Ngày làm việc thứ 2: Trung ương thảo luận Đề án về công tác cán bộ
Trung ương cho rằng, đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, sáng(8.5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII thảo luận tại hội trường về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.
Thảo luận tại Hội trường, các vị Ủy viên Trung ương đều đánh giá cao Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình tại Hội nghị Trung ương lần này; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…
Các đại biểu thảo luận tại hội trường về công tác cán bộ.
Thảo luận tại Hội trường, liên quan đến việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với đồng chí đó cũng sẽ chặt chẽ hơn. Bản thân đồng chí cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận.
Chia sẻ nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình trong xử lý công việc. Tuy nhiên, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đến đặc thù vùng miền, giúp cán bộ nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương.
Video đang HOT
“Việc thiếu thông tin, chưa nắm được địa bàn có thể khắc phục thông qua nỗ lực tìm hiểu của bản thân. Nhưng tình cảm thì rất khó. Trong hai cái đó, tôi chọn bố trí cán bộ không phải là người địa phương”, ông Đỗ Văn Chiến góp ý.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đến đặc thù vùng miền.
Một số ý kiến đề nghị triển khai nhất quán ngay từ đầu chủ trương này, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và để làm được điều này, thì ngay từ bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Bí thư, đảm bảo tính chất vùng miền, dân tộc… Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh chủ tịch, nhằm ngăn chặn tận gốc quyền lực ở địa phương.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào khâu đánh giá cán bộ. Cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo, đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng. Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng tình với hình thức đánh giá này, đồng thời yêu cầu tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ hiện nay, vì đây sẽ là đội ngũ cán bộ được đào tạo thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thời gian tới.
“Tỉnh đặt hàng cho các Bí thư, Chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết. Và cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.
“Tôi đề nghị Trung ương cần nghiên cứu cái này và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thế ngăn chặn được. Ít nhất là giảm tối đa việc này và có chế tài giám sát người đứng đầu nếu trách nhiệm của anh mà anh để như thế thì không được. Đây chính là mấu chốt và dẫn đến câu chuyện là tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ hết, quy trình đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền này”, ông Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị.
Theo Xuân Dần (VOV)
"Chạy chức, chạy quyền là nỗi niềm trăn trở của Tổng Bí thư"
Nói về tình trạng chạy chức, chạy quyền tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 sáng nay, 19/1, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Thanh Bình nhận định, đây là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp uỷ Đảng, nhất là của Tổng Bí thư trong bối cảnh hiện tại.
Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 của Ban Tổ chức Trung ương đi thẳng vào vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền
Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính và đại diện các cơ quan, đơn vị...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, toàn ngành Xây dựng Đảng đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đi đôi với đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp, thái độ làm việc.
Đồng thời đã huy động được sức mạnh chung để hoàn thành một khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2017, nhất là củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung và dành thời gian cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm, giải pháp để kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Chính cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy Đảng cần triển khai như thế nào nhằm vào trọng tâm gì cho thật sự có hiệu quả. Nhất là tạo bước đột phá trong việc thực hiện NQ T.Ư 4 khóa XI, XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết số 18, số 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về tinh giản bộ máy, biên chế.
Hạn chế việc bố trí sai người, nhầm chỗ trong công tác cán bộ
Báo cáo về vấn đề, Phó trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngành tổ chức xây dựng đảng đã giảm biên chế liên tục trong 3 năm. Năm 2017, tổng số thực tế hưởng lương ngân sách của các ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc TƯ là 2.044 người ( 89,53% so với tổng biên chế được giao); các ban tổ chức cấp uỷ cấp trên cơ sở là 5.371 người ( 92,38% so với tổng biên chế được giao).
Năm 2016, toàn Đảng có hơn 4,27 triệu/4,76 triệu đảng viên, 56.581/57.076 tổ chức cơ sở đảng được đánh giá chất lượng, đi vào thực chất; tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiệm 15,76%, giảm so với năm trước.
Tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 56.329 tổ chức cơ sở đảng, trong đó, 25.483 đảng bộ cơ sở và 30.836 chi bộ cơ sở. Năm 2017 kết nạp mới 207.279 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng lên hơn 4,9 triệu.
Về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, theo ông Bình, Ban Tổ chức đã rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 1.122 cán bộ diện TƯ quản lý; trong đó loại bỏ 47 trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị
Theo Phó ban Tổ chức TƯ, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhạy cảm, phức tạp nhiều năm băn khoăn, trăn trở, đến nay mới từng bước được nhận diện tháo gỡ.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã huy động được sức mạnh chung và đạt những kết quả ban đầu quan trọng.
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh việc thẳng thắn, mạnh dạn, cầu thị chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể như việc lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá nghị quyết của Đảng về tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn lúng túng, chưa kịp thời, kém hiệu quả.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao 65%.
"Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp uỷ Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, thường vụ cấp uỷ và bí thư cấp uỷ các cấp" - ông Bình nói.
Nói về nguyên nhân của những hạn chế này, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ cho rằng nhận thức và vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa ngang tầm, chưa thật sự quan tâm thích đáng cho công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng đã bổ sung hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống nạn quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
P.Thảo
Theo Dantri
Tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ sẽ "đẻ" ra thế hệ tham nhũng tiếp "Tham nhũng trong công tác cán bộ là nguy hiểm hơn bởi nó tạo ra một thế hệ tham nhũng tiếp theo. Nghĩa là khi người cán bộ phải bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền, sẽ sinh ra chuyện người đó cũng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực giống như người đã "nâng đỡ" họ nhằm để thu lại...