Ngày đầu tiên học sinh nghỉ học phòng chống dịch nCoV: Nhà trường, phụ huynh tìm cách ứng phó
Quyết định cho học sinh (HS) nghỉ học để phòng chống virus Corona (nCoV) vào tối 2/2 đã khiến nhiều phụ huynh không kịp trở tay. Các nhà trường cũng bị động nhưng sau đó đã họp bàn và có kế hoạch giao bài tập cho học sinh làm trong những ngày nghỉ học ở nhà.
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tại quận Thanh Xuân trước khi có thông báo nghỉ học. Ảnh: Phạm Hùng
Các con ở nhà tự trông nhau
Từ hôm qua (3/2), HS từ bậc mầm non đến THPT ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nghỉ học ở nhà để tránh dịch nCoV. Quyết định này được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ, bởi sức khỏe của các con là quan trọng nhất. Nhưng có không ít phụ huynh bị động, gặp khó khăn trong việc trông và quản lý con. Ngay khi nhận được thông tin HS Hà Nội được nghỉ học, chị Trần Thu Thủy ở khu chung cư Times City đã phải đôn đáo vào mạng tìm gia sư cho con. “Tôi đã thuê được gia sư đến nhà để kèm dạy con. Nói là để dạy kèm nhưng thực chất là trông con cho tôi đi làm. Để tránh bị lây nhiễm, tôi yêu cầu thầy đến nhà dạy phải đeo khẩu trang”.
Ngày 3/2, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 269 gửi các sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh do virus Corona. Theo đó yêu cầu, các đơn vị tổng hợp nhanh tình hình dịch bệnh tại các nhà trường, cơ sở giáo dục và khẩn trương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tạm thời nghỉ học và xây dựng kế hoạch học bù trong khung kế hoạch thời gian năm học, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình giáo dục.
Do thông báo cho HS nghỉ học để tránh dịch được phát ra quá gấp nên nhiều phụ huynh không kịp trở tay. Trong ngày đầu tiên HS nghỉ học, đã có những phụ huynh phải đưa con đến cơ quan, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thủy, ở quận Thanh Xuân, không sắp xếp được công việc kinh doanh để ở nhà trông con, chồng đi lái xe cho khách nên đành để con gái học lớp 9 chơi với em trai 5 tuổi. “Sáng nay, trước khi đi làm, tôi đã cắm nồi cơm và chuẩn bị sẵn thức ăn, buổi trưa các con tự lấy ra ăn. Tôi sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình các con ở nhà qua điện thoại. Vì thầy cô giáo chưa giao bài tập nên hôm nay tôi để cho con ở nhà chơi và xem tivi” – chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thụy Anh ở quận Tây Hồ cũng đành để 2 con (học lớp 5 và lớp 2) ở nhà tự trông nhau. Trước khi đi làm, vợ chồng chị Thùy Anh đã dán băng dính bịt kín các ổ điện ở trong nhà, kiểm tra các thiết bị điện tử, bình ga, chuẩn bị đồ ăn cả ngày.
Nhiều trường cho học sinh học và làm bài trực tuyến
Lãnh đạo nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã không chủ động được với quyết định cho HS nghỉ học, bởi vì hôm trước là ngày nghỉ. Nhưng ngay buổi sáng hôm sau, các trường đã tổ chức họp và bàn phương án phòng dịch, cũng như giao bài tập cho HS trong những ngày nghỉ. Bà Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm cho biết, 9 giờ sáng 3/2, trường tổ chức họp hướng dẫn giáo viên cách thức, thời gian cho HS ôn tập tại nhà. Ngay trong ngày, thầy cô đẩy các bài giảng E leaning lên trang web của trường và hướng dẫn các em tải bài giảng trực tuyến xuống để học. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn soạn nội dung tóm tắt các bài học kèm theo bài tập tuần này gửi cho giáo viên chủ nhiệm để chuyển đến phụ huynh. Tuần sau, HS đi học, thầy cô sẽ chấm lấy điểm kiểm tra miệng hoặc 15 phút nhằm nêu cao tinh thần tự giác học tập của các con.
Video đang HOT
Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cũng khai thác hệ thống CNTT trong việc hướng dẫn và giao bài tập cho HS làm tại nhà. “Chúng tôi có hệ thống CNTT Office 365 và trang web ôn luyện của HS theo các chủ đề. Mỗi HS có một tài khoản, giáo viên sẽ giao bài tập để các con chủ động bố trí thời gian học tập các môn cho hợp lý. Với cách học này, về mặt tiến độ nội dung chương trình vẫn đảm bảo. Thay vì hàng ngày đến học, bây giờ HS học tập tại nhà. Tất nhiên, cách học thế này cũng có hạn chế như khó khăn trong việc tương tác” – ông Hà Xuân Nhâm cho hay.
Hệ thống các trường ngoài công lập cũng rất chủ động trong việc hướng dẫn và giao bài tập ở nhà cho HS trong những ngày các em nghỉ ở nhà. Hiệu trưởng trường THCS & THPT Ban Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Khánh Chung cho biết: Các giáo viên xây dựng tài liệu tự học gửi cho HS và phụ huynh. Các tài liệu hỗ trợ được phân theo đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Nhà trường phân chia lớp thành các nhóm đối tượng, để xây dựng tài liệu học tập bổ trợ cá nhân hóa. HS sẽ học tập trên các trang website (Shub Classroom, Google Classroom). Nhà trường thiết kế 2 buổi livestream để toàn bộ HS theo dõi bài giảng của thầy, cô. Sau đó, HS nộp sản phẩm trên các lớp học trực tuyến và giáo viên sẽ đánh giá hiệu quả học tập trong tuần.
Ban lãnh đạo trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) chọn cách thông qua hệ thống hòm thư điện tử của trường, điện thoại thông minh, group các lớp để tổ chức ôn tập cho HS ở nhà. Theo đó, nhà trường tập trung vào những môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ bố trí thời lượng nhiều hơn cho việc ôn tập; ngoài ra là tổ chức ôn tập môn Lịch sử, Địa lí… HS lớp 9 được giáo viên giao các bài tập với những cấp độ khác nhau từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. “Chúng tôi giao bài tập theo từng ngày. Sau mỗi ngày, chúng tôi phối hợp cùng với cha mẹ HS sẽ gửi lại kết quả cho giáo viên chủ nhiệm qua group của các thầy cô” – Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Tuy rằng, đã hướng dẫn bài học và giao bài tập cho học sinh ở nhà nhưng các nhà trường mong muốn phụ huynh hợp tác quản lý con em mình, cũng như sự tự giác của HS thì mới đảm bảo kết quả, nhất là khi chưa thể biết được dịch nCoV sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Học sinh tăng cường tự học online
HS ở nhà cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nCoV đã được nhà trường phổ biến. Các em có thể học online bằng cách hỏi ý kiến thầy cô, tham khảo bạn bè; cộng với phụ huynh hướng dẫn các con tìm các nội dung, website, phần mềm để tự học online. Đây chính là các thức thiết thực, hiệu quả, an toàn. Về phía cha mẹ phải quản lý, hướng dẫn, giao thêm việc cho các con, để tránh tình trạng các con rảnh lại tụ tập bên ngoài hoặc sa đà vào tivi, điện thoại, chơi game. Nếu có thể, cha mẹ chính là những người thầy, người cô dạy cho con những kỹ năng, kiến thức cần thiết. Tăng cường học ngoại ngữ online trong thời gian nghỉ cũng rất tốt cho học sinh.
Ông Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai): Mỗi học sinh là một chiến sĩ nhỏ
Sáng 3/2, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp để triển khai các hoạt động về phòng chống dịch cũng như tổ chức rà soát các công việc của nhà trường. Theo đó, trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Corona, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên triển khai các giải pháp cụ thể. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh, mỗi em HS trong thời gian nghỉ là một chiến sĩ nhỏ để tuyên truyền cho bố mẹ biết về tình hình dịch bệnh để biết cách bảo vệ sức khỏe. Nhà trường cũng hướng dẫn HS tổng vệ sinh sát trùng ở nhà, đeo khẩu trang, tránh tụ tập, đến chỗ đông người.
Việc giao bài tập cho HS và chấm điểm trên mạng rất khó đối với điều kiện nhà trường nên trước mắt giáo viên giao cho các em ở nhà ôn tập, làm bài tập trong 3 ngày học vừa qua và xem bài mới chuẩn bị cho tuần học tới.
Theo kinhtedothi
'Nghỉ học vì dịch virus corona, con vui, cha mẹ đau đầu'
Để tránh tình trạng dịch virus corona diễn biến phức tạp khi học sinh đi học lại sau Tết, nhiều trường học quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần đợi tình hình ổn định.
Tối 2/2, được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học một tuần, từ ngày 3/2, đến hết ngày 9/2 để đối phó tình hình phức tạp của dịch virus corona gây bệnh viêm phổi cấp.
Theo lịch dự kiến trước đó, học sinh TP.HCM đến trường ngày 3/2. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp và đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh, sở đã xin ý kiến UBND TP.HCM và quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần.
Nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, học viện cũng cho học sinh, sinh viên kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ còn số ít trường vẫn cho học sinh đi học bình thường từ 3/2.
Trong thời gian nghỉ, các trường sẽ làm công tác vệ sinh phòng học, chuẩn bị phương án đối phó dịch.
Trên mạng xã hội, thông tin nhiều trường cho học sinh nghỉ thêm một tuần thu hút nhiều ý kiến bàn luận của dân mạng.
Nhiều trường học cho học sinh nghỉ thêm một tuần phòng tránh dịch corona. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tại nhiều diễn đàn, về phía học sinh, phần lớn đón nhận thông tin được nghỉ học khá tích cực vì còn tâm lý "ăn chơi" dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, một số học sinh cuối cấp tỏ ra lo lắng khi sợ ảnh hưởng tới chương trình học và kế hoạch ôn tập sắp tới. Bên cạnh đó, một số sinh viên có lịch thi trong tuần tới cũng băn khoăn về thời gian thi lại.
"Khoa mình có lịch thi hết môn trong tuần tới, nhưng giờ nghỉ thế này có lẽ phải đợi lịch xếp lại của nhà trường. Một số kế hoạch cá nhân của mình cũng bị ảnh hưởng vì lỡ lên lịch sau khi thi mất rồi", Quỳnh Trang, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, vì Trang cũng đang bị dị ứng, cô cho hay có thể nhân cơ hội này nghỉ ở nhà chữa bệnh mà không mất vào ngày phép đi học.
"Mình mong là tình hình dịch được kiểm soát nhanh chóng vì sau Tết là bọn mình bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp rồi. Được nghỉ nghe ban đầu có vẻ thích nhưng kéo theo đó là lịch học cũng bị ảnh hưởng nhiều", Hoàng Nhi, học sinh lớp 12 nói.
Việt Nam phát hiện 7 ca dương tính với virus corona. Ảnh: TK.
Về phía các phụ huynh, nhất là gia đình có con nhỏ, việc trẻ được nghỉ học tránh dịch phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
"Nhà mình có 2 cháu, một lớp 5, một mẫu giáo, giờ trường cả hai đứa đều cho nghỉ tránh dịch, hai vợ chồng phải gửi nhờ ông bà trông giúp để đi làm. Nghỉ học thì các con vui, cha mẹ lại đau đầu phết", chị Hoàng Thoa (Hà Nội) chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng yên tâm hơn khi con được nghỉ học ở nhà, tránh tới nơi đông người trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Bên cạnh việc các trường cho học sinh nghỉ học, nhiều địa phương trên cả nước cũng cho dừng hẳn các lễ hội dịp năm mới để phòng dịch lây lan.
Bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu năm 2020, dịch viêm phổi cấp do virus corona hiện lây lan nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện, nước ta ghi nhận có 7 ca mắc virus này.
Trong đó, 2 trường hợp người Trung Quốc (phát hiện ngày 23/1), 3 công nhân Việt trở về từ Vũ Hán, một nữ lễ tân ở Nha Trang và một nam Việt kiều Mỹ quá cảnh tại sân bay Vũ Hán 2 tiếng trước khi bay về Việt Nam.
Theo Zing
Hiệu trưởng trường Marie Curie cấp tốc ra thông báo nhằm ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh trước đại dịch virus Corona Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, trong hai ngày 30 và 31/1, đã có tới hơn 500 học sinh nghỉ học, phần lớn là do tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh khi có thông tin về đại dịch viêm phổi cấp. Kể từ khi Bộ Y tế chính thức thông báo về tình trạng lây nhiễm virus Corona tại Việt...