Ngày tiếp quản Thủ đô trong ký ức người cận vệ
Những người Thanh Hóa có mặt ở Hà Nội vào thời khắc tiếp quản, giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, đến nay chỉ còn mấy người. Trong ký ức khó phai mờ, vui mừng trào nước mắt, những người còn sống hôm nay luôn xem đó là kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên.
Ông Nguyễn Đình Sơn (người cầm cuốn sổ) chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những ngày đầu tháng 10/2014, chúng tôi tìm đến thăm người lính cận vệ năm xưa Nguyễn Đình Sơn (SN 1931) tại ngôi nhà 14/42 khối Lam Sơn 1, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), khi sức khỏe của ông đã có phần yếu vì tuổi già.
Những ngày cả nước kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, ngôi nhà của ông đón tiếp nhiều người hơn, bởi ở Thanh Hóa, có lẽ ông là một trong ít người tham gia tiếp quản Thủ đô còn sống đến hôm nay. Mọi người đến thăm ông để được xem những tư liệu ông sưu tầm, lưu giữ về Bác Hồ, nghe ông kể về câu chuyện tiếp quản Thủ đô năm xưa. Tai ông Sơn không còn nghe rõ, mắt không còn tinh ranh, câu chuyện giữa chúng tôi với ông là những câu hỏi được viết trên giấy, để ông đọc, ông ngẫm, rồi ông kể.
Ông Sơn sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, Đông Sơn (Thanh Hóa). ?Năm 1946, ông làm giao liên cho Đại đội chủ lực Tỉnh đội Thanh Hoá. Tháng 8/1953, ông tình nguyện đi TNXP, được phân bổ vào đơn vị C274, Đội 40 Đoàn TNXP Trung ương, làm nhiệm vụ sửa đường, tháo gỡ bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, ông vinh dự là một trong 5 người của đơn vị được tuyển chọn vào Đại đội C267, Đội 36 Đoàn TNXP Trung ương vào phục vụ Bác Hồ và Trung ương ở ATK. Đồng thời, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng giam bảo mật ở An toàn khu (ATK).
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Sơn nhận được lệnh của cấp trên về tiếp quản Thủ đô từ đầu 10/1954. Mọi người trong đơn vị ai cũng hạnh phúc, tự hào. Ngày 5/9/1954, đơn vị hành quân từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về xã Văn Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) dừng chân nghỉ lại thì được gặp Bác Hồ. Là cận vệ bảo vệ ATK, nhưng đây là lần đầu tiên ông Sơn được gặp và được nghe Bác Hồ nói chuyện.
Chân dung của ông Nguyễn Văn Kỷ Ảnh: Hoàng Lam
Video đang HOT
“Hôm đó trời vừa mưa, ăn trưa xong, cấp trên triệu tập ngay chúng tôi để đón Bác. Nghe lệnh triệu tập, anh em trong đơn vị ôm nhau khóc vì vui mừng được gặp Bác. Hình ảnh Bác giản dị, gần gũi. Bác chỉ vào chiếc đồng hồ để giải thích, mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều quan trọng. Cũng như cách mạng thành công là do đoàn kết, thống nhất ý chí trên dưới một lòng. Mỗi bộ phận đều có nhiệm vụ riêng, mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ đều vẻ vang. Bác nói về những khó khăn khi tiếp quản Thủ đô và căn dặn những điều cần làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ”- ông Sơn kể lại.
Sau cuộc trò chuyện với các chiến sĩ, Bác trở về căn cứ, còn ông Sơn và đơn vị tiếp tục hành quân từ Đại Từ đi Bình Ca, qua thị xã Phú Thọ, Trung Hà rồi về tập kết tại Hà Đông, để chờ lệnh cấp trên. “Từ ngày mùng 5 đến 9/10/1954, bộ đội ta tiến vào Thủ đô tiếp quản các cơ quan, công sở, công trình… từ quân Pháp. Hai bên đường là cờ, hoa, nhân dân Thủ đô chào đón quân ta trở về Hà Nội. Niềm vui ngập tràn mọi ngõ, ngách, góc phố” – ông Sơn nhớ lại.
Cuối năm 1954, ông Sơn được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị, được Bác Hồ tặng quà là một chiếc khăn mặt. Ngày 27/1/1955, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến tháng 2/1955, ông được điều về công tác tại Cục 40 cơ động- Cục cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và khi Bác đi công tác. Tại đây, ông Sơn lại vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ 2.
Đang công tác tại Cục cảnh vệ thì vợ của ông Sơn lâm bệnh qua đời để lại 3 đứa con nhỏ. Sau đó, ông Sơn về Sở Công an Thanh Hóa công tác. Trong quá trình công tác và cống hiến cho Đảng, Nhà nước, ông Sơn có vinh dự đặc biệt 4 lần nhận Huy hiệu Bác Hồ. Năm 1982, sau khi nghỉ hưu, ông Sơn dành thời gian của mình để tìm hiểu, sưu tầm về tư liệu Bác. Tại gia đình ông, hiện đang lưu giữ rất nhiều bài báo, tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ.
Theo Tiền phong
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" với độc lập, chủ quyền
Lợi ích tối cao của dân tộc được gói gọn trong 10 chữ: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn được xem là những vấn đề thiêng liêng, tối thượng đối với mỗi quốc gia. Những giá trị cốt lõi này được thể hiện một cách xuyên suốt trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2014), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Bùi Đình Thanh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) để hiểu hơn về tư tưởng của Bác Hồ trong cuộc đấu tranh giữ gìn và bảo vệ những giá trị cốt lõi ấy.
Theo PGS-TS Bùi Đình Thanh, trong hoạt động cách mạng và lãnh đạo xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường vận dụng và giáo dục cho cán bộ, Đảng viên phương châm Dĩ bất biến, ứng vạn biến để xử lý công việc. Và phương châm đó được thể hiện rõ nét trong quan điểm của Người về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
"Nguyên tắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ phải được thấm nhuần trong tư tưởng, ấp ủ trong tâm niệm, quán triệt trong hành động của mọi công dân Việt, từ những nhà lãnh đạo đến cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ, thường dân" - PGS-TS Thanh nói.
Mất độc lập sẽ đồng thời mất chủ quyền
Phóng viên: Trong một hội thảo kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, ông từng đề cập đến phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quan điểm về chủ quyền dân tộc, điều này được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
PGS-TS Bùi Đình Thanh
PGS-TS Bùi Đình Thanh: Câu nói trên được Bác dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp (ngày 31/5/1946, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập và phải thực hiện trọng trách giữ vững được nền độc lập - PV). Theo tôi, câu nói đặt ra một cách xử lý công việc rất linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo, không máy móc, giáo điều (vạn biến) nhưng lại phải tuân theo nguyên tắc điều không được phép thay đổi (bất biến). Cái "bất biến" ấy, theo tôi là lợi ích tối cao của dân tộc, được gói gọn trong 10 chữ: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thưa ông, tư tưởng của Người về 10 chữ như ông đã nói được thể hiện cụ thể và mạnh mẽ nhất ở đâu?
Tôi nghĩ nó được thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966. Trong Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ có một câu rất nổi tiếng: "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do". Bởi mất độc lập tự do đồng thời cũng là mất chủ quyền. Trong thời kỳ chiến tranh giữa ta với Pháp, trải qua nhiều cuộc đấu tranh trên các mặt trận, Bác Hồ vẫn kiên định nguyên tắc bất di bất dịch như trên.
Có phải phương châm ấy của Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa bằng việc thay đổi phương án tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" chuyển sang "đánh chắc tiến chắc"?
Đúng rồi, khi Đại tướng báo cáo với Người về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, sau một đêm thức trắng, Bác Hồ đã nói với Đại tướng rằng: "Chú là Đại tướng ra ngoài mặt trận, chú toàn quyền hành động". Đồng thời Bác cũng quán triệt đã đánh là phải thắng. Như vậy, Người giao cho Đại tướng toàn quyền quyết định là đã cho phép ứng vạn biến nhưng Người yêu cầu phải thắng tức là dĩ bất biến. Và thực tế, Đại tướng đã thực hiện được điều đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc phỏng vấn của nữ nhà báo Pháp Danielle Hunebelle ngày 5/6/1964. Ảnh cắt từ clip
Không bao giờ phụ thuộc
Vậy thưa ông, phương châm của Bác Hồ được vận dụng như thế nào trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước việc Trung Quốc (TQ) ngang ngược đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta là lịch sử lặp lại trên bình diện mới với những tình tiết mới nhưng thực ra nó có gì thay đổi đâu. Bối cảnh như thế đòi hỏi các nhà lãnh đạo hiện nay từ quân sự đến chính trị phải ứng phó linh hoạt, tức là vạn biến để vẫn giữ nguyên được nguyên lý chủ quyền, giữ vững chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Những thông điệp này tôi đã thấy thể hiện rõ trong các phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta. Quan điểm chung là kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước, kiên quyết yêu cầu TQ rút giàn khoan cũng như tàu và máy bay quân sự ra khỏi vùng biển chủ quyền của ta.
Ngày 5/6/1964, trả lời câu hỏi của nữ nhà báo Pháp Danielle Hunebelle về ý kiến cho rằng Việt Nam có thể bị lệ thuộc TQ, Hồ Chí Minh lúc ấy đã khẳng định chắc nịch "Jamais!" (Không bao giờ - PV). Theo ông cơ sở nào để Người có khẳng định chắc chắn đó?
Bác là người đã từng sống và làm việc trong hàng ngũ cách mạng TQ nên Người rất am hiểu TQ. Tôi không trực tiếp nghe Bác nói nhưng tôi có thời gian làm việc với GS Nguyễn Khánh Toàn, lúc bấy giờ là chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Khi tôi hỏi về việc này, GS Toàn có kể lại rằng có lần Bác nói với GS Toàn là tình hình TQ rối ren nên phải theo dõi. GS Toàn hỏi lại thái độ của ta như thế nào, bác chỉ nói bốn chữ: Hữu hảo - Cảnh giác. Điều đó cho thấy Bác Hồ rất hiểu tình hình...
Xin cảm ơn ông.
Một tấc đất của Tổ quốc cũng không được để mất Ông cha ta ở các thời phong kiến đã hết sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Tiêu biểu nhất là thời Lê Thánh Tông, vị vua này đã có một chỉ dụ cho các quan trấn thủ biên giới, một tấc đất của Tổ quốc cũng không được để mất, người nào mà để mất sẽ bị tội tru di. Tuy nhiên, đến triều nhà Nguyễn thì khác, nhà Nguyễn vừa có công, vừa có tội. Công đó là thống nhất đất nước, sau đó thời Gia Long đã có chủ trương củng cố bộ máy chính quyền và quan tâm đến biển đảo, cho vẽ bản đồ, đặt mốc trên biển, hằng năm cử các hải đội Hoàng Sa ra khai thác, bảo vệ. Tuy nhiên với việc để mất nước, triều đình nhà Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước lịch sử đã không thực hiện được nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Phải đợi đến 80 năm sau, với chiến thắng Điện Biên Phủ chủ quyền của ta mới khôi phục được thực sự. Trong chiến thắng này cũng có thể thấy vai trò của phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". PGS-TS Bùi Đình Thanh
Theo Viết Thịnh (Pháp luật TP.HCM)
Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 3: Tình báo và 'Đánh chắc thắng chắc' Phương châm tác chiến "Đánh nhanh thắng nhanh" được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển sang "Đánh chắc thắng chắc" làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là do công tác trinh sát tình báo của ta thu thập được những tài liệu tuyệt mật từ phía địch. Đại tá Phan Như Hùng - nguyên cán bộ Phòng nghiên cứu tình hình...