Ngày gặp lại
Bích Rô là bạn hàng xóm của tôi, học trên tôi một lớp. Năm 1974, Bích Rô đậu tú tài hạng Bình nên nhận được học bổng sang Úc du học. Đất nước thay đổi từ năm 1975, chúng tôi không còn giữ tin tức gì của nhau. Một lần về lại xóm cũ mới biết gia đình Bích Rô đã xuất cảnh từ lâu.
Học giỏi, xinh đẹp và khiêm tốn, chỉ tội cái tên Bích Rô nghe…mặt rô quá. Tức là dân…anh chị đó. Hỏi về gốc tích cái tên, Bích Rô ấm ức kể lúc bạn học năm cuối bậc tiểu học, thưở đó cũng đủ lớn khôn để biết thế nào là mặc cảm của mình dù chỉ là cái tên:
“Mẹ tao sinh tao ra, nằm nghỉ dưỡng ở nhà rồi nói ba tao đi khai sinh cho tao. Mẹ đặt tên tao là Bích Ngọc, cái tên dễ thương vô cùng. Không ngờ ba tao trên đường ra phòng hộ tịch gặp chú Tư của tao. Chú rủ ba tao đi nhậu. Hai ông nhậu quắc cần câu rồi mới ghé phòng hộ tịch. Nhân viên hộ tịch hỏi đặt tên cháu bé là gì. Trong đầu ba lại hiện bốn con bài Cơ Rô Chuồn Bích khi đi ngang công viên thấy bà bói toán ngồi bày ra các quân bài. Thế là trong lúc “xỉn xỉn” ba đã phán ngay cho tao cái tên Bích Rô…”.
Tôi nhớ bạn mếu máo kết luận gốc tích của cái tên đó. Cả nhóm an ủi. Thôi thì Bích Rô vẫn được hơn nếu bị thay bằng Bích Chuồn hoặc Bích Cơ thì đúng là kinh khủng, nhất là chữ Cơ, chắc chắc không hên chút nào. Chúng tôi tiện miệng nói thế chứ chữ Cơ có nghĩa trái tim (Coeur) có gì mà không hên chứ.
Sau này lớn lên chúng tôi mới nhận ra “lợi thế” của cái tên độc nhất vô nhị này. Thầy Đạt dạy tiếng Pháp của trường đến Nha khảo thí xem trước danh sách học sinh trường mình đậu tú tài nhiều không. Chỉ nghe các thầy tại nha nói với nhau thí sinh Bích Rô có cơ may nhận học bổng du học, thầy biết ngay Bích Rô ở trường thầy. Tôi nhớ thầy hãnh diện thông báo trường mình có một học sinh được nhận học bổng là Bích Rô. Thầy tự tin như thế. Bích Rô học sinh giỏi của trường không thể lẫn vào đâu được như Bích Huệ, Bích Hà hay Bích Đào….
Video đang HOT
Ngày “bảng vàng đề tên” rõ ràng Bích Rô đậu cao nhất và nhận được học bổng. Giữa năm 1974 bạn ra đi rồi biệt tăm cho đến một ngày, facebook ra đời. Một lần lang thang trên Phây (facebook) tôi chú ý ngay cái tên Bích Rô lướt qua trang mình. Tôi “nhảy” vào gởi lời mời kết bạn và được chấp nhận ngay sau ít phút. Thì ra chính là Bích Rô của xóm cũ, của trường cũ ngày xưa. Bạn nói bạn cố tình lấy luôn tên Bích Rô để tìm gặp lại bạn bè, người thân ở Việt Nam. Rồi một ngày bạn quyết định quay trở về dù rằng bạn không còn người thân nào ở lại Việt Nam. Bạn tỉnh bơ nghe chúng tôi thắc mắc: “Ba mẹ, anh chị mình đã đoàn tụ cùng mình ở Úc nhưng mình còn bạn bè, còn hàng xóm cũ và còn cả mái trường cũ nữa chứ”.
Trường cũ đã được đổi tên nhưng vẫn còn là tòa nhà hai tầng khang trang rộng rãi. Hàng xóm người già đã lần lượt ra đi, đám trẻ ngày xưa đã qua tuổi Tri Thiên Mệnh và một số đã lên chức ông bà, một số vẫn còn “phòng không”.
Ngày về của Bích Rô đúng ngày đầu tiên của năm mới. Có gởi những bức hình mới nhất cho nhau nhưng rồi đứa nào cũng thắc mắc về nhau: “Mày mập hay mày ốm. Nhớ hồi xưa mày óm nhách à”. Hay là: “Mày còn ú nù như hồi trước không? Hai má còn lúm đồng tiền không?”
Mập ốm có thể thay đổi theo thời gian nhưng má lúm đồng tiền vẫn còn đó thôi. Cũng như tình bạn bè xóm giềng bao năm qua. Chúng tôi sẵn sàng cho Bích Rô một căn phòng trong ngôi nhà rộng thênh thang của mình. Bích Rô lại thích ở khách sạn để được thoải mái đi chơi mặc sức chuyện giặt giũ, lau dọn có người phục vụ. Tính bạn vẫn thế. Ít làm phiền ai.
Thời gian của năm cũ rút ngắn lại. Chúng tôi thật háo hức. Bốn mươi mốt năm rồi còn gì. Khi xa nhau cả bọn ở tuổi thanh xuân. Giờ tất cả đã trải nếm hết những buồn vui, những thành công hay thất bại, những nụ cười và nước mắt…của cuộc đời. Tuy vậy, trò chuyện cùng nhau qua thư điện tử hay điện thoại vẫn cứ tính tinh nghịch ngày xưa mà chọc phá. Tết mau đến đi nhé để chúng tôi mau chóng gặp nhau và thấy lại được một thứ tình bạn ấm áp của thời học trò hình như vẫn chưa qua lâu lắm.
Theo PNO
Con tim đã tin
Mùa đã đi qua, chỉ còn lại dư âm của những cơn gió đông, lâu lâu lại cứa vào lòng em đôi vệt nhớ, hằn lên những kỷ niệm ngỡ rằng đã lãng quên, lâu lâu lại ùa về khắc khoải.
Nhiều hơn một lần anh thủ thỉ với em trong những lần ta rẽ vạt gió lang thang, về dự định trong những ngày Tết sắp tới. Quen nhau đã hơn bốn năm, nhưng chưa một lần em diện kiến gia đình anh. Tết năm nay, anh muốn dẫn em về ra mắt, giới thiệu với mẹ cha và bà con họ hàng. Không dưng... em thấy tim mình bỗng ồn ào, âu lo và hồi hộp.
Xưa nay, tính em vẫn trầm lặng, ít nói, và cũng không khéo lấy lòng người khác. Huống hồ, trông em lại lùn, và nhỏ con, những vùng quê của anh, và của em, sẽ chẳng ai ưa mẫu người con gái như vậy. Em sợ... những ánh mắt tò mò và dò xét cứ hướng về phía mình. Sợ những lề thói và phong tục của những vùng quê mà lâu nay mình đã lãng quên. Nhưng... khi bàn tay nhẹ nhàng đan vào tay em và xiết chặt, anh không cười, nhưng ánh mắt đầy tin yêu. Lúc đó, em thấy mình trở nên mạnh mẽ. Không ít lần em học cách đối diện với nỗi sợ hãi từ anh.
Hình như, cuộc đời em, tuổi thơ em, gắn liền với nỗi sợ hãi. Ngay cả trong những giấc mơ, em cũng sợ. Có những khi, em không còn nhận ra mình đâu nữa. Cứ mê mải vo tròn mình và chui vào hốc tối, em sợ tiếng ồn và những âm thanh, sợ những mặt nạ mà con người vẫn thường đeo khi tiếp xúc với nhau. Đôi khi, em hụt hẫng, hoang mang vì không tìm đâu thấy sự chân thật giữa cuộc đời. Nhưng rồi, em đã học cách đối diện, học cách bao dung và yêu mến cuộc đời.
Quen nhau bốn năm trời, khoảng thời gian chưa đủ dài, nhưng cũng không quá ngắn để chúng ta hiểu nhau và kiểm chứng con tim mình. Có đôi lần giận hờn vô cớ, có những khi khóc vì tủi thân, nhưng em chưa một lần thấy hối hận vì đã quen anh. Và, hình như... em tin vào duyên phận. Bạn bè vẫn thường bảo, con gái mình, cần lắm một danh phận, dẫu chẳng biết để làm gì.
Em chưa bao giờ hoài nghi tình cảm của anh, chưa nghĩ tới một ngày nào đó, hai đứa sẽ rời xa nhau. Có thể em ngây thơ khi cố bám víu vào niềm tin vốn dĩ rất mong manh trong cuộc đời. Nhưng mà... em thà tin anh và tin con tim mình mù quáng, còn hơn sống với sự hoài nghi. Tình yêu, vốn dĩ được vun vén bằng sự sẻ chia và niềm tin nơi nhau. Một khi không còn tin nhau được nữa, thì có chăng chúng ta đang sống với sự ràng buộc và những tiếng thở dài. Em sợ...
Anh vẫn thường nắm chặt tay em và bảo rằng rồi mọi chuyện sẽ ổn. Anh vẫn tin rằng gia đình sẽ thích em, sẽ đối tốt với em, đơn giản vì họ quý người anh quý, họ yêu thương người mà anh yêu thương. Em nghe lòng mình ấm lại. Mùa này, ở quê mình lạnh lắm. Em mường tượng lúc chúng ta bước đi trên con đường làng, hai bên là những bông cải đã lên ngồng, vàng ươm như màu nắng. Những buổi sớm mai thấy sương chùng chình trước ngõ, bỗng thèm nắm một bàn tay, lặng im nghe mùi bánh chưng thơm lừng nếp mới. Mọi thứ, trở nên quá gần gũi và thân thương, như những tháng ngày tuổi thơ đã đi qua, vẫn còn vẹn nguyên vùng ký ức trong lòng.
Em nhận ra rằng, điều quan trọng hơn cả, là mình được sống thật, được là chính mình ở bất cứ nơi đâu. Là được nắm tay anh đi trên con đường làng ấy, để đoàn viên với gia đình trong những ngày Tết ở quê nhà, để nhìn thấy mọi thứ đều trở nên quá đỗi quen thuộc và thân thương khi ta kịp mở rộng lòng mình.
Mùa đã qua rồi, ta lại vội vã trở về với thương yêu... trở về với mùa hoa cải lên ngồng trong nắng mới.
Theo PNO
Xuân ấm Xe mới đi tầm vài chục phút thì có khách đón dọc đường nên vội tấp vào lề. Bước lên xe là một cô gái tầm 28, 29 tuổi, tay khệ nệ nào túi xách, nào giỏ quà Tết. Anh lơ xe đi như đạp vào dãy người ngồi ở giữa, dẫn cô gái đến cuối xe và chỉ dãy ghế cuối cùng,...