Ngày này, năm ấy, mình cưới nhau
“… Mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm qua đi, thật hạnh phúc vì được cùng anh đồng hành. Em chẳng mong gì nhiều, cũng chưa từng cầu sang giàu phú quý.
Chỉ cần gia đình mình cứ yêu thương nhau như thế, bình yên mà đi qua những năm rộng tháng dài…”.
Ngày này, năm ấy…
Mờ sáng xe hoa đến rước dâu, em chính thức rời căn nhà mình đã nương náu suốt một thời ấu thơ và tuổi trẻ. Mẹ tần ngần đứng nhìn không nói nổi câu từ biệt, bố đùa nhưng giọng có vẻ xót xa “Nuôi con gái hơn hai mươi năm mà ngày nó lấy chồng đi từ mờ sáng hệt như đi ăn trộm”. Em nhìn mọi người chộn rộn, mắt đỏ hoe. Anh nắm tay em, nói nhỏ vào tai “Có anh đây, đừng khóc”.
Ngày này, năm ấy…
Giữa những đông đúc người, giữa xập xình tiếng nhạc, em đã khóc thật nhiều. Cái cảm giác khi mình một mình ở lại một ngôi nhà mới, nhìn bố, nhìn anh em, nhìn bà con lặn lội từ quê đưa dâu lần lượt lên xe ra về, cảm giác cô đơn lẻ loi đến kinh khủng. Em đi theo xe, anh cũng theo xe, cuối cùng mình ngồi ở dọc đường nhìn ra cánh đồng mênh mông lúa, lặng im không nói câu gì.
Ngày này, năm ấy…
Sau khi tiệc đã tàn, khách đã về hết, em vừa mệt vừa buồn ngủ, bỏ mặc bát đũa ngổn ngang. Anh tìm em khắp nơi, cuối cùng tá hỏa phát hiện ra em đang nằm ngủ ngon lành trong phòng cưới: “Trời ơi, sao em đi ngủ giờ này?”. Sợ bố mẹ mình than phiền con dâu, anh nói dối rằng em bị đau bụng. Cái ánh mắt hốt hoảng của anh khi đó, em vẫn còn nhớ mãi.
Ngày này, năm ấy…
Bữa cơm đầu tiên nơi nhà chồng, tiếng tin nhắn vang lên. Cậu em trai nhắn tin “Cậu nhớ O quá”, tự nhiên đọc xong cổ như bị nghẹn. Đêm đó, nỗi nhớ nhà không kìm nổi bật thành tiếng khóc. Mẹ chồng hốt hoảng chạy vào hỏi làm sao mà khóc “con như vậy mẹ buồn lắm con ơi”.
Video đang HOT
Mới đó, anh nhỉ, mọi thứ như vừa mới hôm qua mà đã bảy năm rồi. Bảy năm chồng vợ với đủ cung bậc yêu thương, giận hờn, xót xa, trách móc. Bảy năm, ngày mình về với nhau, gia tài chẳng có gì ngoài bốn bàn tay trắng và một tình yêu được nuôi dưỡng suốt bảy năm trước đó.
Đã có những thời điểm công việc không như ý, có những lúc chúng ta quay quắt bởi thiếu thốn bạc tiền. Nhưng mình đã tìm cách đắp đổi qua ngày mà không than phiền, chán nản. Có những lúc anh làm em buồn, cũng có lúc em khiến anh tổn thương. Rồi mình lại nắm tay nhau, vì chặng đường còn dài thênh thang phía trước.
Thời gian đi qua, anh đã không còn lãng mạn như xưa, em cũng đã thôi mong chờ những dịu ngọt. Mỗi ngày qua đi, luôn tự nhủ mình, cố gắng lên vì nhau, vì gia đình, vì con. Và em nhận ra, chỉ cần mình thương nhau, chẳng khó khăn nào là quá lớn.
Đã có những thời điểm, câu chuyện của chúng ta, ước mơ của chúng ta chỉ là tiền. Dẫu biết tiền không mua được hạnh phúc, nhưng tiền có thể mua được nhiều thứ khiến chúng ta hạnh phúc. Đó là một chiếc xe máy mới thay thế chiếc xe cọc cạch, đó là một chiếc điều hòa để những đêm hè bớt vã mồ hôi. Tiền để có thể tặng nhau một món đồ mà không cần lăn tăn giá cả, để cho con uống sữa tốt mà không phải lo về chất lượng. Và hơn hết, tiền để có thể mua một ngôi nhà làm chốn đi về ấm áp của chúng ta.
Có những ước mơ đã trong tầm tay rồi, cũng có những thứ còn xa tầm tay với. Nhưng em đã chẳng còn thấy quan trọng nữa. Khi em nhìn thấy vợ chồng người ta cãi lộn đánh nhau, khi em nhìn thấy chồng người ta ngoại tình còn vợ thì ôm con nhỏ chặn xe chồng và nhân tình giữa đường mặc trời đang đổ mưa xối xả. Thì em nghĩ, thứ em cần nhất chính là sự ấm êm. Là mỗi sáng chào nhau rời khỏi nhà, là mỗi chiều cùng nhau sum vầy bên mâm cơm muộn. Là cùng nhau đi qua đêm dài mặc ngoài kia mưa gió. Có lần anh nói với em, “anh thích nhất là những đêm đang ngủ nghe ngoài trời đổ giông, cái cảm giác mình được ở trong nhà, bên cạnh những người mình thương, mặc sấm chớp ngoài kia, cái cảm giác ấy sao mà bình yên đến lạ”.
Người ta nói, muốn biết được hôn nhân có bền vững không thì phải qua năm năm đầu. Đó là khoảng thời gian người ta học cách sống chung, học cách chấp nhận nhau khi ưu nhược điểm của đối phương phơi bày trần trụi. Vượt qua được năm năm đó là người ta đủ để hiểu nhau rồi.
Nhưng, thiếu gì người sống với nhau mười năm rồi vẫn chia tay. Thiếu gì cặp vợ chồng chăn gối hai mươi năm rồi, hiểu nhau đến từng cả cái nhíu mày rồi vẫn đường ai nấy bước. Cho nên em chẳng tự hào về cái mốc khó khăn đầu tiên của hôn nhân mà mình đã vượt qua. Em vẫn cố gắng từng ngày, yêu và thương như khi mới bắt đầu, và để dành cho cả ngày sau nữa.
Ngày này, năm ấy, mình cưới nhau…
Ngày này, năm nay… em ngồi viết những dòng này chỉ để nhớ, để nhắc mình, mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm qua đi, thật hạnh phúc vì được cùng anh đồng hành. Em chẳng mong gì nhiều, cũng chưa từng cầu sang giàu phú quý. Chỉ cần gia đình mình cứ yêu thương nhau như thế, bình yên mà đi qua những năm rộng tháng dài.
Lê Giang
Theo dantri.com.vn
Về hưu buồn hay vui?
Về hưu là một trong những bước ngoặt quan trọng của đời người. Nó là cuộc chia xa với một nơi có thể gọi là "ngôi nhà thứ hai" mà ở đó có người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân và cả thời "oanh liệt" của mình. Vậy về hưu buồn hay vui?
Có người về hưu bị trầm cảm vì thay đổi trạng thái đột ngột, từ chỗ đang hoạt động tích cực ngoài xã hội đến chỉ ngồi nhà thụ động; từ chỗ mỗi ngày có mấy chục cuộc điện thoại gọi đến, nay về hưu trông mãi chả thấy ai gọi, khi nhắn tin cũng không được trả lời ngay. Nếu có nóng lòng gọi ai đó thì nhận được câu trả lời cụt ngủn: "Tôi đang bận" hay "Tôi đang họp, lát gọi lại sau nhé". Thế là cụt hứng!
Từ đó, dễ có suy nghĩ bị bỏ rơi, bị cho ra rìa, cảm giác cô đơn chợt đến làm "buồn lòng chiến sĩ, rồi thầm than trách: "Không biết bây giờ có ai còn nhớ đến kẻ "bỏ cuộc chơi" này hay không?
Nếu về hưu mà không có chương trình hành động cụ thể cho mỗi ngày, không sắp xếp thời gian hợp lý thì sẽ cảm thấy uể oải, trống trải, buồn chán. Cũng là 24 tiếng một ngày nhưng khi còn đi làm thấy thời gian qua nhanh như gió, còn ở nhà thì thấy thời gian chầm chậm trôi.
Về hưu buồn hay vui?
Ở nhà chỉ làm bạn với cái bếp, cái tivi và máy vi tính. Có khi phải mở âm thanh thật to cho nhà bớt trống trải. Ở nhà không dám gọi ai, không biết làm gì, chỉ biết loay hoay lướt web, vào Facebook, vào những trang mạng hoặc coi phim bộ rồi than với con cháu: "Lên phây búc hoài, coi phim hoài, nhức cả đầu, hoa cả mắt, choáng váng quá, các con ơi!".
Có mấy bạn già về hưu, muốn cho vui vẻ, bèn tụ tập bạn đi chơi, hội hè, tán gẫu, cà phê, cà pháo. Nhưng tuổi cao sức yếu, tiền bạc cũng có hạn, làm sao mà đi chơi, ăn uống, hội hè mãi được.
Như vậy, người về hưu phải tổ chức lại cuộc sống, hoạt động tích cực, suy nghĩ tích cực, để có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích, phù hợp với tuổi xế chiều. Thấy được điều đó, tôi chuẩn bị tinh thần cho mình từ trước và khi về hưu tôi đã thực hiện được một vài việc như sau:
Tuần đầu tiên về hưu, tôi vẫn còn giữ thói quen dậy sớm và như một phản xạ, sau khi làm vệ sinh và ăn sáng, tôi vẫn xách xe chạy ra ngoài đường. Nhưng đâu thể đến trường (vì tôi là "cựu giáo chức") như mọi khi, tôi đi vòng vòng rồi trở về nhà đi chợ, nấu cơm. Phải ra ngoài một chút để nhìn trời, nhìn đất và không cảm thấy bức bách vì chưa quen với suy nghĩ: "Mình không còn đi làm nữa".
Tuần đầu, sau khi gặp chút khủng hoảng về tinh thần, trạng thái, tôi bình tĩnh sắp xếp lại sinh hoạt của mình. Tháng đầu tiên, ngồi nhà nhìn đồng hồ mà cứ tưởng tượng lúc bấy giờ ở trường mình, bạn bè đang làm gì? Đang dạy tiết mấy, đang ra chơi hay hội họp? Ôi nhớ ơi là nhớ! Muốn bớt nhớ, tôi xem tivi, đọc báo hay tìm chuyện này, chuyện nọ để làm.
Người về hưu phải tổ chức lại cuộc sống, hoạt động tích cực, suy nghĩ tích cực, để có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích, phù hợp với tuổi xế chiều.
Tôi suy nghĩ cách chăm sóc chồng con chu đáo hơn để bù lại những ngày đi làm có phần bỏ bê, thiếu sót. Tôi học nấu ăn để có những bữa cơm ngon, kể những câu chuyện vui cho chồng con nghe những buổi tối sum họp hay tổ chức đi chơi trong ngày nghỉ để gia đình vui vẻ bên nhau. Tôi lên kế hoạch chăm sóc, tổng vệ sinh nhà cửa: mỗi tuần tôi chọn một khu vực, một phòng để dọn dẹp. Có dọn dẹp mới thấy khi đi làm mình bỏ bê nhà cửa nhiều quá, chỗ nào cũng bụi bậm, đồ đạc bừa bộn, lộn xộn. Được ở nhà, tha hồ mà dọn dẹp, trang trí, sắp xếp lại. Việc nhà không tên, làm hoài không hết. Nhờ thế mà không còn thời gian trống để buồn.
Để rèn luyện thân thể tôi đăng ký tập yoga ở câu lạc bộ. Tối, tôi cùng mấy bạn già đi bộ vài vòng trong khu phố trước khi đi ngủ.
Để rèn luyện trí não, chống lão hóa, tôi lên kế hoạch học Anh văn. Mỗi tuần tôi đến lớp 3 ngày, những ngày còn lại tự học, mỗi ngày học thêm 10 từ mới. Cứ thế vốn từ vựng Anh văn của tôi tăng lên đáng kể.
Rồi các mối quan hệ thân quen, vì đi làm, tôi không thăm viếng được, nay rảnh rỗi tôi lên kế hoạch đến thăm họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo cũ, qua đó kết nối tình thân, duy trì mối quan hệ và thấy lòng ấm áp hơn.
Tôi cũng không quên tự thưởng cho mình những giờ phút giải trí: đi xem phim, nghe nhạc, coi kịch... Khi thưởng thức giá trị văn hóa nghệ thuật sẽ thấy đời vui hơn, đẹp hơn. Thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè đi làm từ thiện ở tỉnh xa, đi để san sẻ yêu thương và để thấy mình còn sung sướng hơn bao người khác.
Kế hoạch về hưu của tôi tuy giản dị nhưng chỉ bao nhiêu đó thôi, tôi cảm thấy rất bận rộn, không có thì giờ để ngồi buồn vẫn vơ và suy nghĩ tiêu cực nữa.
Về hưu không phải là ngưng nghỉ mà là bắt đầu một cuộc sống mới
Nay tôi về hưu đã 2 năm. Nhờ tập gym và yoga tôi thấy mình khỏe hơn và xuống được 5kg. Tôi giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, tự tin hơn nhờ chú tâm học tập rèn luyện mỗi ngày. Nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, trang trí đẹp mắt, những bữa ăn ngon khiến tổ ấm của tôi càng thêm ấm cúng, vui tươi.
Điều quan trọng là từ ngày về hưu tôi thực hiện được chữ "hiếu", dành nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe cha mẹ, tâm sự, an ủi ông bà lúc tuổi già, bóng xế. Tôi đã làm được những việc mà khi còn đi làm tôi chưa có điều kiện thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt.
Như thế đó, về hưu không phải là ngưng nghỉ mà là bắt đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi cố gắng sống vui, sống khỏe, sống có ích và xây dựng mái gia đình hạnh phúc trong những năm còn lại của đời mình.
Tôi quyết định tha thứ chuyện chồng ôm hôn cấp dưới Sau cơn mưa trơi lai sang, tôi không thoa hiêp, không chiu đưng nhưng mơ long tha thư va đăt giơi han cho cac bên liên quan. Hình ảnh minh họa Tôi là người viết bài "Chồng thú nhận đã ôm hôn cấp dưới". Sáng hôm sau, anh ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Sau khi tài xế đưa các con đi...