Ngày càng nhiều người ăn bám vào bố mẹ, sống bằng đồ ăn từ tủ lạnh và ngồi cả ngày để chơi game
Những anh chàng mà chúng ta cho là lười lao động này, họ chọn lối sống theo kiểu hưởng thụ trong mức cho phép, nghĩa là chỉ cần ngồi nhà chơi game thay vì đi làm kiếm tiền
Đã từ lâu, các bậc phụ huynh, thay vì coi game như một thú tiêu khiển giết thời gian giống như thể thao hay đọc sách, họ lại coi đây giống như một thứ phá hoại tương lai của con cái mình. Cũng cần nhắc lại một lần nữa rằng, cách nhìn của các bậc cha mẹ, những người sống ở thời kỳ cũ chưa chắc đã đúng hoàn toàn ở thế kỷ XXI, thời kỳ phồn thịnh của eSports và những công việc trên internet liên quan đến game và công nghệ. Thế nhưng họ cũng không hoàn toàn sai.
Có những cậu bé suốt ngày chỉ ngồi lỳ trước màn hình máy tính để thưởng thức game, giao tiếp với bạn bè cách đó cả trăm cây số, những người có khi còn chưa biết mặt nhưng ngày ngày vào game cùng nhau. Thay vì bỏ thời gian học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, game bỗng trở thành một thứ không thể tách rời khỏi cuộc sống. Nếu không go pro, trở thành những game thủ chuyên nghiệp kiếm sống từ chính kỹ năng chơi của bản thân, thì đây là một điều cực kỳ nguy hiểm.
Bất ngờ hơn cả, không chỉ ở Việt Nam, mà mới đây, tờ tạo chí 1842 của báo Economist đã đăng tải một phóng sự về câu chuyện của những con người trẻ tuổi tại Mỹ, những người không có công ăn việc làm nhưng vẫn dành cho game một phần thời gian cũng như tình cảm không hề lớn.
Trong 15 năm vừa qua, số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy, một con số không nhỏ giới trẻ đã và đang phải chịu cảnh thất nghiệp. Từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ lao động nam giới không có bằng đại học tụt từ 82% xuống 72%. Đáng báo động là trong năm 2015, khi có tới 1/5 số người thất nghiệp tại Mỹ cho biết họ không có một công việc nào trong suốt 12 tháng trời. Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại vấn đề, ngay cả ở Mỹ, việc những kẻ ăn bám bố mẹ ngồi chơi game suốt ngày đang khiến tỷ lệ thất nghiệp tại đất nước này tăng dần.
Nhưng không phải ai cũng tìm đến game vì không tìm được việc làm.
Thế hệ của những kẻ “ăn bám”
Phóng viên Ryan Avent bắt đầu với câu chuyện của anh chàng David Mullings. Sinh ra và lớn lên tại Jamaica, anh chuyển đến Mỹ để học đại học và thành lập công ty đầu tiên của mình, một công ty media trực tuyến để giúp người dân tại khu vực Caribbean tìm được khách hàng bán các sản phẩm nông sản tại các nước phương Tây. Năm 2013, anh cùng anh trai mình quyết định bỏ vốn mua lại 80% cổ phần của một công ty làm ứng dụng di động tại Tampa, Florida.
Chỉ một năm sau, tất cả sụp đổ, cuốn trôi cả hy vọng lẫn công sức của David…
Video đang HOT
Anh cố gắng mọi cách để hồi phục sau cú sốc. Một phần may mắn giúp David tìm được một công ty đầu tư tài chính cho phép anh kiếm được một khoản nho nhỏ để sinh sống. Nhưng rồi những cơn phiền muộn suy sụp tìm đến, khiến David phải tự hỏi bản thân mình, rằng liệu anh có chút giá trị gì với cuộc sống bên ngoài hay không. Và lúc ấy, anh tìm đến game.
Mỗi ngày, David ngồi chơi Destiny, tựa game online của Bungie hàng tiếng đồng hồ liền. Anh tìm thấy bản thân trong thế giới ảo muôn màu với hàng trăm nhiệm vụ giải cứu thế giới trong game, cùng bạn bè và những người xa lạ party với nhau. Anh chẳng còn thiết tha gì cuộc sống thực nữa mà thay vào đó là chìm đắm vào game.
Trong mắt tất cả mọi người, David Mullings là một trường hợp điển hình của việc mất kiểm soát bản thân và dẫn tới triệu chứng tâm lý phụ thuộc vào game. Những trò chơi điện tử không chỉ đơn thuần là những tác phẩm giải trí, mà nó còn có khả năng khiến người chơi rất dễ bị cuốn vào nếu như không có kinh nghiệm và lý trí để dứt khỏi thế giới ảo.
Trong khi đó đối với Chris, một trường hợp khác lại bị cuốn vào game theo một cách rất khác so với David. Trong mắt anh chàng này, công việc giống như một thứ trói chân cuộc sống của người trẻ tuổi. Nếu có tiền, anh sẽ đi du lịch, còn nếu không thì sẽ ở nhà chơi game đọc sách. Đáng tiếc thay, Chris có đi làm hay được thừa hưởng khoản tiền nào đâu mà đi du lịch. Hệ quả dẫn tới việc anh chàng 30 tuổi sống tại Ipswich này cả ngày chơi game.
Trước đó, anh làm việc như một lao động hợp đồng tại một bệnh viện. Chỉ khi có việc anh mới xắn tay áo lao động. Lần gần nhất anh làm việc là hồi tháng 07/2016. Công việc ngày càng khan hiếm và anh trở thành người thất nghiệp. Chris điên cuồng tìm đến Facebook và LinkedIn để kiếm việc làm thông qua các đơn vị tuyển trạch, rốt cuộc chỉ để cay đắng nhận ra, có quá nhiều người giỏi hơn anh, trẻ hơn anh mà vẫn còn đang thất nghiệp.
Và thế là Chris đến với thế giới game. Nhưng thay vì ngâm đầu vào màn hình, anh chơi mỗi game vài tiếng, rồi lại đọc sách. Nghe qua có vẻ hợp lý nhưng đừng quên Chris vẫn là một thanh niên 30 thất nghiệp. Anh có cô bạn gái ở California, mỗi năm gặp nhau được vài lần khi kỳ nghỉ đến. Thậm chí đến giờ phút này, anh chàng của chúng ta vẫn coi đó là lối sống lý tưởng thay vì vun vén và đầu tư cho tương lai.
Chơi game – Lối sống hưởng thụ kiểu ít tốn tiền?
Về cơ bản, người ta làm việc vì tiền. Có thể sẽ có người nói làm việc để đỡ buồn bực chân tay, để tìm ra lý tưởng cho cuộc sống hoặc đóng góp cho xã hội, nhưng tiền bạc luôn là lý do quan trọng bậc nhất. Giữa những cuồng quay cơm áo gạo tiền, đặc biệt là nuôi sống gia đình, tiết kiệm tiền mua nhà, lấy vợ, chăm sóc cha mẹ già luôn khiến nhiều người trẻ tuổi lao vào guồng quay ấy.
Nhưng với những người phương Tây, khi vẫn còn được hỗ trợ, thì cảm giác làm việc hết sức mình chỉ vì tiền bỗng thành thứ không đáng để cố gắng. Càng làm việc nhiều, thì thời gian để bạn tận hưởng cuộc sống, tìm những thứ xa xỉ hay hưởng thụ lại càng ít đi. Càng xa xỉ thì càng tốn tiền, và dĩ nhiên để chi trả cho chúng, bạn sẽ phải làm càng nhiều. Nó giống như một cái vòng luẩn quẩn vô hình mà ai cũng vướng phải.
Lý do mà chúng ta làm việc cũng giống như mọi người, điều này không cần bàn cãi, thế nhưng một số người chọn cách cố gắng “thêm một chút” để có được cuộc sống tiện nghi hơn: Thuê được nhà rộng hơn, mua xe, đi nghỉ mát, mua sách, quần áo, điện thoại, hay ở cương vị của chúng ta là để có thêm khoản tiền sắm một cỗ máy tính chơi game đẹp và khỏe hơn để khoe lên Facebook.
Và những anh chàng mà chúng ta cho là lười lao động này, họ chọn lối sống theo kiểu hưởng thụ trong mức cho phép, nghĩa là chỉ cần ngồi nhà chơi game trả tiền điện tiền internet và ăn uống tại nhà của bố mẹ đẻ, những người vẫn còn lao động để chu cấp cho con cái, những kẻ đáng lẽ ra đã phải tự đủ lông đủ cánh để ít nhất là lo được cho chính họ chứ chưa nói đến chuyện đỡ đần cha mẹ.
Theo GameK
Tôi đã giúp bố mẹ không còn nghĩ game là tệ nạn như thế nào
Các bậc phụ huynh thường coi game như một thứ tệ nạn. Và tôi đã làm mọi cách để khiến bố mẹ mình nghĩ theo một cách khác lạc quan hơn
"Mày học hành thì không chịu học, cứ suốt ngày đâm đầu vào game thì làm sao mà nên người được hả con? Cái đó có gì hay ho mà cứ chìm đắm mãi thế? Không lo học sau này mày bắt bố mẹ nuôi à? Chơi cái này mày không thấy tốn tiền à? Làm gì có cái chuyện người ta cho chúng mày chơi miễn phí?"
Các bạn đã thấy có điều gì quen thuộc chưa? Vâng, đó chính là những điều hai bậc phụ huynh của tôi trước đây từng nói rất nhiều mỗi khi tôi bắt đầu đặt chân vào "thế giới" Summoner's Rift vốn đã quá quen với những game thủ mê Liên Minh Huyền Thoại. Có thể điều tôi vừa nói hơi thừa thãi thì phải. Chẳng riêng gì Liên Minh Huyền Thoại, chỉ cần ngồi vào bàn, bật máy tính, chưa cần phải vào chơi game mà mới ngồi nhìn màn hình desktop, các bậc sinh thành của chúng ta đã có thể than phiền không ngừng nghỉ về việc chúng ta đáng lẽ ra phải ngồi học hoặc làm điều gì đó "có ích" hơn theo cách nhìn của họ.
Tôi không đổ lỗi cho bố mẹ. Những người đã có công sinh thành thường luôn đúng về nhiều mặt, vì đơn giản họ đã sống qua nhiều thời kỳ trước chúng ta, chẳng thiếu gì kinh nghiệm sống để truyền đạt lại cho con cho cháu. Thế nhưng một điều cũng cần phải nhắc lại, thời kỳ cha mẹ chúng ta còn đang cắp sách tới trường, tuyệt đối không thể có giải trí tương tác, hay nói đúng hơn là game như hiện nay. Họ chỉ có đánh khăng, bắn bi, thả diều, chơi chuyền... Những trò chơi bất tử theo năm tháng.
Chính vì thế thay vì việc ra ngoài chạy nhảy thể dục thể thao hoạt động cơ thể mà lại ngồi trước máy tính để nghiền ngẫm game, đối với các bậc phụ huynh, là một điều gì đó vừa không tốt cho sức khỏe, trí óc, mà còn phung phí thời gian và tiền bạc nữa.
Đã từng có khoảng thời gian, bố mẹ cấm tôi chơi game. Dĩ nhiên tôi không sợ đòn roi hay những lời cằn nhằn cáu gắt của bố mẹ. Và thậm chí tôi còn chẳng thèm chơi game vụng trộm. Ở cái tuổi nổi loạn, như những người bạn cùng trang lứa khác, tôi hoàn toàn có thể cãi lại cha mẹ vì họ không biết được thứ tôi đang chơi có ý nghĩa như thế nào đối với một cậu bé được làm quen với game kể từ lúc cắp sách tới trường, với những quán PS2 đá Winning Eleven, rồi đến thời kỳ những game PC và game online đổ bộ các quán game gần nhà.
Dĩ nhiên tôi buồn. Buồn không phải vì không được chơi, mà một phần không nhỏ lý do là vì bố mẹ coi game như một thứ tệ nạn, khiến con người ta ngu muội. Là một game thủ, chắc chắn các bạn sẽ không đồng ý và cho rằng bố mẹ tôi ngốc nghếch hay kém hiểu biết. Thưa với các bạn, họ có được chơi game đâu mà biết sức hút của nó.
Và như vậy là tôi buộc phải tìm một cách hoàn toàn khác thay vì hờn dỗi, phản đối bố mẹ bằng những cách phá phách hay không chịu học hành. Một người bạn lâu năm của bố mẹ tôi đã từng kể với tôi những câu chuyện mà ngay cả một đứa trẻ ham chơi hơn ham học như tôi còn thấy sợ hãi và không dám lơ là công việc trên trường lớp, vì thế chẳng có game nào xứng đáng để bạn hy sinh công việc và học tập cả.
Nhưng với Liên Minh Huyền Thoại, mọi chuyện khác hoàn toàn. Tôi dường như bị cuốn hút vào tựa game này. Nó vừa dễ vừa khó, không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng cá nhân mà còn phải phụ thuộc vào cả 4 người chơi cùng. Chưa từng có một tựa game nào tôi chơi qua lại thu hút như vậy, à dĩ nhiên là bỏ qua việc mấy cậu bé tập chơi toàn đánh Ad Carry rồi lên feed mạng cho đối thủ đúng phong cách máy ATM cho địch rút tiền.
Ấy là chưa kể những giải đấu ra mắt quanh năm, từ LCS cho tới giải vô địch thế giới khiến cho không ít game thủ phải thổn thức với những pha xử lý mà có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ tới. Và tôi đã quyết định... rủ bố thử xem game cùng. Một kế sách mà lúc đó bản thân tôi cũng chẳng dám nghĩ sẽ thành công, 5 ăn 5 thua đúng nghĩa đen.
Ban đầu tôi ngồi nói chuyện với bố. Ban đầu ông rất ngạc nhiên và vẫn có vẻ phản đối, vẫn coi đó là một thứ tệ nạn con trai mình cần phải tránh xa. Thế nhưng, trước đó tôi đã thử hỏi người bác mà tôi kể với các bạn ở trên, bác đã cho tôi nhiều lời khuyên rất hữu ích, ví như không được mất bình tĩnh trong lúc nói chuyện với cha mẹ, vì điều đó dễ khiến họ nổi nóng và dẫn tới tranh cãi không đáng có.
Tôi bật YouTube, giới thiệu với bố về LMHT, 1 clip giải game của người Hàn Quốc, và giới thiệu nó như một môn thể thao chẳng khác gì cầu lông và bóng đá, hai môn mà bố tôi thích thú nhất. Cũng phải mất khá lâu để thuyết phục, nhưng cuối cùng, ông cũng có vẻ như đã thỏa hiệp, và thậm chí còn chơi game cùng tôi nữa, sau khi được giới thiệu một game cờ tướng nơi ông có thể đấu với nhiều người trên mạng chứ không phải ra quán nước ngồi mỗi buổi chiều như trước.
Giờ đây họ không coi game là một tệ nạn như trước nữa. Có lẽ việc cho bố mẹ xem những bài viết về những báo cáo khoa học cho thấy chơi game có lợi cho trí óc và phản xạ con người đã có hiệu ứng tích cực.
Đương nhiên bố mẹ bắt tôi phải chơi game điều độ, không để game ảnh hưởng đến học tập. Trong một vài phút, khi những trận đấu xếp hạng còn đang mời gọi tôi cũng có quên mất lời hứa với bố mẹ. Nhưng ngay sau đó vì những gì đã thỏa thuận để được tiếp tục theo đuổi đam mê, công việc học vẫn phải được đảm bảo, từ những bài kiểm tra cho tới bài tập về nhà, dù sức học của tôi không tốt, nhưng điểm số vẫn phải khiến cho bố mẹ hài long và yên tâm phần nào.
Theo Gamek