Ngày mới tốt lành: Đến thăm tủ sách miễn phí của “cô bé” Nga
Bằng nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, Trần Thúy Nga đã vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, tự mình học tập và tạo dựng không gian đọc sách miễn phí để truyền lửa cho mọi người.
Chị Trần Thúy Nga (sinh năm 1985, tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) từng là một cô bé nghịch ngợm, hồn nhiên, yêu đời… Năm 13 tuổi, căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp đã tàn phá, làm biến dạng tất cả các khớp xương khiến đôi chân của chị bị liệt hoàn toàn, không thể đứng và đi lại được.
Từ say mê đọc sách khiến chị Nga vượt qua được những cơn đau triền miên, học được nhiều điều qua sách và nhận ra nhiều thứ quý giá xung quanh cuộc sống của mình.
Niềm vui của cô gái nhỏ bên những đại sứ lan tỏa tình yêu đọc sách.
Chị Nga chia sẻ: “Chị đặc biệt ấn tượng về chị Nguyễn Bích Lan “Không gục ngã”, anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương…
Họ không may mắn có cơ thể khỏe mạnh như bao người bình thường khác. Nhưng, họ đều đang làm được những việc phi thường, ý nghĩa vừa giúp chính mình sống vui, vừa giúp ích cho xã hội, lan tỏa những giá trị tích cực, yêu thương đến mọi người”.
Năm 2004, chị Nga bắt đầu gom sách xây dựng thư viện sách cho riêng mình với giá cho thuê chỉ 200 đồng/quyển. Từ số tiền tích góp được, Trần Thúy Nga lại mua thêm sách để mở rộng thư viện của mình.
Ngày nay, sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại càng nhiều thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Với mong muốn mang văn hóa đọc nhiều hơn đến với mọi người, chị đã khuyến khích và cho họ mượn sách miễn phí.
Không gian đọc của chị Trần Thúy Nga là địa chỉ quen thuộc của học sinh tại xã Nghĩa Đồng.
Từ khi có tủ sách nhỏ này, cuộc sống của chị Nga có nhiều thú vị hơn vì chị được chia sẻ và gặp gỡ nhiều người. Sau khi đọc mỗi cuốn sách hay, chị Nga thường tóm tắt chia sẻ trên mạng xã hội, từ đó thu hút các bạn cùng đọc sách, nâng cao hiểu biết.
Hiện nay, trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả, hiện “thư viện” của chị đã có hơn 3.000 đầu sách đa dạng, chủ yếu là sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe,…
Một số người vì yêu mến tủ sách Thúy Nga muốn gửi sách đến ủng hộ nhưng chị đều từ chối khéo. “Vì mình từng được tặng một số sách nhưng những sách đó không được các bạn đọc hoặc là rất hiếm. Như thế thì thật phí nên mình có ý xin được nói nhỏ, ai yêu tủ sách thì có thể lì xì sách cho mình. Mình sẽ bổ sung để có thêm nhiều sách hơn nữa”, Nga tâm sự
Video đang HOT
Chị Nga bọc sách mới để tránh bị hỏng.
Những cuốn sách ở đây đều được lựa chọn tỉ mỉ, kỹ lưỡng để phù hợp với các đối tượng mượn sách. Chị Nga trân trọng những cuốn sách như những đứa con của mình. Hiện nay, tủ sách Thúy Nga thu hút rất nhiều người đến mượn sách, đặc biệt vào những ngày cuối tuần càng tăng lên đáng kể.
Em Phan Thị Linh, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Lê Lợi cho biết: “Từ bé em đã tiếp xúc với tủ sách của chị Nga. Lúc ấy em chủ yếu đọc truyện tranh thiếu nhi, sau này lớn hơn, em chọn những cuốn sách dạy kỹ năng sống, khoa học, văn học,… để tạo sự tự tin trong việc học, công tác đoàn hay ngoài xã hội”.
Dù trong bất kỳ nghịch cảnh nào, chị vẫn giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ đón nhận cuộc sống mỗi ngày hoàn toàn khác hẳn với cơ thể yếu đuối bên ngoài.
Tủ sách miễn phí của chị Nga thu hút được nhiều độc giả, chủ yếu là các em học sinh THPT.
Chị còn khoe rất nhiều người mượn sách của mình sau này đều rất thành công, người thì vào được trường đại học mong muốn, người dám đứng lên thể hiện bạn thân trước mọi người… Nói đến những điều trên, trong mắt chị ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời.
Những ai đã đến thăm góc nhỏ của chị đều xúc động khi chứng kiến người chị nhỏ nhắn ngồi trên chiếc xe lăn để đóng từng cuốn sách.
Không ai khác, những con người như chị đã cho chúng ta thấy được ý chí, nỗ lực vượt lên số phận và một khao khát sống để cống hiến cho đời bằng một trái tim kỳ diệu.
Theo Ngọc Hà (Dân Trí)
Cô gái Hà thành xinh đẹp bất chấp dị nghị nhận con nuôi là trẻ tự kỷ
Phạm Thùy Linh, 28 tuổi (Hà Nội) đã từng bị gia đình, bạn bè phản đối kịch liệt khi cô quyết định nhận nuôi bé Từ Thu Phương - một bé gái chịu phận "con hoang" với căn bệnh tự kỷ và lở loét khắp người.
Nhiều người ác khẩu nói cô bị điên khi rước về cái "cục nợ" mà chả ai muốn dây vào. Nhưng trước những kỳ thị ấy, cô luôn chọn cách im lặng và không bỏ cuộc.
Câu nói ám ảnh của đứa trẻ bất hạnh
Chúng tôi gặp Linh khi cô đang dẫn con nuôi của mình đi chơi công viên. Nhìn cái cách bé Từ Thu Phương (9 tuổi) quấn quýt với Linh đủ thấy bé yêu quý người mẹ mới của mình đến thế nào.
Nhìn con âu yếm, Linh nói với tôi: "Nếu chị gặp bé khoảng hơn 1 năm về trước, chưa chắc chị đã dám ngồi mà nói chuyện thế này đâu. Lúc đó cháu lở loét khắp người, nhiều người đi qua không dám đưa mắt nhìn, thậm chí họ phải bước thật nhanh để không bị ám ảnh".
Hơn một năm về trước, khi vừa dạy xong tiết học trên trường mầm non thì bất ngờ Linh thấy một bé gái nhỏ thó, khuôn mặt chi chít mụn, quần áo lấm lem, chăm chú nhìn vào lớp học qua song cửa sổ. Tưởng bé đi lạc, Linh tiến lại hỏi thăm thì bé lí nhí nói: "Con thích đi học, con muốn được đến trường viết chữ như các bạn". Câu nói của cô bé khiến Linh không giấu được sự ngạc nhiên và xúc động.
Cô đến gần đứa trẻ và hỏi thăm về hoàn cảnh của nó. Đứa trẻ mặc dù đã lên 8 tuổi nhưng chỉ nặng có 15kg, mái tóc ngắn cắt nham nhở và khuôn mặt lở loét khiến Linh vô cùng xót xa. Linh cho bé ngồi lên xe máy rồi chở bé đi mua bánh kẹo, bim bim và chở bé về chỗ người mẹ bán bóng bay cách đó không xa.
Nụ cười hạnh phúc của Phương bên người mẹ nuôi.
Mẹ của Phương là chị Từ Hải Thanh (46 tuổi) có khuôn mặt khắc khổ và cũng chẳng được nhanh nhẹn như người khác. Chị Thanh kể Phương là đứa trẻ bất hạnh, con phải chịu mồ côi cha từ rất sớm. Hằng ngày bất kể trời nắng hay mưa Phương đều phải theo mẹ đi bán hàng rong từ sáng sớm đến đêm khuya ở ngã tư đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Mỗi lúc mẹ đi bán rong xa lại để cô bé Phương ở lại ngã tư Võ Thị Sáu. Những lúc như thế Phương thường đến những trường mầm non quanh đó rồi đứng nép vào cánh cửa xem các bạn chơi trò chơi và học chữ.
Biết con thèm được đi học nên chị Thanh cũng nhiều lần đánh liều đến các trường mầm non xin cho con đi học. Ban đầu họ đồng ý nhận nhưng đến khi chị Thanh dẫn con đến thì họ đều tìm cách từ chối khéo. Chị bảo: "Họ nhìn thấy con tôi lở loét khắp người thế nên sợ".
Hôm đó sau khi trở về nhà, hình ảnh cô bé với khuôn mặt lở loét và ánh mắt khát khao thèm muốn được đi học đã ám ảnh Linh rất nhiều. Mấy ngày sau đó đi đâu, làm gì Linh cũng chỉ nghĩ đến bé Phương. Cuối cùng cô quyết định sẽ nhận Phương về nuôi để có cơ hội chữa bệnh và cho Phương đi học.
"Lúc đó, mình đánh liều hỏi thôi chứ cũng không nghĩ là sẽ được chấp nhận. Nhưng may quá, mẹ bé đã đồng ý ngay, còn Phương khi nghe đến việc được đi học chữ đã cười rất tươi rồi lao vào ôm chầm lấy mình" - Linh nhớ lại.
Nhiều người đã không dám đến gần 2 mẹ con Linh.
Ngay buổi chiều hôm đó sau khi kết thúc lớp học ở trường mầm non, Linh đi xe máy đến đón Phương về nhà. Cô bé bị viêm da cơ địa lâu ngày nên mặt lở loét, tóc rụng vì mụn, đôi bàn tay bé xíu phải liên tục chà gãi khắp người. Ngồi trên xe, bé Phương vòng tay ôm lấy Linh rồi hỏi: "Cô ơi, nhìn mặt con có tởm không, nhìn mặt con buồn nôn cô nhỉ?". Câu nói hồn nhiên của bé khiến Linh trào nước mắt vì thương bé.
Linh chia sẻ: "Câu nói đó của Phương như cứa vào lòng mình. Lúc đó mình cảm thấy thương con vô cùng. Trong thâm tâm mình nghĩ sẽ cố gắng hết sức để con không bị thiệt thòi". Ban ngày cô bé đi học và đi chơi với Linh, tối muộn khi mẹ bán hàng xong mới trở về nhà.
Linh đưa con đi công viên chơi, tắm rửa, bôi thuốc và dạy con học chữ. Bé Phương có vấn đề tâm lý nên rất khó tập trung, thường học trước quên sau. Hằng ngày, thay vì dành thời gian đi chơi, tụ tập với bạn bè, mỗi khi tan lớp, Linh vội vàng trở về nhà đón bé Phương.
Phương không chỉ bị lở loét toàn thân mà cô bé còn bị bệnh tự kỷ. Chính vì vậy Phương thường không tập trung. Mỗi khi cô Linh dạy chữ, Phương lại nghĩ ra đủ trò để nghịch ngợm. Linh bảo: "Cũng may là trước đó mình đã từng tiếp xúc và dạy một số trẻ có tâm lý không bình thường nên cũng không bị sốc khi dạy bé Phương học".
Linh đưa ra phương pháp mỗi buổi học, hai cô trò thường chỉ dành khoảng 30 phút để học chữ, phép tính sau đó nghỉ ngơi, chơi trò chơi rồi mới tiếp tục ôn bài. Bé Phương rất thích nghe kể chuyện và vẽ. Con có thể dành hàng giờ, ngồi tỉ mẩn tô màu những đường nét trên bức tranh mà mình yêu thích.
Hiện Phương đã biết viết chữ.
Từng bị kỳ thị và xa lánh khi nhận con nuôi
Mặc dù đã lường trước việc mình nhận một đứa trẻ không quen biết lại bệnh tật đầy mình về nuôi sẽ vấp phải sự phản đối của người thân và bạn bè nhưng Linh cũng không ngờ sự phản đối lại quyết liệt đến vậy.
"Khi mình dắt bé Phương về nhà, mẹ mình đã không kiềm chế được sự tức giận. Mẹ bảo con gái chưa chồng mà lại "đèo bòng" thế này thì ai người ta còn dám lấy. Định thành bà cô ở cái nhà này à? Nói rồi mẹ đóng sập cửa lại không cho mình với bé Phương vào nhà" - Linh nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi quyết định nhận nuôi bé Phương.
Linh bảo cô rất hiểu được cảm giác lo lắng của mẹ nên cô không trách mẹ nhưng cô cũng không chịu buông bỏ ý định của mình. Giờ thì mưa dầm thấm lâu, mẹ Linh dù chưa thực sự ủng hộ Linh nhưng cũng không còn phản đối cô một cách gay gắt nữa.
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ những người thân trong gia đình mà ngay cả bạn bè cũng kịch liệt phản đối cô. Họ bảo cô có thể cho đứa trẻ tiền, quần áo và đồ ăn chứ không nhất thiết phải mang "cục nợ" ấy về chăm sóc. Tự nhiên lại thành bà mẹ đơn thân thế thì làm gì có người đàn ông nào dám tìm hiểu. Họ trù ẻo Linh rằng cô sẽ ế là cái chắc. Và kể cả là không ế thì sau này nếu cô lấy chồng và có thai mà suốt ngày tiếp xúc với một đứa trẻ bệnh tật cũng sẽ ảnh hưởng không tốt tới đứa con trong bụng cô.
"Thực sự khi phải nghe quá nhiều những lời phân tích và "dọa nạt" của người thân, bạn bè mình cũng phân vân lắm. Những gì họ nói không phải là không có cơ sở. Nhưng cứ nghĩ đến việc bé Phương sẽ phải trở về với cuộc sống lang thang, bệnh tật và thất học lại khiến mình đau lòng. Lời nói và ánh mắt của con bé chính là động lực để mình không bỏ cuộc" - Linh tâm sự.
Đến nay, sau đúng một năm kèm cặp, Phương tiến bộ thấy rõ. Cô bé đã biết đọc, đánh vần và làm những phép tính cơ bản. Từ một cô bé gầy nhẳng, mụn nổi đầy mặt, Phương giờ trông phổng phao, da dẻ hồng hào và đặc biệt là bệnh viêm da của con cũng tiến triển theo chiều hướng rất khả quan. Dù chưa hết mụn, nhưng trên người đã không còn vết lở loét, con cũng tự tin hơn rất nhiều so với trước đây.
"Điều mình cảm thấy vui nhất là đến giờ con rất lễ phép, gặp người lớn biết chào hỏi, ai cho gì biết nói lời cảm ơn, khi sai biết khoanh tay nhận lỗi. Đến bữa ăn, Phương đã có thể tự biết xúc cơm, tự gắp thức ăn, ăn xong biết tự giác rửa tay, lau miệng. Những điều tưởng như bình thường với đứa trẻ khác nhưng với con đó là cả hành trình nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của con" - Linh không giấu được sự tự hào khi nói về sự tiến bộ của con nuôi.
Linh bảo rằng cô sẽ nuôi Phương cho đến khi con trưởng thành nếu được sự chấp thuận của mẹ bé. Hiện tại ngoài công việc chính là cô giáo dạy mầm non buổi tối Linh còn nhận dạy aerobic. Tối nào Linh cũng dẫn theo bé Phương đến nơi mình dạy học.
Linh bảo khi nhận nuôi bé Phương nhiều người cũng ngỏ ý muốn trợ giúp cô về tài chính nhưng cô khước từ. Lý do là bởi cô không muốn để người ta nghĩ rằng mình nhận con nuôi là để tranh thủ nhận tiền từ thiện. Linh bảo, dù vất vả hơn rất nhiều nhưng cô sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho Phương tốt nhất trong khả năng của mình.
Theo Phong Anh (CAND)
Nghệ An: Cho cam "ăn" cá, 10 cây trĩu quả cả 10, đã thế ăn lại ngọt Ông Nguyễn Tấn Phượng trú tại xóm Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An) đã có bí quyết trồng cam cho ra trĩu quả, mà quả nào cũng mọng nước, ngọt đậm. Bí quyết của ông Phượng là cho cam "ăn" thêm cá. Cho cam" ăn"cá-cái kết rất...là khá Trước khi đến với nghề trồng cam, vợ chồng ông...