Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020), Kỳ 2: Mệnh lệnh trái tim
Trong khi bao người lo sợ, tránh xa những người nhiễm dịch viêm phổi cấp Covid-19 thì họ – các y – bác sĩ lại “lao vào”, tìm cách giành giật sự sống cho người nhiễm thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
BN Tạ Hoa Kiên điều trị Covid-19 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Chúng tôi cũng sợ, cũng lo lắng cho sức khỏe của mình chứ, nhưng nếu mình không làm thì ai sẽ làm đây? Rồi những người bị nhiễm bệnh, đang chờ đợi được điều trị phải làm sao? – Nỗi trăn trở quay quắt của những người khoác áo blouse trong cuộc chiến chống Covid-19 khiến họ không thể đứng yên…
Những bệnh nhân “đặc biệt”
Chiều 28 tết, Bệnh viện Chợ Rẫy bất ngờ tiếp nhận 2 bệnh nhân (BN) người Trung Quốc là cha con ông Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi). Cả 2 đều có chung triệu chứng sốt lâu ngày không giảm, đau cơ, mệt mỏi. Đặc biệt, ông Li Ding cho biết đến từ Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm của vùng dịch tễ viêm phổi cấp khiến tập thể y bác sĩ đều… giật mình.
Dự cảm không hay, bác sĩ tiếp nhận đề nghị cách ly BN để theo dõi. Với người cha thì khá đơn giản, bởi ngoài các triệu chứng nghi ngờ, thể trạng lúc ấy của ông khá yếu. Không chỉ thế, ông còn mang trong mình rất nhiều loại bệnh có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, u phổi phải đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đã đặt stent. Nhưng người con Li Zichao, vốn sống ở Long An từ tháng 10/2019, lại chưa từng đến khu vực dịch tễ nên cho rằng mình không nhiễm bệnh, từ chối cách ly. Phải mất một thời gian phân tích yếu tố nguy cơ lây bệnh, người con mới đồng ý. Và khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chính là nơi được chọn để cách ly 2 bệnh nhân này.
Là người trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho 2 cha con người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, BS CKII Nguyễn Văn Thuận, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Lúc đầu tiếp nhận BN, các y bác sĩ ai cũng lo lắng. Bởi không ngờ rằng bệnh đang bùng phát ở Trung Quốc, mà nay lại có ở Việt Nam nhanh như thế. Chúng tôi cũng không biết thật sự BN có nhiễm hay không. Nhân viên y tế còn lo lắng như vậy, thì người dân hoang mang đến mức nào”.
May mắn rơi vào dịp cuối năm, số người điều trị nội trú không nhiều nên khoa dành nguyên nửa khu cách ly để chăm sóc cho 2 BN. Mặc dù thời điểm ấy chưa có kết quả xét nghiệm, nhưng trong suy nghĩ của các y, bác sĩ “cuộc chiến” với Covid-19 đã chính thức bắt đầu – BS Thuận tâm sự.
Hôm đó là ngày 31/1 (mùng 7 tết), chúng tôi tiếp nhận một BN là Việt kiều Mỹ, nghi có dấu hiệu nhiễm Covid-19 – BS.CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM nhớ như in ngày đầu tiên tiếp nhận trường hợp thứ 7 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Bệnh nhân là ông Tạ Hoa Kiên (73 tuổi, quốc tịch Mỹ). Khi bay từ Mỹ về Việt Nam ăn tết, ông Kiên quá cảnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) 2 tiếng. Tuy nhiên đến ngày 26/1 ông mới bị ho, không sốt. Đến chiều ngày 31/1 mới được đưa vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Video đang HOT
“Lúc nhập viện điều trị, BN trong tình trạng hỗ trợ thở oxy, điều trị thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus. Bệnh viện đã lấy dịch phết hầu họng kiểm tra. Không nằm ngoài dự đoán, BN dương tính với Covid-19 và được cách ly nghiêm trọng trong phòng áp lực âm” – BS Phong nhớ lại.
Mình không làm thì ai làm?
Ngay từ những ngày TPHCM có ca bệnh đầu tiên nhiễm virus COVID-19, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị chống dịch để đón bệnh nhân. “Các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục. Ngay lúc đầu, chúng tôi chưa nghe bệnh lây từ người sang người nhưng sau đó thì có xác nhận bằng chứng cho thấy lây nên cũng có hoang mang, lo sợ. Lo thì có lo nhưng tất cả đều đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là bằng mọi cách cứu sống bệnh nhân, làm sao tránh lây lan virus ra cộng đồng” – BS Phong chia sẻ.
Tuy nhiên bằng kinh nghiệm từng vượt qua các đợt dịch như dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, cúm A/H1N1 năm 2009 và nay là Covid-19 nên có kinh nghiệm trong việc điều trị viêm hô hấp cấp, dịch cúm… nên nỗi lo qua đi. BS Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Chúng tôi lao vào công việc, làm sao khống chế được dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân mau khỏi bệnh là mục đích cuối cùng. Mình là bác sĩ, mình không làm thì ai vào đây làm”.
Khoa nhiễm D đã bố trí ê-kip tham gia điều trị cho ông Tạ Hoa Kiên, gồm 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 2 hộ lý thăm khám, chăm sóc liên tục cho BN trong suốt 21 ngày đêm.
Theo BS Phong, đây là BN lớn tuổi, dự hậu sẽ khác với những đối tượng khác, nhập viện trong tình trạng sức khỏe không tốt nên bác sĩ điều trị phải chọn phác đồ tối ưu nhất, nhưng vẫn phải bám theo phác đồ của Bộ Y tế và linh động để phù hợp với BN. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hội chẩn với các chuyên gia thường xuyên khi điều trị cho BN.
Dù cùng “họ hàng” với virus gây dịch SARS, MERS nhưng Covid-19 là biến thể khác có khả năng lây nhiễm giữa người sang người rất nhanh. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Phác đồ điều trị đem lại kết quả rõ rệt khi người con Li Zichao chỉ sau 3 ngày đã hết sốt, xét nghiệm 4 lần âm tính. Người cha từ chỗ không thể đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có nhân viên y tế trợ giúp, sau đã hết sốt, không phải thở oxy, tự đi lại và sinh hoạt bình thường.
Khi biết BN có dấu hiệu hồi phục tốt, chúng tôi mừng đến không nói nên lời, bao nhiêu cực nhọc những ngày qua dần tan đi đâu hết – BS Thuận vẫn chưa nguôi cảm xúc khi 2 cha con BN Covid-19 có kết quả âm tính.
Khối lượng công việc của các y bác sĩ, các nhân viên bệnh viện tăng đột biến vì dịch bệnh. Với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng và bệnh nhân bệnh truyền nhiễm nói chung, các nhân viên y tế đều phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu bảo hộ của Bộ Y tế. Căng thẳng, áp lực và chính bản thân mình cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, các y bác sĩ phải giữ sự tỉnh táo, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất.
“Chúng tôi đều xác định tinh thần từ khi dịch bệnh xuất hiện. Không chỉ Covid-19, các dịch như Ebola, MERS CoV, SARS… cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi luôn sẵn sàng tâm lý để ứng phó với dịch bệnh” – BS Thuận bộc bạch.
(Còn nữa)
Những “chiến binh blouse trắng” của bệnh viện Chợ Rẫy quyết đưa người nhiễm Covid-19 thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”
Sau khi được điều trị khỏi bệnh và xuất hiện, 2 cha con BN người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 đã viết thư cảm ơn tập thể y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu họ khỏi “lưỡi hái tử thần”. “Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!” – một đoạn trong nội dung bức thư viết.
Chia sẻ với phóng viên, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi đón nhận bức thư, ông cùng toàn thể nhân viên bệnh viện vô cùng vui mừng, hạnh phúc. “Điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh, đó như mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc phải làm. Chúng tôi không nghĩ đến chuyện được cảm ơn hay gì khác cả” – BS Nguyễn Tri Thức tâm sự.
UYÊN PHƯƠNG – VĂN MINH
Theo Tiền phong
Hơn 1.000 lao động Trung Quốc tại TP.HCM được khuyến cáo "làm việc tại chỗ"
Ngày 4/2, Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, sau Tết Nguyên đán, có 1.069 người Trung Quốc tại 187 doanh nghiệp trở lại làm việc tại TP.HCM.
Những người này được chính quyền và cơ quan chức năng khuyến cáo không nên đến doanh nghiệp mà điều hành công việc từ xa trong ít nhất 2 tuần.
Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch do virus Corona, đại diện Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: Hiện Sở đã tạm dừng cấp phép lao động cho người Trung Quốc. 1.069 người Trung Quốc đang làm việc tại TP.HCM thời điểm sau Tết Nguyên đán (chủ yếu là chuyên gia, quản lý, lao động kỹ thuật và giám đốc điều hành) được yêu cầu làm việc, điều hành công việc tại nơi ở của họ; không đến doanh nghiệp trong ít nhất 2 tuần để tự kiểm tra và phòng tránh dịch bệnh.
Sở Du lịch cũng đang nắm bắt và tổng hợp cụ thể số lượng khách du lịch người Trung Quốc hiện đang có mặt tại thành phố, đồng thời yêu cầu các cơ sở lưu trú nắm tình hình những hành khách đến từ Trung Quốc để báo cáo cơ quan liên quan. Sở cũng đã tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho du khách.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, thành phố có 3 trường hợp nhiễm virus Corona, 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính và 15 trường hợp đang được cách ly do tiếp xúc gần với người nhiễm virus Corona. Hiện TP chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong trên địa bàn.
Phát khẩu trang miễn phí ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: Bạch Dương
Hiện Bệnh viện Củ Chi đang cách ly và gửi xét nghiệm 1 ca có địa chỉ tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bệnh nhân từ Vân Nam, Trung Quốc về TP.HCM vào ngày 31/1, có dấu hiệu sốt ngày 1/2.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đang cách ly và gửi xét nghiệm 3 ca trong 1 gia đình (địa chỉ ở Bình Tân) từ Quảng Châu trở về ngày 24/1, con ho sốt từ ngày 30/1; cha mẹ ho, không sốt từ ngày 17/1.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Với đặc điểm thời gian ủ bệnh kéo dài trong khi thời gian di chuyên từ vùng dịch đến TP.HCM là rất ngắn (chỉ vài giờ) nên khả năng phát hiện ca bệnh xâm nhập ngay tại cửa khẩu là rất hạn chế". Vì thế, TP không nên quá chú trọng vào việc phát hiện ca bệnh tại cửa khẩu mà cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đã xâm nhập tại cộng đồng thông qua hệ thống cơ sở y tế để hạn chế lây lan.
Dự kiến bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm nCoV sẽ được xuất viện vào ngày 4/2, sau thời gian chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có tiến triển tốt, đã âm tính với vi rút nCoV. Ảnh: Bạch Dương
TP.HCM là trung tâm kinh tế, du lịch nên nguy cơ lây bệnh là rất cao nếu không kiểm soát được ngay từ những ca đầu tiên. Vì vậy, biện pháp phòng chống hiện nay là kiểm soát sự lây lan và không để có ca tử vong.
Trước những thông tin thất thiệt đồn thổi, lan truyền sai sự thật trên mạng xã hội, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, cơ quan công an đã cung cấp danh sách 14 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch viêm đường hô hấp do virus Corona. Sở đang kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: TP.HCM phải quyết liệt, không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch do virus Corona gây ra, phải theo dõi những người từng đi qua các vùng dịch về Việt Nam. Ông khẳng định cần ngăn chặn ngay các yếu tố nguy cơ, không để bộc lộ bệnh rồi cách ly thì không kịp, không thể chặn nổi.
"Chúng ta phải ngăn chặn ngay từ đầu, không được chủ quan, không để dịch kéo dài và bùng phát. Hướng dẫn ngay các chung cư, khách sạn, có khách đến từ vùng dịch phải báo cáo để sớm cách ly", Bí thư Nhân nhắc nhở
Theo danviet.vn
8 người dương tính với virus corona đang được điều trị ở đâu? Các trường hợp dương tính với virus corona hiện được điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa. Hôm nay, một nữ bệnh nhân đã xuất viện. Sáng 3/2, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam ghi nhận 8 trường hợp dương tính với virus corona (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp. Tất cả bệnh nhân...