Ngày mai đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Ngày mai (13/3), tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha; thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, của các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Khu tưởng niệm được xây dựng với mong muốn là một “địa chỉ đỏ” để mỗi người khi đến với Khánh Hòa sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng sẽ là nơi những người còn đang sống tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; là nơi thay thế mộ phần của các chiến sĩ còn chưa tìm thấy thi thể, như tâm sự của máy trưởng tàu HQ605 – Uông Xuân Thọ: “Chúng tôi, những người lính trở về vẫn đau đáu về sự hy sinh của đồng đội. Một tượng đài không chỉ làm mãn nguyện hương hồn liệt sĩ, mà để con cháu mai sau biết xương máu anh hùng thế hệ trước”.
Toàn thể tượng đài được phác thảo – Ảnh: BTC
Trước đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau khi thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức thi tuyển chọn thiết kế Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Sau khi triển khai thực hiện đã có 43 tổ chức, cá nhân đăng ký nhận thông báo và yêu cầu thiết kế tham gia cuộc thi. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp 2 ha đất tại Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (đại lộ Nguyễn Tất Thành) để làm nơi xây dựng.
Video đang HOT
Tính đến ngày 31/10/2014, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 100 bản vẽ, 15 mô hình, 25 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 25 đơn vị, tập thể và cá nhân đăng ký tham gia dự thi. Trong đó: Khu vực Phía Nam có 19 tổ chức, cá nhân; Phía Bắc có 6 tổ chức, cá nhân. Đồng tuyển chọn, Ban giám khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn tác phẩm “Hành trình khát vọng” và tượng đài của tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời” để thực hiện dự án khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Như đã biết, sự kiện ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Trong trận chiến, thiệt hại của Việt Nam bao gồm 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương…
Được biết, vào ngày mai (13/3), khách mời về dự Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ngoài các vị khách quý từ các bộ, ban ngành TW, có các chiến sĩ đã chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, các thân nhân gia đình liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến; cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trong cả nước; Lãnh đạo hải quân vùng 3 và 4 (Đà Nẵng, Khánh Hòa), Lực lượng Cảnh sát biển, lãnh đạo đơn vị Công binh F83 (đơn vị có các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988) và hơn 200 công nhân lao động tỉnh Khánh Hoà, chiến sĩ vùng 4 Hải Quân.
Liên quan đến sự kiện này, ông Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, cho biết, bạn đọc báo Dân trí nhiều năm qua đã đóng góp được số tiền 505.000.000 đồng để xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Số tiền này là đóng góp từ bạn đọc trong nước và nước ngoài; từ các em học sinh góp tiền mừng tuổi hàng năm, đến các nguồn tiền từ các văn nghệ sĩ, doanh nhân, viên chức, các nhà hảo tâm, Việt kiều từ các nước gửi về qua Quỹ Nhân Ái của Báo điện tử Dân trí. Báo điện tử Dân trí đã, đang và sẽ tiếp tục là cầu nối để bạn đọc thể hiện lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông. “Với tấm lòng yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam, tôi tin rằng Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, trong đó có Dự án Xây dựng Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma, sẽ tiếp tục được đón nhận tấm lòng của bạn đọc Dân trí ủng hộ. Báo điện tử Dân trí sẽ tiếp tục chuyển tiền giúp đỡ của bạn đọc tới các em học sinh trên vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa, giúp các gia đình kiểm ngư viên, cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn”, ông Phạm Huy Hoàn chia sẻ.
Viết Hảo
Theo dantri
Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động cùng "gỡ" tình trạng nợ lương
Ngày 10/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2014, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015.
Thủ tướng: "Cần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, nhất là vấn đề nhà ở, điều kiện sống, vấn đề tiền lương" (ảnh: Chinhphu.vn).
Cuộc họp là một hoạt động thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2014, trọng tâm công tác năm 2015 cho thấy, sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng chủ động, hiệu quả, thực chất hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, như: phối hợp trong xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động; phối hợp kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức công dân; phối hợp trong việc trao đổi thông tin, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động;...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo Hiến pháp, luật pháp, những kết quả đạt được trong phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2014 vừa qua đã góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; góp phần giúp hai bên thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2011-2015), năm có nhiều ngày lễ lớn, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, trước hết là phối hợp trong thực hiện, tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người lao động, gắn với các phong trào thi đua bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh phối hợp để chăm lo tốt hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, nhất là vấn đề nhà ở, điều kiện sống, vấn đề tiền lương của người lao động.
Cuộc họp là một hoạt động thực hiện cơ chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động.
" Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải phối hợp tốt với Chính quyền trong giải quyết tình trạng nợ đọng tiền lương của người lao động, nợ bảo hiểm của người lao động...; những quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động phải được bảo vệ tốt hơn..." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến công nhân, viên chức, người lao động; triển khai có hiệu quả các nội dung phối hợp mà Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận; phối hợp trong công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức công dân; phối hợp tốt hơn trong xử lý các kiến nghị, các vấn đề bức xúc của người lao động;...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2010 về thanh tra nhân dân; rà soát, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; xem xét, ban hành Quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ trợ vốn cho công nhân, lao động nghèo tự tạo việc làm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước; hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm của tổ chức công đoàn; cơ chế tiền thưởng vượt tiến độ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu; về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nhà trẻ, mẫu giáo, trong đó chú trọng phát triển trường, lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2025.
P.Thảo
Theo Dantri
Quỹ Nhân ái trao nóng 5 triệu đồng đến với cậu bé mồ côi không có Tết Không cha, không mẹ cái Tết càng xa vời vợi với cuộc sống đã vốn nghèo túng của cậu bé Hồ Phi Ước. Trước hoàn cảnh đáng thương của Ước, nhà báo Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí đã quyết định trao nóng 5 triệu đồng hỗ trợ em đón Tết. Chiều ngày 17/2, nhà báo Duy Thảo -...