“Ngày bố ra chiến trường, tôi lũn cũn đi theo hát ‘chồng đi vợ khóc’”
“Ngày bố đi chiến trường, tôi mới 5 tuổi, em thứ hai lẫm chẫm tập đi, em út còn ẵm ngửa. Chia tay bố mà tôi cứ lũn cũn theo lũ trẻ trong làng nghêu ngao: “ba lô con cóc – chồng đi vợ khóc – ở nhà hết thóc – lấy gì nuôi con”…” – Đại tá Nghiêm Xuân Khao có cha là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường trong thời kỳ đánh Mỹ, nghẹn ngào chia sẻ.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt tại Bộ Quốc phòng nhân dịp tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.
Sáng nay 19/7, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp mặt biểu dương đại biểu Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27//7/2017).
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt có Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và nhiều lãnh đạo các bộ ngành.
Tại buổi gặp mặt, đại diện gia đình có người cha hy sinh trong chiến trường chống Mỹ, Đại tá Nghiêm Xuân Khao (quê Hưng Hà, Thái Bình) – Trưởng phòng Dân vận Quân khu 3 – chia sẻ: “Ngày bố đi chiến trường, tôi mới 5 tuổi, em thứ hai lẫm chẫm tập đi, em út còn ẵm ngửa. Chia tay bố mà tôi cứ lũn cũn theo lũ trẻ trong làng nghêu ngao: “ba lô con cóc – chồng đi vợ khóc – ở nhà hết thóc – lấy gì nuôi con”…”.
Một người mẹ tới tham dự buổi gặp mặt.
“Trái tim non nớt của tôi đâu hiểu đó là lần cuối cùng anh em tôi được nhìn thấy bố. Đó cũng là ký ức duy nhất về bố trong tôi… Cũng từ ngày đó, mẹ tôi tần tảo sớm khuya thay chồng chăm mẹ, nuôi dạy các con và mong ngày đoàn viên hạnh phúc”, Đại tá Khao nghẹn ngào nhớ lại.
Đại tá Khao nhớ lại lời kể của những đồng đội cùng đi chiến đấu với bố ông: “Năm 1968, ở tuổi 35, mặc dù đang bị viêm dạ dày nhưng bố tôi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng Chạp năm 1970, khi đang vận chuyển lương thực cho đơn vị đón Tết Nguyên đán thì bố tôi bị địch phục kích, bắt giữ và tra tấn cho đến chết vì không chịu khai. 3 ngày sau, đồng đội và nhân dân mới tìm được thi hài của bố tôi và mang về mai táng tại xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam”.
Năm 2011, hài cốt người cha Đại tá Khao đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Cũng tại buổi gặp mặt sáng nay, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần…
Thượng tướng Lê Chiêm xúc động nói: Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã không tiếc tuổi xuân, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đã làm nên kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế kỷ 20.
Video đang HOT
Đến nay, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300 nghìn liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Hàng triệu người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; trong đó có hàng chục nghìn trẻ em bị di chứng tật nguyền…
Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, tặng quà tri ân đại diện gia đình người có công.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm biểu dương những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, gia đình có công đã có những đóng góp to lớn và đầy ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng quân đội; bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; hoan nghênh các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực hiện có hiệu quả, thiết thực công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Ghi nhận những thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định tặng Bằng khen cho 160 đại biểu và đề nghị Nhà nước khen thưởng cho 40 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Những câu chuyện xúc động ở Nghĩa trang liệt sĩ "lớn nhất nước"
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị là điểm đến thường xuyên đối với thân nhân và đồng đội tri ân các liệt sĩ. Hiện nghĩa trang này là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.200 mộ anh hùng, liệt sĩ, là con em từ các địa phương trong cả nước đã chiến đấu, hy sinh và nằm lại trên mảnh đất giàu truyền thống anh hùng.
Vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đã về Quảng Trị tri ân và dâng những nén tâm nhang tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tri ân liệt sĩ tại Quảng Trị
Tìm gặp người thân giữa vạn mộ phần
Đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 vào những ngày tháng Bảy, chúng tôi ghi nhận có rất đông người dân từ các địa phương trong nước trở về tri ân các liệt sĩ.
Bà Lê Thị Ngọc Huyền (Thái Bình) cho biết, 3 năm gần đây, năm nào bà cũng vào Quảng Trị dâng hương tri ân người thân là liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Bà Huyền nói rằng, được thắp nén nhang lên mộ người thân không chỉ thể hiện trách nhiệm mà trên hết là tình cảm với người đã khuất.
Tháng Bảy tri ân trên "đất thiêng" Quảng Trị
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - người có thâm niên gần 20 năm làm nhiệm vụ tại nghĩa trang này cho biết, được giao trọng trách phục vụ tại Nghĩa trang đối với ông là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, trách nhiệm với các liệt sĩ.
Quá trình làm việc tại nghĩa trang, ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Ông Ái không thể nhớ rõ đã bao nhiêu lần bản thân ông và những người làm nhiệm vụ tại nghĩa trang thấy nghẹn lòng trước những tình cảm của người sống với các liệt sĩ.
Ông Hồ Tất Ái - Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn kể lại nhiều câu chuyện xúc động, tâm linh mà ông từng chứng kiến
Đến bây giờ ông Ái chưa thể quên "cuộc gặp gỡ" đầy cảm động của một người phụ nữ quê ở Thanh Hóa và bác sĩ quân y người Quảng Trị, nhưng lại gặp giữa nghĩa trang khi người thương đã là liệt sĩ. Ông Ái nói rằng, đây là câu chuyện tình yêu đẹp trong rất nhiều chuyện ông chứng kiến.
Khi tình cảm giữa 2 người đang mặn nồng thì anh bác sĩ vào chiến trường. Trước khi đi anh trao lại các kỷ vật cho cô gái. Sau đó, anh hy sinh và được đưa vào an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Mãi đến năm 2004, người con gái ấy, nay đã già, mới vào thăm viếng, trao lại kỷ vật và khóc lóc vật vã bên mộ liệt sĩ.
Từng dòng người về Quảng Trị tri ân liệt sĩ những ngày tháng 7
Trường hợp người phụ nữ tên Xuân ở Hà Tĩnh, khi biết tin chồng hy sinh, bà ở vậy một lòng thờ chồng nuôi con. Hàng năm, vào các dịp lễ bà và con gái vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để viếng mộ chồng...
Rồi những câu chuyện mẹ vào thăm con, anh vào thăm em, cháu thăm bác... luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người quản trang lâu năm như ông Hồ Tất Ái.
Linh thiêng Trường Sơn!
Nhiều năm công tác ở nghĩa trang, làm nhiệm vụ chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hướng dẫn cho khách và thân nhân đến thăm viếng, những câu chuyện tâm linh xúc động mà chính ông và những người quản trang đã bắt gặp nhưng không thể lý giải nổi.
Ông nói rằng: "Người ta thường nói, chết là hết, nhưng tôi nghĩ chết chưa phải là hết, linh hồn vẫn sống mãi".
Cây bồ đề tỏa bóng mát bên tượng đài
Ông Hồ Tất Ái không tin vào những trò mê tín dị đoan, nhưng những câu chuyện tâm linh nghĩa tình tại Nghĩa trang Trường Sơn thì ông tin và trân trọng. Ông luôn xem đó là một phần trong công việc của mình, đó là nét văn hóa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ người đã khuất của người Việt Nam.
Ông Ái kể một câu chuyện: Sau khi nghĩa trang được xây dựng (1976), chuẩn bị khánh thành, mọi người phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau đài tưởng niệm. Thấy vậy, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã giao cho Ban quản trang chăm sóc cây cẩn thận.
Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn rất nhanh và chia thành 3 nhánh ôm lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm "Tổ quốc ghi công". Ba cạnh của Đài tưởng niệm tượng trưng cho 3 miền Bắc-Trung- Nam.
Hồ nước trước Nghĩa trang liệt sĩ QG Trường Sơn chưa bao giờ cạn
Tại Nghĩa trang Trường Sơn có một hồ nước bốn mùa trong vắt, không bao giờ cạn. Mặc dù khu vực nghĩa trang luôn là chỗ cao, mùa hè xung quanh đều cạn nước.
Được biết, hồ nước ở nghĩa trang được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ đạo cho Bộ đội Trường Sơn đào từ năm 1975-1976 với mục đích ban đầu là để trữ nước mưa và tạo cảnh quan cho nghĩa trang. Nhưng khi mới đào được gần 1,5m thì bất ngờ có một nguồn nước ngầm tuôn trào, trong vắt cho đến ngày nay...
Đăng Đức
(Còn nữa)
Theo Dantri
Vang mãi khúc tráng ca Việt - Lào Tối ngày 15/7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào (thị trấn Anh Sơn, Nghệ An) đã diễn ra chương trình Thắp nến tri ân "Khúc tráng ca Việt - Lào" - tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho nhiệm vụ quốc tế cao cả. Khúc tráng ca Việt - Lào Đây là một trong những hoạt động...