Ngày đoàn tụ ấm tình thân của cô dâu Việt
Sau nhiều năm biền biệt lấy chồng xa xứ, hàng trăm gia đình cô dâu Việt ở Đài Loan đã đáp chuyến bay về các tỉnh miền Tây đón Tết cổ truyền.
Vỡ òa cảm xúc cô dâu Việt về quê đón Tết
Sáng 26/1, chuyến bay đầu tiên mang số hiệu VN.6575 khởi hành từ Đài Bắc (Đài Loan) về TP.Cần Thơ (Việt Nam) chuyên chở 190 hành khách là vợ chồng, con cái của gia đình cô dâu Việt lấy chồng ngoại về quê đón Tết.
Thương con làm dâu xứ người
Ngay từ mờ sáng, khi màn sương còn giăng kín mặt đường, hàng trăm người thân của cô dâu Việt đã dồn về sân bay quốc tế Cần Thơ đón con, cháu từ Đài Loan về quê sau bao tháng ngày cách trở.
Sân bay Cần Thơ vốn dĩ vắng khách hôm nay đông đến lạ thường. Đêm qua, có rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ, anh chị em không thể ngủ tròn giấc vì nóng lòng ngóng tin con, cháu.
Có mặt tại sân bay từ rất sớm, ông Quý, ngụ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết, đêm qua cả gia đình không ngủ được, cứ nằm trằn trọc nhớ con. Hàng trăm người thân chờ đợi con cháu bước ra khỏi cửa an ninh sân bay.
“Chẳng thà chưa biết ngày con về, chứ biết là phải đến sân bay trước, chờ mới yên tâm. Gần 5 giờ sáng tôi đã có mặt tại Cần Thơ. Mấy lần trước con gái bay về TP.HCM, lần này bay về Cần Thơ gần hơn, ấy thế mà vẫn nóng lòng, nhớ con nôn nao” ông Quý chia sẻ tâm tư.
Tuy nhà gần sân bay nhưng ông Nguyễn Văn Hạnh (hơn 70 tuổi), ngụ ở P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ vẫn đến đợi con tại sân bay trước nhiều giờ liền.
Con gái ông Hạnh là chị Oanh, lấy chồng Đài Loan hơn 11 năm trước, hai vợ chồng có một cháu trai. Tết này, hai mẹ con chị Oanh về quê đón xuân cùng gia đình ngoại ở Cần Thơ, còn chồng không có điều kiện đành ở lại quê.
“Tôi già rồi, giờ chỉ mong con cháu quây quần vui xuân đón Tết. Nói thật phận con gái bất đắc dĩ phải đi làm dâu xứ người, chứ thương con lắm chú ơi ! Mang tiếng là lấy chồng ngoại, nhưng 3 năm nay, giờ nó mới về nhà thăm cha mẹ, con cháu được. Tiền bạc bao nhiêu cho vừa, thứ quan trọng nhất vẫn là tình cảm gia đình, thân tộc”ông Hạnh bùi ngùi trước khoảnh khắc đoàn viên.
Video đang HOT
Người thân chạy đến ôm chầm lấy cháu ngoại từ phương xa trở về.
Ông Hạnh kể, người con rể đã mấy lần về thăm bố mẹ vợ, nhưng ông vẫn không thể đọc và nhớ nổi cái tên của anh…May mắn là vợ chồng chị Oanh sống hạnh phúc, nên ông Hạnh cũng mừng.
Chúng tôi gặp Liễu, quê ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng lên sân bay đón bạn và nhận quà của chị gái ở Đài Loan gửi về.
Cô cho biết, người chị gái lấy chồng Đài Loan 14 năm, nhưng đến Tết năm nay mới có điều kiện mời cha bay sang Đài Bắc đón xuân cùng vợ chồng con cái…
“Ở xã em có nhiều người đi lấy chồng nước ngoài lắm, chỉ những chị em làm ăn được thì mới về quê hương, còn mới đi thì phải chấp nhận ở lại quê chồng đón Tết”Liễu cho biết
Ấm áp tình thân…
Mỗi độ Tết đến xuân về, nhiều người Việt đi làm ăn xa xứ đều hướng về quê hương đất mẹ, trong đó có những cô dâu Việt ở miền Tây – nhiều người “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng xa xứ mong được đổi đời…
Tết cổ truyền là dịp để gia đình lớn, nhỏ đoàn viên và hội ngộ sau những chuỗi ngày mòn mỏi, ngóng trông trong nhung nhớ.
Chị Danh Thúy Kiều chia sẻ với báo chí sau khi xuống sân bay.
Khoảnh khắc máy bay hạ cánh an toàn, là lúc những cô dâu xuất hiện với chiếc xe chất đầy hành lý, rảo bước thật nhanh, rồi thả lỏng, ôm chặt trong vòng tay yêu thương người thân.
Xa xa, có nhiều đứa trẻ í ới, vẫy tay, bi bô gọi ngoại từ xa, cô Ba, dì Tám, dì Út nhỏ… khi vừa bước ra khỏi cổng an ninh. Ai ai cũng bịn rịn. Phút cảm xúc, tình máu mủ ruột rà bật ra ngoài, họ không còn ái ngại mà chạy lại ôm chầm lấy nhau sau bao ngày xa cách. Những mệt nhọc sau chuyến bay dài dường như tan biến.
Mẹ con chị Danh Thúy Kiều (36 tuổi) vừa xuống sân bay tâm sự: 11 năm lấy chồng là 11 năm chị về quê đón Tết. Cậu con trai kháu khỉnh Dương Bách Quân (8 tuổi) đã biết phụ giúp mẹ đẩy xe hành lý ra ngoài cổng sân bay.
“Quê mình giờ có nhiều đổi thay, ăn Tết vui và ấm áp hơn nhiều ở xứ người. Chỉ có về quê mới tìm được hương vị của Tết cổ truyền, về quê còn là dịp để mình báo hiếu với cha mẹ và người thân sau một năm xa cách” – chị Kiều tâm sự.
Cũng theo chị Kiều, mẹ con chị nằm trong số may mắn được về quê đón Tết. Còn có rất nhiều chị em, vợ chồng không có điều kiện phải chấp nhận “cắn răng” ở lại quê người.
Riêng chị Trần Trúc Vinh, quê ở Hậu Giang, cho biết, chị là người may mắn, do thường xuyên đi về Việt Nam 2 – 3 lần/năm. Với 12 năm lấy chồng ở xứ người, vợ chồng chị đã có 2 người con. Thế nhưng, ý định trong tương lai gần của chị Vinh là về Việt Nam sinh sống và kinh doanh trên mảnh đất quê hương của mình.
“Chỉ về Việt Nam mình mới cảm nhận được không khí Tết, đơn giản thôi là đi chợ mua giỏ hoa, gói bánh về cúng ông bà tổ tiên. Về nhà quét dọn, lau nhà, nhìn thấy bố mẹ, anh em gói bánh, sắm sửa quần áo mới…đó mới thực sự là niềm vui sau một năm làm việc mệt nhọc” chị Vinh chia sẻ .
Trao đổi với PV.TS, ông Phạm Thanh Tâm – GĐ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cho biết, trong 3 ngày tới sẽ có thêm 3 chuyến bay từ Đài Loan về sân bay Cần Thơ. Mỗi chuyến có khoảng gần 200 hành khách là gia đình cô dâu Việt hồi hương đón Tết.
Quốc Huy
Theo_VietNamNet
Vụ ngồi tù 10 năm: Chưa khẳng định án oan!
Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là một điều rất khó..., điều này phải được xem xét khi bị can có yêu cầu, Viện kiểm sát xem xét, luật sư có yêu cầu thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được.
Vụ án tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang của ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra đã có Bản án hình sự phúc thẩm số 1241 ngày 27/7/2004. Sau khi xét xử gia đình ông Chấn và ông Chấn đã có đơn kêu oan vào những năm trước đây. Gần đây có xuất hiện việc là ngày 4/11/2013 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đã có Quyết định kháng nghị tái thẩm số 01 đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên thì bản án này được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị.
Tòa án nhân dân tối cao đã triệu tập phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm lại đối với bản án này và cũng căn cứ vào quy định của pháp luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của ngành Tòa án nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng hủy án điều tra lại. Hiện nay các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để Viện kiểm sát thực hiện việc điều tra lại. Tất nhiên Viện kiểm sát sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án.
Ông Nguyễn Thanh Chấn
Vấn đề đặt ra trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn được dư luận quan tâm là có oan sai hay không, có ép cung nhục hình hay không, trách nhiệm của các ngành như thế nào?. Theo Chánh án Trương Hòa Bình, trên thực tế do những nguyên nhân khác nhau cũng có để xảy ra oan sai, gần đây có dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là sai và có ép cung nhục hình.
"Chúng tôi nghĩ rằng về bình diện chung thực tế thì bất cứ một nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có nền pháp luật tiên tiến thì cũng không tránh khỏi có tình trạng oan sai và Việt Nam chúng ta cũng nằm trong thực tế đó. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan và oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được", ông Bình nói.
Cũng theo ông Trương Hòa Bình, việc xác định có oan sai hay không lại phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, còn dư luận thì đó là dư luận. Với dư luận những người có trách nhiệm đặc biệt phải quan tâm, phải xem xét, phải nghiên cứu, những lời kêu oan, những người có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Nếu để xảy ra oan sai là một nỗi khổ, phải bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do thân thể, quyền con người, quyền tự do của công dân, ảnh hưởng cả dòng tộc, cả gia đình của họ thì phải được xem xét giải quyết một cách kịp thời, khẩn trương, thấu đáo. Nhưng đồng thời phải đúng pháp luật, có oan hay không oan là theo quy định của pháp luật.
Phải chứng minh được việc ép cung, nhục hình
Trả lời về vấn đề có ép cung, nhục hình đối với ông Nguyễn Thanh Chấn hay không? Ông Trương Hòa Bình cho rằng, nếu có chúng tôi nghĩ rằng đó là điều cũng không thể chấp nhận được, nhưng nếu có cũng phải được chứng minh. Hiện nay tôi cũng được biết Bộ Công an cũng đang cho tiến hành kiểm điểm lại vụ việc này. Trong quá trình điều tra có sự tham gia của viện kiểm sát từ đầu kiểm sát cả việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra và viện có trách nhiệm truy tố vụ án trước pháp luật, thực hành quyền công tố. Tòa án xét xử thì viện kiểm sát cũng thực hiện quyền kiểm sát việc xét xử, trách nhiệm của điều tra nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó có trách nhiệm của viện kiểm sát. Luật sư cũng tham gia vào quá trình này, cũng có trách nhiệm là luật sư nếu có phát hiện ra có ép cung, nhục hình thì phải chứng minh.
Đối với tòa án thì các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì tòa án xét xử theo hồ sơ đảm bảo theo đúng pháp luật về tố tụng và nội dung.
Người đứng đầu ngành Tòa án cho rằng, việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, điều này phải được bị can có yêu cầu xem xét, Viện kiểm sát xem xét, luật sư có yêu cầu xem xét thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được. Cho nên với trách nhiệm của hội đồng xét xử dù không phát hiện được nếu có ép cung nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì vẫn có liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này, đòi hỏi phải nâng cao trình độ bản lĩnh của thẩm phán và cả thẩm tra viên, thư ký.
Trong quá trình nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ phải tinh thông, phải nhạy bén, phải bản lĩnh để phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố, điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của cán bộ công chức của ngành tòa án, đặc biệt các chức danh tư pháp, thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký đòi hỏi phải có tâm, phải "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" và đây cũng là vấn đề để không còn để xảy ra tình trạng oan sai, ép cung, nhục hình thì cũng là trách nhiệm của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án, ở đây là tôi nói nếu có. Còn trong trường hợp cụ thể này có hay không có thì sẽ còn phải chứng minh, chứ chúng ta không thể nói được ngay là có ép cung, điều đó là phải được chứng minh một cách rất chặt chẽ, chính xác, khách quan.
Tuy nhiên, ông Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh rằng, nếu có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải được xem xét theo trách nhiệm đối với vi phạm pháp luật hình sự về xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều đó là điều khẳng định, nhưng còn nếu không phải như thế thì chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng bởi vì đây còn liên quan đến tinh thần, ý chí, chí công đối với tội phạm. Nếu không khéo thì sẽ làm nhụt ý chí là chùn bước những người đang làm một nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, nguy hiểm cũng không thể được.
"Tất cả đều phải được xem xét cả hai mặt. Còn nếu thực sự có oan sai trong từng giai đoạn xét xử như tôi đã nói nó tùy theo từng giai đoạn, từng vụ việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nào. Về nguyên lý chung, nguyên tắc chung người đứng đầu cũng có trách nhiệm", ông Bình khẳng đinh.
Theo Tin mới/Vnmedia
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Báo chí phải xây dựng lòng tin, tạo đồng thuận trong xã hội" "Báo chí phải nói lên sự thật nhưng phải phục vụ lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Báo chí không chỉ đưa tin mà còn phải xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội" . Đây là ý kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đưa ra tại phiên thảo luận Quốc hội...