Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bác sĩ 2 năm phẫu thuật hơn 900 bệnh nhân
Trong gần 3 năm tình nguyện lên vùng cao giúp đỡ người dân các địa bàn khó khăn, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết đã ăn ở ngay trong Bệnh viện đa khoa H.Bắc Hà ( Lào Cai) và phẫu thuật cho hơn 900 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019 – Ảnh: V.T
Tốt nghiệp ngành y năm 2013, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (31 tuổi, quê Hưng Yên) có nhiều lựa chọn cho công việc ở thủ đô, nhưng anh đã tình nguyện tham gia dự án 585 đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa và là 1 trong 7 bác sĩ đầu tiên tình nguyện lên vùng cao. Sau khi được đào tạo chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tháng 7.2017, anh lên Lào Cai nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện đa khoa H.Bắc Hà. Đây là một địa bàn khó khăn của tỉnh Lào Cai, đời sống người dân còn nghèo và lạc hậu.
“Tôi là con út nên khi thấy tôi tình nguyện đi, mẹ can ngăn vì lo tôi vất vả. Nhưng tôi vẫn quyết tâm xách ba lô lên núi”, anh Quyết chia sẻ. Hỏi vì sao lại sẵn sàng đến vùng khó khăn như vậy, anh Quyết cho biết từng có thời gian sống ở một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai nên thấu hiểu cảnh khó khăn, thiếu thốn của bà con. Sau này, khi về thủ đô học và có những ngày lên tình nguyện ở vùng cao, anh càng nuôi suy nghĩ sẽ về hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ bà con nơi đây.
Video đang HOT
Sau hơn 2 năm làm việc, đến tháng 11.2019, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 900 ca mổ chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, cứu sống người bệnh, trong đó có các ca mổ nặng và nguy hiểm. Có lần anh đã thức trắng 2 đêm, từ thứ bảy đến sáng thứ hai để mổ nhiều ca. Lãnh đạo bệnh viện nhắc anh ngủ bù, nhưng có ca bệnh mà thiếu người mổ, anh vẫn làm.
“Ở đây ít bác sĩ nên tôi thường xuyên phải mổ chính, trung bình 1 – 2 ca/ngày, có ngày cao điểm 8 – 9 ca. Tôi cũng không nghĩ mình đã mổ nhiều đến thế nhưng vì thiếu bác sĩ nên dù nhiều bệnh nhân vẫn phải xử lý hết thôi”, anh Quyết chia sẻ.
Anh Quyết cũng chia sẻ nhiều trường hợp anh phải “đánh liều” cứu bệnh nhân. “Đặc biệt là về sản khoa, ở đây người dân vẫn có quan niệm chỉ đến viện khi không đẻ được chứ còn bình thường không bao giờ đi khám thai cả. Trong ca trực của tôi đã từng gặp một sản phụ chừng 15 – 16 tuổi, vào viện sau khi sinh con ở nhà nhưng không sinh được. Khi vào thì phát hiện bệnh nhân có biểu hiện của bệnh tiền sản giật, thai lúc đó đã bị suy rồi. Tình trạng như thế buộc phải mổ cấp cứu, vừa đem lại an toàn cho mẹ và cứu con nữa. Nhưng người nhà lại không đồng ý mổ, người ta rất sợ, nói đưa đến viện để bác sĩ làm thế nào cho đẻ được thôi. Lúc ấy, tôi phải gọi các bác sĩ người Mông đến giải thích để xử lý trong vòng mấy chục phút thôi. Thậm chí hồ sơ, sổ sách còn chưa kịp làm xong đã buộc phải đưa vào mổ”, anh Quyết nhớ lại.
Ở Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, bác sĩ Quyết không chỉ làm chuyên môn của mình là ngoại khoa và sản khoa. Trong những ca trực chỉ có một mình, anh còn phải làm nhiều công việc khác, kể cả nhi khoa. Nhiều bé sơ sinh hoặc những trẻ em không may bị tai nạn đã được anh cứu sống trong gang tấc. Do điều kiện bệnh viện thiếu trang thiết bị, có những ca không đủ điều kiện cứu chữa phải gửi lên tuyến trên mà bệnh nhân không có tiền, anh lại vận động quyên góp để hỗ trợ bệnh nhân…
Chia sẻ về công việc của mình, anh Quyết nói: “Chỉ có tuổi trẻ mới có nhiều điều kiện cống hiến cho cộng đồng, nên tôi không ngại dấn thân. Những ngày công tác ở vùng cao sẽ là quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời của tôi”. Với những nỗ lực không mệt mỏi, bác sĩ Chiến đã được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019.
Theo Thanh niên
3 trường y - dược đào tạo 354 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn
Hàng trăm bác sĩ trẻ được được các thầy cô giáo "cầm tay chỉ việc" đào tạo trong vòng 2 năm trước khi về làm việc tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng và lãnh đạo Bộ Y tế t trao bằng tốt nghiệp cho các bác sĩ trẻ
Ngày 27-12, tại Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức Lễ bàn giao 19 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 6 - trong tổng số 354 bác sĩ đã và đang được đào tạo tại 3 Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y- Dược Huế và Trường ĐH Y- Dược Hải Phòng. Đây là hoạt động thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".
Tại Lễ bàn giao, 19 bác sĩ (trong đó có 14 bác sĩ là người dân tộc Mường, H'Mông, Nùng, Tày, Thái) thuộc 7 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, ngoại, nhi, nội, phụ sản và truyền nhiễm được cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề sẽ tình nguyện công tác về 13 huyện nghèo thuộc 9 tỉnh miền núi và miền Trung. Với 7 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 123 bác sĩ cho 50 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ trẻ được Bộ Y tế xây dựng và thẩm định, trong đó, phần thực hành tay nghề chiếm 70%. Để các bác sĩ trẻ có thể chủ động làm tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện sau khi tốt nghiệp, Trường có chế độ đào tạo cho họ như bác sĩ nội trú, đồng thời, giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế giao cho Trường ĐH Y Dược Hải Phòng và một số Trường ĐH Y tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu nhằm phục vụ nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngày một tốt hơn.
Học viên được các thầy cô "cầm tay chỉ việc"
TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết dự án "Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện vào tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên. Sau thời gian đào tạo 3 năm được các thầy cô giáo "cầm tay chỉ việc" các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Hết thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo. Báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo là khoảng gần 600 người thuộc 15 chuyên khoa.
N.Dung
Theo nld.com.vn
Bác sĩ nơi rẻo cao: Đi xa mới thấy Tết muốn trở về Bác sĩ chuyên khoa I Phùng Đức Sơn, sinh năm 1990 quê tại Chương Mỹ, Hà Nội đã khăn gói lên Sơn La gần 3 năm để tham gia dự án bác sĩ về huyện nghèo. Bác sĩ Sơn chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sốp Cộp. Bỏ phố lên rừng Những ngày cuối năm, cả nước trong không khí đón...