Ngày 8/3: Chồng tặng nguyên cái tát ‘rát má’
Trong khi chị em ríu rít khoe hoa, quà được chồng tặng thì em lại vùi đầu khóc nức nở cả đêm vì bị chồng thẳng tay tát vào mặt.
Chuyện là thế này, hôm 7/3, công ty em tổ chức kỷ niệm Ngày 8/3 cho các chị em. Kế hoạch là sáng làm việc bình thường rồi trưa đi liên hoan. Sau đó chiều công ty sẽ tổ chức thi nấu ăn giữa các tổ. Sau khi công bố kết quả mọi người sẽ dùng tiền thưởng đi ăn tối và đi hát karaoke.
Hằng ngày do nhà gần công ty nên em thường về buổi trưa để cho con ăn (con trai em được 9 tháng tuổi) và nấu ăn cho gia đình đến chiều lại đi làm. Từ tối 6/3, em đã thông báo với chồng. Em nói rõ cả năm có một ngày kỷ niệm nên trưa hôm sau em sẽ không về, mọi việc nhờ anh và bố mẹ chồng lo.
Sáng đó em đi làm nhưng từ 10h30 em đã xin về để nấu cháo và cho con ăn. 11h30 trưa, lúc chồng em về thì con đã ăn uống xong nhưng cơm trưa chưa nấu. Mẹ chồng em đi chơi chưa về còn bố chồng em thì chưa bao giờ nhấc tay động chân vào việc nhà. Em giao con cho chồng rồi phóng xe đi dù lúc đó đã muộn. Các chị ở công ty đã ngồi vào mâm và gọi điện cho em liên hồi.
Em ăn uống xong thì cùng mọi người quay về công ty để tổ chức thi thố. Em cũng phụ giúp các chị làm món dự thi. Đang làm thì có điện thoại của chồng gọi, lúc đó là 1h30. Em bảo với chồng “Vừa vào cuộc thi chưa làm được gì em đã về thì rất ngại”.
Chồng em không thông cảm còn giục giã với lý do con khóc, không chịu ngủ từ trưa đến giờ. Em tắt máy rồi nghĩ thầm: “Ở nhà có chồng, mẹ chồng (đã đi chơi về) và bố chồng chẳng lẽ một đứa bé 9 tháng cũng không ru ngủ được?”.
Video đang HOT
Nghĩ thế nhưng tầm nửa tiếng sau em cũng lóc cóc xách xe ra về. Lúc em vừa vào sân chồng em đã nhảy xổ ra rồi to tiếng. Anh ta hét lên: “Con nhỏ mà nghe chồng bảo con khóc lóc, không ngủ cũng ngồi đấy mà ăn được? Trưa nay tôi vừa một tay bế con vừa một tay nấu cơm đấy”.
Em hỏi bố chồng đâu sao anh không nhờ bế hộ thì anh ta gắt: “Con không chịu theo ông”. Em cũng to tiếng: “Nếu con không chịu để ông bế thì anh nhờ ông nấu cơm hoặc gọi bà nội về việc gì vợ mới đi mỗi trưa mà cả nhà nhao nhác lên”.
Cãi qua cãi lãi anh ta bất ngờ tát vào mặt em một cái như trời giáng. Em xoay xoay người đứng không vững ngã ngay trước cửa nhà. Vừa đau vừa uất hận em cũng vùng dậy giơ tay đánh bốp vào mặt anh ta. Anh ta đuổi theo em nhưng em chạy tót ra khỏi nhà. Lúc đó con khóc anh ta phải quay vào bế con nên không đuổi theo được.
Em đi lang thang ngoài đường vừa đi vừa khóc. Ngồi chán chê ở công viên gần nhà thì em cũng về. Thấy em anh ta vẫn sưng sỉa mặt mày, thay quần áo rồi phóng xe đi chơi.
Anh ta đi đến đêm khuya cũng chưa về. Cả tối đó lên facebook nhìn bạn bè khoe chuyện được chồng đưa đi ăn, đi chơi được tặng quà mà em bị chồng đánh, đến giờ một bên má vẫn bỏng rát.
Vừa nghĩ vừa khóc, em muốn gửi đơn ly hôn cho người chồng vừa vô tâm vừa vũ phu nhưng nhìn con nhỏ đang ngủ ngon lành em lại không cầm được nước mắt. Mọi người cho em lời khuyên, trong chuyện này em đúng hay sai ạ?
Theo Vietnamnet
Cái tát cho giọt nước tràn ly...
"... Biết khổ thế này ngày xưa đã không ngu dại lấy. Em xác định rồi chắc phải khi nào bố mẹ anh " xong" đời em mới hết khổ, mới hết gánh nặng, mà ngày ấy chắc cũng còn dài." Lời chị nói như giọt nước đắng tràn ly, trong cơn tức giận anh vung tay tát chị một cái.
Anh xuất thân từ gia đình nghèo khó, mẹ ốm đau triền miên, bao tiền bạc dồn hết vào thuốc thang, thăm khám. Thu nhập trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề xe ôm của bố, khách thất thường như mưa nắng. Thấm hiểu hoàn cảnh gia đình, nên anh luôn nghĩ phải có trách nhiệm lo toan cho bố mẹ và các em.
Chị con gái thành phố, gia đình không giàu nhưng khá giả, chưa biết đến vất vả lo toan. Ngày yêu nhau, anh chẳng giấu giếm chị hoàn cảnh gia đình. Anh từng bảo chị "Trách nhiệm của anh với gia đình rất lớn, lấy anh, em phải chịu thiệt thòi, cuộc sống trước mắt cũng nhiều khó khăn, em suy nghĩ kỹ, anh không muốn sau này em hối hận"
Lấy nhau, lương mỗi tháng anh trích ra một nửa gửi về quê, cả đời bố mẹ vất vả giờ là lúc anh muốn bố mẹ được thảnh thơi nghỉ ngơi tuổi già, chị chấp thuận. Ấy thế mà sau vài tháng, khi phải đối mặt với bài toán cơm áo, chị tỏ thái độ bực bội, thở dài bóng gió xa xôi, lương chẳng đáng bao còn chia năm sẻ bảy không quy chung về một mối.
Bóng gió xa xôi, anh im lặng, chị nói thẳng "Bố mẹ già rồi, ở quê ăn uống hết bao nhiêu, anh xem thế nào cân đối lại. Vợ chồng còn bao việc phải lo, tiền có phải vỏ hến đâu để phung phí. Các cô chú cũng phải sẻ chia trách nhiệm lo cho bố mẹ, không thể dồn hết lên vai vợ chồng mình được."
(Ảnh minh họa)
Chị than, bạn chị lấy chồng ở nhà tầng, xe hơi, còn chị lấy chồng thêm nặng gánh. Khi bố mẹ chị ngỏ ý giúp khoản tiền mua nhà, anh lưỡng lự không muốn mang tiếng nhờ nhà vợ, chị không hiểu mặt nặng mày nhẹ "Anh đừng sĩ diện hão, không nhờ bố mẹ vợ vậy anh định trông chờ vào ai, n hà anh chắc. Người ta lấy chồng nhờ nhà chồng nhưng nhà anh chỉ như tấm đá nặng đeo trên vai" Từng lời chị nói thật xa xót, anh không nghĩ chị đổi thay nhiều đến thế.
Em gái xây dựng gia đình, anh tính cho khoản nho nhỏ làm vốn, anh bảo chị " Ở quê kiếm được đồng tiền từ đồng ruộng cực nhọc lắm, chúng nó thiệt thòi hơn anh, phải bỏ học giữa chừng. Anh được học hành, công việc tốt hơn, có điều kiện hơn nên lo cho các em." Chị tấm tức khóc "Em đi kiếm tiền cũng cực nhọc, cũng mồ hôi. Anh có sống hết cả đời với cái trách nhiệm ấy được không, anh em nhất giả kiến phận, em lấy anh đâu phải lấy cả gia đình anh."
Hôm rồi, thằng út muốn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho vợ kiếm thêm ngoài lúc mùa màng, không có vốn hỏi vay anh mấy triệu. Biết tính chị, anh lẳng lặng giấu đưa cho em, chị biết, chiến tranh bùng nổ "Lũ em anh quen thói đục khoét, làm như nhà này là ngân hàng in tiền không bằng, tiền xin được tiêu sao chẳng dễ. Của chồng công vợ, anh định sống thế này thì ly hôn luôn đi, rảnh rang tay lo cho nhà anh" Biết mình sai, nên anh nín nhịn chị mong cho êm ấm cửa nhà.
Sắp mùa mưa bão, nhà ở quê thấm dột hết rồi, anh sợ không chống cự được qua mùa bão năm nay, anh rất muốn xây ngôi nhà mới cho bố mẹ đàng hoàng. Bố mẹ già rồi biết sống được bao lâu nữa, đợi dư dật tiền bạc mới hiếu thuận sợ lúc ấy chẳng kịp nữa rồi. Khi có khoản tiền thưởng dự án, anh liền chia sẻ với chị về ý định ấy, chưa nói hết câu chị đã gạt phắt đi "Thôi thì tùy anh, muốn làm sao thì làm, lo được gì thì lo, em thực sự mệt mỏi kiệt sức rồi. Biết khổ thế này ngày xưa đã không ngu dại lấy. Em xác định rồi chắc phải khi nào bố mẹ anh " xong" đời em mới hết khổ, mới hết gánh nặng, mà ngày ấy chắc cũng còn dài." Lời chị nói như giọt nước đắng tràn ly, trong cơn tức giận anh vung tay tát chị một cái.
Chị ôm mặt khóc "Anh đúng là thằng hèn, đời tôi lấy anh được bao ngày sung sướng, bao ngày thảnh thơi, anh đã lo được gì cho mẹ con tôi, hay chỉ làm khổ mẹ con tôi thôi. Anh thử nói xem nhà anh không phải là gánh nặng nợ thì là cái gì hả" Nói xong chị đóng sập cửa phòng, thu dọn quần áo, ôm con về ngoại.
Ở lại trong ngôi nhà trống vắng, anh thấy mình bất lực và cay đắng quá. Anh đã sai ở đâu, tại sao chị không hiểu cảm thông cho nỗi lòng của chồng, ai chẳng có quê hương gốc gác, có bố mẹ phải hiếu thuận tuổi già. Làm sao anh có thể sống làm ngơ, vô trách nhiệm với gia đình mình được. Anh phải làm gì cho chị hiểu, để cởi được nút thắt mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân của hai vợ chồng...
Theo Người Lao Động
Sau cái tát của chồng, tôi vùng dậy có màn đáp trả khiến anh hốt hoảng Anh lao đến, thẳng tay tát cho vợ một cái. Lần đầu tiên từ ngày lấy nhau anh đã đánh vợ. Một cái tát quá đau nhưng chị không ngồi đó ôm mặt khóc mà bật dậy ngay lập tức. Lấy nhau 5 năm anh nổi tiếng là người hiền lành tử tế. Vợ chồng sống với nhau cũng chưa hề xảy ra...