Ngày 8/10, TP.HCM sẽ có phương án đi lại với 4 tỉnh giáp ranh
Sở GTVT TP.HCM cho biết đã gửi văn bản đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh để thống nhất phương án đi lại của người dân.
Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố và trả lời các vấn đề người dân quan tâm.
TP.HCM có nhiều hiệu quả tích cực sau một tuần bình thường mới
Đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch của TP.HCM sau 1 tuần bình thường mới, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cở sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm; công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.
TP.HCM có 19 quận, huyện đề nghị công bố kiểm soát dịch
Trả lời câu hỏi thành phố có bao nhiêu đơn vị đã đề nghị công bố kiểm soát dịch, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết tính đến 6/10, TP đã có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.
Riêng quận Bình Tân và Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.
Nói rõ hơn, ông Hải cho hay ngày 4/10, TP ghi nhận có 16 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo Quyết định 3919, đến nay có thêm 3 đơn vị nữa là quận 4, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn.
Về vấn đề UBND quận 7 đề nghị UBND TP cho phép các cơ sở trên địa bàn được bán ăn tại chỗ có mâu thuẫn Chỉ thị 18 không, ông Hải cho rằng việc UBND quận 7 đề xuất, hỏi ý kiến UBND TP là đúng.
3 quận có tỷ lệ chi trả gói hỗ trợ cao nhất
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTBXH), thông tin về số liệu chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3. Theo đó, đến nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người. 3 quận có tỷ lệ chi trả cao nhất, đạt trên 90% là Phú Nhuận, quận 5 và quận 1.
Với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện, TP tại TP.HCM sẽ vượt trên 50% và sẽ hoàn thành nhiệm vụ chi trả. “Theo kế hoạch, đến 15/10, TP sẽ kết thúc chi trả đợt 3. Với tiến độ này, sở dự đoán sẽ hoàn thành tiến độ. Sáng nay, Sở LĐTBXH họp giao ban, đánh giá khó khăn trong chi trả đợt 3 để khắc phục”, ông Lâm cho biết.
Đầu tháng 1/2022, học sinh TP.HCM có thể trở lại trường
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở đang triển khai dạy và học trực tuyến. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ học trực tuyến khá cao, khối tiểu học trên 97%, THPT trên 99%. Khối tiểu học có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, với hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học ở các địa bàn tỉnh, thành phố khác.
Sở GD&ĐT nhận định còn nhiều khó khăn trong dạy và học vì với số lượng lớn, cùng lúc đăng nhập hệ thống khiến hệ thống bị tê liệt, thiết bị gặp khó khăn. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng khả năng phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong bối cảnh dịch này khó để cải thiện.
Cách dạy tại TP có khác so với các tỉnh thành. Việc dạy không chỉ có livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học với học sinh trong giờ học. Hiện, TP có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.
Sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong việc triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học trong 2 tuần đầu, việc tiếp nhận kiến thức đối với khối tiểu học khá tốt. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú nên đáp ứng được khá tốt.
Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch, học sinh quay trở lại, TP có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng. 10% số cơ sở được trả lại cho ngành giáo dục để khử khuẩn, phục hồi, dạy trở lại. “Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần, dự kiến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao và ngành giáo dục có khoảng một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở”, ông Hiếu nói và cho biết thành phố dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh TP.HCM có thể đồng loạt trở lại trường.
Sở GTVT TP.HCM đã giải quyết hơn 30% hồ sơ xin đi liên tỉnh
Chiều 6/10, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết cơ quan nhận được rất nhiều email của người dân xin di chuyển liên tỉnh. Để xử lý email thì phải xử lý thủ công (đọc, phân loại, xử lý).
Sở chia thành 2 nhánh – phân loại email và chuẩn bị công nghệ để phục vụ việc này.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.
Chiều ngày 6/10, sở chạy thử quy trình này trên app cổng thông tin điện tử của sở, kết quả cho thấy việc thực hiện hồ sơ nhanh hơn. Sở đã giải quyết hơn 30% số hồ sơ gửi tới.
Về việc lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, ông An cho biết phương án phụ thuộc vào các tỉnh. TP.HCM đã gửi văn bản đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh để thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị. Đến nay, sở đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý. Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện vaccine, xét nghiệm nên đến giờ này chưa thể thống nhất. “TP đang xây dựng phương án đi lại giữa TP.HCM và từng tỉnh cụ thể, dự kiến sẽ có phương án trong ngày 8/10″, ông An cho hay.
28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết có 28/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã mở lại, tập trung vào các quận như quận 5 (5 chợ ), Củ Chi (7 chợ), Cần Giờ (8 chợ)…
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.
Dự kiến ngày 8/10, 3 chợ sẽ tiếp tục được mở lại. Về nguồn hàng về chợ đầu mối, ông cho biết loại hình này chưa hoạt động trở lại nhưng có khu tập kết trung chuyển hàng đang hoạt động ổn định, nguồn hàng về TP.HCM tăng dần so với trước ngày 1/10.
Cụ thể, trước 1/10, TP có 800-900 tấn/ngày, nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày. Về khó khăn của các địa phương, ông cho biết Sở Công Thương chưa nhận được phản ánh về khó khăn trong mở lại chợ truyền thống. Các quận, huyện, TP đang khẩn trương rà soát để đảm bảo an toàn khi mở lại chợ cho người dân mua sắm.
TP.HCM duy trì tối thiểu 900 giường ICU trong bình thường mới
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện rút quân. Ngay từ khi lực lượng chi viện mới vào, TP.HCM đã chuẩn bị cho việc khi giãn dịch, các hoạt động đó sẽ ra sao. Hàng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban với các tầng để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện và từng cá thể tham gia.
Trong quá trình giao ban, các bên học tập lẫn nhau và có nhận thức cũng như tập huấn về việc chuyển tuyến giữa 3 tầng điều trị. Sự chuẩn bị thứ 2 là tập huấn và đào tạo. Toàn bộ nhân viên của ngành y tế khi tham gia điều trị Covid-19 đều được các bệnh viện tập huấn, đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận công việc khi các đội ngũ chi viện rút đi.
Bà Mai cho biết Sở Y tế và các sở, ngành đang tham mưu cho UBND TP.HCM theo hướng tái cấu trúc ngành y tế. Các bệnh viện cấp thành phố cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình. “Ngành y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống để đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở oxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế”, bà Mai cho biết.
Số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số
Ngày 6/10, TP.HCM có 1.205 bệnh nhân nhập viện và 2.740 bệnh nhân xuất viện, 92 trường hợp tử vong. Địa phương này đang điều trị cho 20.905 bệnh nhân, trong đó có 631 bệnh nhân nặng phải thở máy.
Từ 2/10 đến nay, số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số (trừ ngày 4/10). Ngày 2/10 – 79 ca; ngày 3/10 – 93 ca; ngày 5/10 – 88 ca; ngày 6/10 – 92 ca.
Từ 18h ngày 5/10 đến 18h ngày 6/10, TP.HCM đã lấy 60.627 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.436 mẫu đơn và 113 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 57.775 mẫu.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 6/10 là 7.013.921 mũi 1 và 4.951.439 mũi 2.
Từ 18h ngày 30/9, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế. Theo đó, TP.HCM cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại; trong đó, lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động.
TP.HCM tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Tính đến 6/10, TP.HCM ghi nhận gần 404.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đô thị lớn nhất cả nước từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.
Đề xuất 5 trường hợp được lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh lân cận
Công nhân, chuyên gia, người dân đi khám chữa bệnh, đến sân bay Tân Sơn Nhất đi nước ngoài giữa TP.HCM và 5 tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.
Người dân từ TP.HCM về quê trong đợt dịch cao điểm hồi tháng 8.2021. Ảnh KHẢ HÒA
Ngày 30.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã gửi dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu để 5 tỉnh nêu trên góp ý.
Cách đây 2 tuần, lãnh đạo 6 địa phương đã có buổi làm việc về liên kết vùng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; trong đó thống nhất việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhóm đối tượng lưu thông thường xuyên và phương án đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chưa kiểm soát hoàn toàn.
Theo dự thảo phương án, có 5 nhóm thường xuyên lưu thông gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; khám chữa bệnh và đưa đón đến sân bay Tân Sơn Nhất.
TP.HCM gỡ toàn bộ chốt kiểm soát nội thành, người dân được di chuyển liên quận từ 1.10
Tạo điều kiện đón người lao động vào TP.HCM làm việc
Thứ nhất là hoạt động vận tải hàng hoá, các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua thành phố thì không được dừng, đỗ trong suốt quá trình lưu thông qua thành phố, trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên xe.
Thứ hai là hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại phải đáp ứng 2 điều kiện: đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Người lao động từ các tỉnh về TP.HCM phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19. Ảnh TNO
Xe đưa rước công nhân phải là ô tô khách từ 10 chỗ trở lên; xe vận chuyển chuyên gia là ô tô đến 9 chỗ thuộc sở hữu của đơn vị, xe cá nhân của chuyên gia hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải.
Về tổ chức đi lại, các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối là Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức, các hiệp hội để đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gởi đến Sở GTVT làm thủ tục cấp giấy nhận diện.
Đối với chiều ngược lại, Sở GTVT tỉnh, thành phố cấp giấy nhận diện cho phương tiện của các đơn vị đưa đón công nhân, chuyên gia từ TP.HCM đến làm việc tại địa phương mình sau khi thống nhất phương án.
Tài xế điều khiển phương tiện phải thực hiện nghiêm nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến"; không được dừng, đỗ dọc đường, trừ trường hợp khẩn cấp; mang theo danh sách và kiểm soát chặt chẽ người đi xe.
Thứ ba, công chức, viên chức của các tổ chức chính trị xã hội, các sở ban ngành của các tỉnh, thành phố tham gia hoạt động công vụ trên địa bàn TP.HCM và ngược lại di chuyển bằng ô tô phải đáp ứng 3 điều kiện: tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và giấy tờ liên quan đến hoạt động công vụ như: thư mời, giấy giới thiệu của cơ quan.
Thứ tư, người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và đảm bảo một trong 2 điều kiện sau: giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP.HCM; hoặc xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh.
Giấy xác nhận cần thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Người dân có vé máy bay đi nước ngoài sẽ được tạo điều kiện di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh ĐỘC LẬP
Thứ năm, hoạt động đi đến sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại công văn số 8272 ngày 11.8 và công văn số 8573 ngày 18.8 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.
Sau ngày 30.9, TP.HCM tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại khu vực cửa ngõ thành phố. Lực lượng chức năng sẽ kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa và xe đưa rước công nhân, chuyên gia thông qua giấy nhận diện (có mã QR) qua khai báo trên địa chỉ vantai.drvn.gov.vn hoặc mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).
TP.HCM từ ngày 1.10: Những điều người dân cần lưu ý
TP HCM chưa thống nhất phương án đi lại với 4 tỉnh lân cận TP HCM đang hoàn thiện kế hoạch đi lại với từng tỉnh lân cận do các địa phương không thể thống nhất với phương án chung trước đó thành phố đề xuất, lấy ý kiến. Thông tin được ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM nói tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công...