Ngày Tết, nhìn mẹ lủi thủi một mình, tôi không khỏi cay xè mắt
Ước gì tôi có thể mọc cánh để bay về với mẹ ngay lập tức…
Có ai con trai phải đi trực nhiệm vụ xa nhà hết 3 mùng đầu năm giống tôi không? Đã mấy năm liền tôi không được đón giao thừa, nhận lì xì từ mẹ sáng mùng 1. Cũng buồn và nhớ nhà da diết nhưng trách nhiệm làm sao bỏ được.
Bởi vì nghề của tôi là bác sĩ trực cấp cứu.
Ai cũng nói tôi chọn việc vất vả, bởi khoa cấp cứu có lúc nào nhàn đâu. Khoa khác hết giờ hành chính còn được về, nhưng tôi thì suốt ngày khiến mẹ ở nhà mong ngóng. Lắm lúc đã thay đồ chuẩn bị về ăn cơm sau mấy ngày bận không kịp tắm rửa, đùng cái có bệnh nhân cấp cứu nên tôi đành tiếp tục ở lại.
Chuyện nghề tôi kể ra thì dài lắm. Nhưng cái đánh đổi duy nhất khiến tôi buồn phiền chính là thời gian eo hẹp dành cho mẹ. Trước tôi chọn ngành y vì muốn kiếm nhiều tiền cho mẹ được sung túc, và một phần khác bởi tôi muốn cứu chữa cho tất cả mọi người. Bố qua đời do tai nạn khi tôi còn bé xíu, tôi đã tự hứa rằng sẽ làm tất cả sức lực để không ai mất mát giống mình nữa.
Nhưng sau khi lên đại học thì tôi bận bù đầu chẳng có thời gian làm gì khác nữa. Các thầy cô khen tôi chăm chỉ, nhưng tôi thì luôn trách bản thân mỗi khi đọc tin nhắn mẹ soạn. Chị gái lấy chồng sớm, lại ở xa nên mẹ ở nhà mỗi mình.
Ban đầu mẹ hay nhắn gọi tôi về ăn cơm như thói quen. Sau biết tôi bận học, bận trực ở bệnh viện nên bà chỉ dặn tôi phải giữ gìn sức khoẻ, ăn đủ bữa không được bỏ miếng nào. Là con trai nên tôi cố mạnh mẽ không khóc. Đêm nào nhớ mẹ quá tôi mới trốn vào một góc hút thuốc thôi.
2 năm trước do dịch bệnh nên tôi không được về nhà tận mấy tháng trời. Toàn lúc làm nhiệm vụ phun khử trùng hoặc theo đội phát thuốc đi qua nhà thì tôi tranh thủ ngó xem mẹ ra sao. Tôi không dám báo tin cho mẹ trước, sợ mang virus lây dịch cho mẹ nên chỉ dám đứng từ xa. Có lần mẹ phát hiện bị dòm ngó, nhưng tôi mặc đồ bảo hộ kín mít nên bà không nhận ra.
2 năm tôi đón giao thừa trong viện. Còn không dám tụ tập để ăn một bữa cơm mừng năm mới với ai. Tất cả chúng tôi trong viện đều ăn riêng ăn vội, có miếng bánh chưng dưa hành đêm 30 là ai nấy cùng rớt nước mắt. Đợt ấy tôi dằn mình dữ lắm nhưng cũng khóc suốt, nhớ mẹ thương mẹ không chịu nổi.
Video đang HOT
Sau khi dịch bệnh bớt đi, việc đầu tiên tôi làm khi trở về nhà là lắp ngay chiếc camera ở phòng khách. Mẹ cứ động viên tôi không phải lo nhưng tôi muốn đi xa cũng được trông thấy mẹ. Chị gái ủng hộ tôi làm thế bởi chị cũng khổ tâm khi không thể chăm sóc mẹ gần bên. Mẹ cứ cười bảo chị em tôi phiền phức. Nếu muốn “theo dõi” mẹ thì tôi rước cho bà một nàng dâu về là xong. Nghe mẹ nhắc khéo tôi cũng giật mình, nhưng việc bận tối mắt ra thời gian đâu mà hẹn hò cơ chứ…
Năm nay tôi háo hức chờ xem lịch trực Tết. Đoán mấy năm không được ăn Tết ở nhà thì năm nay sẽ được ưu tiên. Cơ mà không. Khoa tôi thiếu người nên vẫn phải đón Tết bệnh viện. Tôi lo lắng không biết phải nói sao với mẹ nhưng bà nghe điện thoại xong chỉ bảo “Cứ yên tâm làm việc đi mẹ ổn mà”.
Tôi vẫn kịp chở mẹ đi mua sắm Tết 1 vòng trước khi quay lại viện. Sau bữa cơm tất niên với mẹ, tôi thắp cho bố nén nhang rồi đi làm. Cứ rảnh tay lúc nào là tôi mở cam ra xem mẹ lúc ấy. Thấy mấy bác hàng xóm sang chơi chúc Tết, họ hàng tới chật nhà mấy mùng đầu năm cũng đông vui, bạn bè tôi cũng qua chơi thăm mẹ nữa. Mùng 2 thì vợ chồng chị gái về, ngắm cả nhà ăn cơm tôi vui lắm.
Sáng mùng 3 chị tôi đi, mẹ cứ ôm đứa cháu thơm má mãi không muốn rời. Nhà cửa vừa mới rộn ràng đã quạnh hiu. Mẹ làm mâm cơm nhỏ thắp hương cho bố, tim tôi quặn thắt khi thấy bà ôm di ảnh chồng khóc như mưa. Chiếc cam phát được cả tiếng nên tôi nghe rõ tiếng mẹ rưng rức. Giây phút ấy tôi chỉ muốn mọc cánh để bay ngay về ôm mẹ!
Đồng hồ phòng trực lê lết qua từng giờ. Lòng tôi nóng như lửa đốt. Cũng may ngày trực cuối diễn ra êm ả, không có ca đột xuất nào. Vừa thấy người đến trực nối ca là tôi lao ngay ra khỏi cổng bệnh viện. Mẹ ơi con về nhà đây!…
Bí mật chôn vùi sau bãi đá ven sông Hồng là niềm an ủi duy nhất suốt thời thơ ấu của tôi
Từ ngày bố mẹ đi làm ăn xa, tôi cứ lủi thủi một mình, cũng may vẫn còn có Tôm loanh quanh cạnh tôi.
Tôm là tên chú mèo màu vàng ông bà ngoại nuôi ngày tôi còn bé. Tôm được đón về nhà cùng thời gian tôi sinh ra. Cứ thế tôi và Tôm lớn lên cùng nhau, tôi càng lớn, Tôm càng béo tốt mập mạp.
Bố tôi là người từ nơi khác đến Hà Nội sinh sống và làm ăn. Gia đình nhà ông bà ngoại thì rất khó khăn. Ông bà có đến 6 người con, mẹ tôi là chị cả. Thời đó, chị cả trong một gia đình đông em thì luôn phải chịu nhiều thiệt thòi và cũng nặng gánh khi phải cùng bố mẹ cáng đáng gia đình từ rất sớm.
Mẹ tôi lập gia đình khi còn khá trẻ. Hai người đến với nhau đơn giản nhưng tràn ngập tình yêu thương. Tuy rằng cuộc sống chẳng dễ dàng gì nhưng chưa bao giờ khiến họ phải vì vậy mà "cắn xé" nhau.
Bố tôi ở rể nhưng mãi về sau này tôi vẫn trêu ông rằng chẳng có ai ở rể sướng như bố. Ông bà ngoại tôi thương chàng rể này lắm, vả lại cuộc sống vất vả, người nghèo chúng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài yêu thương và đùm bọc lẫn nhau ngày qua ngày.
Đến năm tôi lên 6 tuổi thì mọi chuyện không còn đơn giản nữa. Tôi phải đi học, mà đi học thì phát sinh đủ loại chi phí. Bố mẹ không nỡ để cho tôi thiếu thốn hơn so với bạn bè nên càng ngày càng nặng nề hơn chuyện cơm áo gạo tiền.
Cuối cùng, bố mẹ quyết định sẽ đi xuất khẩu lao động trong 5 năm. Không phải họ không lường trước được những khó khăn vất vả khi phải làm việc nơi đất khách quê người, thế nhưng bố mẹ tôi cũng như rất nhiều người quyết định mưu sinh xa xứ đều có duy nhất một mong cầu như nhau. Đó là mong sao cuộc sống bớt khó khăn đi, ít nhất thì con cái, người thân ở nhà không phải sống quá đỗi chật vật.
Vậy là chỉ một năm sau, bố mẹ tôi đã lên đường xuất ngoại. Họ có kế hoạch cụ thể, sẽ không về nước trong suốt thời gian làm ăn để tiết kiệm hết mức có thể, sau 5 năm đó, họ phải tích lũy được số vốn liếng nhất định còn về với con cái.
Và thật sự những năm đó, bố mẹ tôi không hề về nhà một lần nào, các cuộc điện thoại cũng ít ỏi vì thời đó các phương tiện liên lạc không dễ dàng như bây giờ. Có khi cả năm trời tôi mới được nói chuyện với bố mẹ đôi ba lần.
Những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn luôn lớn trước tuổi và rất biết thân biết phận. Tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ mè nheo đòi hỏi điều gì dù rằng mỗi lần nghe thấy giọng mẹ tôi đều không khỏi nghẹn ngào. Ấy vậy nhưng mẹ hỏi tôi đều chối bay chối biến vì sợ làm mẹ lo lắng.
Tôi còn nhớ, để mưu sinh, bà ngoại tôi phải bán chè ở chợ Yên Phụ. Hàng chè của bà đông khách lắm nên mấy dì cháu trong nhà mỗi người một việc để phụ bà bán hàng. Dì út đi xách bột, dì ba đi giao chè cho khách, cậu hai thì khéo tay nên sáng sớm tinh mơ đã tỉnh dậy để nặn bánh trôi cho bà.
Năm 8 tuổi tôi đã lớn hơn một chút nên nhận nhiệm vụ đi xách nước ở nhà máy nước về nhà. Mỗi lần đi sẽ có một chiếc xe đẩy đủ chỗ cho 3 xô nước. Chiếc xe này là sáng chế của ông ngoại để tôi không bị gánh nước nặng, ông sợ tôi lùn sau này không đi thi hoa hậu được.
Đoạn đường từ nhà ra đến nhà máy nước không xa, thế nhưng rất tối và vắng vẻ. Hơn nữa, mỗi lần được dì út đèo trên chiếc xe đạp đi thuê băng về xem phim, tôi đều bị dì kể cho những câu chuyện rùng rợn, thành thử cứ đi qua đoạn đường này, tôi lại thần hồn nhát thần tính.
Sợ thì sợ vậy chứ tôi nào có dám kể với người lớn. Tôi cứ nghĩ trong nhà chỉ được mỗi cái việc xách nước mà còn làm không xong thì chán lắm nên cứ anh hùng rơm, sợ đến mấy cũng nhất quyết đi một mình.
Mãi cho đến một ngày, tôi mới đẩy xe ra khỏi nhà, vừa đặt 3 xô nước lên thì mèo Tôm cũng lững thững đi theo sau tôi. Đi đến đầu ngõ rồi mà Tôm vẫn không có ý định quay về dù tôi đã mấy lần đuổi chàng ta vào nhà.
Thế là Tôm theo tôi đến tận nhà máy nước, nó loanh quanh tìm được một mỏm đá, nằm cuộn tròn phởn phơ ngủ trên đó. Tôi lấy nước xong mới quay sang bảo Tôm về nhà thôi, nói là vậy nhưng tôi chắc mẩm lại phải đích thân bế con mèo béo ú lười biếng này về rồi.
Ấy vậy mà Tôm vẫy vẫy cái tai ngắn ngủn rồi tỉnh dậy ngáp một cái rõ to. Nó nhìn tôi một lúc rồi thủng thẳng bước về phía tôi, thậm chí còn đàng hoàng đi trước như người dẫn đường. Tôi và nó đi suốt cả đoạn đường từ nhà máy nước về, tôi cứ mãi nghĩ về chuyện sao con mèo nó lại biết mà đi theo mình đến nỗi quên hết cả sợ hãi, về đến nhà lúc nào không hay.
Kể từ đó, mỗi lần đi lấy nước tôi lại gọi Tôm. Kỳ lạ là thường thì Tôm đi chơi suốt hoặc trốn đi ngủ nướng phơi nắng ở đâu không ai biết nhưng cứ đến giờ tôi chuẩn bị đi lấy nước là chàng ta bò về. Chỉ cần tôi dõng dạc "Tôm ơi! Đi xách nước với Uyên" là y như rằng nó báo cáo có mặt ngay.
Cứ như vậy, đôi bạn thân chúng tôi ngày ngày cùng nhau đi xách nước, Tôm vẫn nằm trên mỏm đá ấy, đợi tôi ra hiệu sẽ đứng dậy đi về nhà. Dường như Tôm hiểu được tất cả những gì tôi nói vậy.
Thế rồi đến một ngày, tôi gọi nhưng Tôm không còn nhanh nhẹn như trước nữa, mỗi lần đi xách nước nó sẽ nằm lên xe đẩy thay vì đi bộ theo tôi như mọi khi. Đến nơi nó cũng không tìm mỏm đá thân thuộc mà chỉ nằm một chỗ trên xe, đợi tôi lấy nước rồi lại về. Càng về sau nó càng mệt mỏi đến độ tôi gọi nó cũng không thể đi theo mà chỉ vẫy vẫy tai, chứng tỏ nó vẫn nghe thấy tôi nói.
- Tôm ốm rồi Uyên ơi, con đi lấy nước một mình cho Tôm nghỉ ngơi nhé!
Chiều hôm đó, dì ba của tôi nói như vậy, tôi ngoan ngoãn nghe lời nhưng trước khi ra khỏi nhà, tôi cứ ngoái lại nhìn Tôm. Có một điều gì đó mách bảo khiến tôi thật sự không muốn ra khỏi nhà chút nào.
- Uyên đi lấy nước nhé! Tôm đợi Uyên về rồi đi mua cá nhé!
Tôi không biết có phải vì câu nói "đợi" của mình mà khi tôi về đến nhà, Tôm đã hấp hối rồi nhưng vẫn cố gắng bước ra khỏi thùng giấy, uể oải loạng choạng đi về phía tôi. Chỉ vài phút sau thì Tôm đã ra đi mãi mãi.
Tôm và tôi bằng tuổi nhau, khi tôi vẫn là một đứa trẻ thì Tôm đã là một chú mèo già 9 tuổi rồi. Tôm không bị bệnh gì hết, nó chỉ là đã sống hết tuổi của một chú mèo mà thôi.
Tôi đi theo ông ngoại ra bãi đá sông Hồng để chôn Tôm. Tôi thấy mắt ông ngoại đỏ hoe, cũng phải thôi, ông quý Tôm lắm mà. Tôm được đặt trong một chiếc thùng gỗ sạch sẽ, bọc vào chiếc khăn tắm của nó. Tôi đứng giữa bãi đất trong chiều mưa phùn khóc hết nước mắt.
Vài năm sau, bố mẹ về nước, tôi đã dắt họ ra bãi đá sông Hồng, nơi chôn vùi người bạn thân thiết của tôi, niềm an ủi duy nhất trong suốt những năm tháng tuổi thơ ấy...
Mẹ vợ nằm viện, bảo tôi bỏ ra 100 triệu cho bà phẫu thuật, thấy em vợ mua xe mới, tôi giận dữ đề nghị ly hôn Hôm đó, Thành đưa hai con đến thăm bà ngoại, ở cổng bệnh viện lại nhìn thấy em vợ đi một chiếc ô tô BMW mới tinh đến, giá ít nhất cũng phải hơn 1 tỷ. Thành, 40 tuổi, vợ là bạn cùng lớp đại học. Năm 30 tuổi, họ bước vào hôn nhân. Đền nay, tình cảm đôi bên vẫn rất tốt...