Ngày họp cuối của AMM-49 sẽ bàn vấn đề Biển Đông, Triều Tiên
Ngày 26/7, tại thủ đô Vientiane, các cuộc họp cuối cùng trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra.
Trong ngày họp cuối cùng này, các cuộc họp gồm ASEAN 3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 17; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23 (với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 17 đối tác) sẽ diễn ra.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 3, các bộ trưởng sẽ bàn việc kiểm điểm thực hiện kế hoạch công tác 2013-2017 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác mới cho giai đoạn tiếp theo; chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN 3 vào tháng 9/2016, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Cấp cao ASEAN 3 về phát triển bền vững do Lào đề xuất.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) sẽ bàn về cấu trúc khu vực đang định hình và vai trò của EAS, việc triển khai Tuyên bố kỷ niệm 10 năm thành lập EAS do các lãnh đạo thông qua hồi tháng 11/2015, trong đó có các biện pháp tăng cường EAS như lập cơ chế CPR 8 tại Jakarta và thành lập bộ phận EAS trong Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị cũng sẽ bàn việc chuẩn bị cho Cấp cao EAS vào tháng 9/2016, trong đó có các văn kiện dự kiến được thông qua là Tuyên bố Cấp cao EAS về chống phổ biến vũ khí hạt nhân do Australia đề xuất, Tuyên bố Vientiane về thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng do Lào đề xuất, Tuyên bố Cấp cao EAS về chống phổ biến hạt nhân và Tuyên bố Cấp cao EAS về người di cư và nạn buôn bán người do Mỹ đề xuất.
Video đang HOT
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các bộ trưởng sẽ rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ vừa qua và thông qua danh sách các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017 cũng như bàn về định hướng tương lai của ARF.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua các Tuyên bố ARF về Tăng cường quản lý biên giới chống sự dịch chuyển của tội phạm do Trung Quốc đề xuất, Tuyên bố ARF về các vụ tấn công khủng bố gần đây do Nhật Bản đề xuất, Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển do Việt Nam đề xuất.
Bên cạnh các vấn đề trên, hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên, khủng bố và bạo lực cực đoan, nạn buôn bán người, di cư bất thường…/.
Theo Vietnam
ASEAN, Trung Quốc cam kết không gây phức tạp biển Đông
Ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).
AFP đưa tin trong tuyên bố chung được công bố ngày 25/7, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc cam kết tuân thủ DOC và "tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông".
Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh các bên liên quan cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ, quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp tranh chấp, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 1, diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đồng thuận "kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định" trong khu vực.
Ngoài ra, phạm vi kiềm chế còn bao gồm những hành động cải tạo các thực thể không có người ở trên các đảo ở Biển Đông.
Thực thể Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS
Tuyên bố chung không đề cập tới phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, mâu thuẫn về quan điểm của một vài quốc gia ASEAN khiến cuộc gặp lâm vào bế tắc.
Các nước ASEAN đã không ra được tuyên bố chung về Biển Đông hôm 24/7 sau khi có một nước không muốn tuyên bố đề cập tới phán quyết vụ kiện yêu sách chủ quyền vô lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Reuters trích các nhà ngoại giao tiết lộ một số nước trong đó có Philippines muốn tuyên bố chung của các ngoại trưởng đề cập tới phán quyết của toà trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ "đường 9 đoạn" nhưng đề nghị này đã bị ngăn cản.
Đây là lần đầu tiên kể từ 2012, khi hội nghị được tổ chức tại Phnompenh (Campuchia), ngoại trưởng các nước ASEAN không ra được tuyên bố chung. Trong lịch sử 49 năm của ASEAN, chỉ có hai lần các ngoại trưởng không đạt được đồng thuận chung.
Theo nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, nếu một nước không đồng ý với tuyên bố, khối sẽ không thể thông qua được tuyên bố. Dự thảo phán quyết của các ngoại trưởng có đề cập tới phán quyết của toà PCA cũng như nhắc lại việc cần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) đã diễn ra với sự tham dự của 10 bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và tổng thư ký ASEAN tại Vientiane, Lào.
Ngoài ra, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có những nội dung làm việc với người đồng cấp của các quốc gia đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Liên minh Châu Âu (EU) và Canada.
Theo Zing News
Các hội đoàn Ba Lan và IACMV ủng hộ phán quyết về biển Đông Ngày 23/7 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan đã diễn ra buổi lễ công bố và trao thư của Hội Quý tộc những người anh em Stanislaw gửi Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam với nội dung ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc...