phi công Su-27 giỏi nhất Việt Nam
- Đến nay, ông đã có bao nhiêu giờ bay?
Tôi đã có hơn 1.000 giờ bay, đây là con số lớn với các phi công phản lực và trải qua quá trình tích lũy khá gian khổ, không đơn giản như phi công dân sự.
Lý do là mỗi nhiệm vụ bay của phi công phản lực chỉ kéo dài xấp xỉ 30 phút, thậm chí, những chuyến bay đào tạo cất cánh, hạ cánh đối với phi công chiến đấu chỉ chưa đến 10 phút.
Tuy nhiên, có những cuộc chiến mà các phi công có thể phải duy trì chuyến bay lên đến hàng giờ, thậm chí đến 8 tiếng khi được máy bay tiếp dầu hỗ trợ như trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe phi công.
- Nhiều phi công lái máy bay chiến đấu nói rằng ông là phi công bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam?
Tôi hết sức cám ơn thế hệ phi công chiến đấu đi trước, những người được cho là thuộc thế hệ vàng của phi công Việt Nam, đến nay có nhiều người trong họ đã hi sinh.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn
Nhờ có những phi công này, tôi và những người dân Việt Nam hôm nay mới được hưởng hòa bình trọn vẹn. Có thể nói, tôi đã may mắn khi không trực tiếp tham gia chiến tranh.
Trong sâu thẳm, tôi luôn tâm niệm mình và các thế hệ phi công đi sau phải bay thật tốt, vì vậy tôi luôn phải cố gắng, nỗ lực. Với tâm niệm và sự cố gắng đó, tôi rất tự hào khi nói rằng mình là một trong những phi công bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam.
- Vậy ông có kỷ niệm đặc biệt nào với loại chiến cơ này?
Tôi vinh dự khi là một trong 6 phi công đầu tiên được đi học chuyển loại từ Su-22M4 lên Su-27. Sau khi học chuyển loại ở Nga, tôi được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng của Trung đoàn 937 tại Phan Rang, nơi có cả Su-22 và Su-27.
Sư đoàn 370 làm nhiệm vụ từ vĩ tuyến 13 trở vào phía nam, trong đó, Trung đoàn 937 của tôi có nhiệm vụ chính là bảo vệ Trường Sa.
Sau khi nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng, tôi đã tích cực phối hợp với các chuyên gia Nga, huấn luyện, đào tạo các thế hệ phi công kế cận.
Do là trung đoàn được tiếp nhận nhiều loại chiến cơ mới nên nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, trung đoàn còn có những chuyến bay biểu diễn, thực hiện các bài bay khó cho lãnh đạo thị sát.
Bay tuần tra ở Trường Sa
- Với nhiệm vụ chính của Trung đoàn 937 như vậy, ông có thường xuyên bay tuần tra Trường Sa?
Khi đó, ngoài là Trung đoàn trưởng, tôi còn là biên đội trưởng của biên đội Su-27 đầu tiên bay tuần tra Trường Sa. Nhiệm vụ này được thực hiện vào năm 1997, trước đó, các chuyến bay Trường Sa do Su-22 thực hiện.
Thời gian bay từ đất liền ra Trường Sa chỉ xấp xỉ 30 phút. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận khu vực quần đảo Trường Sa, chiến cơ sẽ tuần tra ở các điểm đảo và nhiều khu vực hoạt động khác trước khi trở về đất liền.
Mỗi chuyến bay như vậy kéo dài trong khoảng gần 2 giờ. Tùy thuộc vào chế độ bay, Su-27 có thể hoạt động liên tục từ 3-4 giờ.
Tùy thuộc vào chế độ bay, Su-27 có thể hoạt động liên tục từ 3-4 giờ.
- Vậy thời điểm đó, tình hình Biển Đông đang thế nào, thưa ông?
Kể từ sau sự kiện năm 1988, các nước đều chủ động giữ và củng cố các vị trí của mình. Thời điểm đó, Trung Quốc chưa đầu tư bồi đắp, xây dựng ồ ạt như hiện nay.
Khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm một số đá ngầm như Châu Viên, Chữ Thập hay Gạc Ma.
Chúng tôi thường xuyên có các chuyến bay tuần tra Trường Sa nhưng không xảy ra đối đầu. Tuy nhiên, tất cả luôn sẵn sàng cho tình huống đối đầu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Lúc đó, Trung Quốc chưa sở hữu các máy bay có thể tiếp cận Trường Sa nhưng hiện nay, họ đã cải tạo trái phép các đảo để xây dựng đường băng và có những chiến cơ tương đương Việt Nam như Su-30, Su-27, chưa kể đến những loại tự phát triển.
- Vậy tình trạng sẵn sàng chiến đấu được duy trì thế nào?
Từ trước đến nay, không quân luôn có những biên đội trực chiến, sẵn sàng chiến đấu 24/24. Chỉ cần có lệnh là xuất kích và thực hiện những động tác đã được huấn luyện kỹ càng để tận dụng thời gian tối đa.
- Trung Quốc có phản ứng gì trước các chuyến bay của Việt Nam không, thưa Thượng tướng?
Không có. Những chuyến bay của Việt Nam được thực hiện trên đúng không phận nên Trung Quốc không thể đưa ra phản ứng gì.
Qua quá trình đào tạo, các thế hệ phi công được huấn luyện để các kẻ thù không dám gây sự với chúng ta và khi có sự cố xảy ra, không quân vẫn có thể đảm bảo tốt nhiệm vụ bảo vệ.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn trên hành trình trở thành phi công bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam
Bài học quý sau vụ để “xổng” máy bay Lý Tống cướp vào Việt Nam
- Trong quá trình công tác, sự kiện nào là căng thẳng nhất mà ông từng đối mặt?
Năm 2000, Lý Tống tạo ra tình huống bất thường trên không và khiến dư luận cho rằng những kẻ như hắn sẽ còn làm được nhiều hành động điên rồ khác.
Tuy nhiên, để nói rõ hơn về vụ việc này, có thể xem Lý Tống như một con chuột may mắn chui lọt qua hàng rào, vốn được tạo ra để chống trộm.
Sau sự kiện đó, không quân đã rút ra được những kinh nghiệm quý giá.
Thời điểm đó, Lý Tống cướp một máy bay thể thao cánh quạt từ Thái Lan và bay về TP.HCM. Khi Lý Tống cướp máy bay, hắn đã chủ động bay tầm thấp để tránh radar phát hiện.
Trong khi đó, các chiến cơ trực chiến gần TP.HCM nhất là MiG-21 tại Biên Hòa, còn Su-22 và Su-27 lại ở Phan Rang.
Sau này, Su-27 và Su-30 được điều động về Biên Hòa để làm nhiệm vụ bảo vệ TP.HCM tốt hơn.
Quân đội mạnh, không phải để giao tranh mà không phải đánh nhau
- Ông đã đào tạo được bao nhiêu phi công ở Trung đoàn 937?
Con số các học viên của tôi đến nay là quá nhiều, không thể nhớ chính xác nhưng một trong những học viên nổi bật của tôi là Hiệu trưởng trường Sỹ quan không quân, người được tôi đào tạo bay trên 2 loại chiến cơ là Su-22 và Su-27.
- Quá trình công tác của ông diễn ra thế nào kể từ khi rời Sư đoàn 370?
Sau khi làm Sư đoàn trưởng, tôi được chuyển ra Hà Nội làm Tham mưu trưởng quân chủng Phòng không không quân năm 2005 và sau đó bổ nhiệm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân chủng vào năm 2008.
Đến năm 2011, tôi được chuyển sang làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và công tác ở vị trí này trong 6 năm tiếp theo.
Đến nay, tôi đã không trực tiếp bay trong 12 năm, trong đó có 6 năm làm nhiệm vụ ở Quân chủng Phòng không không quân từ Tham mưu trưởng rồi sau đó là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng của quân chủng.
- Là lãnh đạo cấp qua, trải qua rất nhiều chức vụ, cấp bậc, ông có đánh giá gì về Phòng không không quân Việt Nam hiện nay?
Thượng tướng Võ Văn Tuấn
Với tình hình hiện nay, Phòng không không quân Việt Nam đang là một trong những lực lượng mạnh trong khu vực. Theo tôi, các nước có sức mạnh tương đương với Việt Nam có thể kể đến là Indoneisa, Malaysia, Singapore hay Thái Lan.
Tuy nhiên, điểm mạnh của Phòng không không quân Việt Nam là đã kinh qua chiến tranh, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý giá để tổ chức chiến đấu.
- Là người hiểu rõ về giá trị của hòa bình, theo ông, quân đội, đặc biệt là không quân cần phát triển thế nào trong thời đại hiện nay?
Chúng ta phải làm sao củng cố được tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để có khả năng đối phó khi có xung đột xảy ra, dù không ai muốn điều đó.
Tôi rất tin tưởng các chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Với quan điểm mở rộng, muốn làm bạn với tất cả các nước, khó có thể tạo cớ để xảy ra chiến tranh.
Ai cũng hiểu, đã xảy ra chiến tranh là không có người thắng cuộc. Dù rằng, trong các cuộc chiến chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam sẽ luôn giành chiến thắng nhưng những mất mát, tổn thất là không hề nhỏ.
Cái mà chúng ta hướng đến hiện nay là khỏe, nhưng không phải để giao tranh mà khỏe để không xảy ra giao tranh.
Phi công – nghệ sỹ trên bầu trời
- Một câu hỏi mang tính chất cá nhân, cũng là người lính nhưng các phi công thường lãng mạn, tình cảm dạt dào hơn các đồng đội dưới mặt đất, phải chăng đây là do họ đã bay lên, làm chủ bầu trời?
Khi ngồi trên máy bay, nhìn ra cửa và phía dưới, tâm hồn của con người khi đó sẽ khác hẳn khi đứng dưới mặt đất.
Ngoài ra, do là lĩnh vực đặc thù, chỉ có rất ít người có thể tham gia nên các phi công chiến đấu nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Mặc dù khi vào trận chiến, mọi tâm sức của phi công đều tập trung vào nhiệm vụ nhưng những lúc bay huấn luyện, bay trong những điều kiện tốt, các phi công có cơ hội để ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, điều này ít nhiều tác động đến tâm hồn của họ.
Bên cạnh sự lãng mạn, các phi công còn có sự điềm tĩnh, bản lĩnh, những tố chất được rèn luyện trong môi trường không quân.
Nhiều phi công lái máy bay chiến đấu cho rằng ông Võ Văn Tuấn là phi công bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam
- Bản lĩnh này cụ thể là gì, thưa ông?
Do đặc thù công việc, tác chiến đa phần độc lập, thường xuyên trong tình trạng “chân không đến đất, cật không đến trời”, điều khiển những chiến cơ khổng lồ với nhiều động tác phức tạp, những điều này đã đem đến sự tự tin và tính độc lập cho người phi công.
- Vậy có thể nói các phi công chiến đấu là nghệ sỹ trong nghệ thuật điều khiển chiến cơ?
Khi người phi công xem đá bóng, múa hát hay diễn xiếc, họ có thể trầm trồ trước những động tác điêu luyện của người mình đang theo dõi. Tuy nhiên, những con người đó chắc chắn cũng không thể không ngưỡng mộ khi các phi công thực hiện được những bài bay khó, động tác nhào lộn độc đáo trên không.
Người phi công nên là nghệ sỹ, hay nói rộng ra là những con người văn hóa. Đó không chỉ là trình độ ở trường lớp mà còn là lối ứng xử, quan điểm về cuộc sống mà mỗi người phải tự tiếp thu.
Ngoài ra, các phi công cũng là những người đề cao tính khoa học và chuẩn mực trong cuộc sống cũng như nhiệm vụ.
Ví dụ như, nếu hạ cánh 1.000 lần thì sẽ có 1.000 tình huống khác nhau, không lần nào giống nhau. Khi đó, người phi công phải đưa máy bay vào chuẩn mực cho phép để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Như vậy bên cạnh sự chính xác, chuẩn mực từ góc độ khoa học, sự sáng tạo của từng phi công sẽ tác động thế nào đến từng chuyến bay?
Không phi công nào bay giống nhau. Có những người không may gặp nạn, có thể do họ đang tự tìm tòi, để sáng tạo ra những đường bay khó hơn, hiệu quả hơn trong tác chiến.
Phi công Võ Văn Tuấn trò chuyện với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Mỗi phi công khi hạ cánh đều tự hỏi, làm sao để cải thiện được khả năng bay của mình, để chuyến sau tốt hơn chuyến trước. Cách bay cũng như tính cách, không ai giống ai và từ đó, sự sáng tạo của mỗi người cũng khác nhau.
Vấn đề là, làm sao để các phi công có thể sáng tạo ra những bài bay thích hợp nhất với khả năng của từng máy bay, khai thác hết tính năng của máy bay.
Và khi đó, có thể nói họ sẽ trở thành những nghệ sỹ, tự vượt qua được những tiêu chuẩn khoa học.
- Ông có muốn một ngày mình lại lên máy bay, cất cánh và hòa mình vào bầu trời hay không?
Dù 12 năm nay không được bay nhưng tôi luôn luôn mong muốn được trở lại với bầu trời. Và tôi tin rằng, chỉ cần lên buồng lái, tôi vẫn có thể bay tốt dù có thể phải ôn lại một chút về thiết bị, thao tác, nhất là đối với Su-27.
Có thể nói, kỹ năng phi công đã ngấm trong tôi và không thể quên được.
- Vì sao ông chưa thực hiện được một chuyến bay như vậy dù rất muốn?
Trong điều kiện hiện nay, thực hiện chuyến bay như vậy là điều không dễ.
Cấp phép bay trực thăng
- Sau khi rời văn phòng, ông có ý tưởng gì về việc gắn kết với nghề bay của mình hay không?
Tôi đang cùng lên ý tưởng cùng một số bạn bè, đồng nghiệp để thành lập một công ty dịch vụ về trực thăng, tương tự như một hãng taxi trên không, dùng trực thăng làm phương tiện.
Đây sẽ là một công ty phục vụ được nhu cầu sử dụng trực thăng của những người trẻ trong xã hội, đem đến họ trải nghiệm về bay. Ngoài ra, còn có thể vận chuyển khách du lịch đến những địa điểm không quá xa hay quan trọng hơn là những chuyến bay cấp cứu.
Ý tưởng này một phần sinh ra do đam mê bay và nghề nghiệp cũ của tôi nhưng quan trọng hơn là có thể phục vụ được xã hội, đem đến dịch vụ còn khan hiếm trong giai đoạn hiện nay.
- Ý tưởng này sẽ mất bao lâu để trở thành thực tế?
Tôi đang hy vọng ý tưởng này sẽ đi vào thực tế trong năm 2020. Đây là nơi hội tụ những đồng nghiệp, bạn bè có năng lực, trí tuệ và vật chất.
- Đó là về công ty, vậy ông có quan điểm thế nào về vấn đề cấp phép trực thăng cho cá nhân có điều kiện và nhu cầu hiện nay?
Trước hết, do điều kiện quản lý bay hiện nay vẫn có những khó khăn đối với quá trình cấp phép.
Ngoài ra, nhu cầu sỡ hữu máy bay cá nhân hiện nay chưa phải nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng đã làm việc với phía Cục tác chiến để nghiên cứu, xây dựng quy chế quản lý bay độ cao thấp, vừa đảm bảo an ninh, an toàn và tạo sân chơi chung cho những người có nhu cầu.
Tôi nghĩ, trong thời gian tới, việc cấp phép bay sẽ được phân định rõ ràng, loại nào bay ở tầng nào, bay thế nào. Điều này tương tự như việc cấp phép và áp dụng quy chế quản lý đối với ô tô cách đây vài chục năm, khi loại phương tiện này còn cực hiếm.
Xin cảm ơn Thượng tướng về cuộc trò chuyện này!
Theo VTC News
Những chuyện ít biết về nguyên tổng bí thư đỗ mười
Ông có cách nói chuyện rất ấn tượng, thường vung tay, hoặc đập nhẹ vào người đối thoại một cách chân tình.
Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi "hóc búa" ông thường tỏ ra đặc biệt sắc sảo, đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe.
Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười
Chúc mừng người tiền nhiệm của mình là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tròn 100 tuổi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: "Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã 100 nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người Cộng sản trung kiên, một con người của hoạt động. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân".
Sắc sảo trước truyền thông
Về nhà lãnh đạo Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói một cách khái quát: "Đồng chí Đỗ Mười có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhưng rất khiêm tốn. Đồng chí sống chân thành, giản dị, gần gũi chan hòa với mọi người".
Trong cuộc đời làm báo của mình tôi có may mắn rất nhiều lần được trò chuyện, phỏng vấn ông Đỗ Mười, khi ông trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau là Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt là khi ông trên cương vị Tổng bí thư. Sau những lần được tiếp xúc, được làm việc với ông, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn nhận xét của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Với cánh báo chí ông là người thẳng thắn, bộc trực, dễ gần và thân thiện. Ông rất ít khi từ chối trả phỏng vấn hoặc trò chuyện với các nhà báo. Giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông nói say sưa, hùng biện, lý luận sâu sắc nhưng dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm. Ông có cách nói chuyện rất ấn tượng, thường vung tay, hoặc đập nhẹ vào người đối thoại một cách chân tình. Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi "hóc búa" ông thường tỏ ra đặc biệt sắc sảo, đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe.
Tôi còn nhớ, năm 1992, khi vừa đảm nhiệm cương vị Tổng bí thư được một năm (ông được bầu làm Tổng bí thư năm 1991, tại Đại hội Đảng VII), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, khi trả lời phóng viên Bangkok Post về việc tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận tranh cử công khai, ông cười, nhìn nữ phóng viên đặt câu hỏi rồi vung tay: "Thế là chị không theo giõi sát tình hình chính trị Việt Nam rồi. Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội VIII tháng 6 vừa qua QH chúng tôi đã đưa hai ứng cử viên là tôi và đồng chí Võ Văn Kiệt ra để đại biểu, đại diện cho dân, bầu Thủ tướng đấy.
Tại hội trường các đại biểu còn tự do phát biểu ý kiến. Đại biểu Ba Thi (tức Nguyễn Thị Ráo, Đoàn TP.HCM-NV) còn phát biểu: "Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhân dân miền Nam, nhất là nhân dân Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Võ Văn Kiệt". Trong khi đó anh Lý Chánh Trung lại nói: "Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm". Quốc hội bầu và tôi trúng cử chức Chủ tịch HĐBT".
Sau này tôi còn chứng kiến nhiều câu trả lời rất thẳng thắn, mặc dù có những lúc báo chí phương Tây cứ xoáy vào chuyện đa nguyên chính trị.
Những lần tiếp dân khiếu kiện
Trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười điều mà nhiều cán bộ từng làm việc dưới quyền ông hay nhắc tới là ông rất gần dân, coi trọng người dân. Ông Dương Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có lần kể lại chuyện khi còn là Chủ tịch HĐBT ông Đỗ Mười đã tiếp người dân đi khiếu kiện khá lý thú. "Khoảng tháng 8-1988, một hôm ông gọi tôi vào dặn: "Chú Phúc lưu ý, dân có oan mới khiếu nại lên Chính phủ, nếu Chính phủ không giải quyết thì ai giải quyết. Sáu giờ sáng hằng ngày tôi đến, chú nhớ chuyển đơn khiếu nại cho tôi xem, để tôi giải quyết".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và chúc mừng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp ông bước sang tuổi 100
Có lần, một anh nông dân đi chiếc xe đạp thồ đến Phủ Thủ tướng kêu la ầm ĩ vì bị chính quyền địa phương lấy đất. Biết chuyện, ông nói: "Thôi được, để tớ tiếp, chú mời đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lên cùng nghe xem oan sai thế nào để còn giải quyết ngay cho dân". Khi ngồi vào bàn tiếp dân, ông chú ý lắng nghe sự bức xúc của anh nông dân rồi ông trả lời rõ ràng từng câu một.
Nhưng anh nông dân vì quá nóng nảy nên ông Đỗ Mười nói đến đâu anh ta cũng nói đến đấy. Tôi nhắc nhở anh nông dân: "Bác Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng còn ngồi nghe anh trình bày từ đầu đến cuối, bây giờ bác nói cho anh hiểu, bác nói câu nào anh cãi lại câu ấy là thất lễ". Anh ta đỏ mặt nói: "Thôi chết, cháu quên! Cháu xin lỗi!" Sau đó, ông Đỗ Mười trao đổi với đồng chí Bí thư Hà Nội giải quyết việc oan ức về đất đai cho người dân ở huyện Hoài Đức"
Ông Dương Văn Phúc còn kể lần ông Đỗ Mười tiếp một đoàn khoảng hơn 60 nông dân từ huyện An Lão, Hải Phòng lên Văn phòng Thủ tướng thắc mắc về việc dời mồ mả của họ ở đường 5. Ông cho gọi Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng lên cùng tiếp, hứa giải quyết và sau đó cho xe của Văn phòng Chính phủ đưa bà con về xã. Một tuần sau công việc được giải quyết.
Ông Phúc còn thổ lộ rằng, qua một số lần dân đến Phủ Thủ tướng khiếu nại, ăn nằm tại hiên nhà và sân của Văn phòng, ông Đỗ Mười định cho xây một số nhà ngoài khuôn viên cơ quan Phủ Thủ tướng để dân đi khiếu nại có chỗ ăn ở, không phải nằm vạ vật. "Sau khi nghe tôi đã báo cáo lại cặn kẽ, ông Mười mới thôi không giao Văn phòng xây nhà kế tiếp nữa"- ông Phúc nói.
Sống thanh liêm, giản dị
Là người từng nắm những cương vị quan trong nhất của đất nước, nhưng cuộc sống riêng của ông Đỗ Mười lại rất giản dị. GS Phạm Thành, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật (nay là Nhà Xuất bản Chính trị- Sự thật), người sau khi nghỉ hưu đã được ông Đỗ Mười (lúc này là Tổng bí thư nhiệm kỳ 2- NV) mời ra giúp việc cho mình, kể rằng, nhà ông Đỗ Mười ở phố Phạm Đình Hổ, không phải là một biệt thự lớn nguy nga tráng lệ mà là một ngôi nhà cổ kính đơn sơ cả bên ngoài và bên trong.
"Lần đầu tiên tôi tới nhà ông. Tôi được đưa vào ngồi chờ ông Đỗ Mười trên một ghế mây. Trước mặt tôi là một bàn thờ như vẫn có ở bao nhà khác, với tấm ảnh chân dung chị Tạ Thị Thanh, vợ ông lúc đó vừa mới qua đời. Một lúc sau, tôi được đưa vào phòng khách. Nói là phòng khách thì không hoàn toàn đúng. Bởi vì ởđây ông Đỗ Mười vừa làm việc, vừa tiếp khách và có lẽ vừa nằm nghỉ nữa. Bởi vì bên cạnh bàn làm việc, tôi thấy có kê một chiếc giường con vừa một người nằm. Trên bàn làm việc để mấy chồng sách và chồng tài liệu khá cao. Tiếp nối bàn làm việc là bàn tiếp khách dài với hai dãy ghế ở hai bên. Kề ngay phòng làm việc hay phòng khách kiêm phòng ngủ là phòng ăn của gia đình.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Có lần ông Đỗ Mười còn dẫn tôi đi xem thư viện của ông. Đây là một căn phòng rộng như phòng khách, có bố trí rất nhiều kệ sách với đủ loại sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga. Rõ ràng đây là một thư viện tuy chật hẹp nhưng chẳng khác gì của một cơ quan nhỏ. Có lẽ các phòng ở tầng trên là nơi ở của gia đình thì cũng giản dị và đơn sơ, chứ không có gì đặc biệt. Ở phía sau căn nhà chính là căn nhà phụ có bếp và nhà xe"- GS Phạm Thành kể.
Còn ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (chú họ ông Đỗ Mười) kể lại rằng, khi ông đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, đi công tác nước ngoài về, được xếp cho ở nhà khác số 7 Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy ông Đỗ Mười đang là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Chân đến đề nghị cháu mình- Bộ trưởng Đỗ Mười bố trí nhà riêng cho mình. "Cứ nghĩ tiêu chuẩn Bộ trưởng là phải có nhà riêng. Ai ngờ anh Đỗ Mười bảo tôi: "Chú cứ ở đấy đi, nhà khách cũng là nhà, cháu xếp nhà cho chú, người ta bảo vì quan hệ chú cháu".
Nghe anh nói như vậy, tôi đành ở nhà khách suốt 20 năm. Anh lo cho người khác được, nhưng không giúp chú mình. Không phải với tôi đâu. Nhà anh ấy cũng rất đơn sơ. Anh ấy sống giản dị, quần áo, đồ đạc xuềnh xoàng. Có lần ông Phạm Văn Đồng bảo: "Nhà ông Mười chẳng có đồ đạc gì đáng giá". Nhà không có phòng ngủ riêng, chỉ có cái giường nhỏ cạnh bàn làm việc. Có hôm, anh mời tôi ăn cơm rồi ngủ lại buổi trưa, anh mời tôi nằm giường, còn anh ngồi ghế"- ông Chân kể.
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH có lần kể lại một câu chuyện hết sức cảm động về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: "Khi tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, có lần bác Mười lên tỉnh, bác yêu cầu đưa bác lên nương tận mắt xem bà con sản xuất. Chúng tôi đã mời bác đi thăm. Trông thấy bác, bà con reo lên: "Bác ơi, bác đã lên nương, bác đã là người dân của bản rồi". Bà con xúm quanh bác chuyện trò vui vẻ, có một chị mạnh dạn nói: "Hôm nay bác đến thăm bà con, không có gì tặng bác, chúng cháu hái rau bí gọi là có món quà quê tặng bác".
Nói rồi chị em chuyển tận tay Tổng Bí thư những mớ rau bí xanh ngon. Bác tươi cười dặn dò: "Các cô, các chú xen canh gối vụ thế này là rất tốt, không lo dân đói, nhưng phải chú ý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước nhé". Khi về đến cơ quan bác nói: "Cô Phóng cho chế biến món đặc sản rau bí bà con mới tặng tôi sáng nay nhé". Chúng tôi và anh em cơ quan đã làm món rau bí xào tỏi để đãi bác và khách Trung ương".
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là vậy! Ông không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà cách mạng kiên trung mà còn là người gần dân, thương dân, khảng khái, thân thiện và dễ gần.
Theo khoe365.net.vn
Hai Đại tướng Quân đội được trao tặng Huy hiệu Đảng Ngày 11/9, Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được tặng thưởng Huy hiệu 50 năm và 45 năm tuổi Đảng. Đại tướng Phùng Quang Thanh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đến dự buổi lễ trao tặng...