Ngày đầu tiên xét xử đại án tiêu cực tại OceanBank
Toà dành cả buổi sáng thẩm vấn lý lịch gần 50 bị cáo là cán bộ cấp cao, chủ chốt của OceanBank và công bố cáo trạng buộc tội.
Ngày 27/2, TAND Hà Nội khai mạc phiên sơ thẩm xét xử 46 bị cáo là cán bộ của OceanBank gồm: một chủ tịch HĐQT, một tổng giám đốc, 3 phó tổng giám đốc (người thứ 4 được tạm đình chỉ vụ án do mang trọng bệnh) cùng 39 giám đốc, 2 phó giám đốc các bộ phận với cáo buộc về 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
An ninh phiên tòa được thắt chặt ngay từ cổng vào.
Trong ngày 27/2, hơn 100 người được toà mời, triệu tập đã có mặt. Trong khoảng 20 ngày xét xử, toà dự kiến sẽ mời khoảng 500 người.
6 bị can nguyên là lãnh đạo cao cấp của Oceanbank bị tạm giam. Họ nghỉ trưa ngay tại toà để chờ phiên xử buổi chiều.
Bị cáo bị tạm giam Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc OceanBank, đi lại trong sự áp giải của cảnh sát.
Bà Nguyễn Minh Thu, cựu tổng giám đốc OceanBank.
Video đang HOT
Ông Thắm bị truy tố với 3 tội danh, đối mặt án phạt cao nhất tới 30 năm tù.
Ông Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng – VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) mang án phạt 30 năm tù trong một vụ đại án khác được triệu tập tới phiên tòa hôm nay với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Minh Phương, cựu phó tổng giám đốc Oceanbank. Đại diện VKS đề nghị đình chỉ điều tra với bị can này do mắc bệnh hiểm nghèo và được toà chấp nhận.
Chiều 27/2, đại diện VKS công bố cáo trạng, quy kết các bị cáo đã Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng khiến OceanBank thiệt hại gần 350 tỷ sau khi đối trừ một số tài sản đảm bảo; cố ý làm trái gây thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ quyền hại làm thiệt hại gần 70 tỷ đồng.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, các bị cáo rời toà bằng xe đặc chủng.
Ngày mai HĐXX tiếp tục làm việc.
Giang Huy – Việt Dũng
Theo VNE
Cựu chủ tịch OceanBank cùng 47 bị cáo hầu tòa
Ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank) bị cáo buộc "phá nát" ngân hàng với nhiều sai phạm về cho vay, lãi suất...
Ảnh minh họa
Phiên xử sơ thẩm mở tại TAND Hà Nội ngày 27/2 dự kiến diễn ra trong 20 ngày. Khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo và khoảng 500 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, ngoài cựu chủ tịch OceanBank, 47 người nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này cũng phải hầu toà. Những người này bị truy tố các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan công tố cáo buộc trong quá trình OceanBank hoạt động, nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra ở các khâu cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần; chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng.
Tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tái cơ cấu, sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, ông Hà Văn Thắm đặt vấn đề với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của ngân hàng Đại Tín - TrustBank) bán lại TrustBank cho mình.
Bà Phấn đồng ý với điều kiện ông Thắm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ hàng nghìn tỷ. Tiếp quản ngân hàng trên, ông Thắm phát hiện nhiều khoản dư nợ xấu, không có khả năng thu hồi nên nảy sinh ý định bán lại cho ông Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh.
Mua lại TrustBank, ông Danh đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng. Giữa tháng 11/2012, ông Thắm đồng ý cho ông Danh vay 500 tỷ đồng thông qua công ty Trung Dung mà không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo...
Cuối tháng 12/2012, được rót tiền, ông Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên tất toán để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Số tiền này đến nay không có khả năng thu hồi.
Theo cáo buộc, việc làm này của ông Thắm và cấp dưới Nguyễn Văn Hoàn (Phó tổng giám đốc) khiến OceanBank thiệt hại gần 350 tỷ sau khi đối trừ một số tài sản đảm bảo.
Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ
Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam được PVN giới thiệu và giữ chức Tổng giám đốc OceanBank.
Đầu năm 2009, ông Sơn đề nghị để huy động được vốn từ PVN, OceanBank phải chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi tiền gửi; bản thân ông Sơn được toàn quyền quyết định chi phí này. Tính toán khoản chi thêm trên dưới 1%/năm, ông Thắm đồng ý.
Để có tiền "chăm sóc khách hàng" theo yêu cầu, ông Thắm sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam của mình để ký hợp đồng làm dịch vụ với người vay vốn, nhằm thu phí. Thắm tuyển ông Phạm Hoàng Giang và giao chức tổng giám đốc công ty này, có nhiệm vụ ký các hợp đồng dịch vụ: thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản...
Đồng thời Thắm giao Phó tổng giám đốc Hoàn và cấp dưới khác thực hiện việc chi "chăm sóc khách hàng PVN" theo yêu cầu của Sơn. Theo cáo buộc, việc sử dụng công ty BSC ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống và một số hợp đồng khác được gần 70 tỷ đồng. Toàn bố khoản tiền này được đưa cho ông Sơn để "chăm sóc khách hàng" khiến Ocean Bank thiệt hại.
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Cuối năm 2010, ông Sơn chuyển sang làm phó Tổng giám đốc PVN nên giới thiệu bà Nguyễn Thị Minh Thu để đề bạt làm Tổng giám đốc OceanBank. Ông Thắm đồng ý và ra chủ trương về việc chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho khách hàng.
Chủ trương này không được ban hành thành văn bản mà do ông Thắm, bà Thu chỉ đạo miệng tại các cuộc họp. Quá trình thực hiện chủ trương, lãnh đạo phụ trách các khối nghiệp vụ cũng chỉ thông báo qua điện thoại, thư điện tử, chat trực tuyến cho chi nhánh...
Bà Lê Thị Thu Thủy (Phó tổng giám đốc) giao Ban kế toán lấy tiền thông qua các hình thức: tạm ứng thực hiện nghiệp vụ, chi thẳng từ tài khoản chi phí trả lãi...
Hành vi của ông Thắm, bà Thu cùng cấp phó Thuỷ và một số cán bộ khác đã khiến OceanBank thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, hành vi của ông Thắm, bà Thu, cấp phó Thuỷ và một số cán bộ không chỉ gây thiệt hại 1.600 tỷ đồng cho OceanBank, mà còn ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Ông Thắm, bà Thủy phải chịu trách nhiệm chính về số tiền gần 1.600 tỷ đồng và hơn 170 tỷ đồng sử dụng cá nhân. Riêng cựu Tổng giám đốc Thu phải chịu trách nhiệm với số tiền chi trái pháp luật gần 750 tỷ đồng (trong tổng số gần 1.600 tỷ đồng thiệt hại).
Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng bị di lý ra Hà Nội tham dự phiên xử với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ông Thắm và 47 bị can khác, cơ quan chức năng xác định một số cá nhân, tổ chức kinh tế có dấu hiệu tội phạm và tách để điều tra tiếp ở giai đoạn sau.
Theo tài liệu, từ năm 2011 đến năm 2014, hơn 51.000 cá nhân và hơn 390 tổ chức kinh tế gửi tiền và nhận các khoản chi ngoài lãi suất hợp đồng do OceanBank chi trả. Trong đó, phần lớn là nhóm khách hàng thuộc PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC.
Cảnh sát xác định có dấu hiệu móc ngoặc giữa nhóm khách hàng này với lãnh đạo, nhân viên OceanBank để nhận các khoản tiền lãi ngoài sổ sách kết toán, nhằm hưởng lợi bất chính.
Việt Dũng
Theo VNE
'Biển người' dự vụ đại án tiêu cực tại OceanBank Sáng sớm, hàng trăm người đã tới trụ sở TAND Hà Nội xếp hàng làm thủ tục tham dự phiên tòa xét xử Cựu chủ tịch OceanBank cùng 47 bị can. Từ 7h, TAND Hà Nội đã được thắt chặt an ninh. Hôm nay, tại phòng xử lớn nhất sẽ khai mạc phiên xét xử Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm cùng...