Ngày mai xét xử vụ “đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Trạm 56
Sau hơn 2 tháng điều tra bổ sung, Viện KSND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can về các hành vi “đưa, nhận hối lộ”.
Theo thông báo của TAND tỉnh Đắk Nông, ngày mai (1/12) TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án “đưa, nhận hối lộ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 56 (gọi tắt Trạm 56) – tỉnh Đắk Nông” ra xét xử.
Bị cáo Lê Đình Trọng (nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông).
Bị cáo Lê Đình Trọng (SN 1975, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông) bị truy tố tội “nhận hối lộ”. Các bị cáo Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Công ty TNHH Hiệp Toàn; trụ sở TP. HCM) và Nguyễn Xuân Chung (SN 1976, ngụ tỉnh Đắk Lắk; nhân viên Công ty TNHH vận tải Phước Hòa) cùng bị truy tố về tội “đưa hối lộ”.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Anh Loát. Tham gia phiên tòa, có 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Đình Trọng là luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk). Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Toàn là luật sư Trần Giáng Hương (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, Trọng và Toàn có quen biết nhau vào đầu năm 2013 từ việc Trọng phát hiện và bắt giữ được 4 xe container của công ty Hiệp Toàn đang vận chuyển gỗ quá tải trọng từ lối mở 751 đi ra Quốc lộ 14 (tỉnh Đắk Nông) về TP. HCM nhưng sau đó không xử phạt.
Biết Trọng là Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông nên Toàn đặt vấn đề với Trọng là xe của Công ty Hiệp Toàn, nếu có vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì nhờ Trọng giúp đỡ và được Trọng đồng ý.
Cáo trạng xác định, Toàn nhiều lần nhắn tin biển kiểm soát xe quá tải của Công ty Hiệp Toàn cho Trọng để Trọng bỏ qua, không xử phạt. Đổi lại, Trọng được Toàn “bồi dưỡng” 20 triệu đồng (chuyển 2 lần: lần 1 vào cuối tháng 3/2014; lần hai vào ngày 15/5/2014).
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển 89 chuyến dầu ăn trên Quốc lộ 14 và 99 chuyến xe container gỗ từ Đắk Nông về TP. HCM đều quá tải trọng, mà không bị Trọng kiểm tra, xử lý.
Từ nhiều nguồn tin có việc đưa, nhận tiền tại Trạm 56, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc điều tra phát hiện sự việc như trên.
Sau khi có kết luận điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ qua VKSND cùng cấp truy tố những bị can có liên quan.
Tuy nhiên, VKSND tỉnh Đắk Nông trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì có nhiều điều chưa được làm rõ. Tại bản kết luận điều tra bổ sung số 66/BKLĐTBS – PC46 ngày 8/6/2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo các tội danh nêu trên.
Ngày 19/8 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Nông đưa vụ án ra xét xử và tiếp tục trả hồ sơ về cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết quan trọng của vụ án.
Sau gần 2 tháng thực hiện điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND tỉnh Đắk Nông, cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông đã ký bản “Kết luận điều ra bổ sung” lần 2 số 101/BKLĐTBS- PC46 ngày 8/10/2015.
Video đang HOT
Kết luận điều tra bổ sung lần hai này chỉ có một điểm mới so với kết luận điều tra bổ sung lần một đó là cơ quan này không xác định cụ thể Trọng là người bỏ qua, không xử lý vi phạm đối với các xe quá tải của công ty Hiệp Toàn, thay vào đó là tập thể TTGT Sở GTVT tỉnh Đắk Nông.
Từ kết luận điều tra lần 2 này, VKSND tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can Lê Đình Trọng; Nguyễn Xuân Chung và Nguyễn Trọng Toàn về hành vi “Đưa, nhận hối lộ”.
Công Thư
Theo_Người Đưa Tin
Vụ nhận hối lộ tại Đắk Nông: Liệu cơ quan tố tụng có vội vàng?
Vào ngày 19/8 tới, TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử vụ án Phó chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ" do có liên quan đến việc nhận tiền của một doanh nghiệp.
Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk bị cáo buộc tội "Nhận hối lộ" do có liên quan đến việc nhận tiền của một doanh nghiệp để "bảo kê" các xe vận tải quá tải trọng đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Đắk Nông vẫn chưa làm rõ hết những vấn đề mấu chốt để giải mã vụ án. Liệu các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông có quá vội vàng trong việc khởi tố và xét xử vụ án này?
Quen biết nhau khi xử lý xe quá tải
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, Nguyễn Trọng Toàn (SN 1979, nhân viên Công ty TNHH Hiệp Toàn, trụ sở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM; vợ Toàn làm giám đốc) kinh doanh trong ngành vận tải.
Vào đầu năm 2013, Toàn thuê 4 xe container để vận chuyển gỗ từ Đắk Nông về TP.HCM. Khi đang lưu thông trên lối mở 751 đi ra quốc lộ 14 (đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông) thì bị Đội Thanh tra giao thông do Lê Đình Trọng (SN 1975, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) phụ trách, phát hiện 4 xe container này chở quá tải nên giữ lại trong nhiều ngày.
Sau đó, các xe này không bị xử phạt với lý do mới vi phạm lần đầu. Từ vụ việc này, Trọng và Toàn quen biết nhau.
Lê Đình Trọng thời điểm bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt giam.
Biết Trọng là Phó chánh Thanh tra giao thông nên Toàn xin số điện thoại của Trọng và đặt vấn đề với Trọng là xe của Công ty Hiệp Toàn nếu có vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì nhờ Trọng giúp đỡ và được Trọng đồng ý.
Cuối tháng 3/2014, Trọng gọi điện thoại cho Toàn gợi ý bồi dưỡng cho ít tiền để anh em đi tập huấn tại Đà Lạt. Do xe của Công ty Hiệp Toàn thường xuyên chở quá tải nên Toàn đồng ý chuyển tiền cho Trọng với mục đích được dễ dàng làm ăn.
Toàn không phải là người trực tiếp chuyển tiền cho Trọng, mà nhờ em vợ Toàn là Phạm Hồng Thái chuyển qua tài khoản ngân hàng cho Trọng số tiền 5 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Trọng rút sử dụng cá nhân.
Ngày 4/4/2014, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (gọi tắt là Trạm KTTTX lưu động 56) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và giao cho Trọng làm Trạm trưởng.
Khoảng tháng 4, 5/2014, Toàn một vài lần nhắn tin biển số xe cho Trọng để tránh bị kiểm tra trên đường khi Toàn vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngày 15/5/2014, Trọng nhắn tin cho Toàn với nội dung: "Trọng đang bị bệnh, khó khăn cần tiền sử dụng, hiện nay đang ở trạm cân".
Hiểu ý Trọng, Toàn nói vợ ra chuyển tiền cho Trọng nhưng ghi tên người chuyển là Nguyễn Trọng Toàn. Vợ Toàn nghe Toàn nói Trọng làm Thanh tra giao thông ở Đắk Nông nên ghi nội dung chuyển tiền là: "Thanh toán tiền luật trên đường".
Sau khi nhận được tiền, Trọng gọi lại cho Toàn nói: "Sao ghi là thanh toán tiền luật trên đường, chú làm thế là giết anh" và yêu cầu Toàn rút lại. Nhưng Toàn trấn an rằng, do vợ Toàn không biết nên ghi như vậy, chứ Toàn với Trọng là chỗ thân thiết, Toàn sẽ không hại Trọng.
Nghe Toàn nói thế nên Trọng không nói gì thêm. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển 89 chuyến dầu ăn trên Quốc lộ 14 và 99 chuyến xe container gỗ từ Đắk Nông về TP.HCM đều quá tải trọng mà không bị Trọng kiểm tra, xử lý lần nào.
Không thực hiện trách nhiệm được giao
Sự việc bị phát hiện và Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc điều tra. Sau đó, Trọng bị bắt giam để điều tra về tội "Nhận hối lộ". Sau khi có kết luận điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp truy tố Trọng về tội danh trên.
Theo đó, từ tháng 3 đến tháng 10/2014, Trọng nhận 20 triệu đồng của Toàn nên không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, để cho xe của Công ty Hiệp Toàn chở quá trọng tải theo quy định của Nhà nước nhưng không xử lý theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vụ án này, Toàn cũng bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Trong kết luận điều tra bổ sung số 66/BKLĐTBS-PC46 ngày 8/6/2015 thể hiện, Toàn khai nhận, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển 89 chuyến dầu ăn trên Quốc lộ 14 và 99 chuyến xe container gỗ từ Đắk Nông về TP.HCM.
Trong thời gian từ 15/5/2014 đến 18/8/2014, Công ty Hiệp Toàn vận chuyển tổng cộng 54 chuyến hàng là gỗ và các chuyến hàng này đều vượt quá tải trọng cho phép nhưng không bị dừng xe xử lý. Cũng theo Toàn, trong khoảng thời gian này có liên lạc với Trọng và có đặt vấn đề nhờ Trọng giúp đỡ khi xe của công ty Hiệp Toàn lưu thông qua trạm cân.
Cũng theo Toàn, khoảng tháng 7, hay tháng 8/2014, Toàn có điện thoại xin cho đoàn xe khoảng 3 - 4 chiếc qua trạm để về cập cảng đúng giờ và Trọng đồng ý. Toàn cũng thừa nhận có đưa tiền cho Trọng 2 lần, với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Mục đích chuyển tiền cho Trọng là để vận chuyển hàng hóa trên tuyến được thuận lợi, không bị xử lý, hoặc nhờ Trọng giúp đỡ trong các vấn đề liên quan.
Sau đó, vì xe của Công ty Hiệp Toàn không bị xử lý nên Toàn nghĩ đã có sự can thiệt của Trọng, chứ Toàn không chắc Trọng có giúp đỡ mình trong việc không xử lý vi phạm hay không.
Đáp lại lời khai của Toàn, Trọng cũng thừa nhận có nhận tổng cộng 20 triệu đồng. Trong đó, 5 triệu đầu Trọng nhận được vào ngày 1/4/2014 nhưng không nhớ ai chuyển và đây là tiền gì. 15 triệu còn lại Toàn chuyển cho Trọng vào ngày 15/5/2014, nhưng đây là tiền vay của Toàn để giải quyết công việc cá nhân chứ không phải là tiền nhận hối lộ.
Trọng cũng cho biết có mối quan hệ với Toàn, có gặp Toàn hai lần (một lần đi ăn và một lần uống cà phê tại một quán gần trạm cân). Việc gặp là vì trước đó Trọng có giúp cho đoàn xe 3-4 chiếc được lưu thông về cảng nhập hàng đúng giờ mà không kiểm tra, chứ hoàn toàn không phải gặp Toàn để đòi tiền hối lộ.
Lý giải cho việc tại sao 89 chuyến hàng dầu ăn và 99 chuyến hàng gỗ có vi phạm của Công ty Hiệp Toàn được vận chuyển qua trạm trong thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2014 mà không bị xử lý. Trọng cho rằng, không biết các xe của Công ty Hiệp Toàn có lưu thông trên tuyến hay chở quá trọng tải hay không. Trọng cũng không được các đội thanh tra báo cáo lại việc có thấy xe của Công ty Hiệp Toàn hay không nên không biết.
Đồng thời, Trọng không trực tiếp kiểm tra trong các tuyến tỉnh lộ. Trọng chỉ kiểm tra công việc thông qua báo cáo của các đội thanh tra, mà trong các báo cáo ấp không nhắc gì đến việc có hay không có xe của Công ty Hiệp Toàn vi phạm.
Trước lời khai của Trọng, Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng, trong thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2014, các xe của Công ty Hiệp Toàn đã vận chuyển 89 chuyến hàng dầu ăn lưu thông trên quốc lộ 14, 99 chuyến hàng gỗ từ các cửa khẩu, lối mở 751 đi qua tỉnh lộ 1 (trong đó có 54 chuyến chở gỗ trong thời gian từ 15/5 - 18/8/2014) quá trọng tải nhưng không bị Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đắk Nông kiểm tra, xử lý lần nào.
Đối chiếu từ sổ theo dõi nhật ký vận chuyển lưu tại Công ty Hiệp Toàn và việc hàng trăm chuyến hàng quá tải không bị kiểm tra, xử lý trong thời gian Trọng có nhận tiền của Công ty Hiệp Toàn thì thấy đó không phải là sự trùng hợp, mà là có thỏa thuận trước đó giữa Toàn và Trọng.
Từ đó, Công an tỉnh Đắk Nông kết luận, Trọng là người có chức trách nhiệm vụ trong việc phát hiện vi phạm đối với các phương tiện vận tải nói chung và của Công ty Hiệp Toàn nói riêng. Việc trọng không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra phát hiện vi phạm là thiếu trách nhiệm, hành vi này lại kèm theo việc nhận tiền của Toàn để bỏ qua, bỏ lọt vi phạm là tội "Nhận hối lộ".
Nhiều điểm chưa được làm rõ
Tại kết luận điều tra vụ án số 30/BKLĐT-PC46 ngày 18/3/2015, Công an tỉnh Đắk Nông kết luận Lê Đình Trọng tội "Nhận hối lộ" và chuyển sang Viện KSND cùng cấp để truy tố. Tuy nhiên, Viện KSND đã trả hồ sơ để điều tra lại vì có nhiều điều chưa được làm rõ.
Theo đó, Viện KSND yêu cầu làm rõ ai là người có quyền dừng các phương tiện để kiểm tra tải trọng? Người này có nhận được chỉ đạo của Trọng trong việc dừng hay không dừng xe của Công ty Hiệp Toàn hay không? Nhiệm vụ của các Trưởng ca trực Trạm KTTTX lưu động 56 như thế nào? Các Trưởng ca có nhận được chỉ đạo của Trọng trong việc dừng hay không dừng xe của Công ty Hiệp Toàn hay không?
Hóa đơn 15 triệu đồng do người thân của Toàn gửi vào tài khoảng của Lê Đình Trọng với nội dung "Thanh toán tiền luật trên đường".
Tuy những nội dung này khá quan trọng, có thể làm rõ được Trọng nhận 20 triệu đồng từ Toàn có phải là nhận hối lộ hay chỉ là tiền vay mượn bình thường. Nhưng theo Công an tỉnh Đắk Nông, việc làm rõ nội dung yêu cầu điều tra bổ sung nêu trên là không cần thiết và không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, việc phân ca trực được chia mỗi ngày 3 ca, mỗi ca có 3 cán bộ Thanh tra giao thông và 2 cảnh sát giao thông, các cán bộ này lại thường xuyên thay đổi, đồng thời chỉ có thể xác định được các xe vận tải của Toàn đi ngày nào chứ không xác định được giờ nào xe qua Trạm KTTTX lưu động nên việc xác định chính xác xe đi qua thuộc ca trực của những ai là không có căn cứ.
Việc gọi hỏi đối với từng người sẽ không đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ trật tự an toàn giao thông và gây dư luận xấu.
Điều này đặt ra câu hỏi, liệu nội dung mà Viện KSND yêu cầu làm rõ là không cần thiết vì không ảnh hưởng đến bản chất vụ án hay cơ quan điều tra không thể làm sáng tỏ được những khúc mắc này? Để trả lời được câu hỏi này, có lẽ phải chờ tới phiên tòa xét xử sắp tới tại TAND tỉnh Đắk Nông.
Dự kiến, phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào 19/8 tới đây. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trọng là luật sư Hồ Ngọc Diệp (Trưởng văn phòng luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn luật sư TP.HCM).
Để làm rõ hơn bản chất về vụ án gây xôn xao dư luận này, PV báo Người Đưa Tin sẽ liên lạc, phỏng vấn với luật sư Hồ Ngọc Diệp. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Công Thư
Theo_Người Đưa Tin
Người sinh Huỳnh Văn Nén lần hai và 15 năm kêu oan Vừa bước chân ra khỏi trại tạm giam, người tù Huỳnh Văn Nén đã ôm chầm lấy ông Nguyễn Thận nghẹn ngào nói: "Cám ơn thầy, thầy chính là người đã sinh ra con lần thứ hai". Nhìn cảnh 2 người đàn ông gầy gò, khắc khổ ôm nhau khóc như trẻ con trước cửa trại giam, nhiều người có mặt hôm ấy...